Tháng Giêng lên chùa cầu an

Tháng Giêng lên chùa cầu an
Giác Ngộ - Rằm tháng Giêng hay còn gọi là lễ Thượng nguơn, ngày này mọi người đến chùa thắp hương tỏ lòng thành kính và bày tỏ ước nguyện gia đình nhiều sức khỏe, mọi sự được hanh thông... Tết Nguyên tiêu đối với người Hoa ở Chợ Lớn lại là lễ hội văn hóa tâm linh với nhiều hoạt động mang bản sắc cộng đồng...

Không gian Tết Nguyên tiêu

Người Hoa khu vực Chợ Lớn theo thông lệ, tại gia đình bày trang trọng bàn thờ cúng Phật, Quan Công cầu phúc cho mình và gia đình. Những khu vực người Hoa sinh sống trang hoàng nhiều lồng đèn rực rỡ trên các ngõ nhỏ và đường phố đông đúc. Sắc đỏ của lồng đèn hình trái bí, hình kéo quân trên những khu nhà, góc phố đã tạo nên một sức sống đặc trưng mới đầy niềm vui, phấn khởi. Một số hội quán bày bàn trà và mời mọi người thưởng thức nghệ thuật ẩm trà với nhiều lời chúc phúc gởi cho nhau. Hoạt động thường niên của Trung tâm Văn hóa Q.5 cũng rực rỡ sắc màu trong ngày Tết Nguyên tiêu với triển lãm thư pháp, trò chơi đố đèn, các trò chơi dân gian như chơi ô quan, tái hiện múa Quan Công, các ông Phúc, Lộc, Thọ chúc phúc, múa lân sư rồng, ca múa nhạc của các đoàn nghệ thuật Quảng Đông, Triều Châu với các tuồng tích dân gian đến từ các tỉnh thành và TP.HCM.

Các chùa Hội quán người Hoa có hàng ngàn người đến viếng, thắp hương cầu phúc. Trong khi đó, chùa Ngọc Hoàng (Phước Hải, Q.1), chùa duy nhất thờ Ngọc Hoàng thượng đế thì lúc nào cũng trong tình trạng quá tải. Ngôi chùa cổ khoảng 200 tuổi đầy linh thiêng này trở thành địa điểm khá hấp dẫn đối với du khách, người dân trong dịp Tết và lễ rằm tháng Giêng. Theo ghi nhận của chúng tôi, rằm năm nay nhiều Ban quản lý các ngôi chùa người Hoa đã sắp xếp người để đứng ở cổng ra vào biếu một thẻ nhang (người viếng không được đem từ bên ngoài vào). Điều này nhằm bảo đảm sức khỏe người viếng chùa, hạn chế việc mồi chài mua bán trước cổng chùa và bảo đảm chùa không bị "bà hỏa viếng thăm".

Chị A Lý (Q.5) cho biết: Lễ Nguyên tiêu hay rằm tháng Giêng được người Hoa xem trọng và không thể không đến viếng các ngôi chùa. Tôi và mọi người đến chùa thắp hương lên Phật cầu mua may bán đắt, sức khỏe, tài lộc và "mượn vốn" về làm ăn. Dịp này, mọi người cũng đổ xô đến đền thờ Quan Công, lắc chuông may mắn, đốt một ít đồ vàng mã gởi xuống cho ông bà. Thực hiện được hầu hết các tâm niệm như vậy thì tôi mới yên lòng, phủi sạch hết mọi sự xui rủi và bắt đầu một năm mới đầy hanh thông.

Theo thông lệ, Ban quản trị các hội quán người Hoa TP.HCM cũng tổ chức bán đấu giá lồng đèn may mắn, những chiếc lồng đèn kéo quân được đấu giá với mục đích góp quỹ từ thiện, giúp học bổng cho học sinh nghèo. Người nào may mắn trúng đèn thì xem đó như là lộc của chùa được đem về nhà như là điều may mắn cho cả năm. Ngoài ra, các hội quán người Hoa cũng là trung tâm của văn hóa cộng đồng giúp mọi người tìm hiểu về các giá trị nghệ thuật. Tuồng cổ Triều Châu, Phúc Kiến, Quảng Đông… cũng là một loại hình biểu diễn nghệ thuật đặc sắc được người Hoa giữ gìn và tái hiện lại các tuồng tích gắn liền với các sinh hoạt tín ngưỡng dân gian suốt một tuần trong lễ hội rằm Nguyên tiêu. Người Hoa tại TP.HCM thường không thể bỏ qua những đêm hội tuồng cổ, ở đó gợi nhớ về tổ tiên và để con cháu tiếp cận những giá trị văn hóa tâm linh qua nghệ thuật truyền thống của cha ông. Nhưng, điều quan trọng trong tuần lễ tết thượng nguơn là một không gian lễ hội tâm linh để mọi người có thể hòa mình vào không gian lễ hội với một tâm thái hết sức hồ hởi, đầy lạc quan và tin yêu.

Đến chùa làm điều phước thiện

Nếu bỏ qua những cảnh còn bộn bề tại các chùa TP.HCM như cảnh lộn xộn buôn bán nhang đèn, sách bói toán trước cổng chùa, ăn xin "ăn dầm nằm dề"…làm mất mỹ quan ở một số ngôi chùa thì năm nay Phật tử đến chùa thắp hương khá đông. Một số chùa như Vĩnh Nghiêm, Xá Lợi, Bát Bửu Phật Đài, Ấn Quang, Huệ Nghiêm, Phổ Quang… rất đông người đến viếng, chùa cũng chủ động có những thời khóa phù hợp giúp Phật tử dâng hương cầu an được thuận lợi, bên cạnh đó chùa cũng bố trí người canh tại các đỉnh hương để bảo đảm sức khỏe cho người viếng và bảo đảm cháy nổ không xảy ra. Rằm tháng Giêng năm nay, nhiều ngôi chùa không tổ chức cúng sao giải hạn thay vào đó, mọi người được nhà chùa hướng dẫn các hoạt động văn hóa tâm linh khác như truyền Tam quy Ngũ giới, đăng ký cầu an cho mình, gia đình, tổ chức các đàn tràng Dược Sư thất châu, phóng sanh, cúng dường thập tự hoặc hướng tâm mình đến những hoàn cảnh đáng thương để biết làm việc phước thiện. Theo ghi nhận của chúng tôi, năm nay các chùa thay vì cúng sao giải hạn đã chủ động có những sinh hoạt tâm linh bổ ích giúp người Phật tử sơ cơ, người dân hiểu hơn về giá trị tinh thần cốt lõi của đạo Phật, hạn chế mê tín dị đoan qua những việc làm hữu ích cho bản thân và xã hội.

Sư cô Huệ Dâng, trụ trì chùa Long Phước (Q.Bình Thạnh) cho biết, lễ rằm tháng Giêng năm nay Phật tử đến chùa thắp hương, cầu an cho năm mới đông hơn. Chùa đã tổ chức đàn Dược Sư thất châu với 500 Phật tử dự đàn và thắp 1.500 ngọn đèn Dược Sư hướng thân tâm đến niềm tin Phật pháp, cầu nguyện sức khỏe an lành, tai nạn được tiêu trừ. Phật tử cũng phóng sinh 500kg cá nhằm trưởng dưỡng lòng từ bi. Truyền thống hàng năm của chùa Long Phước không cúng sao giải hạn mà lập đàn Dược Sư cầu an hướng tâm Phật tử đến lòng từ bi, biết làm việc phước thiện để chia sẻ với những mảnh đời khó khăn kém may mắn hơn.

Nhiều chùa tại TP.HCM năm nay tổ chức lễ tụng kinh cầu an cho số đông Phật tử, cúng dường hoặc góp nhau phóng sinh, làm từ thiện thay vì cúng sao giải hạn. Cũng hướng đến tinh thần này, TT.Thích Chơn Nguyên, Thiền viện Vạn Hạnh (Q.Phú Nhuận) tổ chức cho 500 Phật tử đến cúng dường 10 tự viện tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu trong dịp rằm tháng Giêng. Thầy cho biết: "Thay vì cúng sao giải hạn, Phật tử chọn cúng dường thập tự dâng hương cầu an, hướng đến niềm tin Phật pháp để thân tâm được thanh tịnh, nhẹ nhàng. Nhờ đó, duyên lành và điều tốt đẹp cũng sẽ đến".

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày