Thế hệ phóng viên & cộng tác viên trẻ của báo Giác Ngộ

LTS: Giác Ngộ ba mươi bốn năm, một chặng đường hình thành và phát triển. Trong khoảng thời gian ấy, biết bao thế hệ lớn lên và trưởng thành. Ngày nay, Báo Giác Ngộ đã và đang thật sự “trẻ” lên theo từng trang báo nhờ sự chung tay của thế hệ phóng viên và cộng tác viên trẻ...

* Phóng viên BẢO THIÊN (Thích An Đạt)

Sinh ra tại vùng đất miền Trung- Đà Nẵng nhưng Nguyễn Viết Tuấn ngay từ nhỏ đã vào đất Sài Gòn đi học rồi xuất gia. Thầy theo học Đại học luật, rồi Cao học Luật chuyên ngành Luật Hành chánh nên trở thành một thanh niên Tăng hoạt bát, năng động. Thầy chính thức vào Báo Giác Ngộ tháng 10-2008, tuy nhiên cũng đã nhiều năm gắn bó với tòa soạn với vai trò là cộng tác viên và người tổ chức các sự kiện liên quan đến Phật giáo và tuổi trẻ (Cuộc thi Tầm nhìn Tăng Ni sinh trẻ, Tiếp sức mùa thi, Hội trại Phật giáo & Tuổi trẻ…).

phongvien-bt-1.gif

Với “lợi thế” về ngoại ngữ nên thầy luôn hoàn thành tốt các chuyên mục về Phật giáo nước ngoài và các vấn đề liên quan. Và là một phóng viên chuyên “đá sân nhà”- nơi diễn ra các hoạt động Phật sự của Thành hội Phật giáo TP.HCM nên những thông tin về các sự kiện, Phật sự của THPG TP.HCM thầy là người khai thác “độc quyền”. Đặc biệt, trên trang thời sự của Giác Ngộ online, thầy luôn là một phóng viên năng nổ khai thác nguồn thông tin trên cả nước để trang Giác Ngộ online phong phú và sống động.

* Phóng viên GIANG PHONG

“Cái tên nghe thật… lãng tử”, đó là nhận xét của độc giả thường nói về anh (dù họ chưa gặp mặt). Anh là phóng viên Phan Quang Vinh, nhưng Giang Phong lại trở thành tên “cúng cơm” được nhiều người biết đến. Sinh ra tại xứ sở Trầm hương, quanh năm lộng gió với tiếng sóng vỗ thì thầm vào mỗi đêm trăng sáng. Tất cả những hình ảnh đẹp ấy đã tạo nên một cậu bé Giang Phong sớm có tư chất về nghệ thuật và văn chương. Tuy là “dân Luật” (Đại học Luật - năm 1998) nhưng anh lại xếp những “điều khoản, luật lệ” vào ngăn kéo, để mở ra một hướng đi mới bằng con đường văn chương và nghệ thuật.

phongvien-gp-2.gif

Chính thức vào Báo Giác Ngộ năm 2005, trước đó anh đã tham gia cộng tác với nhiều tờ báo khác tại TP. HCM. Khi về Báo Giác Ngộ, anh phụ trách chuyên mục Văn hóa Phật giáo và các sự kiện Phật sự của T.Ư GHPGVN. Văn hóa là một mảnh đề tài rất rộng, nhất là Văn hóa Phật giáo luôn song hành cùng Văn hóa dân tộc. Với những bài viết: “Chữ tâm của một doanh nhân, loạt phóng sự về Nạn xâm hại di tích Phật giáo…” đăng trên Giác Ngô từ năm 2006 đến nay, đã mang lại nhiều ảnh hưởng tích cực trên mặt trận tư tưởng báo chí Phật giáo cũng như xã hội. Anh từng nhận giải thưởng báo chí và ảnh báo chí do Hội Nhà báo TP.HCM tổ chức. Ngoài công tác làm báo, Giang Phong còn tham gia các hoạt động nghệ thuật như viết thư pháp, hội họa và nhiếp ảnh nghệ thuật, là hội viên Hội Mỹ thuật TP.HCM, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam, được Ủy ban UNESCO VN bình chọn một trong những Nhà thư pháp trẻ Việt Nam. Tháng 5-2010, Giang Phong sẽ cho ra mắt công chúng bộ sưu tập ảnh nghệ thuật “Những giọt sương”; đây là bộ ảnh được giới nhiếp ảnh Việt Nam đánh giá cao về chất lượng nghệ thuật.

* Phóng viên HUỲNH DIỆU

Đó là một nữ phóng viên duy nhất có “thâm niên” tại tòa soạn Báo Giác Ngộ. Tốt nghiệp khoa Ngữ văn-Báo chí, Đại học KHXH & NV, chị “kết duyên” với Báo Giác Ngộ từ lúc mới ra trường năm 1998. Chính thức trở thành phóng viên Báo Giác Ngộ từ năm 2001. Huỳnh Diệu, với bút danh khác là Suối Nghệ (tên một dòng suối tại huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu - nơi chị lớn lên). Với các chuyên mục xã hội, từ thiện, đặc biệt  chuyên mục phản ảnh các hoạt động tu học, Phật sự của Ni giới trong và ngoài nước, chị được xem là người “một mình một chiếu”. Điều đáng chú ý hơn, Huỳnh Diệu là nữ phóng viên được kết nạp hội viên Hội Nhà báo Việt Nam .

phongvien-hd-3.gif

Với thân hình mảnh khảnh, nhanh nhẹn, chị tác nghiệp như một phóng viên nam dày kinh nghiệm. Các đề tài về xã hội, từ thiện tuy hơi “khô” nhưng qua cách “nấu nướng” của Huỳnh Diệu đã trở thành “món ăn” hấp dẫn cho nhiều bạn đọc trên cả nước như: Mê tín & lãng phí trong mùa Vu lan, Lòng từ không biên giới, Ni giới Phật giáo lỗi lạc… PV Huỳnh Diệu đã nhiều lần nhận giải thưởng báo chí của Hội Nhà báo TP.HCM.

* Phóng viên LƯU ĐÌNH LONG

Là “đồng môn” cùng đàn chị Huỳnh Diệu, phóng viên Lưu Đình Long (Chúc Thiệu) tốt nghiệp khoa Ngữ văn – Báo chí, Đại học KHXH & NV năm 2008. Sinh tại Quảng Nam, nơi sản sinh nhiều nhân sĩ, hào kiệt và thi ca, lãng mạn nên từ thuở bé Lưu Đình Long đã bi bô hát theo cha mẹ và anh chị những giai điệu dân ca mang đậm chất Trung Bộ. Chính vì thế, ngay từ khi còn là sinh viên khoa Ngữ văn – Báo chí, Lưu Đình Long đã tham gia cộng tác với nhiều tờ báo với chuyên mục Góc “chiên diên” của Tập san Áo Trắng, Nhip sống trẻ trên Tuổi Trẻ online, Thanh niên & cuộc sống trên Báo Thanh Niên...

phongvien-dl-5.gif

Từ khi chính thức về Báo Giác Ngộ năm 2008, Long được giao phụ trách chuyên mục Phật giáo & Tuổi trẻ. “Nơi nào có giới trẻ, nơi ấy có Đình Long”, đó là câu nói ví von mà anh em phóng viên Báo Giác Ngô gắn cho Long cái mác “made in… Trẻ”. Chỉ cần lướt qua blog vài phút, Long tạo nên một diễn đàn khá sôi nổi, kết nối các bạn trẻ trên khắp mọi miền đất nước cùng nhau chia sẻ niềm tin trong cuộc sống và sự thăng hoa tinh thần thông qua các chuyên mục Tuổi trẻ & Phật giáo hay “Sống đạo” trên báo Giác Ngộ. Long tâm sự: “Mình rất vui khi được giao viết về giới trẻ. Mong ước của mình là báo Giác Ngộ đến gần với bạn trẻ hơn thông qua những chuyên mục trên báo… Để có được như vậy, bạn đọc Giác Ngô hãy đồng hành cùng tờ báo thông qua những góp ý, chia sẻ về nội dung, hình thức để những người làm báo trẻ có cơ hội lắng nghe, sửa mình…”.

* CTV.KHÔNG LỰC (ĐĐ.Thích Trí Năng)

Là một cộng tác viên thuộc thế hệ 7X, thường trú tại Thừa Thiên Huế từ năm 2000 đến nay. Có thể nói, trải qua nhiều năm cộng tác cho Báo Giác Ngộ, hầu hết các mảng thông tin, đề tài diễn ra tại Thừa Thiên Huế, ĐĐ.Thích Trí Năng được ưu tiên… “phủ sóng”. Nhiều đồng nghiệp thường nói: “Thầy Trí Năng sướng thật, lợi thế “sân nhà” là một trong những trung tâm văn hóa lớn của Phật giáo nên, tha hồ viết”. Quả thật, chỉ cần dạo một vòng các ngôi chùa, di tích, danh thắng… ở Huế là có ngay một đề tài để viết.

phongvien-tn-6.gif

“Làm cho một tờ báo đạo hay viết cho những tờ báo khác, tôi luôn suy nghĩ là mình đang làm Phật sự. Một loại “Phật sự” trên mặt trận báo chí rất nhạy cảm về mặt tư tưởng, nếu không “cập nhật” rất dễ vấp phải những “tai nạn nghề nghiệp”. Hẳn, những ai đã từng viết báo đạo cũng một đôi lần vấp phải, và xem đó như một “kinh nghiệm tác nghiệp”. Nhất là làm báo đạo tại địa phương mà tôn giáo thường là những vấn đề “nóng bỏng nhất” thì cần phải rất “tỉnh táo” trong mọi vấn đề. Ở Thừa Thiên Huế, địa bàn mà chúng tôi đang tu học và tác nghiệp là một trong những địa phương như thế. Có những lúc khi mình tác nghiệp, viết bài gởi đi thì chuyện là “cơm đang lành canh đang ngọt”, nhưng khi bài được đăng thì vừa lúc chuyện “cơm chẳng lành canh chẳng ngọt” xảy ra nên ngay lập tức mình thành người… sai “quan điểm”, cũng đành ngậm đắng nuốt cay để chịu sám hối trước một “tai nạn nghề nghiệp”.

Từ những “tai nạn nghề nghiệp” dù là chủ quan hay khách quan đến những điều khó khăn và thuận lợi trong khi tác nghiệp, nếu không vì một nỗi niềm ưu tư, trăn trở cùng đạo pháp, cùng Giáo hội cũng như không định hướng đúng đắn rằng, làm báo cũng có nghĩa là đang làm Phật sự trên mặt trận tư tưởng, cần phải có sức chịu đựng những thiệt thòi, bỏ lại sau lưng những chuyện khen chê “báo đời, báo đạo”, nếu không thì rất dễ bất mãn, chán nản. Cho nên những người xung phong làm báo đạo từ trước đến nay phải có một cái “Dũng” vững mạnh mới tác nghiệp tốt”, ĐĐ.Thích Trí Năng chia sẻ.

* CTV.DƯƠNG BẢO TOÀN

Về cộng tác ảnh cho Báo Giác Ngộ chỉ gần một năm nhưng có thể nói Dương Bảo Toàn đang bước sang một “ngã rẽ” mà anh chưa hề có dự tính trước đó. Vốn là người đam mê nhiếp ảnh, anh bước vào công tác sáng tác ảnh nhiếp ảnh (bán chuyên nghiệp) từ nhiều năm nay, song khi về làm cộng tác viên ảnh cho Báo Giác Ngộ thì công việc tác nghiệp ảnh báo chí Phật giáo là một môi trường xa lạ đối với anh. Tuy nhiên, không có những việc làm nào khó khi ta thực sự làm việc với tấm lòng nhiệt thành và đam mê. Bảo Toàn cho biết: “Nhớ lại thời gian đầu tiếp cận với việc chụp ảnh thời sự, tôi không thể tránh khỏi những bỡ ngỡ, vụng về khi đảm trách việc ghi hình, kể cả việc lấy thông tin về sự kiện đang xảy ra. 

baotoan.gif

Sau nhiều lần “lăn xả” vào công việc của một cộng tác viên ảnh báo chí Phật giáo, cộng với sự nhắc nhở, góp ý của Ban Thư ký và các đồng nghiệp ở tòa soạn, dần dà tôi đã quen với việc chụp ảnh báo chí và ngày càng thấy yêu thích nó như yêu thích chụp ảnh nghệ thuật vậy. Song, không chỉ nói đến sự  yêu thích chụp ảnh báo chí, mà bên cạnh đó việc làm báo Phật giáo đã tạo cho tôi thiện duyên được tiếp cận với những Phật sự mà chư tôn đức Tăng Ni và Phật tử đã bỏ ra nhiều công sức cốt chỉ để làm cho tốt Đời đẹp Đạo. Từ đó khiến tôi thấy mình phải có trách nhiệm hơn trong việc đóng góp hết khả năng vốn có của mình vào công việc chung của tòa soạn, là làm chiếc cầu nối tư tưởng giữa bạn đọc với mọi phương diện Phật sự của Phật giáo trên cả nước”.

* CTV. Xuân Loan ( Hà Nội)

Tôi vô cùng cảm động và rất tự hào là người nữ Phật tử may mắn có phước lành lớn đã được tham gia hoạt động công tác Phật sự  cùng Giáo hội gần 30 năm từ khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam có mặt và cũng từ đó tôi nhìn lại quãng đường dài phụng sự đạo pháp tôi có nguyện vọng và mơ ước được đem trí tuệ của mình công đức cúng dường ngôi Tam bảo giúp trợ duyên cho Giác Ngộ ngày càng  tốt về thông tin phía Bắc, tuy nhiên đôi lúc tôi cũng có mặc cảm mình là thân gái, dù có cố gắng, nỗ lực  đến kiếp nào đi nữa chắc cũng khó thành tựu. Nhưng với tâm huyết và quyết tâm kiên trì phấn đấu cùng với sự cảm nhận niềm tin vào nhiệm vụ đã giúp cho tôi vượt qua mọi trở ngại và ngày hôm nay  nhân  duyên, thành tựu của tôi có được là do ơn đức cao dày của cố Hòa thượng Thích Tâm Tịch - Đức Pháp chủ đệ nhị GHPGVN, Hòa thượng Thích Thanh Tứ - Phó chủ tịch Thường trực HĐTS T.Ư GHPG Việt Nam  - Viện chủ tùng lâm Quán Sứ, TT.Thích Bảo Nghiêm - Phó Chủ tịch HĐTS T.Ư GHPGVN - Trưởng ban Hoằng pháp T.Ư - Trưởng BTS Thành hội Phật giáo Hà Nội, TT.Thích Thanh Điện - Phó Trưởng ban Thường trực Ban hướng dẫn Phật tử Trung ương cùng chư tôn đức Tăng Ni  trong tùng lâm Quán Sứ  là   những người thầy khả kính sáng suốt giàu tình thương  luôn quan tâm giúp đỡ động viên tôi vững bước trên con đường hộ trì Chánh pháp. Bên cạnh tôi còn có cả gia đình, chồng và các con tôi cũng thường xuyên ủng hộ tôi trong công tác Phật sự mà tôi được duyên lành cộng sự.

xuanloan.gif

Là nữ Phật tử tại gia, tôi rất thấu hiểu sự vất vả của phụ nữ, đến với đạo Phật để cảm hóa được gia đình tin và yêu kính Phật quả là một việc hết sức khó khăn, nhiều người đi chùa về nhà cũng là một nghịch duyên nghiệp chướng, nhiều phụ nữ đã thú thật rằng nếu không nhờ Phật giáo thì họ có thể trở thành con người vô ích hay ít ra cũng trăm bề cực khổ, tủi nhục. Đạo Phật xây dựng một nhân cách lý tưởng cho một nữ Phật tử muốn hoàn thiện bản thân mình. 

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Chư tôn đức niệm Phật cầu gia hộ

Khai mạc Hội nghị sinh hoạt Giáo hội khu vực phía Nam năm 2024

GNO - Sáng nay, 25-4, tại Văn phòng II TƯGH - thiền viện Quảng Đức (Q.3, TP.HCM), Ban Thường trực Hội đồng Trị sự tổ chức khai mạc Hội nghị sinh hoạt Giáo hội khu vực phía Nam (từ Quảng Trị đến Cà Mau) nhằm triển khai nhiều hoạt động Phật sự quan trọng.
Chư Tăng thực hiện nghi thức Bố-tát tại chánh điện chùa Long Bửu (Q.4, TP.HCM) - Ảnh: Bảo Nguyên

Chư Tăng Ban Trị sự GHPGVN Q.4 Bố-tát, họp triển khai Phật sự

GNO - Ngày 15-3-Giáp Thìn, chư tôn đức Ban Trị sự GHPGVN Q.4 đã trở về chùa Long Bửu - Văn phòng Ban Trị sự để cử hành lễ Bố-tát định kỳ, đồng thời tổ chức phiên họp nhằm triển khai công tác tổ chức Đại lễ Phật đản và An cư kiết hạ Phật lịch 2568.

Thông tin hàng ngày