Thế giới hân hoan đón mừng Đức Phật đản sinh

GN - Phật giáo đồ trên khắp thế giới đang bước vào khoảng thời gian tuyệt vời và thiêng liêng đón mừng sự kiện Đản sinh của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni - vị Cha lành của nhân loại, bậc Thầy mô phạm của mọi thời đại. Từ Đông sang Tây, từ Á sang Âu, không khí Đản sinh tràn ngập sắc màu, lung linh và thành kính.

Ấm áp lời chúc tụng

Có lẽ chưa bao giờ người con Phật trên khắp hành tinh lại đón nhận nhiều lời chúc tụng về Phật đản nhiều như thế được gởi đến từ các vị lãnh đạo quốc gia, các tổ chức quốc tế.

obama (1).jpg


Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama

Sớm nhất và cũng là đầu tiên trong năm nay, ông chủ Nhà Trắng của nước Mỹ, Tổng thống Barack Obama đã viết và ký gởi một bức thông điệp chính thức về Đại lễ Phật đản.

“Vesak là một ngày đặc biệt đối với hàng triệu triệu Phật tử nhằm tưởng nhớ ngày sinh, sự kiện giác ngộ và nhập Niết-bàn của Đức Phật. Thời điểm này, người Phật tử dành thời gian để cầu nguyện, tưởng niệm và suy ngẫm các giá trị về trí tuệ, sự dũng mãnh, tình yêu thương”, người đứng đầu Chính phủ Hoa Kỳ viết.

Từ đó Tổng thống Mỹ Obama khẳng định rằng bằng những việc làm cụ thể và đầy tinh thần khiêm nhường, những người con Phật thuộc nhiều truyền thống khác nhau đã đóng góp vào sự đa dạng về văn hóa, tôn giáo được xác định bởi nhân loại toàn cầu.

Dịp này ông chủ Nhà Trắng cũng chúc những điều tốt đẹp nhất sẽ đến với những người con Phật nhân sự kiện đặc biệt và thiêng liêng mùa Phật đản.

Cũng được phát đi từ Mỹ, với cương vị là người đứng đầu Liên Hiệp Quốc, năm nay Tổng Thư ký Ban Ki-moon gởi thông điệp Phật đản khá sớm. Ông cho biết vào thời điểm này, các cuộc vận động cộng đồng to lớn, các xung đột mang tính bạo lực, những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng và những tranh luận đầy hận thù nhằm chia rẽ cộng đồng đang dâng lên cao độ thì sự quy hướng về ngày Vesak thiêng liêng cung ứng cơ hội quý giá để tất cả mọi người suy nghiệm lại tầm quan trọng của lời dạy Đức Phật trong việc giúp cộng đồng thế giới vượt qua những thách thức cấp bách.

Trong thông điệp của mình, Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon nhắc lại đoạn kinh kể về câu chuyện nàng Srimala, người phụ nữ phát nguyện giúp mọi người đang khổ đau bởi bất công, bệnh tật, qua đó khẳng định tinh thần vững chắc này có thể đánh thức sự nỗ lực toàn cầu để đạt được mục tiêu phát triển vững bền đến năm 2030, thực thi cam kết Paris về biến đổi khí hậu và cổ xúy cho quyền con người.

“Những hành động mà nàng Srimala đã thực hiện cũng minh chứng cho vai trò thiết yếu của người phụ nữ trong việc vận động hòa bình, công bằng và quyền con người. Bình đẳng giới và tăng cường năng lực cho người phụ nữ vẫn là những ưu tiên cấp bách dẫn dắt mọi tiến trình nghị sự quốc tế”, ông Ban Ki-moon nhấn mạnh.

Dịp này, với tinh thần của ngày Vesak, ông Ban Ki-moon mong muốn tất cả mọi người cùng cam kết vượt qua mọi bất đồng dị biệt, xả bỏ tư tưởng chấp thủ, trang trải lòng yêu thương toàn thể vì lợi ích chung trong tương lai.

Trong khi đó, bà Irina Bokova, Tổng Giám đốc Tổ chức UNESCO và hiện đang là ứng viên sáng giá cho chiếc ghế Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ mới mong ước mùa Phật đản sẽ là dịp đưa nhân loại trên khắp thế giới sát lại gần nhau để cùng đi chung trên con đường đời đầy niềm tin, chuyên chở những triển vọng cho nền hòa bình, tôn trọng giá trị phổ quát mang tính toàn cầu và ý nghĩa tâm linh của mùa Phật đản, giúp xây dựng sự bình an nội tại trong trái tim và khối óc mọi người.

Ngoài ra, dịp này người con Phật trên thế giới còn nhận nhiều lời chúc từ Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha, Đức Vua sãi Campuchia Tep Vong.

Mùa đầy sắc màu

Phật đản hay Vesak là mùa lễ mà nhân loại trên thế giới chứng kiến nhiều hoạt động đầy sắc màu diễn trên khắp mọi nẻo đường từ thành thị đến nông thôn thêm thanh bình và tươi đẹp.

Đã trở thành truyền thống, bên cạnh các lễ hội ánh sáng và diễu hành đường phố, Phật giáo Hàn Quốc luôn biết cách đưa ngày sinh của Đức Phật đến gần hơn với công chúng mà trong đó lễ xuất gia gieo duyên của các em nhỏ là một ví dụ điển hình.

Ngay từ đầu tháng 5, hàng chục em nhỏ đã được gia đình đưa đến ngôi chùa Tào Khê tại Seoul để được học đạo đức và thực tập cuộc sống nhà chùa kéo dài trong 2 tuần. Các em được chư Tăng hướng dẫn các nghi thức tụng niệm phổ thông, thực hiện nghi lễ Phật giáo, tiếp cận các bài học cơ bản của Phật giáo và tham gia nhiều sinh hoạt đầy sắc màu mùa Phật đản.

tapsu xuatgia.jpg


Xuất gia gieo duyên - truyền thống của PG Hàn Quốc mùa Phật đản

Trong khi đó, ở Thái Lan - đất nước có công rất lớn trong việc làm cho lễ Phật đản trở thành một trong những hoạt động tôn giáo tâm linh được Liên Hiệp Quốc bảo trợ, nhiều tháng qua đã phải tất bật chuẩn bị sự kiện này sẽ diễn ra vào 2 ngày 22, 23-5 tại Bangkok và Ayutthaya. Sẽ có hàng ngàn đại biểu Phật giáo khắp thế giới đến dự Đại lễ và Hội thảo quốc tế nhân ngày Vesak Liên Hiệp Quốc này với chủ đề “Con đường của Phật giáo đối với hòa bình thế giới”. Tiến sĩ Wijeyadasa Rajapakse, một trong những bộ trưởng nổi tiếng đến từ Sri Lanka, được mời làm diễn giả chính của hội thảo năm nay.

Tại Nepal, nhân dịp Phật đản, một hội thảo Phật giáo quốc tế khác cũng được tổ chức bởi chính phủ với sự tham dự của 500 học giả đến từ nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ. Theo Thủ tướng Nepal KP Sharma Oli, sự kiện này được tổ chức đúng dịp kỷ niệm ngày Khánh đản lần thứ 2560 của Đức Phật để một lần nữa đưa ra nhiều khẳng định mang tính lịch sử liên quan đến thân thế của Ngài.

Trong khi đó, những ngày này, lần đầu tiên Chính phủ Indonesia mời chư Tăng và nhà báo của nhiều nước trên thế giới và khu vực đến di sản văn hóa thế giới của nước này, thánh tích Borobudur, để tham gia các sinh hoạt Phật đản được tổ chức tại đây.

Bảo Thiên tổng hợp

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày