Thiền đạo & vẻ đẹp thi ca qua Ngữ lục của Thiền lão Thiền sư

Tam quan chùa Kiến Sơ
Tam quan chùa Kiến Sơ
0:00 / 0:00
0:00
NSGN -Thiền thường chuyển tải bằng hình ảnh thi ca diễm lệ, sinh động, mà chúng ta hay bắt gặp trong kinh văn nhà Phật, trong các thi - kệ, công án, ngữ lục của văn học Phật giáo Việt Nam, văn học Phật giáo Trung Quốc. 

1- Tài liệu xưa nhất hiện còn có nêu thông tin về Thiền sư Thiền Lão là sách Thiền uyển tập anh ngữ lục (禪苑集英語綠), chép hành trạng các thế hệ truyền thừa các dòng Thiền ở Việt Nam từ nửa cuối thời Bắc thuộc cho đến các triều đại Ngô, Đinh, Tiền Lê, Lý và đầu Trần (tức từ cuối thế kỷ thứ VI đến đầu thế kỷ XIII) với 68 tiểu truyện các vị thiền sư thuộc hai dòng Thiền: dòng Tỳ-ni-đa-lưu-chi, dòng Vô Ngôn Thông; còn về dòng Thảo Đường thì chỉ liệt kê tên các thế hệ truyền thừa. Tác phẩm có thể được viết từ cuối thế kỷ XII, XIII và hoàn thành vào đầu thế kỷ XIV. Đây là bộ lịch sử Phật giáo Việt Nam xưa nhất hiện còn với bản in lần đầu vào niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 11 (năm 1715) đời Lê Dụ Tông1. Hiện chưa xác định rõ tác giả tập sách, mà theo nhiều nhà nghiên cứu thì sách có thể do Thông Biện, Thường Chiếu, Thần Nghi, Ẩn Không (và Kim Sơn?) liên tục thay nhau biên soạn2.

Thiền Lão là mỹ hiệu để tôn vinh Thiền sư, hiện chưa rõ danh tính, quê quán, năm sinh năm mất và pháp hiệu3 của ông. Chỉ biết ông thuộc thế hệ thứ 6 của dòng thiền Vô Ngôn Thông (dòng Quán Bích, còn gọi là dòng Kiến Sơ), là đệ tử truyền thừa của Thiền sư Đa Bảo ở chùa Kiến Sơ, rồi sau đó ông về tu ở chùa núi Từ Sơn (Bắc Ninh) và trở thành một vị “thiền lão” nổi tiếng cả vùng. Vào khoảng niên hiệu Thông Thụy (1034-1038), vua Lý Thái Tông (sinh 1000 - mất 1054; ở ngôi 1028-1054) thường đến viếng cảnh chùa và đàm đạo với Thiền sư. Nhà vua thấy sư là người uyên thâm, khoáng đạt nên rất hâm mộ, định đón về làm cố vấn triều đình, nhưng chưa kịp thì ông mất. Nhà vua thương tiếc, làm thơ viếng4, lại sai người đem lễ vật đến phúng và cho sửa sang chùa làm nơi thờ cúng ông. Về tác phẩm, theo tư liệu hiện còn, Thiền sư không để lại một tác phẩm hoàn chỉnh nào, chỉ lại còn mấy câu đối đáp với vua Lý Thái Tông mà sách Thiền uyển tập anh ngữ lục có chép. Sau đây là đoạn đối đáp giữa nhà vua và Thiền sư:

“... Vua hỏi:

- Hòa thượng trụ trì ở núi này đã bao lâu?

Sư đáp:

- Đản tri kim nhật nguyệt,

Thùy thức cựu xuân thu.

但 知 今 日 月,

誰 識 舊 春 秋.

(Chỉ biết ngày tháng này,

Ai rành xuân thu trước).

Vua hỏi:

- Hàng ngày Hòa thượng làm gì?

Sư đáp:

- Thúy trúc, hoàng hoa phi ngoại cảnh,

Bạch vân, minh nguyệt lộ toàn chân.

翠 竹 黃 花 非 外 景,

白 雲 明 月 露 全 真.

(Trúc biếc, hoa vàng đâu cảnh khác,

Trăng trong, mây trắng hiện toàn chân).

Vua lại hỏi:

- Có ý chỉ gì?

Sư đáp:

- Nhiều lời vô ích!

Vua bừng tỉnh ngộ”.

2- Thế thì tư tưởng thiền và vẻ đẹp thi ca được thể hiện như thế nào qua hai câu trả lời bằng thơ của Thiền Lão?

Để trả lời câu hỏi: “Hòa thượng trụ trì ở núi này đã bao lâu?” của nhà vua, thì Thiền sư đáp: “Đản tri kim nhật nguyệt, Thùy thức cựu xuân thu”. Nhà vua muốn biết về thời gian trụ trì, tu tập của Thiền sư tại núi Từ Sơn thì sư lại nói về ngày tháng hiện tại, chứ không rõ xuân thu mùa trước, tức chỉ biết thời gian hiện tại, chứ không biết thời gian quá khứ. Khái niệm “nhật nguyệt” (ngày tháng), xuân thu (hai mùa trong năm) là hai hình ảnh chỉ quy luật của thời gian tuyến tính. Mà thời gian tuyến tính thì một đi không trở lại! Nhà vua hỏi về quá khứ, Thiền sư lại nói về hiện tại, về cái “đang là”, “lúc này đây”. Câu trả lời thật ý nhị, nhẹ nhàng, đúng như lời Phật dạy trong kinh văn. Đức Phật thường khuyên các đệ tử hãy sống ngay trong giây phút hiện tại, không nghĩ tới quá khứ và vị lai. Nếu người tu thiền không bận tâm, không nghĩ tới quá khứ và vị lai thì tâm không bao giờ xao động, tức đã đạt đến trạng thái “vô tâm”. Thói thường tự nhiên của người đời là hay nhớ nghĩ đến và thường kể lại những chuyện đã qua, những việc ngày xưa hoặc hay tính toán, dự định, ước mơ những việc tương lai. Do vậy mà, tâm (lòng) của người đời không bao giờ được yên, tức luôn luôn loạn động, không bao giờ ngừng nghỉ. Đây là “cái bệnh” thường gặp của thế nhân. Bởi tâm và ý của con người luôn rong ruổi chẳng khác nào như con ngựa trên đường dài, như con vượn chuyền cành, mà trong thiền học thường nhắc đến qua hình ảnh so sánh sinh động: Tâm viên ý mã. Nếu mọi người biết buông xả quá khứ, không dự tính tương lai với những ước mơ hoài bão, mà chỉ biết đến hiện tại, ngay giờ đây, lúc đang là, thì chắc chắn cái tâm (lòng) của người ấy sẽ luôn bình thản, sẽ không bị loạn động, điên đảo, vọng tưởng. Qua sự trả lời bằng hai câu thơ ngũ ngôn: Đản tri kim nhật nguyệt/Thùy thức cựu xuân thu” (Chỉ biết ngày tháng này/Ai rành xuân thu trước), Thiền sư Thiền Lão đã bày tỏ tâm trạng và thái độ sống của mình cho nhà vua biết. Và đây cũng là lời Thiền sư muốn “khuyên”, muốn “nhắc khéo” nhà vua về một thái độ sống, tu tập, hành trì là đừng nghĩ tưởng những chuyện đã qua và chuyện sắp tới, mà phải sống thật, sống hết mình với phút giây hiện tại. Đó là thái độ sống của một con người tự tin, bình thản, lạc quan. Cái chất tự tin bình thản lạc quan ấy chính là mẫu hình con người “vô tâm” (không nghĩ suy), “vô úy” (không sợ), “vô ngã” (không có ta), “vong thân” (quên bản thân mình) của thời đại Lý - Trần. Con người ta mỗi khi đã đạt đến tinh thần “vô tâm”, “vô úy”, “vô ngã” rồi thì không cần cầu Thiền, cầu Phật làm gì. Điều này Diệu Nhân Ni sư đời Lý (tức công chúa Lý Ngọc Kiều) đã phát biểu trong một bài kệ: “Thiền Phật bất cầu/Uổng khẩu vô ngôn” (Không cầu Thiền Phật/Uổng lời không nói); hay như Phật hoàng Trần Nhân Tông đã tổng kết trong bài kệ ở cuối bài phú chữ Nôm Cư trần lạc đạo: Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền (Trước cảnh mà lòng trống không thì đừng hỏi thiền).

Tiếp theo, để trả lời câu hỏi: “Hàng ngày Hòa thượng làm gì?” của nhà vua, thì Thiền sư đáp: “Thúy trúc, hoàng hoa phi ngoại cảnh/Bạch vân, minh nguyệt lộ toàn chân”. Ở đây, giữa câu hỏi và câu trả lời bề ngoài mới nghe dường như không ăn nhập gì với nhau, có vẻ không logic. Đó là một dạng nghịch ngữ mà các vị thiền sư hay dùng trong các Ngữ lục, các Công án để khơi gợi trực giác, nhằm thức tỉnh người học đạo. Nhà vua muốn biết việc làm hàng ngày của Thiền sư, thì sư lại dùng những hình ảnh của thiên nhiên “trúc biếc, hoa vàng, trăng trong, mây trắng” để trả lời! Tại sao Thiền sư không lấy những ngoại cảnh nào khác mà phải là “trúc biếc, hoa vàng”, là “trăng trong, mây trắng”? Những hình ảnh này là hình ảnh ngoại cảnh có thật của thiên nhiên, của thế giới hiện thực khách quan, thể hiện vẻ đẹp tự nhiên thường gặp trong văn chương. Nhưng xin đừng hiểu rằng: trúc, hoa, trăng, mây là chân. Dù trúc có xanh biếc tươi mơn mởn; hoa vàng có rực rỡ khoe sắc tỏa hương; trăng trong có tỏa sáng vằng vặc; mây trắng có trôi lang thang bồng bềnh, thì tất cả đều là những đối tượng hiện thực có thật trong thế giới tự nhiên mà ai ai cũng thấy, cũng từng ngắm nhìn. Nếu nói nó là thật thì có trái với tư tưởng nhà Phật không? Và khi đã có hình tướng thì không thể thoát khỏi quy luật sinh hóa vô thường. Bởi trong kinh văn, Đức Thế Tôn thường dạy: Tất cả các pháp hữu vi (thế giới hiện thực khách quan) đều không phải là thực tướng, chúng chẳng khác nào như giấc chiêm bao, như bóng nổi trên mặt nước, như giọt sương đọng lại trên đầu ngọn cỏ, như ánh chớp trên bầu trời... mà Vạn Hạnh Thiền sư (? - 1018) đời Tiền Lê, đời Lý đã từng tiếp thu và phát biểu trong một bài kệ trước phút lâm chung5. Trong kinh Kim cang bát-nhã ba-la-mật - một bộ kinh thuộc văn hệ Bát-nhã của Phật giáo Đại thừa - có bài kệ: “Nhất thiết hữu vi pháp/Như mộng huyễn bào ảnh/Như lộ diệc như điện/Ưng tác như thị quán” mang nội dung vừa nói trên. Con người thấy trước mắt trúc có màu xanh, hoa có màu vàng, trăng thì trong, mây thì trắng, đứng ở góc độ “sự pháp giới” thì đó là nhận ra cái chân của hiện tượng, nhưng đứng ở góc độ “lý pháp giới” thì nó là giả tướng, là huyễn tưởng, vì chúng không tồn tại vĩnh viễn. Con người mỗi khi nhận thức hiện tượng “lúc đang là” mà tâm không khởi niệm, không nghĩ tưởng thì đó là CHÂN, tức thấy rõ được bản thể, thấu triệt được thực tướng của hiện tượng, của các pháp hữu vi, thì lúc đó sẽ không phân biệt đẹp xấu, không bình luận khen chê. Nếu nghĩ tưởng rằng: trúc, hoa, trăng, mây đều là chân, hay bất cứ hiện tượng khách quan nào cũng đều là chân, thì đó là một nhận thức sai lầm. Thật ra, mấy thứ đó, chúng là chúng, chúng không tự nói ra là CHÂN hay VỌNG, là THẬT hay ẢO. Chân - vọng, thật - ảo là do cái tâm con người khởi niệm, suy tưởng mà có. Khi tâm khởi niệm, suy tưởng tức là bị loạn động, điên đảo, nên thấy bất cứ hiện tượng nào cũng biến thiên loạn động. Hai câu thơ thất ngôn giàu hình ảnh văn chương mà Thiền sư trả lời cho nhà vua chính là nói lên cái tâm chân như của Thiền sư luôn lặng lẽ, tịch tĩnh, bất động. Vì thế mà Thiền sư nhìn bất kỳ hiện tượng nào cũng thấy được cái tĩnh tại của chúng, rõ được bản thể chân như của chúng. Mà khi tâm tịch tĩnh lặng lẽ, thấy được bản thể chân như thì đó chính là Phật tính. Nói như Quốc sư Viên Chứng Trúc Lâm Đại Sa-môn trong lời khuyên vua Trần Thái Tông, khi nhà vua bỏ ngôi lên núi Yên Tử cầu Phật: “Tâm tịch nhi tri, thị danh chân Phật” (Lòng lặng lẽ mà biết, đó chính là Phật vậy). Thế thì, để trả lời cho vua Lý Thái Tông, Thiền sư Thiền Lão đã dùng những hình ảnh thi ca sinh động đẹp đẽ để biểu đạt cái ý ngoại cảnh và tâm cảnh là một, nội giới với ngoại giới không phải là hai, thể hiện cái Tâm không phân biệt, tức Tâm và Pháp nhất như. Đây chính là tinh thần vô phân biệt trong kinh Hoa nghiêm.

Tóm lại, những tư tưởng uyên áo, uẩn súc, vi diệu của Thiền được Thiền sư Thiền Lão nói riêng, các vị thiền sư khác nói chung, thường chuyển tải bằng hình ảnh thi ca diễm lệ, sinh động, mà chúng ta hay bắt gặp trong kinh văn nhà Phật, trong các thi - kệ, công án, ngữ lục của văn học Phật giáo Việt Nam, văn học Phật giáo Trung Quốc.

PGS.TS. Nguyễn Công Lý (Trường ĐHKHXH&NV-ĐHQG TP.HCM)

___________________________________________

(1) Vĩnh Thịnh là niên hiệu của Lê Dụ Tông, vị vua thứ 11 của nhà Lê Trung Hưng, ông là con trưởng của vua Lê Hy Tông (1675-1705), sinh năm Canh Thân 1680, lên ngôi năm 1705, ở ngôi 24 năm (1705-1729), nhường ngôi cho con thứ là Lê Đế Duy Phường (1729-1732) để làm Thái Thượng hoàng trong 2 năm (1729-1731), băng hà năm Tân Hợi (1731) lúc 52 tuổi. Trong 24 năm làm vua, Lê Dụ Tông đã đặt hai niên hiệu: Vĩnh Thịnh (1705-1720); Bảo Thái (1720-1729).

(2) Xin xem: Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, tập 1, Lá Bối, SG, 1972; Lê Mạnh Thát, Nghiên cứu về Thiền uyển tập anh, NXB.TP.HCM, 1999; Lê Mạnh Thát, Lịch sử Phật giáo Việt Nam,NXB.TP.HCM, tập 1, 2001; tập 2, 2002.

(3) Pháp hiệu là tên do vị bổn sư đặt cho đệ tử theo bài kệ truyền thừa của dòng thiền, khi đệ tử được thọ giới Tỷ-kheo, chính thức thành vị Sa-môn (Tỷ-kheo/ Đại đức).

(4) Rất tiếc, hiện chưa tìm được bài thơ của Lý Thái Tông viếng Thiền sư Thiền Lão.

(5) Thị tịch: Thân như điện ảnh hữu hoàn vô/Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô. Nhậm vận thịnh suy vô bố úy/Thịnh suy như lộ thảo đầu phô. - Vạn Hạnh thiền sư.

Tài liệu tham khảo

1- Thiền uyển tập anh ngữ lục, chữ Hán, bản in Vĩnh Thịnh thứ 11 (1715), ký hiệu A.3144.

2- Nguyễn Công Lý, Văn học Phật giáo thời Lý - Trần: diện mạo và đặc điểm, NXB.ĐHQG TP.HCM, 2002, tái bản lần 5 (có bổ sung) 2016.

3- Thích Thanh Từ, Tham đồ hiển quyết và thi tụng các thiền sư đời Lý, NXB.TP.HCM - Thiền viện Thường Chiếu, Phật lịch 2541- Dương lịch 1997.

4- Viện Văn học, Thơ văn Lý - Trần, Tập 1, NXB.KHXH, HN, 1977.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày