Thiền vốn giản dị

Ngày càng có nhiều doanh nhân, nghệ sĩ ở Hà Nội, TPHCM tìm đến thiền, yoga, khí công với nhiều lý do khác nhau, nhưng nhìn chung, phần lớn đều xuất phát từ động cơ rất tốt là chăm lo cho sức khỏe của chính mình.

Chuyện bi hài nhưng thường xảy ra ở nhiều nơi, kể cả ở các nước phát triển, đó là việc một số doanh nhân dốc hết sức lực để đổi lấy lợi nhuận, tiền của; rồi khi có của dư của để lại đem tiền bạc đi mua lại… sức khỏe! Mà sức khỏe lắm khi dễ gì mua được, dù có thật nhiều tiền.

Thiendon gian.jpg

Ảnh minh họa

Nhưng dù sao, trong cuộc sống mà stress trở thành nỗi ám ảnh thường xuyên, việc ý thức sức khỏe quý hơn… đô la, rồi dành thì giờ tu thân, tu tâm bằng tập thiền, khí công hay yoga là điều rất tốt. Đó cũng là sự đầu tư khôn ngoan cho hạnh phúc - mục tiêu của đời người.

Có một thời, chữ “tu” làm không ít người dị ứng. Tu thì làm sao làm ăn được? Tu là diệt dục, làm sao có hạnh phúc gia đình?

Sự cởi mở trong chính sách của Nhà nước, những bất trắc trong kinh doanh đã khiến nhiều người sực tỉnh. Họ muốn có những kỹ năng để kiểm soát được cảm xúc, làm chủ được cơn giận, nỗi buồn, sự thất vọng… để có thể tiếp tục vượt biển một cách nhẹ nhàng như cánh hải âu.

Tuy nhiên, ngoài một số chương trình căn bản, rất ít, còn lại, nhiều chương trình yoga, dưỡng sinh, thiền ăn theo nhu cầu, rộ lên như… nấm sau mưa. Nhiều người có tiền, cứ theo thông tin quảng cáo mà tìm đến, hì hục tập luyện mà không biết sẽ đi về đâu.

Có những quảng cáo rất hồ đồ, kiểu như tập gì gì đó có thể chữa bá bệnh, hay tập trong hai tuần là có thể khám phá hết… tâm thức của mình. Nhiều người giống như con thiêu thân khao khát tìm về ánh sáng và quên đi sự sống của chính mình. Thế là tiền mất, tật mang!

Cái tật ở đây là ảo giác trong nhận thức, cứ tưởng rằng mình có thể nắm lấy cái tâm thức - thế giới bên trong mình như nắm một vật gì trong lòng bàn tay. Đó là chưa kể đến những ảo giác tinh thần lệch lạc mang màu sắc huyền bí, khoác chiếc áo tâm linh đầy nguy hại, ảnh hưởng không tốt đến các truyền thống tâm linh, tôn giáo nghiêm mật. “Thầy hướng dẫn” đôi khi chỉ tự mày mò qua sách vở, tập yoga hay khí công rồi trang bị thêm tri thức cửa miệng từ một vài cuốn sách. Có nơi mang danh Thiền nhưng thực chất là một mớ tạp-pí-lù.

Cũng có một loại thiền được nhiều người gọi hài hước là “thiền kiểng”! Loại thiền này không phải là phương thức rèn luyện tâm để loại bỏ tham lam, cố chấp, giận dữ…, để sống hạnh phúc, ít bị lệ thuộc vào bên ngoài, để tự tại giữa liên tục thay đổi của cuộc sống, bình tĩnh trong nguy khốn…, mà như là một thứ trang sức để ai đó làm ra vẻ có đời sống tinh thần phong phú, có chiều sâu.

Chính do sự vá víu, lắp ghép không có nền tảng, nên đôi khi chúng ta thấy những điều trái ngoe. Có người khoe trên báo rằng thường xuyên tọa thiền nhưng với tư thế của môn yoga, thậm chí không biết các ấn tay là của truyền thống nào nữa. Đại loại như thế. “Thiền kiểng” này nếu chỉ dừng ở sự làm sang thì vô hại, nhưng nêu muốn “làm thầy”, không khéo sẽ làm trò cười cho mọi người.

Thiền không phải chỉ có trong Phật giáo mà vốn xuất phát từ Ấn Độ cổ xưa. Tuy nhiên, thiền Phật giáo có những điểm khác biệt với các truyền thống tâm linh khác. Thiền trong Phật giáo thường gắn liền với Giới - nguyên tắc sống để hình thành nhân cách toàn thiện, và Trí tuệ - nhận thức sáng suốt. Nói cách khác, để có được đời sống tốt, con người học Phật phải tuân thủ những nguyên tắc sống tốt, thường xuyên tư duy, quán sát sự vận hành của tâm dưới ánh sáng nhận thức duyên sinh, nhân quả.

Thiền là một lối sống, là phương pháp rèn luyện nhằm cải thiện chất lượng sống để có sự an lạc, hạnh phúc vì ít bị lệ thuộc, không vướng lụy hay vị kỷ. Nó được ứng dụng ở nhiều cấp độ, rất thực tế, không có sự huyền bí nào cả. Trong đời thường, nó rất giản dị.

Tập thiền đúng cách giúp con người có thái độ sống cởi mở nhưng không buông thả, phóng túng; ý thức đội nhóm và những mối tương quan hiện hữu…, từ đó, công việc được nâng cao, chất lượng sống được cải thiện qua việc điều chỉnh suy nghĩ, lời nói, động cơ, hành động… Nói như ngài Đạt Lai Lạt Ma, người được trao giải Nobel Hòa bình năm 1989: Nếu không thể có suy nghĩ, lời nói và hành động đem lại lợi ích cho người khác thì đừng có những suy nghĩ, lời nói và hành động làm hại họ. Triết lý có ý nghĩa thiết thực bao giờ cũng giản dị thế thôi.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Hòa thượng Thích Lệ Trang chủ trì, phát biểu tại buổi họp mở rộng - Ảnh: Bảo Toàn/BGN

Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM sẽ không nhận hoa, phẩm vật chúc mừng tại các hội nghị sắp tới

GNO - Đó là thông báo của Hòa thượng Trưởng ban Trị sự GHPGVN TP.HCM trong buổi họp mở rộng của Ban Thường trực Ban Trị sự TP với các ban chuyên môn trực thuộc, Ban Trị sự TP.Thủ Đức, 21 quận huyện nhằm triển khai các hoạt động Phật sự cuối năm Giáp Thìn, vào sáng nay, 14-12, tại Việt Nam Quốc Tự.

Thông tin hàng ngày