Thất nhỏ trên… đồi

GN - “Ở trên đồi cao, có cái thất nhỏ của SC.Thích nữ Hạnh Nhã dễ thương lắm. Đó là nơi chúng tôi tu học…”, trong lúc trú mưa ở thôn 5, xã Tân Châu, huyện Di Linh (Lâm Đồng), một Phật tử người đồng bào dân tộc Nùng đã khoe với chúng tôi như vậy.

Mở lối yêu thương

Hỏi thăm đường lên tịnh thất Linh Quang trong cơn mưa rả rích của những ngày cuối mùa hạ, đường đi khoảng 400 mét, nhưng lên đến nơi phải mất 30 phút và người thì lấm lem, vì té nhiều lần do đường quá trơn trợt. Điều kiện tự nhiên khó là vậy, nhưng suốt 7 năm qua, chiều nào cũng có Phật tử rủ nhau lên thất nhỏ tụng kinh, đến gần 20 giờ mới lội bộ xuống đồi, về nhà.

Trời mưa, đường trơn nhưng mới 15 giờ chiều, trên thất đã có sẵn hơn 30 Phật tử trang nghiêm áo tràng, chờ đến giờ công phu chiều. Thắc mắc, hỏi thầm trong bụng, các cô không làm việc, đi rẫy sao mà lên thất tụng kinh sớm thế? Một cô Phật tử vui vẻ nói với chúng tôi: “Hôm nay ngày sám hối cuối tháng nên tranh thủ làm việc nhà cho xong, hôm qua 11giờ đêm còn ở ngoài rẫy”.

hinh xh GN964 (2).JPG

SC.Thích nữ Hạnh Nhã là người thầy của đồng bào thôn 5, xã Tân Châu, huyện Di Linh

Thấy chúng tôi, SC.Thích nữ Hạnh Nhã liền hỏi thăm, ở đâu lên, rồi té có sao không? Khi chúng tôi nói, đường khó đi quá và hỏi lý do cất thất trên đồi, Sư cô thiệt thà cho biết: “Người ta cúng đất, mình dựng cái chòi để tu. Người đồng bào đi rừng, đi rẫy, nghe tiếng tụng kinh, họ nói thấy sư tụng kinh thích quá, họ cũng muốn tụng.

Tôi hỏi thích không, nếu thích thì lên tôi dạy cho. Vậy là, họ lên học dần dần”. Sư cô dạy cho từng người lạy Phật, rồi đến tụng kinh, dạy học thuộc từ con chữ trong chú Đại bi, Thập chú. Rồi người này truyền người tai người nọ, họ lên thất tụng kinh cùng sư cô với tất cả tấm lòng hướng thiện.

Phật tử Quảng Sự kể cho chúng tôi nghe rằng: “Sư cô quan tâm đến từng người, thương yêu, dìu dắt. Có duyên gần sư cô, mọi người cảm thấy tịnh tâm. Nghe sư cô chia sẻ lời Phật dạy, hoặc lúc tụng kinh bớt suy nghĩ cơm áo gạo tiền, sống vui hơn.

Con đường lên thất cứ vậy mà được nhiều người đi dần nên đường mỗi ngày mở rộng thêm một chút. Con đường ngày xưa là đường mòn, cỡ 4 lòng bàn tay. Nhờ có thất của sư cô ở trên này mà bà con đồng bào tín tâm gọi nhau mở lối, phát quang bụi rậm để có đường xe máy chạy được từ chân đồi lên thất. Thất nhỏ của sư cô cũng từ đó mà phải làm rộng hơn, cho bà con có chỗ ngồi tụng kinh”.

Tiếp xúc với các cô, bác Phật tử nơi đây, mới biết được rằng, bà con đồng bào dân tộc rất lam lũ nhưng khi gặp được Phật pháp, gặp được người dìu dắt, như nắng hạn gặp mưa rào, họ rất tinh tấn tu tập.

Trời nắng gắt hay mưa, bùn đất đỏ trơn trợt, rất dễ bị té ngã, nhưng không thể ngăn hay làm thoái tâm các Phật tử nơi đây. Nhất là vào ngày rằm, bất kể mưa bão, ngày hay đêm, họ đều lặn lội, vượt khó để cùng chung tu tập, và vì thế tiếng kinh, tiếng kệ vang khắp làng. Có người ráng làm tranh thủ đến khuya, để ngày hôm sau có thể lên thất tụng kinh, công phu.

“Ngày tu, họ gùi gạo, hái bầu bí lên thất để làm thức ăn, cùng tu với nhau. Nhà ai có gì thì mang theo cái đó, ai không có cũng không sao, lên tụng kinh cùng nhau là hoan hỷ. Mưa đi ủng vào, mặc áo mưa, che dù, kiểu gì cũng phải lên thất tụng kinh, học Phật. Người có thể bị té, bị ướt nhưng chiếc áo tràng tuyệt đối phải được khô ráo”, SC.Thích nữ Hạnh Nhã bảo, thấy thương họ vì lẽ đó. Hỏi ngẫu nhiên chị Phật tử, sao đường đi khó vậy, mà chị vẫn đi.

Chị Phật tử đồng bào dân tộc Nùng nói: “Chắc là do cái duyên, với lại lên đây được học Phật pháp thấy thoải mái. Hồi đó không phải thích đi chùa đâu, nhưng gặp sư cô thích sự hiền từ, cảm thấy ở cạnh sư cô thì rất bình yên. Mình thấy sư cô và Phật có thể chở che cho mình bình an, nên cả dòng họ nhà mình rủ nhau lên thất cùng tu”.

Điểm tựa của đồng bào các dân tộc

Không phải là người dân tộc, không biết tiếng dân tộc nhưng SC.Thích nữ Hạnh Nhã có thể dìu dắt, làm chỗ dựa tinh thần, hướng dẫn cho người dân tộc tu học, đó là điều không dễ. Thất nhỏ của sư cô không chỉ có bà con nghèo đến cùng nhau tu học, mà còn có những hoàn cảnh khắc khổ, đói quá nên họ lên thất xin gạo.

Nghe SC.Thích nữ Hạnh Nhã chia sẻ mà xót xa: “Có nhiều khi thất cũng hết gạo, hết mì. Vét hết thùng gạo có khi chỉ còn vài ký, chỉ giúp bà con ấm bụng được một bữa. Thường thì sau lễ vía hay Tết thì Phật tử mới đem chút bánh tới cúng Phật, mới có chút quà chia cho bà con nghèo”. Chúng tôi cũng hình dung được cuộc sống tu hành của SC.Thích nữ Hạnh Nhã và cuộc sống của bà con nơi đây đạm bạc, tối giản ra sao.

hinh xh GN964 (1).JPG

Thất nhỏ trên đồi là nơi nương tựa tâm linh của đồng bào các dân tộc địa phương

Hoằng pháp cho đồng bào trong hoàn cảnh nhiều khó khăn là thế nhưng sư cô vẫn trụ lại nơi đây với bà con mới thấm cái chữ tình làng nghĩa xóm. Nhoẻn miệng cười, SC.Thích nữ Hạnh Nhã trải lòng: “Thương họ lắm. Họ hiền, thuần khiết. Họ nhìn mình tu, nhìn cách mình đối đãi với họ, họ tin Phật, thương mình là họ xin gắn bó, xin dạy cho họ kinh kệ. Lên đây thì thầy trò cùng tu, cứ tu thôi, rồi đùm bọc nhau. Thương, lo được bao nhiêu mình lo, bà con cũng hiểu cho mình mà”. Chính vì tình thương xuất phát từ tấm lòng, mà nhắc đến sư cô, các Phật tử ở đây đều dành nhiều sự yêu thương, trìu mến.

Hỏi ra mới biết, vốn dĩ ngày đầu lập ra thất nhỏ Linh Quang, SC.Thích nữ Hạnh Nhã chỉ nghĩ để bản thân huân tu, vì nơi đồi xa, lại khá hoang vu, chắc không ai tới. Nên, thất được cất chỉ đủ một người ở, chánh điện cũng chỉ có một tôn tượng nhỏ. Về sau, số người đồng bào tìm đến thất tu học cùng sư cô tăng lên dần từ vài người đến 20, rồi 30 người.

Bà con nhiều khi đứng ngoài trời mưa lất phất tụng kinh, chịu không được nên sư cô vét hết tiền bán 2 sào cà-phê và “ứng tiền” bán trước cà-phê non 3 năm, để cất chái nhà, làm lại chánh điện.

Theo năm tháng, số Phật tử đến thất tăng dần. Hiện tại, số Phật tử đến tu tập thường xuyên đã hơn 40 người, còn thỉnh thoảng lên thất tu học cũng gần gấp đôi số đó. Chánh điện lại không còn đủ chỗ cho Phật tử tụng kinh, sư cô chỉ có thể làm tạm mái che, chứ không có điều kiện để xây cất gì thêm.

Tiễn chân chúng tôi ra về, đi ngang qua khoảng sân trống, hỏi sư cô, đó là nơi sẽ mở rộng chánh điện để Phật tử có chỗ lễ bái rộng rãi, và xây thêm chái nhà, để bà con có chỗ tá túc ở lại trong những ngày mưa giông. Cười hiền, SC.Thích nữ Hạnh Nhã cho biết: “Ước mong là như vậy nhưng chắc còn lâu lắm”.

Nhẩm tính, chỉ với 2 sào cà-phê, nếu muốn mở rộng không gian cho bà con tu học, sư cô phải đợi 20 năm nữa. Cùng với những khó khăn hiện tại, khi mà gạo còn không đủ chia cho bà con, thì lấy đâu ra kinh phí để dựng xây. SC.Thích nữ Hạnh Nhã nói: “Mọi người chỉ biết ước mong…”.

Nhưng, chúng tôi tin rằng, ước mơ ấy rồi sẽ thành hiện thực khi mà con đường này, tịnh thất nhỏ này nếu được “tiếp sức”, có nhiều bàn tay đóng góp, khoảng cách ấy sẽ ngắn dần.

Khi chúng tôi xuống đồi, cũng là lúc mọi người bắt đầu vào thời khóa tụng kinh chiều. Tiếng kinh sám hối thanh thoát, da diết của bà con đan xen vào tiếng mưa, len lỏi vào trong gió, nhờ đó âm vang ấy lan đi xa.

Trong khí trời se lạnh, đặc trưng của vùng đồi cao miền cao nguyên, tiếng tụng kinh được cất lên từ bi tâm của bà con đồng bào vang lên từ thất nhỏ trầm ấm vô cùng. Cứ vậy mà ngày qua ngày lan tỏa, sưởi ấm lòng người.  

NS.Thích nữ Phổ Tuệ, Phó Phân ban Dân tộc thuộc Ban Hướng dẫn Phật tử T.Ư, thành viên Ban TTXH Phật giáo huyện Di Linh cho biết: “Xuất gia, tu học ở Di Linh, SC.Thích nữ Hạnh Nhã được nhiều người biết đến bởi sự chuyên tu và tinh thần dấn thân phụng sự đạo pháp, dìu dắt Phật tử. Nơi SC.Thích nữ Hạnh Nhã đang hoằng pháp thuộc vùng sâu, vùng xa. Phật pháp hiện diện ở vùng khó khăn, đó là tín hiệu tốt lành. Tuy nhiên, trên bước đường hành đạo của người tu sĩ, không gì là dễ dàng...” .

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Hòa thượng, A-xà-lê và đệ tử

Hòa thượng, A-xà-lê và đệ tử

GNO - Thầy và trò hay sư phụ và đệ tử là những người có nhân duyên quyến thuộc đạo pháp nhiều đời. Mỗi người đều có trách nhiệm và bổn phận khác nhau. Chu toàn phận sự của mình thì Phật pháp mới xương minh, tứ chúng thập phương an ổn.
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1246 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn

Con đường đến Sơ quả

GNO - Sơ quả hay Tu-đà-hoàn là quả vị Thánh đầu tiên mà người Phật tử có thể chứng đạt ngay hiện đời. Trong rất nhiều kinh, Đức Phật dạy muốn thành tựu Sơ quả thì trước tiên cần thành tựu giới, kế đến chứng đắc định (bốn bậc thiền), sau đó phát huy tuệ đoạn trừ ba kiết sử đầu tiên: Thân kiến, giới cấm thủ và nghi.

Thông tin hàng ngày