GN - Vào mỗi cuối xuân, hàng trăm chư Tăng và hàng ngàn Phật tử vân tập về ngôi chùa cổ kính Borobudur (tỉnh Java, Indonesia) để tham dự ngày lễ quan trọng nhất theo Phật lịch: Đại lễ Vesak - ngày Khánh đản Đức Từ phụ Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni.
Chư Tăng và tín đồ đi nhiễu quanh khu tháp của ngôi chùa thiêng liêng được kiến lập vào thế kỷ thứ IX - hiện là di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận và là ngôi chùa Phật giáo lớn nhất thế giới - cùng hành thiền, tụng kinh và thả hàng ngàn ngọn đèn trời vào không trung bao la.
Đèn trời cầu nguyện hòa bình, an lành mùa Vesak tại Indonesia
Đại lễ Vesak cũng là một trong những kỳ lễ quan trọng diễn ra khắp châu Á trong tháng Năm này; các tín đồ Phật giáo cùng đến thỉnh đại hồng chung tại các ngôi chùa đẹp nhất ở mỗi khu vực - tham dự lễ hội lồng đèn nhiều màu sắc tại chùa Tào Khê (Seoul, Hàn Quốc) cho đến những khóa lễ tâm linh tại chùa Vàng Shwedagon (TP.Yangon, Myanmar)...
Về ngày Vesak
Thị hiện tại vùng đất Nepal vào năm 567 trước Tây lịch, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni - khi ấy là Thái tử Tất Đạt Đa, con của vị quốc vương khả kính Tịnh Phạn.
Khi lớn lên, cảm nhận những thọ khổ của cuộc đời, Ngài quyết tâm để lại tất cả những uy quyền và tài sản, tìm lối xuất gia và khai sáng ra chân lý của sự giác ngộ, giải thoát. Tư tưởng và giá trị của sự chứng ngộ ấy đã được cộng đồng xã hội tin theo và trở thành một trong những tôn giáo vĩ đại của nhân loại sau khi Ngài nhập Niết-bàn.
Ngày nay, có khoảng 500 triệu người là Phật tử chính thức - chiếm khoảng 10% dân số thế giới - thực hành giáo lý của Đức Phật. Trong đó, 99% tín đồ Phật giáo đến từ vùng đất châu Á - Thái Bình Dương.
Mỗi năm, vào ngày trăng tròn của tháng Vesakha (thường rơi vào tháng 5 hoặc tháng 6 Tây lịch), hàng triệu Phật tử trên khắp thế giới tổ chức hoặc tham gia vào các hoạt động phong phú, đầy màu sắc của ngày Vesak.
Không chỉ có ngày chính lễ Vesak theo Tây lịch thay đổi theo mỗi năm, mà việc tổ chức, đón mừng sự kiện quan trọng này cũng có những khác biệt tùy theo văn hóa, truyền thống của mỗi quốc gia, vùng lãnh thổ.
Một ví dụ điển hình, tại Trung Quốc và Hồng Kông, tín đồ Phật giáo chọn sự kiện Phật đản sinh rơi vào ngày mùng 8-4 ÂL (thông thường sẽ rơi vào đầu tháng 5 Tây lịch).
Vì thế, năm nay, trong khi người Phật tử tại Hồng Kông trọng thể kỷ niệm ngày Đức Phật đản sinh vào ngày 3-5 thì tại Thái Lan, sự kiện thiêng liêng này được tổ chức vào ngày 10-5.
Đại lễ Phật đản được gọi với nhiều tên gọi khác nhau tại các quốc gia nhưng có một điều chắc chắn rằng, tại nhiều nước, người ta không chính thức chọn đây là ngày sinh nhật của Đức Phật.
Ngược lại, tại các quốc gia này, việc đón mừng sự kiện Vesak hướng đến cả cuộc đời của Ngài: Ngày Đản sinh, ngày Thành đạo và ngày nhập Niết-bàn - 3 nội dung này được kỷ niệm trùng vào một ngày.
Thế giới sắc màu
Từ Thái Lan đến Hàn Quốc, Myanmar, Trung Quốc hay Malaysia - mỗi đất nước đều có những truyền thống và nền văn hóa khác nhau nhưng đều có chung một lòng kính ngưỡng và ứng dụng những khía cạnh nhân bản trong các lời dạy và cuộc đời của Đức Phật.
Là nơi có khoảng 255 triệu tín đồ chính thức - chiếm tỷ lệ Phật tử lớn nhất trên toàn thế giới - Trung Quốc xem ngày Đản sinh là một trong những lễ hội tôn giáo quan trọng nhất.
Tất cả các hoạt động hướng về mùa Phật đản đều diễn ra xung quanh ngôi chùa, nơi mọi người có thể đến cầu nguyện, cúng dường và tham gia vào các nghi thức tâm linh.
Tại Hàn Quốc, ngày lễ Phật đản chính thức bắt đầu với cộng đồng Phật tử bằng lễ hội lồng đèn hoa sen, đặc sắc nhất là ở chùa Tào Khê (TP.Seoul).
Thời gian này, ngôi chùa nổi tiếng giữa lòng thủ đô Seoul được khoác lên mình hàng ngàn lồng đèn giấy đầy màu sắc. Nơi đây cũng nổi tiếng với món bibimpap và trà tươi gởi tặng tất cả mọi người khi đến hành lễ nhân mùa Phật đản.
Trong khi đó tại Sri Lanka, mọi người trang trí nhà cửa bằng lồng đèn giấy để hướng về ngày Vesak. Ngôi chùa Gangaramaya, tọa lạc tại thủ đô Colombo hàng năm luôn đứng ra đăng cai lễ hội Vesak đầy sắc màu. Năm nay thực sự ý nghĩa khi lần đầu tiên Sri Lanka làm nước chủ nhà của Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc với sự tham dự của 1.500 đại biểu đến từ khắp nơi trên thế giới.
Ở Ipoh, Malaysia, Phật tử và người kính mến đạo Phật hoan hỷ tham gia vào lễ hội “Đức Phật dưới ánh mặt trời”. Theo đó, tại tu viện Phật giáo theo truyền thống Kim Cang thừa ở Ipoh, chư Tăng thực hiện bức tranh Phật giáo khổng lồ - được gọi là tranh thangka - dưới ánh mặt trời, bức tranh như tỏa sáng rực rỡ. Năng lượng tỏa ra từ bức tranh được mọi người tin tưởng sẽ mang lại bình an, sức khỏe và sự hòa hợp trong suốt thời gian còn lại của năm.
Tại Nepal, vùng đất nơi Đức Phật đản sinh, hàng ngàn Phật tử vân tập về khu vực Lumbini thiêng liêng mầu nhiệm, cùng thực hiện các nghi thức cầu nguyện và hướng tâm về các tu viện Phật giáo hiện diện tại đây.
Ở các nước phương Tây và châu Mỹ, châu Phi, nơi Phật giáo đang có dấu hiệu phát triển, tùy theo nền văn hóa cũng thiết thực tổ chức nhiều hoạt động chào mừng sự kiện Đản sinh của Đức Phật trong niềm hân hoan của mọi người.
Bảo Thiên (theo CNN)