Thầy thuốc ghép ốc thành tranh

Những lúc không phải bắt mạch, bốc thuốc, lương y Lữ Ngọc Năm (Minh An, Hội An, Quảng Nam) thường dành thời gian thu gom, phân loại vỏ ốc ruốc rồi tỉ mẩn ghép chúng thành những bức tranh độc đáo.

Tuy sử dụng thành thạo nhiều chất liệu như phấn, sơn dầu, sơn mài… nhưng ông Năm vẫn dành đam mê cho tranh ốc, thú vui bắt nguồn từ 6 năm trước. “Thấy bọn trẻ trong xóm dùng ốc ruốc màu đen và trắng chơi cờ vây, tôi tự hỏi sao mình không thử dùng vỏ ốc để ghép tranh?”, ông kể.

Từ  đó, ông bắt đầu tìm vỏ ốc các màu để khảm bức Chùa Cầu Hội An. Bức tranh ốc đầu tay ra đời, nhiều người khen ngợi và một du khách vật nài xin mua lại. Nhiều tác phẩm của ông sau này như Thánh địa Mỹ Sơn, Chùa Một Cột, Mùa gặt, Biển Cửa Đại… được bạn bè họa sĩ ở Hội An và Đà Nẵng đánh giá cao.

Ông Năm bên bức tranh "Chùa Cầu Hội An" làm từ ốc ruốc. Ảnh: Thế Lực.
Ông Năm bên bức tranh "Chùa Cầu Hội An" làm từ ốc ruốc. Ảnh: Thế Lực.

Theo ông Năm, chất liệu làm tranh ốc rất dễ kiếm, chỉ là vải, keo dán và vỏ ốc ruốc. Ốc ruốc (còn gọi là ốc lễ) có ở hầu hết vùng biển miền Trung, đặc biệt là Huế, Đà Nẵng và Hội An. Tháng 2, vào mùa thu hoạch ốc ruốc, ông Năm thu gom vỏ về phơi, xem như đủ chất liệu khảm tranh cho cả năm.

Vị  lương y cho rằng, để sáng tác tranh ốc, ngoài tâm hồn họa sĩ còn cần sự kiên nhẫn của người thợ thủ  công. Trước tiên, phải phác thảo tranh trên vải hoặc ván. Sau đó, chọn vỏ ốc theo từng gam màu riêng, rồi ghép lên. Khi lên tranh, chính màu ốc tự nhiên sẽ tạo sự khác biệt so với họa phẩm được vẽ từ chất liệu khác. “Khó nhất vẫn là khâu phối màu. Công đoạn này vừa cần trí tưởng tượng phong phú vừa cần sự tỉ mỉ. Phải lao động hàng chục giờ liền”, ông Năm nói. 

Cũng theo ông Năm, tranh ốc ngày càng được du khách ưa chuộng. Có công ty du lịch đặt ông làm liền 300 bức, song ông từ chối vì tâm niệm tranh không thể sản xuất hàng loạt. Tuy nhiên, ông Năm cho người làm đồ mỹ nghệ  từ tranh ốc có thể "hái ra tiền".

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày