Nhóm do TT.Thích Huệ Minh, trụ trì chùa Thiên Quang vận động thành lập với sự tiếp sức của nhóm thiện nguyện gồm y, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngự.
Y bác sĩ tình nguyện chăm lo sức khỏe cho người nghèo vùng sâu
TT.Thích Huệ Minh cho biết, cuộc sống người dân vùng biên giới Tây Nam đa số còn khó khăn, nhiều người lâm bệnh mà gia cảnh quá nghèo không đủ điều kiện chữa trị, phải tự kiếm thuốc Nam cầu may, có khi bệnh không đáng chết mà phải tử vong. Hiểu được những hạn chế đó, nhóm đã nỗ lực ra quân với 200 suất thuốc cho dân nghèo ở khóm 4, phường An Lạc.
Và, nối dài những chia sẻ, nhiều đơn vị, cá nhân đã hỗ trợ cho nhóm từ thiện đến gần hơn với người nghèo, giúp họ chăm sóc y tế, hỗ trợ thuốc thang trong lúc ốm đau… bằng tất cả tấm lòng thiện nguyện.
Không chỉ vậy, ngay từ đầu khởi xướng, nhóm đã quy tụ hơn 60 thành viên bao gồm nhiều thành phần xã hội, tôn giáo như cán bộ viên chức, giáo viên về hưu, kỹ sư, bác sĩ, Tăng Ni, Phật tử, bà con tiểu thương, dân lao động nghèo... được phân chia vào các tổ giám sát, cấp phát thuốc, chuyên môn y bác sĩ...
Điều đáng mừng là Phật tử và các nhà hảo tâm đã hoan hỷ đóng góp mua sắm một số trang bị, dụng cụ y khoa như một phòng khám lưu động (máy siêu âm xách tay, máy đo đường huyết, 4 dụng cụ đo huyết áp, 5 giường inox và giường khám phụ khoa) trị giá gần 200 triệu đồng phục vụ cho công tác khám chữa bệnh.
Bác sĩ Lê Văn Thôi, Bệnh viện Đa khoa khu vực Hồng Ngự cho biết: “Quỹ từ thiện giúp bệnh nhân nghèo của chúng tôi chỉ còn 2 triệu đồng thì nhóm của thầy Huệ Minh ra đời. Thật đủ duyên lành kẻ công người của, chúng tôi đảm trách phần chuyên môn, thầy vận động nhiều người vào cuộc.
Thời buổi kinh tế khó khăn, đạo đức xã hội có phần sa sút, tôi càng nhận rõ hiểu và hành được bài học thiểu dục tri túc của Phật dạy thì sống rất thoải mái. Không biết làm phước thiện, chỉ chăm bẵm làm giàu cá nhân chết để lại cho ai”.
Dù tuổi cao, công việc hàng ngày khá vất vả bằng nghề xe lôi đạp, ông Huỳnh Văn Giống, 68 tuổi, ngụ ấp Phú Lợi B, xã Phú Thuận, hàng ngày thức dậy sớm chở khách kiếm đủ tiền gạo rồi đi gom tiền cô bác đóng góp cho nhóm. Ông tâm sự: “Tôi thường tranh thủ chạy đến tối mịt để dành tiền chợ cho những ngày khám bệnh định kỳ”.
Tuy hoạt động còn hạn chế nhưng những trường hợp bệnh nặng ngoài khả năng điều trị tuyến huyện, bà con còn được hỗ trợ chi phí chuyển viện, ăn uống. Nhóm chủ trương cứ làm hết khả năng của mình để giúp bệnh nhân được điều trị tốt nhất.