Thư ngỏ của chùa Kiều Đàm Di, Vaishali, bang Bihar, Ấn Độ

Nhân dịp Đại hội Nữ giới Phật giáo Quốc tế lần thứ 13 tổ chức tại chùa Kiều Đàm Di, Vaishali, bang Bihar, Ấn Độ, từ ngày 5 đến 12 tháng 1 năm 2013 (nhằm ngày 24 tháng 11 năm Nhâm Thìn), chúng tôi nhấn mạnh đến vấn đề

“VAI TRÒ VÀ ĐƯỜNG LỐI CỦA NỮ GIỚI PHẬT GIÁO TRONG
HIỆN TẠI VÀ TƯƠNG LAI”

Đối với xã hội loài người, phụ nữ luôn giữ vai trò quan trọng. Cụ thể nhất là nhân loại nếu chỉ có nam giới mà không có nữ giới thì loài người sẽ không có mặt trên trái đất này.

Đức Thế Tôn, BẬC CHÁNH BIẾN TRI đã dạy chúng ta về luật Nhân quả. Với Phật nhãn siêu việt của Ngài, tất cả nghiệp quả của mọi loài chúng sinh đều được soi thấu. Trong kinh Đạo Ái Tỳ Kheo Ni, Ngài đã chỉ cho chị em chúng ta biết “làm thân người nữ là đã sẵn mang 1, 2 hoặc 3 trong 84 điều lỗi. Nhưng rồi sau cùng Ngài cũng tuyên bố: “Tính tự người nữ tạo thì người nữ có thể tự diệt. Chỉ tích cực thì có thể diệt hết thôi. Nếu người nữ nào diệt hết thì hiện đời chứng quả A-la-hán.” Ngài dạy tiếp: “Người nữ nếu có thể trừ hết 84 thói này thì không ai chẳng được độ, không ai chẳng được Đạo và không ai mà chẳng được làm Phật” (trích trong Kinh Đại Ái Đạo Tỳ Kheo Ni).

Lúc Đức Phật còn tại thế, Ngài đã thi thiết giới luật và giảng dạy cho bốn chúng đệ tử tu tập thanh tịnh, đoàn kết và hỗ trợ cho nhau. Có thể nói, Đức Phật là Bậc Đạo Sư tuyệt vời, Ngài là nhà cách mạng đã xóa bỏ giai cấp và thiết lập sự bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, giữa người và người, giữa nam và nữ.

Đức Phật dạy: “Không có giai cấp trong dòng máu cùng đỏ, nước mắt cùng mặn”. Tất cả đều bình đẳng trước chân lý và luật Nhân quả. Trên nền tảng này, Bậc Đạo Sư đã trao truyền giới pháp, giảng dạy con đường Trung đạo cho chúng đệ tử tu hành để đạt đến mục đích cứu cánh phạm hạnh, giải thoát khỏi vòng sanh tử luân hồi, khổ đau. Chính con đường trí tuệ mà chúng ta đang noi theo sẽ đưa chúng sanh đạt đến mục đích cao thượng ấy.

Hiện nay, vì nhiều lý do khác nhau, một số truyền thống Phật giáo không trao truyền giới cụ túc cho chư Ni trong khi họ rất muốn trở thành Tỳ-kheo-ni phạm hạnh. Đây là một thiệt thòi đáng tiếc cho sự tồn tại vững mạnh và phát triển của Tăng đoàn trong sự nghiệp hoằng hoá độ sanh trước trào lưu tiến hoá bình đẳng của xã hội loài người. Trong Kinh tạng của các truyền thống Phật giáo, Đức Thế Tôn đã ân cần nhắc đi nhắc lại: “Ta có bốn hàng đệ tử - Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, thiện nam, và tín nữ…”. Như vậy, chúng tôi Tỳ-kheo-ni là cây cột thứ hai trong ngôi nhà Phật Pháp, nay không còn được thừa nhận thì ngôi nhà chỉ còn ba trụ cột. Muốn cho ngôi nhà Phật pháp được lâu bền thì cây cột thứ hai phải được xây dựng lại một cách vững chắc. Vì vậy, chúng con kính xin chư tôn đức Tăng hãy nhận nơi đây lời thỉnh cầu của chúng con để cho người nữ được nhận lãnh giới pháp Tỳ-kheo-ni mà Đức Thế Tôn đã từng truyền trao cho Ni giới chúng con. Hy vọng rằng lời thỉnh cầu của chúng con là tiền đề được biến thành hiện thực ngay trong Đại giới đàn sẽ được tổ chức vào ngày lễ Khánh thành Đại tháp 23 tháng 10 năm 2013 (19 tháng 9 năm Quý Tỵ) tại chùa Kiều Đàm Di, Vaishali, bang Bihar, Ấn Độ, nơi mà chư Tổ Ni của chúng con đã được truyền trao giới pháp.

Trong Đại giới đàn này sẽ có đủ các giới tử của mọi truyền thống Phật giáo, tạo nên một sắc màu thiêng liêng, đoàn kết, yêu thương, chung tay góp sức tạo dựng ngôi nhà Phật pháp, tất cả đều bước lên thuyền Bát nhã, xuôi về chân trời giải thoát.

Chúng ta - hàng nữ nhơn trong thời mạt pháp phải tinh tấn trong mọi lãnh vực. Nhất là hàng Tỳ-kheo-ni phải tu tập dõng mãnh hơn, trong chúng ta ít nhất phải có một số vị tối thiểu chứng đạt sơ quả để không cô phụ thâm ân của Đức Thế Tôn đã hết lòng che chở, thương yêu đùm bọc chúng ta cũng như không làm mất niềm tin của chư Tăng hiện tại.

Trong thời đại văn minh vật chất hiện nay, đời sống tinh thần cao quý dần dần phai mờ và chắc chắn sẽ đến một ngày biến mất. Vật chất biến con người trở thành một cái xác không hồn thì có lợi ích gì? Thật vô nghĩa một khi cuộc sống chỉ có vật chất mà thiếu vắng tâm linh. Trước hoàn cảnh xã hội như thế, chị em chúng ta phải là những tình nguyện viên tiên phong huân tập cho mình một cuộc sống dung hòa giữa tâm linh và vật chất. Sau đó sẽ hướng dẫn cho những người thân trong gia đình mình. Ngoài bổn phận làm mẹ, làm vợ, làm chị… nếu thực hành đúng Chánh pháp, y theo lời Phật dạy, chúng ta sẽ trở thành người thầy, người bạn tri thức đưa mọi thành viên trong gia đình cùng bước trên con đường đạo đức, hiểu, tin nhân quả. Được vậy, chúng ta đã mang hạnh phúc đến với mọi người, giúp xã hội giữ vững thế cân bằng, cứu vãn loài người ra khỏi hiểm họa diệt vong.

Vì những nguyên nhân trên nên Ni chúng chúng tôi từ muôn dặm xa xôi tìm về Thánh địa này, nơi Tổ tông của chúng tôi đã từng lưu dấu và hương thơm trí tuệ vẫn ngan ngát tự ngàn xưa đến bây giờ. Khi được trở về quê hương này, chúng tôi vô cùng hạnh phúc như con thơ được gặp mẹ, như kẻ cùng tử gặp lại người cha kính yêu (trong kinh Pháp Hoa). Vẫn biết thế gian luôn vô thường biến chuyển, mọi cơ sở vật chất cũng không ra ngoài quy luật tất yếu ấy, song chúng tôi vẫn hết sức cố gắng tạo phương tiện hành đạo đó là xây dựng ngôi Bảo tháp Kiều Đàm Di với mục đích:

- Muốn lưu giữ những lời vàng son của Đức Thế Tôn để lại cho đời sau.

- Đánh dấu nơi Đức Thế Tôn đã độ 500 người nữ đầu tiên và thành lập Ni đoàn tại Vaishali, nơi mà Đức Thế Tôn đã giáo hoá vị Tổ sư Ni khả kính và chư Thánh Ni A-la-hán.

- Sau là có nơi cho chị em chúng tôi quy tụ về đây cùng tu học trong tinh thần hoà hợp như nước với sữa.

Chúng tôi rất nhớ ơn chư vị Thánh Ni, vì nhờ các Ngài mà ngày nay chúng tôi được sống đời sống giải thoát an vui, được thấm nhuần giáo pháp của Đức Phật. Điều chúng tôi luôn tâm niệm là noi gương chư vị, phải đạt được giác ngộ, phát triển trí tuệ, khai nguồn Phật tâm hằng hiện hữu nơi chúng tôi. Không những vậy chúng tôi phải ý thức trách nhiệm giữ gìn kho báu tâm linh mà Đức Thế Tôn đã để lại, chỉ có con đường Trí tuệ là di sản tối hậu truyền lưu hậu lai, làm nơi nương tựa vững chắc cho đời sau.

Hội Sakyadhita được thành lập bởi một Tỳ-kheo-ni đã được sanh ra và nuôi dưỡng trong nền văn minh vật chất nhưng đã lìa bỏ tất cả để trở về con đường tâm linh. Có thể Người là một trong những vị Thánh Ni ở quá khứ đã trở lại thế gian, để nhắc nhở và hướng dẫn chúng ta, những người con gái lưu lạc trở về cội nguồn.

Chúng tôi có lời đề nghị chân thành cùng Hội Sakyadhita là khoảng 4 năm mới tổ chức hội thảo tại các nước bạn một lần. Hàng năm chúng ta sẽ cùng nhau tổ chức các khoá tu cho chị em trên thế giới quy tụ về đây tu học, noi gương Tổ, phát triển trí tuệ và phát nguyện đem đời mình hiến dâng cho Phật pháp và chúng sinh. Làm gương cho thế hệ con cháu nối gót theo dòng Thánh, biết sống vì người, vì mình, lợi người, lợi mình, rèn đủ tài đức để mai sau tiếp tục thực hiện hạnh nguyện độ tha. “Phát triển trí tuệ” luôn song hành với “Hạnh nguyện lợi tha”, đó là bổn hoài của chư Phật, chư Tổ. Trong kinh có câu “Phước Huệ song toàn phương tác Phật”; muốn được làm Phật trong tương lai thì hiện tại phải “phước huệ song tu”. Chúng ta hãy siết chặt tay nhau, đoàn kết tu học tinh tấn, quây quần bên Đấng Giác Ngộ.

Chính vì những ý niệm này, đường lối của Hội Kiều Đàm Di chủ trương:

- Mở nhiều khoá tu học, đặc biệt thiền tập

- Mở trường dạy trẻ em nghèo (mở mang trí tuệ cho trẻ em)

- Mở trường dạy nghề (nâng cao đời sống của dân nghèo)

- Cứu giúp nạn nhân thiên tai lũ lụt, v.v…

Nếu tất cả các hội từ thiện của nữ giới Phật giáo trên đất Ấn cùng chung sức chung lòng, cùng nhau xin chính phủ cho chúng ta được thành lập một hiệp hội nữ giới (Buddhist Women Society) thì việc làm của chúng ta nơi quê Cha đất Tổ này sẽ được thuận lợi hơn. Giờ đây, đất Ấn thật đã là quê hương thứ hai của tất cả chúng ta, nơi dòng sữa pháp bất tận được khơi nguồn. Chúng ta hãy đoàn kết, nâng đỡ nhau trên mọi lãnh vực, soi rọi ánh sáng trí tuệ của Đấng Giác Ngộ đến khắp mọi nhà, mọi nơi trên hành tinh này. Tục ngữ Việt Nam có câu:  

Một cây làm chẳng nên non,
Ba cây chụm lại nên hòn núi cao

Hy vọng bài tham luận của chúng tôi sẽ đóng góp nhiều ý tưởng thiết thực cho bài diễn văn khai mạc Đại hội Nữ giới Phật Giáo và những đề nghị của chúng tôi sẽ là đề tài đáng quan tâm trong những ngày hội thảo.

Kartorwa, Bodhgaya
Ngày 27 tháng 12 năm 2011

Kính lễ

Tỳ-kheo-ni Thích nữ Khiết Minh

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày