Thành Chương và đề án 7 sự kiện cho 1000 năm Thăng Long

Thành Chương và đề án 7 sự kiện cho 1000 năm Thăng Long
Đã nhiều năm nay, họa sỹ Thành Chương dành hết tiền của, thời gian và sự sáng tạo để hoàn thành những công trình quan trọng cuối cùng của Việt phủ Thành Chương cho Lễ hội 1000 năm Thăng Long. Ông đã dựng một kịch bản bao gồm 7 sự kiện đặc biệt cho những ngày tháng đặc biệt ấy…

Việt phủ Thành Chương là một công trình văn hóa độc đáo, là tâm huyết của một nghệ sĩ luôn đắm đuối sưu tầm, lượm lặt tất cả những di sản văn hoá cổ xưa trong suốt một thời gian dài không ngưng nghỉ. Cho đến nay, không gian văn hóa Việt phủ Thành Chương đã trở thành một “miền đất” chứa đựng tinh thần Việt. Vì lẽ đó, mà ngày ngày, biết bao người đã tìm về “miền đất” này để đi qua những ngôi nhà, những bức tượng, những đồ gốm sứ, những cái cây… để tìm lại những điều thiêng liêng và những vẻ đẹp của tổ tiên ông cha mình. Và Việt phủ Thành Chương đã chính thức được thành phố Hà Nội công nhận và được coi là điểm đến của Đại lễ 1000 năm Thăng Long và Năm Du lịch Quốc gia 2010.

Trong Việt phủ Thành Chương có lưu giữ một bức tranh rất nhỏ Thành Chương vẽ năm sáu tuổi. Bức tranh đó như là biển chỉ đường đầu tiên trong tâm hồn ông. Nó dẫn ông đến Việt phủ bây giờ. Đó là bức tranh ông vẽ cái cổng phụ của Văn Miếu. Họa sỹ Thành Chương nói ông là một người lưu giữ lại cái cổng phụ Văn Miếu một cách chính xác bằng hội họa của mình. Bây giờ, cái cổng này đã bị người ta sửa lại và không còn như xưa nữa. Từ bức tranh cổng phụ Văn Miếu đó, ông đã đi suốt hơn 50 năm vừa sưu tầm vừa tìm kiếm một mô hình không gian sống để lưu giữ tất cả những giá trị văn hoá, nghệ thuật truyền thống của cha ông, những gì mình đã yêu mến, đắm đuối từ nhỏ. Với mong muốn được quảng bá nó cho bạn bè trong nước cũng như bạn bè Quốc tế hiểu được những giá trị tinh hoa của nền văn hoá dân tộc Việt.

Ý tưởng đó có lúc tưởng như đã đi vào bế tắc, hết năm này sang năm khác ông vẫn không thể tạo dựng được một hình hài cái mô hình để thực hiện nó. Khi chỉ còn cách thềm của Đại lễ khoảng chục năm về trước, ông cùng rất nhiều người tiếng tăm, hiểu biết khác đã được ngành văn hóa Hà Nội mời đến để tư vấn cho ngày Đại lễ. Là hoạ sỹ, ông đã luôn suy nghĩ phải có một tác phẩm nghệ thuật để đóng góp cho Thành phố, nhưng nếu chỉ là một bức tranh sơn mài  hay một bức tranh sơn dầu có giá trị... thì quá đơn giản.

Với niềm say mê những giá trị cổ xưa từ nhỏ, cộng với niềm khao khát, mong muốn được lưu giữ và quảng bá những giá trị văn hoá của dân tộc với bạn bè Quốc tế đã thôi thúc ông phải có một tác phẩm độc đáo, tạo được dấu ấn và có giá trị đến nhiều đời sau.  Và Việt phủ chính là tác phẩm nghệ thuật lớn của đời ông. Ông đã dồn hết tâm huyết dày công sáng tạo, xây dựng lên nó. Ông tâm sự: “Tôi luôn trăn trở, khi Việt Nam bị Pháp đô hộ gần 100 năm, 1000 năm Trung Quốc đô hộ, chắc chắn văn hóa nó phải bị ảnh hưởng, 1000 năm kinh khủng lắm. Vậy thì những giá trị Việt, tinh thần Việt, văn hóa Việt liệu có còn không? Và cái gì làm nên nét đặc trưng của văn hóa Việt? "Nước Việt mình cội nguồn là một nước bé và nghèo. Bé thì không thể làm nên cái hùng vĩ, kỳ vĩ. Nghèo thì không thể làm cái xa xỉ, tỉ mỉ, tinh tế, hoàn hảo được. Người Việt sống trên đất Việt sẽ làm nên tinh thần Việt và văn hoá Việt".

Mà cái nét dân gian đó chính là những tâm hồn, tình cảm, những nguyện vọng, những bàn tay, khối óc của người nông dân Việt Nam. Chính những làng quê Việt Nam và những người nông dân đó đã giữ gìn, bảo tồn, duy trì nghệ thuật văn hóa dân gian cho đến tận bây giờ. Nền văn hóa đang được giữ gìn đó và cả nền văn hoá thủ đô của ta bây giờ cũng chính là khởi nguồn từ cái nền văn hóa đó. Cái nghìn năm chúng ta còn lại cũng chính là nền văn hoá dân gian đó. Vậy thì, Việt phủ phải là một công trình làm được điều đó, giữ được những cái đặc trưng đó.

Một góc Việt phủ. Ảnh: VOV
Một góc Việt phủ. Ảnh: VOV

Việt phủ được xây dựng từ năm 2001, và đến năm 2003 thì gần như đã hoàn thành. Đây được coi là một bảo tàng sống nhằm lưu giữ, tôn vinh giới thiệu, quảng bá những giá trị văn hóa của Việt Nam cho du khách thăm quan trong và ngoài nước hiểu được về bề dày giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam. Từ khi Việt phủ mở cửa đón khách, nó đã được coi là một công trình độc đáo và có nhiều ảnh hưởng, nhiều giá trị thiết thực, được thành phố và xã hội quan tâm ủng hộ.

Đối với ông, Việt phủ là một tác phẩm nghệ thuật mà đã là một tác phẩm thì không cần quan tâm đến thời gian, công sức, tiền của. Suốt bao năm qua, ông vẫn miệt mài để hoàn thiện, để tạo ra một tác phẩm tâm huyết nhất. Để làm được điều đó, cần đến rất nhiều kinh phí. Và nếu nói về giá trị vật chất thì nó là của cá nhân, nó thuộc về tư gia nhưng về giá trị tinh thần nó lại thuộc về xã hội. Bởi ông hiểu sâu xa rằng mỗi một cổ vật hiện đang có trong Việt phủ là do cá nhân những người Việt từ ngàn đời nay trong cuộc sống thường nhật của họ. Và tất cả những cá nhân đó đã làm lên lịch sử và làm nên văn hóa của xứ sở này. Các cơ quan quản lý văn hóa của thành phố đã hiểu điều đó và đang tìm mọi cách để hỗ trợ Việt phủ trong việc quảng bá hình ảnh, tiến hành các hoạt động và thực hiện những sự kiện tham gia Đại lễ của Việt phủ.

Họa sỹ Thành Chương mơ ước có kinh phí để thực hiện những sự kiện mà ông ấp ủ trong dịp Đại lễ 1000 năm Thăng long. Ông muốn, tại Việt phủ, một phần văn hóa gần gũi thân thuộc với đời sống tâm linh con người Việt kết tinh từ hàng ngàn năm nay được hiện lên trong một đời sống đương đại. Và ông gọi đó là Ngày của ngàn năm. Đây là một cách gọi về những gì sẽ được thể hiện trong một ngày ở Việt phủ nhưng nó dựng lên tinh thần của đời sống và văn hóa trong 100 hay 1000 năm qua trên mảnh đất văn vật này. Nhưng do một vài lý do khách quan mà ông chưa thể thực hiện được trọn vẹn 7 sự kiện mang tên Ngày của Trăm năm ấy mà chỉ còn 3 sự kiện sẽ được thực hiện. Đó là : Những di sản sống, Dạ tiệc Thăng Long và Sự kỳ diệu của nước.

Gờ đây, họa sỹ Thành Chương bận rộn với hàng trăm đầu việc để có thể thực hiện được 3 sự kiện trên. Vấn đề khó khăn nhất của ông là làm sao có thể tìm được nguồn tài chính để hiện thực hóa giấc mơ này. Có lúc, ông ao ước giá như ông có đủ số tiền để được đắm mình vào trong sự sáng tạo mới này như ông đã đắm mình trong biết bao năm với những đồng tiền ông có được từ sự lao động sáng tạo như khổ sai của ông để dựng lên Việt phủ mà du khách nào đã đặt chân đến đó không thể không thốt lên hoặc lặng người kinh ngạc và tự hỏi: Tình yêu của chủ nhân Việt phủ Thành Chương mạnh mẽ đến như thế nào mà ông có thể làm lên một công trình như vậy.

ĐỀ ÁN LỄ HỘI

"ngày của ngàn năm"

(Phác thảo đề án 7 sự kiện văn hoá nghệ thuật kỷ niệm 1000 năm Thăng Long tại Việt Phủ Thành Chương năm 2010)

Mục đích :

Làm sống lại những tinh hoa của đời sống và văn hóa con người đất Thăng Long ngàn năm văn vật.

Sự kiện 1:

Sự kiện này có tên là Sự huyền ảo Rồng vàng. Sự kiện này diễn ra trong tháng 7 năm 2010 và là sự kiện mở đầu cho các sự kiện tiếp theo ở Việt Phủ Thành Chương

Sự kiện này có 2 nội dung:

Nội dung thứ nhất: (diễn ra trong một ngày): Hội thảo về sự huyền ảo rồng vàng trong đời sống tâm linh và trong văn hoá nghệ thuật của người Thăng Long.

Việt Phủ Thành Chương sẽ mời các nhà sử học, các nhà nghiên cứu văn hoá nghệ thuật dân gian và các nhà văn ...tham gia hội thảo. Những tham luận của hội thảo sẽ được in thành sách và phát hành trong toàn quốc. Lượng bản in dự trù 10.000 cuốn.

Nội dung thứ hai: Triển lãm hội hoạ của 100 hoạ sỹ cả nước ở nhiều thế hệ vẽ biểu tượng Rồng vàng. Ban tổ chức Lễ hội Ngày của Ngàn năm sẽ triển khai mở trại sáng tác tại Việt Phủ Thành Chương để luận bàn và sáng tác các tác phẩm về Rồng vàng từ giữa năm 2009.

Các tác phẩm hội hoạ trong triển lãm Huyền ảo Rồng vàng sẽ được tổ chức bán đấu giá để ủng hộ cho những hoạt động từ thiện của Hà Nội.

Cùng với hội thảo và triển lãm, Việt Phủ Thành Chương cũng trưng bày một số tác phẩm nghệ thuật dân gian liên quan đến biểu tượng Rồng.

Chú ý: Triển lãm hội họa này kéo dài từ tháng 7 cho đến cuối tháng 9 năm 2010. Kết thúc là cuộc đấu giá.

Sự kiện 2:

Sự kiện này có tên  Lễ hội thơ thiền Lý Trần. Sự kiện này diễn ra trong tháng 8 năm 2010.

Sự kiện này có ba nội dung:

Nội dung thứ nhất: Lễ hội Thư pháp thơ thiền Lý Trần.  Ban tổ chức sẽ mời các nhà thư pháp danh tiếng trong và ngoài nước đến Việt Phủ Thành Chương để biểu diễn nghệ thuật thư pháp. Các nhà thư pháp sẽ viết trên giấy gió, trên lụa những bài thơ thiền nổi tiếng thời Lý Trần. Nội dung này diễn ra trong 2 ngày. Các bức thư pháp sẽ được trưng bày trong khu vực Việt Phủ Thành Chương.

Khách mời dự kiến: 20 nhà thư pháp Việt Nam ở nhiều thế hệ. 5 nhà thư pháp Trung Hoa, Hàn Quốc, Nhật Bản.

Ban tổ chức sẽ mời Viện Hán Nôm tham gia sự kiện này với vai trò tuyển chọn thơ thiền Lý Trần và tư vấn.

Nội dung thứ hai: Đêm thơ thiền Lý Trần. Các nhà thơ trong và ngoài nước cùng các nghệ sỹ sẽ trình diễn thơ bằng các hình thức truyền thống như ngâm, vịnh, hát chầu văn...

Khách mời gồm các nhà thơ danh tiếng Việt Nam và 3 nhà thơ Mỹ, những người có công dịch và truyền bá thơ thiền Lý Trần cho công chúng Mỹ trong nhiều năm qua ) và một nhà thơ Hàn Quốc có nguồn gốc họ Lý ở Việt Nam.

Nội dung thứ ba: Lễ rước chữ. Một bức Đại thư pháp lớn bằng lụa điều (rộng 10m x 10m: biểu tượng cho 1000 năm Thăng Long) viết một bài thơ thiền đặc sắc thời Lý.

Sau đó, Ban tổ chức sẽ tổ chức Lễ Rước Chữ từ Việt Phủ Thành Chương về Văn Miếu và kéo lên cao như một lá cờ chủ trong đại lễ. Những nhân vật rước chữ là những học sinh ( những công dân tương lai của Hà Nội), những người già và các nhà sư. Một chiếc xe Rồng vàng sẽ chở bức Đại thư pháp về Văn Miếu.

Chú ý: Sự kiện này diễn ra trong 4 ngày của tháng 8 năm 2010.

Ngày thứ nhất và thứ hai: trình diễn thư pháp thơ thiền Lý Trần.

Ngày thứ ba: Ngày thơ thiền Lý Trần (có đêm thơ)

Ngày thứ tư: Rước chữ về Văn Miếu.

Ngoài những bức thư pháp thì những bài thơ thiền Lý Trần hay sẽ được viết lên 1000 chiếc đèn lồng đỏ treo trong Việt Phủ Thành Chương và được viết lên 1000 đồ gốm chế tác theo các đồ gốm thời Lý do các nghệ nhân Bát Tràng, Hà Nội thực hiện.

Chú ý: Kèm theo sự kiện này là trưng bày 1000 đồ gốm Bát Tràng có đề thơ thiền Lý Trần tại Việt Phủ Thành Chương và một vài địa điểm khác trong suốt thời gian Hà Nội kỷ niệm 1000 năm Thăng Long.

Sự kiện 3:

Sự kiện này có tên Những di sản sống. Sự kiện này diễn ra trong tháng 9 năm 2010. Sự kiện này nhằm văn hoá hoá đòi sống thường nhật của con người trên đất Thăng Long.

Sự kiện này là Lễ hội kể chuyện và hát dân gian, làm nghề thủ công truyền thống và nghệ thuật ẩm thực do những người già từ 80 tuổi trở lên đang sống trong khu vực hành chính của Hà Nội (mở rộng).

100 cụ già được tuyển chọn với các khả năng : kể chuyện dân gian, hát dân gian, làm nghề truyền thống và nấu ăn. Đây chính là những di sản sống của đất Thăng Long. Bởi trong con người và ngôn ngữ của những cụ già này chứa đựng những phong tục tập quán, những nét văn hóa truyền thống... của con người Hà Nội.

Các cụ sẽ tập trung ở Việt Phủ Thành Chương trong 3 ngày để trình diễn.

Sự kiện này có 3 nội dung:

Nội dung thứ nhất: Kể chuyện và hát dân gian. Trong những ngôi nhà cổ ở Việt Phủ Thành Chương là nơi diễn ra hoạt động kể chuyện và hát dân gian của các cụ (có nhiều cụ đã là nghệ nhân). Đó là những bài hát và những câu chuyện về đất Thăng Long ngàn năm văn vật.

Nội dung thứ hai: Các cụ sẽ làm các sản phẩm nghề truyền thống của đất Thăng Long, giới thiệu nghề và hướng dẫn làm nghề cho khách thăm quan.

Nội dung thứ ba: Ẩm thực Thăng Long. Các cụ sẽ chế biến, nấu những món ăn truyền thống nổi tiếng của đất Thăng Long vẫn còn lưu đến ngày nay.

Bên cạnh những cụ già là các đội nhạc dân gian của một số làng truyền thống của Hà Nội (mới và cũ) sẽ chơi nhạc, hát xướng trong suốt thời gian sự kiện này diễn ra ở nhiều địa điểm trong Việt Phủ Thành Chương.

Chú ý: Làm một Video Clip (DVD)  dựng chân dung của những di sản sống. Đó là cảnh sinh hoạt và những quan niệm về cuộc sống và văn hoá của một số cụ già 100 tuổi ở Hà Nội.

Sự kiện 4:

Sự kiện này có tên Sự kỳ diệu của nước.

Đây là cuộc triển lãm sắp đặt với hàng nghìn con rối nước truyền thống và hiện đại của Nghệ sỹ rối nước Chu Lượng cùng với những  nông cụ và các vật dụng quen thuộc trong đời sống và các sản vật  của người Thăng Long xưa.

Sự kiện này có ba  nội dung:

Nội dung thứ nhất: Triển lãm nghệ thuật sắp đặt với khoảng 3000 con rối nước của nghệ sỹ Chu Lượng. Trong đó có một đôi rối nước có chiều cao là 3 m gồm Tễu và Tiên nữ được dựng như một Đài tế.

Bên cạnh triển lãm 3000 con rối nước là các nông cụ, vật dụng và nông sản của những người nông dân thuộc đất Thăng Long xưa và nay. Đồng thời, tại làng Phủ trước cửa Việt Phủ Thành Chương thường xuyên tái hiện cảnh lao động của những người nông dân đất Thăng Long xưa.

Nội dung thứ hai: Lễ dâng hương ông tổ nghệ thuật rối nước Từ Đạo Hạnh ở Chùa Thầy, Thạch Thất, Hà Nội.

Nội dung thứ ba: Đêm biểu diễn rối nước của những phường rối nước danh tiếng nhất của Hà Nội tại Thủy đình, Việt Phủ Thành Chương.

Chú ý: Để có sự kiện này, Ban tổ chức phải làm các việc sau:

-         Triển khai làm 3000 con rối nước dân gian.

-         Xây nhà thuỷ đình biểu diễn rối nước ở Việt Phủ Thành Chương.

-         Tổ chức các phường rối nước và các vở diễn.

-         Sưu tầm các nông cụ, vật dụng và sản vật truyền thống của Thăng Long ngàn năm.

-         Tổ chức tái hiện đời sống nông nghiệp vùng Châu thổ sông Hồng.

Sự kiện 5:

Sự kiện này có tên Đại tiệc Thăng Long.

Đây là một sự kiện đặc sắc. Đó là bữa Đại tiệc với 200 mâm cỗ với những món ăn truyền thống cũng như nồi niêu, bát đũa, mâm...được tinh kết qua nhiều thời đại của đất Thăng Long.

Ban tổ chức sẽ cho nấu những món ăn dân gian đặc sắc của nhiều thời đại. Đồng thời chế tác những vật dụng dùng cho nấu và ăn của người Thăng Long thời Lý từ Vua Chúa đến những người nông dân. Mỗi mân cỗ sẽ có khoảng 20 vật dụng cần thiết.

Chú ý:

- Ban tổ chức sẽ mời các cố vấn cho Đại tiệc Thăng Long là các nhà sử học, khảo cổ học, các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, các họa sỹ...

- Trước đó, năm 2009, Ban tổ chức sẽ mời các cố vấn nói trên thảo luận và đưa ra thực đơn cùng các mẫu niêu nồi, mâm, bát đĩa....

- Sẽ có 1000 đèn lồng đỏ và 1000 đèn đĩa dầu lạc trang trí cho Đại tiệc

- 10 nhóm nhạc công và nghệ sỹ sẽ chơi những bản nhạc, hát những bài ca dùng cho Cung đình và cho Lễ hội dân gian tham gia Đại tiệc.

- Có khoảng 200 thôn nữ ăn mặc trang phục truyền thống phục vụ Đại tiệc.

- Tất cả các món ăn được nấu tại làng Phủ (cụm cư dân trước Việt Phủ Thành Chương)

Sự kiện 6:

Sự kiện này có tên Lời nguyện cầu bình an. Sự kiện này diễn ra trong tháng 10 năm 2010.

Đây là một cuộc sắp đặt khổng lồ của hoạ sỹ Thành Chương trên quả đồi cạnh Việt Phủ Thành Chương với 1000 bức tượng phật tỷ lệ 1/1 được sắp đặt theo hình chữ ĐẠO trên quả đồi với một hệ thống ánh sáng màu vàng thổ lộng lẫy.

Tham gia cuộc sắp đặt này có 100 nhà sư. Tại đây, các nhà sư làm lễ cầu an cho mảnh đất Thăng Long và nước Việt.

Trên đỉnh đồi có dựng Đàn tế Trời Đất với 1000 cây nến đại cao 1m.

Sau sự kiện này trong buổi tối đó có diễn xướng Chèo cổ và biểu diễn rối nước.

Sự kiện 7:

(Thực hiện nếu có điều kiện kinh phí)

Sự kiện này có tên Thăng Long Dạ (đêm Rồng vàng bay lên). Sự kiện này diễn ra trong tháng 10 năm 2010.

Đây là sự kiện cuối cùng trong những hoạt động ở Việt Phủ Thành Chương. Một con đường chạy vòng quanh khu Việt Phủ Thành Chương và lên cao dần theo hình chôn ốc (biểu tượng Thành Cổ Loa).

Một con Rồng vàng dài 100m do một đội múa điều khiển sẽ múa Rồng theo đường xoáy chôn ốc lên cao dần. Rồng vàng đi đến đâu thì hai bên đường xoáy chôn ốc pháo hoa phun lên đến đó. Cuối cùng là màn Rồng vàng bay lên (cách điệu) trong dàn nhạc dân gian với 100 nhạc công và 100 tay trống.

100 đứa trẻ cắt tóc 3 chỏm mặc quần áo lụa vàng và 100 bô lão tóc búi tó mặc quần áo lụa trắng đứng dọc con đường xoáy chôn ốc và thả 1000 chiếc đèn Trời.

Một dàn pháo hoa được bắn lên trong 10 phút. Tất cả pháo hoa đều mang ánh sáng màu vàng cùng với những ngọn đèn pha ánh sáng màu vàng chiếu lên.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày