Thi vị cửa thiền

GN - Lương Đình Khoa, một Phật tử trẻ ở Hà Nội gửi đến trang Tuổi trẻ những cảm nhận từ những ngày ở chùa. Xin chia sẻ cùng bạn đọc.

1. Con là ngày mới thênh thang

Mặt trời còn ngủ nướng chưa dậy sau thời kinh buổi sớm của tôi bên quý thầy, sư bác, sư chú và một vài Phật tử. Khoảng thời gian 5 giờ sáng vừa đủ để tôi cảm nhận được nhiều điều, và nhận ra mình là một ngày mới đang lên - ngày mới dịu hiền và thênh thang.

Bao bụi bặm ngày hôm qua đã được lắng lại, gạn lọc, tan thầm trong đêm, để sớm nay núi rừng phả tinh khôi ắp đầy không gian. Tôi thả bước chân rời nhà Tổ, qua Tam bảo và xuống con dốc nhỏ bên dưới. Triền dốc thoai thoải và ngắn, dẫn ra cây đa già ngoài phía đường nhỏ, báo lối vào chùa.

ANH TUOI TRE 968.JPG


Nụ cười ngày mới - Ảnh: Đình Khoa

Bước thật chậm. Thở thật sâu. Thi thoảng nhắm mắt, hít hà. Thấy mình là một mảnh thiên thạch nhỏ vỡ ra từ đâu đó, chậm trôi trong vũ trụ tăm tối mênh mông. Những vì sao xa lấp lánh mỉm cười.

Thiên thạch nhỏ cứ lăn trôi. Và từ từ nhẹ dần, nhẹ dần, bỏ đi những vướng víu còn sót lại trong lòng, chuyển thành một vầng mây xám pha chút xanh, ánh hồng… Rồi mây khẽ khàng thành từng đợt mưa trong, loang loáng rơi xuống. Hạt mưa không tên, trong suốt, không định rõ về một sắc màu, hình hài ngắn dài tròn dẹt. Mưa vô thanh, vô sắc, vô hình. Mưa lặng im mang trong veo mát lành tìm về nguồn cội, tan vào đất mẹ. Mưa chạm hạt mầm. Hạt mầm thức giấc.

Và khi cơn mưa kết thúc, hạt mầm hé nở những nụ hoa chum chúm đầu ngày, đợi mặt trời lên soi sáng cựa mình bung nở hân hoan.

Tôi là thiên thạch nhỏ, là vầng mây, là vạt mưa, là bông hoa đang hé nở đầu ngày.

Tôi nhớ có lần đã tò mò bạch hỏi thầy xem kiếp trước mình là gì? Thầy mỉm cười:

- Đừng truy tìm quá khứ, chớ hoài vọng tương lai. Con đang ở đây. Và con hãy là chính con!

Phải rồi, kiếp trước của tôi đã rời. Cũng như ngày hôm qua đã trôi. Như cái cây có những bông hoa ngày hôm qua đã rụng xuống, và ngày mới sang lại xòe nở hoa mới thơm vui.

Thầy gõ cửa trong tôi để cảm nhận rõ hơn về hiện tại: Hãy coi mỗi ngày của chúng ta là một kiếp. Sáng sinh ra, trưa được nửa cuộc đời, đêm tàn chết đi, mai lại được đầu thai sống một kiếp sống mới. Chính vì thế luôn cho mình cơ hội bắt đầu lại mọi thứ từ đầu, chọn lựa an vui, không ôm những vướng bận, muộn phiền của ngày hôm qua sang kiếp sống mới. Như thế, thay vì nghĩ khi 80 - 90 tuổi chết đi ta mới hết một kiếp sống, thì một năm chúng ta có 365 kiếp, một đời chúng ta có hằng hà sa số kiếp sống cũng như cơ hội để làm mới mình, để bắt đầu lại sau những lỗi lầm, và để yêu thương nhiều hơn.

Tiếng chuông gió đinh-đoong dưới gốc đa già để tôi trở về với hiện tại. Ngày mới sang rồi. Mặt trời ló rạng tinh khôi. Thầy, tôi, và tất cả vạn loài vừa được tái sinh, để mỉm cười sống trọn kiếp sống mới trong 24 giờ yêu thương. Thở cho thảnh thơi, thở cho an vui. Thở cho không phí kiếp người còn duyên,...

2. Là một cơn gió

Thu về rồi, gió lồng lộng xôn xao. Mỗi khi thức giấc, tôi đều gặp gió đầu ngày hân hoan. Gió theo chân tôi lên thiền đường lúc 4 giờ sáng, lay lay những trang kinh nhật tụng.  Gió rung tiếng chuông leng keng, đinh-đoong , bổng trầm ngân vang trên vòm nhãn già xòa xuống hiên chùa, trong những vòm cây đại cổ thụ lá xanh như  ý nghĩ về một ngày mới thiện lành thênh thang.

Tôi nhớ những giờ cùng mấy chú tiểu nhỏ leo lên tháp Tổ. Giữa bốn bề thông xanh thẳng vươn lên nền trời vun vút, gió ào ạt tìm đến tựa tìm về người thân. Như thể ở một kiếp lâu xa nào đó, hoặc các chú tiểu, hoặc tôi đã từng là một cơn gió lang thang thổi khúc bình yên giữa đời.

Gió gieo vào lòng tôi cảm giác thảnh thơi. Nhắm mắt. Thở sâu, chậm. Mỉm cười. Và tôi ngỡ mình đang là cụm mây trắng bay trong lòng gió. Lòng tôi khe khẽ ngân nga giai điệu hòa nhịp với thênh thang:

“Mình là cụm mây bay

Giữa khung trời xanh trong

Là cánh chim ngàn

Tung cánh bay  thật cao.

Mình là một bông hoa

Nở trong lòng nắng ấm

Là đất mẹ hiền

Nuôi lớn bao mầm xanh…”.

Giai điệu lòng tôi vừa dứt thì một chú nhỏ cất tiếng:

- Chú ơi, chú có thích làm gió không? Con thấy gió lúc nào cũng yêu đời, mát lành, và chu du khắp muôn nơi.

- Trong mỗi chúng ta đều có một phần của gió hợp thành, nên có lẽ chúng ta đã - đang là một cơn gió rồi. Cơn gió an lành thổi dọc kiếp nhân sinh.

- Con nhớ ra rồi. Có lần sư phụ đã dạy rằng: Cơ thể mỗi chúng ta được hợp thành bởi những thứ mang tinh thần của: Đất, nước, lửa và gió. Khi mất đi, thịt xương trả về với đất, máu và nước mắt trả về cho nước, nhiệt độ trả về với lửa và hơi thở cùng mùi trả về theo gió.

- Nhớ hay quá. Thế chú hỏi nhé, làm thế nào để nhận biết sự tồn tại của gió?

- Dạ, là khi gió thổi. Nhìn lá cây, nghe chuông gió lanh canh chú ạ.

- Đúng rồi. Gió chỉ được gọi là gió khi nó còn thôi. Không còn thổi, gió sẽ biến mất giữa hư không. Và bởi trong chúng ta có một phần của gió, nên chúng ta cần là một cơn gió - luôn thổi để được là chính mình, tìm thấy mình: Thổi bước chân bền bỉ, nhẫn nại, không mỏi mệt, không bỏ cuộc giữa chừng để tìm thấy niềm vui nơi đích đến. Thổi sự tu sửa không ngừng trong mỗi ý niệm, lời nói, hành vi để ngày thêm tinh tấn, an khi thở, lạc khi đi. Thổi sự từ bi, trí tuệ, thổi nhịp hiểu và thương. Thổi mát lòng mình, mát lòng người, để thảnh thơi, tươi mới được tưới tẩm mỗi ngày, gọi chồi hạnh phúc lên xanh.

Rồi chẳng ai nói câu gì nữa, tự dưng lặng im, để cảm nhận về gió.

Tôi nhìn những cánh sen hồng khẽ lay lay trước tượng Sư Tổ, mỉm cười thấy gió đang ở đó. Và thầy cũng đang ở đó…

3. Gặp

Tôi ngồi với mấy chú tiểu nhỏ trong trà thất của thầy, nhìn mưa reo hát mát đầy lá xanh và rơi trên tượng ngài Phổ Hiền đang mỉm cười an nhiên trên mặt hồ sau ô cửa. Chợt chú tiểu Như thỏ thẻ:

- Chú ơi, mưa thế này, ngài Phổ Hiền có bị ướt không?

- Cả Đức Phật nữa chú ơi. Ngài ngồi ngoài trời không có ai che cho, có bị ướt không ạ?, chú tiểu Ngộ hỏi theo.

- Ồ, có chứ. Dưới trời mưa thì mọi thứ đều có thể bị ướt cả. Nhưng đó chỉ là tượng của ngài Phổ Hiền, tượng của Đức Phật bị ướt thôi, chứ Bồ-tát và Đức Phật không ở đó nên không bị ướt.

- Vậy Đức Phật ở đâu chú nhỉ?, chú tiểu Ngộ khẽ gãi tai và hỏi.

- Chú nghe sư phụ nói rằng: Đức Phật ở trong mỗi hành vi của mỗi chúng sinh khi bắt đầu được tu sửa. Trong Như, trong Ngộ, trong chú, trong tất cả mọi người khi được sinh ra trên thế gian này đều có một ông Phật như nhau: Ông Phật của từ bi - trí tuệ - đức độ và tình yêu thương. Thế nên chỉ cần chú, Ngộ, Như - mỗi chúng ta sửa dần những hành động, lời nói, ý nghĩ của mình để tốt hơn chính mình của ngày hôm qua, ấy là chúng ta đã có cơ hội để gặp Đức Phật rồi đó.

- A, con nhớ ra rồi. Giống bài hát “Niềm an vui” khi nãy mình hát đúng không chú? - Chú tiểu Như reo lên thích thú và khẽ ngân nga - “Phật quanh ta ở nơi Ta-bà, khi uống ăn nhớ niệm Di Đà. Và khi ta làm điều nhân ái, thấy y như là Phật đến trong ta”.

- Như nhớ nhanh thật đó. Vậy chú đố Như và Ngộ. Nếu như sư phụ đi vắng lâu lâu vì công việc, không có mặt ở chùa. Vậy làm sao để chúng ta gặp được sư phụ nhỉ?

- Gọi điện thoại chú ơi! - Chú tiểu Như nhanh nhảu.

- Thế giả sử sư phụ không nghe điện thoại, hoặc trong thời gian đi vắng không dùng điện thoại thì sao?

- Dạ… Thế thì… - Đến lượt chú tiểu Như gãi tai.

- “Và khi ta làm điều nhân ái. Thấy y như là sư phụ đến trong ta…” - chú tiểu Ngộ khẽ hát.

- Ngộ hát đúng rồi đó. Cũng tương tự như cách ta gặp Phật. Chỉ cần mình biết sư phụ quan tâm, lo lắng, và mong mỏi ở chúng ta điều gì, ta hoàn thành tốt nhiệm vụ đó theo lời thầy dạy. Đi đâu, làm gì, dù chỉ có một mình trong phòng cũng luôn nghĩ có thầy đang ở đây, đang đứng sau nhìn ta, mỉm cười động viên ta cố gắng. Khi định làm gì, mình lại nghĩ rằng: Mình làm như thế sư phụ có vui không, có hài lòng không?... Vậy là một ngày 24 giờ, lúc nào chú, Như, Ngộ cũng đều được gặp sư phụ, có sư phụ ở bên.

Mưa vẫn tí tách reo vui, theo mái ngói nhỏ thành từng dòng trắng lấp loáng trong đêm. Tôi và các chú tiểu nhỏ ngồi lặng im nhìn mưa, nhìn ngài Phổ Hiền.

- Chú nhìn xem kìa, con thấy nụ cười của sư phụ giống hệt nụ cười của ngài Phổ Hiền trong mưa…

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Cử hành nghi thức niệm Phật cầu gia bị

Bình Định: Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh họp thường kỳ triển khai Phật sự cuối năm 2024

GNO - Sáng 11-12, tại Văn phòng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh (114 Tăng Bạt Hổ, TP.Quy Nhơn), Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Định đã tổ chức cuộc họp thường kỳ nhằm triển khai các công tác cuối năm 2024, góp ý dự thảo tổng kết Phật sự năm 2024 và phương hướng hoạt động năm 2025.

Thông tin hàng ngày