Thiền viện Tuệ Quang trên đường phát triển

Thiền viện Tuệ Quang  mang tên của vị Thiền sư Thiền phái Trúc Lâm, tọa  lạc tại số 13, đường Linh Trung, Q.Thủ Đức là một thiền viện thực hiện đường lối khôi phục tinh thần Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử do HT.Thích Thanh Từ chủ trương hướng dẫn.

Với diện tích 6.000m2, cơ sở thiền viện kiến trúc hài hòa có vườn hoa cây cảnh xanh tươi tốt đẹp. Tuy nhiên bên cạnh thiền viện là địa bàn dân cư mà chung quanh là khu công nghiệp với những nhà máy xí nghiệp mọc lên san sát, đủ mọi thứ âm thanh nhiễu loạn.Tuy bất lợi về hoàn cảnh môi trường, nhưng thiền viện Tuệ Quang vẫn có số lượng chư Tăng hơn hai mươi vị cùng nương nhau tu hành và hàng tuần vẫn thanh thản hướng dẫn cho mấy trăm Phật tử cùng tu tập theo pháp môn Thiền tông.

TV-Tue-Quang-1.jpg

Duyên khởi của thiền viện Tuệ Quang là câu chuyện xúc động xuất phát từ gia đình thí chủ dòng họ Huỳnh Võ được lược ghi lại:

Nguyên cụ Huỳnh Văn Chừng theo chúa Nguyễn Ánh vào Nam lập nghiệp tại Thủ Đức. Người cháu đời thứ ba là cụ Huỳnh Văn Đức tìm được một khu đất hợp địa lý phong thủy tại thôn Linh Xuân làm đất thổ mộ cho dòng họ. Người cháu đời thứ sáu, cụ Huỳnh Hữu Nho (1893-1980) là con trai duy nhất của cụ Huỳnh Hữu Thể và bà Võ Thị Sô. Cụ Nho (PD Minh Trí) là một người có chức phận, nhưng sống rất hiền đức và hiếu thảo, ai cũng mến mộ. Khi cha mẹ mất để lại một gia tài điền sản to lớn, cụ Nho đã khước từ quyền thừa kế để nhường lại tất cả di sản vài trăm mẫu đất và ruộng cho các chị em gái, cụ chỉ giữ lại khu đất mộ của ông bà để trông nom gìn giữ. Chính tại khu đất mộ này, cụ Huỳnh Hữu Nho đã bắt đầu tạo lập ngôi chùa vào ngày 4-10-Canh Ngọ (20-11-1930), lấy họ Huỳnh của cha và họ Võ của mẹ ghép lại để đặt tên cho chùa là “Huỳnh Võ Tự".

Cụ Huỳnh Hữu Nho có tâm nguyện là chùa này không phải dành riêng cho dòng họ Huỳnh mà là một nơi hoằng pháp lợi sanh. Do đó năm 1967 con gái của cụ Nho là bà Huỳnh Thị Nga, PD.Thanh Huệ (sau này xuất gia là Sư cô Thích nữ Huệ Định) đã cúng ngôi chùa Huỳnh Võ và khu đất có diện tích 47.240m2 để xây dựng công trình Pháp Bảo Viện, là nơi chư tôn Đại lão Hòa thượng Thích Hành Trụ, Thích Thiện Hòa, Thích Trí Tịnh và Thích Trí Thủ dùng làm chỗ phiên dịch Tam tạng kinh điển.

Pháp Bảo Viện khởi đầu thực hiện bằng buỗi lễ an vị tôn tượng Bồ tát Quán Thế Âm vào ngày 19-2-Ất Mão (1975), nhưng sau đó vì hoàn cảnh không thuận duyên nên phải dừng lại. Mặc dù đã trải qua 34 năm, hiện nay tôn tượng Bồ tát Quán Thế Âm vẫn còn sừng sững trước chánh điện của thiền viện như một chứng tích nhắc nhở người sau đừng quên chí nguyện của tiền nhân. Vì không thể xây dựng được Pháp Bảo Viện nên chư tôn Hòa thượng đã ký giao hoàn khu đất và chùa Huỳnh Võ lại cho bà Huỳnh Thị Nga ngày 31-12-1982. Năm 1990, bà Nga đã tu bổ lại toàn bộ ngôi chùa cũ và xây dựng thêm phần Ni xá.

 Năm 1993, Nhà nước có kế hoạch xây dựng Khu chế xuất Sài Gòn-Linh Trung. Toàn bộ khu đất và chùa Huỳnh Võ đều nằm trong  quy hoạch nên phải giải tỏa.

Ngày 19-4-1996, UBND TP.Hồ Chí Minh ký Quyết định 61/QĐUB   QLĐT cho trưởng nữ của bà Huỳnh Thị Nga là cô Lê Thị Lan được nhận 6.000m2 tại ấp 2, xã Linh Trung, huyện Thủ Đức để di dời chùa Huỳnh Võ đến đó.

Việc tái thiết chùa Huỳnh Võ tại vị trí mới được thực hiện theo bản vẽ của kiến trúc sư Nguyễn Tất Tống. Lễ đặt viên đá đầu tiên vào ngày 6-3-Bính Tý (23-4-1996) dưới sự chứng minh của chư tôn Hòa thượng Thích Huệ Hải, viện chủ chùa Từ Quang và Thượng tọa Thích Đạt Niệm, Chánh đại diện Phật giáo Q.Thủ Đức.

Hai người con gái của bà Nga là Lê Thị Lan, PD.Thanh Liên và Lê Thị Mỹ, PD.Thanh Nguyệt đã góp phần tài vật và công sức để tái thiết ngôi Tam bảo Huỳnh Võ. Các hạng mục công trình gồm: cổng tam quan, chánh điện, trai đường và nhà trù đều được hoàn thành mỹ mãn đúng thời hạn. Ngày 19-11-Đinh Sửu (18-12-1997) chính thức cử hành Lễ Khánh thành và An vị Phật trong niềm pháp hỷ vô biên.

Bà Nga và toàn thể con cháu đã cúng dường chùa Huỳnh Võ cho Hòa thượng Thích Thanh Từ để làm một cơ sở khôi phục Thiền tông Việt Nam và phát triển tinh thần dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử. Lễ cúng dường đã được cử hành nghiêm trang và trọng thể tại chùa Huỳnh Võ ngày 8-8-Mậu Dần (28-9-1998) dưới sự chứng minh của Hòa thượng Viện trưởng Thiền viện Trúc Lâm cùng chư tôn đức Tăng Ni và Phật tử gần xa.

Để điều hành công tác Phật sự tại chùa Huỳnh Võ, lần lượt các thầy: thầy Thông Tông, thầy Thông Hiếu, thầy Thông Giáo, thầy Thông Bản, thầy Thông Phổ đã được Hòa thượng chỉ dạy về đảm trách công việc trụ trì (thầy Thông Phổ phụ trách từ ngày 18-8-2000 (20-7-Canh Thìn) cho đến nay). Để đáp ứng nguyện vọng tha thiết của thí chủ, Hòa thượng cho thay thế danh hiệu chùa Huỳnh Võ thành thiền viện Tuệ Quang, được Thành hội chấp thuận, ban hành QĐ số 702/QĐ/THPG ngày 19-11-2001 và công bố trong buổi lễ khánh thành lầu chuông trống ngày 30-1-2002 (18-12-Tân Tỵ). Thành hội PG TP.Hồ Chí Minh cũng đã ban hành QĐ số 124/QĐ/THPG ngày 27-3-2008, chính thức bổ nhiệm thầy Thông Phổ làm trụ trì Thiền viện Tuệ Quang. Lễ trao quyết định bổ nhiệm trụ trì sẽ được Ban Đại diện Phật giáo Q.Thủ Đức tổ chức vào lúc 8 giờ sáng, ngày 15-3-2009 (19-2-Kỷ Sửu) tại thiền viện Tuệ Quang.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh minh họa

Vía và ngày vía

GNO - Hiện nay, chữ vía được dùng khá nhiều trong đời sống với những ngữ cảnh khác nhau như trộm vía, xin vía. Đạo Phật có ngày vía Phật, Bồ-tát; trong tín ngưỡng dân gian cũng có vía Thánh, Thần (vía Thần Tài chẳng hạn). Tôi muốn biết vía có nghĩa căn bản là gì? Giáo lý đạo Phật có đề cập đến vía không?

Thông tin hàng ngày