Thêm 45 ca bệnh Covid-19 ở Đà Nẵng

GNO - Sáng nay, 31-7, Bộ Y tế ghi nhận thêm 45 ca nhiễm nCoV ở Đà Nẵng đều là bệnh nhân, người nhà chăm sóc, người đến thăm tại các bệnh viện, cách ly sớm.

Trong đó, 33 trường hợp tại Bệnh viện Đà Nẵng, 4 tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng, 2 tại Bệnh viện ung bướu Đà Nẵng, 4 tại khách sạn đang cách ly bệnh nhân thận nhân tạo của Bệnh viện Đà Nẵng ở Q.Sơn Trà và 2 tại Trung tâm Y tế Cẩm Lệ.

Những bệnh nhân trên có tuổi từ 27 đến 87, ngay từ khi xuất hiện ca nhiễm đầu tiên tại Đà Nẵng, đã được cách ly ngay tại các cơ sở y tế.

Như vậy, trong đợt tái bùng phát Covid-19, từ ngày 25-7 đến nay ghi nhận tổng cộng 93 ca nhiễm. Trong đó, Đà Nẵng 79 ca, Quảng Ngãi 1 ca, Quảng Nam 8 ca, Hà Nội 2 ca, Đắk Lắk 1 ca, TP.HCM 2 ca. Các bệnh nhân này đều có yếu tố dịch tễ liên quan Đà Nẵng.

vne.jpg
Nhân viên y tế trong vùng cách ly Bệnh viện Đà Nẵng ngày 29-7 - Ảnh: Nguyễn Đông/VNE

Đêm qua, Đà Nẵng quyết định thành lập bệnh viện dã chiến. Bộ Y tế khuya 30-7 cũng quyết định thành lập Bộ chỉ huy tiền phương chống dịch tại Đà Nẵng để thuận lợi trong quá trình chỉ huy truy vết, xét nghiệm, điều trị bệnh nhân Covid-19.

Trong khi đó, hôm qua, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm đã ký ban hành công văn khẩn số 2869/UBND-VX, có hiệu lực thực hiện kể từ 0g ngày 31-7, tăng cường phòng chống dịch Covid-19.

Tổng số ca nhiễm trên cả nước đến nay là 509 trong đó 369 người đã khỏi, còn 140 bệnh nhân đang điều trị. Số ca tăng mạnh bao gồm những người từ Guinea về nước và 93 người lây nhiễm trong cộng đồng.

Hơn 53.000 người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch được cách ly. Trong đó, cách ly tập trung tại bệnh viện 619 người, tại cơ sở tập trung gần hơn 14.000, tại nhà hoặc nơi lưu trú gần 39.000.

Thế giới ghi nhận khoảng 660.000 người chết trong hơn 17 triệu ca nhiễm tại 213 quốc gia. Mỹ và Brazil là hai nước có số ca mắc và số tử vong cao nhất thế giới. Tại khu vực Đông Nam Á, Indonesia ghi nhận số mắc và số tử vong cao nhất. Việt Nam chưa ghi nhận ca tử vong do nCoV.

Trong khi đó, tổ chức Y tế Thế giới (WHO) kêu gọi các nước gỡ bỏ dần các biện pháp đi lại quốc tế dựa trên đánh giá rủi ro và ưu tiên đi lại trong các trường hợp khẩn cấp, hành động nhân đạo, việc đi lại của những cá nhân quan trọng và hồi hương công dân.

Sự gia tăng số ca mắc Covid-19 tại nhiều nơi trên thế giới đang buộc nhiều quốc gia tái áp áp đặt các biện pháp hạn chế đi lại.

WHO cho biết các nước cần tự đánh giá rủi ro, lợi ích, cũng như đưa ra các ưu tiên của mình. Các nước cần cân nhắc khuynh hướng lây nhiễm trong nước, các biện pháp xã hội và y tế đang áp dụng. Nếu cần phải cách ly toàn bộ khách du lịch đến, các nước cũng phải đánh giá rủi ro và tình hình.

Hồi đầu tuần này, WHO cho biết các biện pháp cấm du lịch toàn cầu không thể kéo dài vô thời hạn và các quốc gia phải hành động mạnh mẽ hơn để giảm sự lây lan của virus Corona chủng mới trong nước.

Trước đó, tổ chức này khuyến cáo du khách đeo khẩu trang trên máy bay và cập nhật thông tin về những nước có số ca nhiễm tăng cao.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày