Thèm nhìn một cánh rừng

GN - Câu chuyện hai vợ chồng ông Thoại được liệt vào chuyện huyền thoại. Bởi dẫu có xem những bộ phim ảnh về chiến tranh, hay đã từng cùng bạn bè tổ chức những chuyến đi khám phá vào những cánh rừng, tôi cũng không thể hình dung cái thời tuổi trẻ của ông sống như thế nào, và mối tình lẫm liệt của ông với bà Hương - vợ ông, đã xảy ra trong một bối cảnh nào. Nhưng hai vợ chồng ông là hai vợ chồng già đẹp đôi nhất mà tôi từng thấy.

amhrung.jpg
Minh họa: Nhuận Thường

Ông Thoại gần như ít rời khỏi nhà, căn nhà hai vợ chồng ông ở nằm sâu trong con đường nhỏ của khu phố, có một góc sân trồng những chậu cây nho nhỏ, mà theo ông Thoại thì đó là những loại cây ông xin được ở mọi nơi, đem về bón phân chăm sóc, rồi nhờ hơi người và tình yêu cây cỏ của ông mà chúng lên tươi tốt.

Căn nhà của hai vợ chồng ông Thoại có từ khi khu phố này còn rất vắng vẻ, mãi đến sau này nhiều người tìm đến, mua đất cất nhà mới trở nên đông vui như ngày nay. Hai vợ chồng tôi cũng chỉ là những người đến sau, sau bao nhiêu năm ở hết căn nhà thuê này tới căn nhà thuê khác, mãi mới dành dụm tiền mua được miếng đất, cất căn nhà mà vợ tôi hay gọi đùa đó là “tổ chim câu bé bỏng”.

Cái tổ chim câu của hai vợ chồng tôi luôn đóng cửa, mờ sáng hai vợ chồng đã ra khỏi nhà để đi làm, mỗi người có một công việc khác nhau. Buổi chiều về thì Hiên tranh thủ ghé chợ, mua thức ăn về, vào bếp chế biến. Còn tôi thì thảnh thơi một chút, ra chiếc sân nho nhỏ chăm sóc cây cỏ hoặc xem tivi. Gần như hai vợ chồng tôi không tiếp xúc với những người hàng xóm quanh mình, vì họ cũng có những công việc như mình, và buổi tối thì mỗi ngôi nhà như một thế giới riêng. Rảnh rang có thể vào ngày Chủ nhật, thì hai vợ chồng lại lên kế hoạch về bên nội hay đi dã ngoại, đi cà-phê hay có khi ra biển chỉ để nghe sóng vỗ và để cho tâm hồn mình thanh thản.

Một hôm điện thoại bàn nhà tôi reo vang. Đây là điều hơi hiếm, vì bình thường mọi trao đổi với bạn bè giờ đây đều thông qua chiếc di động. Bởi lẽ gọi di động dễ dàng hơn, chỉ cần chọn tên người muốn gọi là bấm vào, và người nghe cũng biết ai đang gọi cho mình. Chiếc điện thoại bàn giờ đây chỉ hoàn thành những nhiệm vụ lặt vặt như gọi nước uống, gọi thay gas hay chỉ để kiểm tra đường dây internet… Lúc đầu tôi tưởng ai gọi nhầm số, vì chuyện đó vẫn thường xảy ra. Tỷ dụ như bên kia đầu dây đã có tiếng mắng chửi ngay cả khi mình chưa kịp “a-lô”, “Mày có phải là con Hiền không? Tao thông báo cho mày tao là vợ của anh Hải. Mày liệu mà biến đi, mày mà còn dan díu với chồng tao, tao thuê giang hồ rạch mặt mày”. Hoặc độc đáo hơn là: “Phải anh Chín đó không? Anh điều giúp cho ba em trẻ, đẹp, da trắng đến karaoke Ngọt Ngào, phòng số 8 nghe anh”…

Cuộc điện thoại đó là của ông Thoại: “Xin lỗi, đây có phải là nhà cậu Huân không? Tôi là Thoại, bác Thoại đây. Bác Thoại ở con đường nhỏ phía sau nhà anh”. Ông Thoại đã dò danh bạ tìm ra số điện thoại của nhà tôi, ông bảo ông cần tôi giúp một việc, bởi ông đi đứng rất khó khăn, cho nên khi nào rảnh thì tôi đến nhà ông.

Căn nhà chỉ có hai vợ chồng trên 80 tuổi ấy là một câu chuyện kể về một mối tình son sắt của một đời người, mà trong biển dâu cuộc sống hôm nay, hiếm có cuộc tình nào trọn vẹn như thế. Nhưng trước hết phải nói nguyên do tại sao ông Thoại mời tôi đến nhà ông. Ông nhờ tôi soạn thảo giúp ông một tờ di chúc. Ông bảo: “Bác biết sức khỏe của hai ông bà đã cạn, sống chẳng còn bao nhiêu lâu nữa, nên viết di chúc là điều chuẩn bị cho những ngày sau này”. Bản di chúc ấy với hai tâm nguyện: Một là ông bà sẽ hiến tặng tất cả số tiền gởi trong sổ tiết kiệm dành dụm bấy lâu nay và cả căn nhà cho Nhà nuôi trẻ mồ côi tỉnh. Tâm nguyện thứ hai là sau khi ông bà chết đi, Nhà nuôi trẻ mồ côi sẽ lo đám tang và được chôn bên cạnh nhau. Tôi thảo bức di chúc mà lòng se thắt, bởi cả hai vợ chồng không hề có một người thân nào trong cuộc đời.

Sau đó tôi vẫn thường ghé nhà ông Thoại, đôi khi để cho ông có cái thú vui là pha ấm trà nóng, loại trà búp do bạn bè ông từ Thái Nguyên gởi cho. Ông bảo: “Thỉnh thoảng cậu qua chơi, tôi không đi đâu được, uống trà một mình buồn lắm”. Khi đó tôi mới phát hiện ra ông chỉ có một chân, còn chân kia là chân giả ông tháo ra cho thoải mái. Còn vợ ông, bà Hương thì vẫn ngồi trên chiếc võng, nhìn ra vòm trời xanh nhỏ xíu, như bà cứ mãi nhìn mây trắng bay.

Những câu chuyện ông Thoại kể tôi ghi chép vào đây như một cách minh chứng cho tình yêu của đôi vợ chồng đã xế chiều. Ông Thoại ngày xưa là lính trong thời kháng chiến chống Mỹ, ông lại là lính xe tăng. Bà Hương là y tá. Hai người đều mồ côi cha mẹ, gần như không còn một chút dính líu máu thịt gì ở miền đất mà họ đã chào đời: Hà Tĩnh. Họ đã gặp nhau tại chiến trường trong một lần ông bị thương, khi đó ông phải cưa đi chân trái. Trong thời gian điều trị tuyến dưới họ đã đem lòng thề non hẹn biển, rồi ông được đưa về tuyến trên, lành vết thương không thể chiến đấu nên trở về địa phương. Còn bà Hương thì lại tiếp tục làm y tá cho mãi đến 20 năm sau họ mới gặp lại nhau, khi đất nước hòa bình đã tám năm. Việc gặp nhau ấy cũng hy hữu như trong chuyện cổ tích. Là hai người cùng hứa với nhau sẽ đi tìm nhau, mà chẳng biết tìm nhau ở đâu.

Cho đến một hôm họ tìm về Hà Tĩnh, tại Ngã ba Đồng Lộc ở xã Đồng Lộc, Can Lộc trong buổi lễ tưởng nhớ 10 cô gái Thanh niên xung phong tử nạn vào ngày 24 tháng 7 năm 1968. Họ gặp nhau và nhận ra nhau. Ông Thoại và bà Hương đã quyết định thành vợ chồng, dùng số tiền dành dụm mua ngôi nhà nhỏ ở đây. Họ không thể sinh con cái vì bà không thể sinh nở. Theo bà thì trước ngày đất nước hoàn toàn giải phóng hai năm, trạm xá của bà đã bị một trận bom, bà cũng sém chết trong trận bom đó, sau bà được trở về địa phương, nhưng cơ thể của bà đã bị vết thương chiến tranh, không còn quyền làm mẹ.

Tôi không biết rằng trong các câu chuyện tình, có bao nhiêu mối tình chung thủy, dẫu chỉ gặp nhau thoáng chốc trong lửa đạn chiến tranh rồi lạc nhau ròng rã bao năm trời, khi tuổi xuân hai người đã cạn và đã thành phế binh, lại một lần nữa định mệnh cho họ gặp nhau. Và họ nương nhau sống với niềm vui có nhau.

Dạo này ông Thoại yếu lắm rồi. Ông bảo vết thương chiến tranh tái phát, đã tới ngày ông phải đi Đà Nẵng để thay lại chiếc chân giả nhưng ông không đi được nữa. Nhưng ông lại thèm nhìn một cánh rừng. Khi ông nói ý định của ông, tôi bỗng ngớ người ra! Bởi có lẽ ông là người hiếm hoi thèm nhìn thấy một cánh rừng.

Sáng Chủ nhật, tôi lái ô-tô chở ông Thoại và bà Hương cùng lên đèo Phượng Hoàng. Tôi lái xe vào một con đường mòn nhỏ, dừng lại ở một cánh rừng. Ông và bà cùng dìu nhau xuống xe. Rừng xanh đang lao xao những bông lau trắng, rừng xanh đang lao xao gió và có cả tiếng chim vỗ cánh. Tôi nhìn thấy trong ánh mắt ông Thoại và bà Hương một cái gì đó gọi là hạnh phúc.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày