Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã về tới tổ đình Từ Hiếu - Huế

GNO - Chiều nay 3-9-2017 (13-7-Đinh Dậu), trong mùa Vu lan - Báo hiếu, Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã về tới nơi cội nguồn tâm linh của mình tại cố đô Huế - tổ đình Từ Hiếu.

8.jpg
Mặc dù thông tin rất thầm lặng, nhưng nhiều Tăng Ni, Phật tử vẫn đến cung đón bậc Thầy tại chùa Từ Hiếu

Thiền sư đã được các thị giả tháp tùng trên chuyến xe di chuyển từ Đà Nẵng, về tới chùa Từ Hiếu vào lúc 18g38’. Cung đón vị Thầy, bậc Tôn trưởng của tổ đình, có chư tôn đức: HT.Thích Giác Quang (chùa Bảo Lâm), TT.Thích Từ Đạo (Giám tự tổ đình) và gần 500 chư Tăng Ni thuộc tổ đình và các tự viện cùng Phật tử các thế hệ hay tin tự nguyện đến đứng hai bên lối vào chùa đón Thiền sư trong đạo tình và niềm xúc động.

24.jpg

"Đã về đã tới"

Thiền sư đã được các vị thị giả đưa vào cổng chính, theo lối bên hồ bán nguyệt ở tam quan tổ đình, vào chánh điện lễ Phật, hữu nhiễu tôn tượng Đức Bổn Sư tại Đại hùng bảo điện, đặt tay lên bệ Phật và dừng lại trong chốc lát; sau đó đến hậu tổ, dâng hương trước Giác linh lịch đại Tổ sư của tổ đình; trong khoảnh khắc im lặng khiến người chứng kiến hiện diện cảm nhận không còn ranh giới của thời gian, không quá khứ, không tương lai, mà hiện tiền - tại đây và bây giờ.

CPD.jpg

Xúc động bên Thầy, trước điện Phật - FB Chan Phap Dang

Sau khoảnh khắc thiêng liêng đó, Thiền sư được các thị giả đưa đến thiền đường – công trình được tôn tạo bổ sung sau khi Thiền sư về thăm quê hương. Nhằm bảo tồn sức khỏe cho Thiền sư, các thị giả đã đưa ngài đến thất Lắng nghe trong khuôn viên của tổ đình, về thiền thất tịnh dưỡng.

Trao đổi với Báo Giác Ngộ, HT.Thích Giác Quang cho biết sức khỏe của Thiền sư ổn định. “Chúng tôi cảm nhận Sư Ông rất minh mẫn, tĩnh giác trong mọi hành vi” - Hòa thượng chia sẻ.

23.jpg

Thiền sư dâng hương trước Giác linh lịch đại Tổ sư

Trước đó, ngày 29-8, Thiền sư từ Thái Lan đã về Đà Nẵng trên một chuyến bay của Hãng Bangkok Airways, qua cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng. Thiền sư đã lưu trú tịnh dưỡng ở Đà Nẵng mấy hôm qua.

Thông tin Thiền sư về Việt Nam đã được Tăng Ni, Phật tử trong và ngoài nước tiếp nhận với đạo tình sâu sắc dành cho một bậc Thầy hướng dẫn tâm linh có sức ảnh hưởng rất rộng lớn đối với thế giới, đặc biệt là việc tiếp nhận, tiêu hóa và diễn đạt Thiền định mà Đức Phật đã dạy trở thành không chỉ là pháp môn tu tập cho mọi giới, mà còn là một phương pháp trị liệu tâm lý hết sức giản dị, dễ áp dụng cho mọi người, cả Đông phương lẫn Tây phương.

Ngài cũng là người đã nhấn mạnh đến ý nghĩa thiết thực của gốc rễ văn hóa trong việc hình thành nhân cách và kiến tạo hạnh phúc, an lạc thiết thực trên con đường hội nhập thế giới hiện đại.

20.jpg

Sau biến cố sức khỏe cuối năm 2014, Thiền sư phải phải đi lại nhờ trợ giúp của xe lăn

Ở lĩnh vực này, Thiền sư Thích Nhất Hạnh với nhiều hoạt động về hướng dẫn tu tập, thuyết giảng, đối thoại, nghiên cứu, giảng dạy…tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, kể cả Trung Quốc, trong nhiều thập niên qua đã để lại dấu ấn lớn trong việc giới thiệu văn hóa dân tộc Việt Nam. Việc làm đó góp phần làm cho thế giới biết thêm và có nhiều tình cảm với văn hóa truyền thống Việt Nam, khiến cho cộng đồng Phật giáo thế giới có cái nhìn khác về Phật giáo Việt Nam, nhận diện bản sắc dân tộc trong Phật giáo Việt Nam và những gì mà Phật giáo đóng góp làm nên bản sắc của văn hóa dân tộc.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh sinh tại Thừa Thiên Huế, năm 1926, họ Nguyễn, xuất gia năm 1942 với Tổ sư Thanh Quý - Chân Thật tại ngôi tổ đình Từ Hiếu ở đất cố đô. Ngài được Bổn sư ban pháp danh là Trừng Quang, đời thứ 8 dòng thiền Liễu Quán, đời thứ 42 thiền phái Lâm Tế.

22.jpg

Thiền sư hữu nhiễu tôn tượng Đức Thế Tôn và chạm tay vào bệ Phật tại chánh điện

Thiền sư đã bộc lộ những tố chất khác thường từ thuở hành điệu – giai đoạn đầu xuất gia tu tập. Từ nhỏ, ngài là tác giả của rất nhiều câu chuyện thiền vị sâu lắng ẩn trong nếp sống đơn sơ của nhà chùa, tạo nhiều bất ngờ và hứng thú cho người đọc.

Giữa rừng thiền tại cố đô với nhiều đại thụ, ngài là người được chư tôn đức tin tưởng giao nhiều trọng trách, là chủ bút của tạp chí Phật giáo Việt Nam sau khi Tổng hội Phật giáo Việt Nam thành lập, thống nhất Phật giáo toàn quốc năm 1951 tại chùa Từ Đàm. Sau đó, Thiền sư tiếp tục làm chủ bút của nhiều tạp chí Phật giáo và văn nghệ khác tại miền Nam, và là tác giả của rất nhiều công trình nghiên cứu, sáng tác được độc giả yêu quý và giới nghiên cứu đánh giá cao, được dịch ra nhiều ngôn ngữ và được xếp vào nhóm sách bán chạy nhất (best seller) tại nhiều nơi.

28.jpg

Thiền sư với HT.Thích Giác Quang nơi thiền đường

Được biết chuyến về Việt Nam được cho là bất ngờ đối với nhiều người, vì sau biến cố về sức khỏe mấy năm trước, Thiền sư chưa được phục hồi bình thường trở lại, theo nguồn tin của Báo Giác Ngộ, chỉ để thăm quê hương, chốn Tổ;  Sẽ không có các khóa tu hoặc các sự kiện công cộng liên hệ tới Thiền sư và Tăng thân Làng Mai được tổ chức dịp này.

>>> Xem thêm: Thiền sư Thích Nhất Hạnh về Việt Nam II >>> Sức khỏe và lịch trình của Thiền sư Thích Nhất Hạnh

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thượng tọa Thích Thiện Thông thăm hỏi, động viên bà con có hoàn cảnh khó khăn TP.Trà Vinh

Chùa Liên Trì (TP.Vũng Tàu) trao quà tại Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh Bến Tre

GNO - Sáng 23-11, đoàn từ thiện chùa Liên Trì (TP.Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) do Thượng tọa Thích Thiện Thông, Phó Thư ký kiêm Chánh Văn phòng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh, trụ trì chùa Liên Trì làm trưởng đoàn đã đến trao quà đến trẻ em và người già neo đơn tại Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh Bến Tre.
Chùa Thầy (Hà Nội)

Mái chùa che chở hồn dân tộc

NSGN - Bài thơ Nhớ chùa là một tác phẩm bất hủ của thơ ca Phật giáo Việt Nam. Bài thơ này đi vào lòng người mến đạo một cách dịu dàng và nồng ấm như câu ca dao của mẹ, tự nhiên và nhẹ nhàng như hơi thở, bình yên và trong sáng như một mảnh trăng chiều...

Thông tin hàng ngày