Thư viện chùa làng

GN - Gần một năm nay, ngôi chùa nhỏ nhắn, cổ kính vốn tĩnh lặng ở làng Sàng, xã Đạo Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam trở nên rộn ràng hơn bởi có nhiều người cao tuổi, thanh niên, thiếu nhi… tới đọc, mượn sách báo. Thư viện chùa Sàng hiện diện là từ công sức cùng lòng khát sách của nhóm bạn trẻ trên dưới 20 tuổi ở xa quê.

Khi làng quê đói sách…

thư viện chùa Sàng-6-sư thầy Thích Đàm Nam.JPG

Các em nhỏ cùng thầy trụ trì chùa Sàng đọc sách - Ảnh: Tuệ Tâm

Vũ Văn Du, một trong năm thành viên sáng lập và quản lý thư viện chùa Sàng, là sinh viên năm cuối Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, kể: “Khi còn nhỏ, em may mắn hơn nhiều bạn là được đọc báo thường xuyên, để rèn luyện kỹ năng đọc, dù chỉ là báo dành cho người lớn như: Nông Nghiệp, Nhân Dân. Nhiều khi thèm sách, truyện thiếu nhi lắm nhưng không có, thư viện xã ở xa và không phải lúc nào cũng mở cửa. Khi em học lớp 2 hoặc lớp 3, đã theo chân anh bạn đạp xe gần 10 cây số lên thị trấn huyện để thuê sách, truyện, tiền thuê thì ít nhưng tiền đặt cọc thì nhiều…

Bây giờ các em học sinh ở làng, nhiều em rất ham học nhưng gia đình hoàn cảnh khó khăn, không có tiền mua sách tham khảo… Cho nên, chúng em quyết định góp tiền, góp sách, vận động sự ủng hộ từ gia đình, bạn bè để có thể tạo dựng lên một thư viện miễn phí cho các em học ở vùng xa này”.

Tuy nhiên, khó khăn nhất là tìm nơi đặt thư viện, vì phải đặt ở trung tâm làng thuận tiện cho mọi người tới đọc và phải có không gian yên tĩnh… May thay, lúc đó, chùa làng sắp được sửa lại nên dân làng xây một nhà thờ Tổ khá rộng rãi ở phía sau để tạm thời đặt tượng Phật và ban lễ. Du và các bạn đề xuất ý kiến và được sư thầy trụ trì Thích Đàm Nam nhiệt tình ủng hộ. Sư thầy còn tặng luôn cho nhóm cả tủ đựng sách và rất nhiều sách về Phật học.

Thư viện miễn phí đặt tại ngôi chùa của làng đã ra mắt vào đầu tháng 9-2011 bằng công sức của 5 bạn trẻ là cán bộ viên chức trẻ, sinh viên trên dưới 20 tuổi ở xa quê: Vũ Văn Du, Vũ Thị Huyền, Vũ Đức Tiến, Trần Văn Huấn, Trần Văn Thuấn (trưởng nhóm). Khi mới thành lập, tủ sách chỉ có gần 100 cuốn sách. Đấy cũng là quãng thời gian nhóm gặp rất nhiều khó khăn: về tài chính, về thời gian, rồi nỗi ám ảnh sợ rằng thư viện lập ra không có người tới đọc...

Đọc sách nơi cửa Phật

Sau gần một năm hoạt động, tới nay thư viện chùa Sàng có khoảng hơn 1.300 đầu sách. Sách tham khảo, nâng cao, bồi dưỡng cho việc học, truyện tranh, truyện cổ tích để rèn luyện kỹ năng đọc sách, sách học làm người, rèn luyện tinh thần và tư duy… như mảng sách học làm người của tác giả Nguyễn Hiến Lê, dành cho thiếu nhi; sách dạy về chăn nuôi, trồng trọt, y tế, sức khỏe…cần cho nông dân; sách cây cảnh, thơ ca…là niềm vui dành cho các ông, bà người cao tuổi… Thư viện còn có riêng một mảng sách Phật học phục vụ nhu cầu Phật tử và những người hay đi lễ chùa, phần nhiều là sách giới thiệu cơ bản về đạo Phật, việc lễ chùa, tu dưỡng tâm linh...

thư viện chùa Sàng-4.JPG

Chùa Sàng - nơi đặt thư thư viện - Ảnh: Tuệ Tâm

Đó là một cố gắng lớn trong một vùng quê có khá đông dân chúng theo đạo Thiên Chúa với nhà thờ đồ sộ. Bên cạnh bạn đọc học sinh chiếm phần lớn, thì có một số cán bộ về hưu, nhất là hội viên Hội Khuyến học của địa phương, đã tích cực vận động mọi người ra chùa đọc sách vào sáng thứ 7 và Chủ nhật hàng tuần.

“Đó là nguồn động lực lớn để chúng em ở Hà Nội tiếp tục mang sách về quê hương. Thời gian đầu, khi sách báo còn ít, có em nhỏ (8, 9 tuổi) rất mong mỏi chúng em về quê, để mang sách, truyện thiếu nhi. Điều ấy khiến cho tất cả chúng em thấy rằng cần phải cố gắng nhiều hơn nữa để có thể mang tới cho các em nhiều cơ hội đọc sách và học tập hơn”, Du cho biết.

Nguồn sách của thư viện có được từ sự quyên góp và ủng hộ từ bạn bè và những nhà hảo tâm, những Phật tử từ nhiều nơi trên khắp cả nước. Bạn Trần Văn Thuấn, trưởng nhóm cho biết: “Mỗi thành viên trong nhóm đều tận dụng tối đa các mối quan hệ của mình để đi xin sách. Chỗ nào hứa cho sách, cho tiền mua sách, dù xa đến mấy thì em cũng lăn xả vào xin bằng được thì thôi (cười). Khi chúng em nhận được tiền để mua sách thì sẽ chọn được sách phù hợp với đối tượng bạn đọc, sẽ chủ động định hướng hơn. Em tin mình làm đúng và hiệu quả thì mọi người sẽ tin tưởng hơn. Mọi người hảo tâm có thể gửi sách về địa chỉ: Sư thầy Thích Đàm Nam, thư viện chùa Sàng, xã Đạo Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam”.

Tuy nhiên, một trong những vấn đề còn đang làm đau đầu của cả nhóm là quản lý sách và quản lý việc cho mượn thế nào để đạt hiệu quả, vừa không quá phức tạp, gây khó khăn cho nhiều người… Hiện nay, công việc trông coi và cho mượn sách đều được sư thầy trụ trì giúp đỡ. Ngoài phục vụ đọc tại chỗ, bạn đọc sẽ được mượn về nhà, với thủ tục đơn giản,  thời hạn mượn tối đa là 7 ngày và mỗi lần mượn chỉ được 2 cuốn.

Sư thầy Thích Đàm Nam , trụ trì chùa Sàng cho biết: “Nhà chùa rất trân trọng vì đây là tâm huyết của các em trẻ hướng về quê hương, tạo điều kiện cho trẻ em, người dân ở vùng sâu vùng xa tiếp cận với nguồn kiến thức phong phú.

Đây là vùng quê thuần nông, còn nghèo khó. Dân làng phải làm thêm nghề phụ để tăng thu nhập như: đan lát nên cũng bận, học sinh ngoài giờ học phải phụ giúp việc gia đình, nhưng số lượng thiếu niên, thanh niên, các cụ cao tuổi hưởng ứng đọc sách báo ngày càng tăng. Dịp đầu năm, thời gian rỗi rãi thì dân làng đọc sách nhiều hơn...”.

Việc phổ cập, quảng bá kiến thức qua đọc sách báo là một phần khởi đầu trong chuỗi kế hoạch của nhóm bạn trẻ sáng lập thư viện chùa Sàng bởi họ còn có rất nhiều mong muốn và kế hoạch hoạt động khác.

Vũ Văn Du cho biết: “Qua việc hỗ trợ sách báo, chúng em hy vọng sẽ tạo ra sự kết nối với những người con xa quê để có thể chia sẻ với nhau nhiều hơn, góp phần xây dựng quê hương. Chúng em mong muốn tạo một môi trường giáo dục lành mạnh cho thế hệ trẻ, khích lệ tinh thần học tập, khuyến học ở địa phương, và một trong những điều quan trọng là giúp các em định hướng việc học, tránh xa những yếu tố không lành mạnh, biết tu dưỡng tinh thần, đạo đức, hướng tới những điều thiện lành”.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Chư Tăng thực hiện nghi thức Bố-tát tại chánh điện chùa Long Bửu (Q.4, TP.HCM) - Ảnh: Bảo Nguyên

Ban Trị sự GHPGVN Q.4 Bố-tát, họp triển khai Phật sự

GNO - Ngày 15-3-Giáp Thìn, chư tôn đức Ban Trị sự GHPGVN Q.4 đã trở về chùa Long Bửu - Văn phòng Ban Trị sự để cử hành lễ Bố-tát định kỳ, đồng thời tổ chức phiên họp nhằm triển khai công tác tổ chức Đại lễ Phật đản và An cư kiết hạ Phật lịch 2568.
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1247 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn

Cày cấy mảnh ruộng tâm hồn

GNO - Nhà có ruộng vườn đất đai màu mỡ thì có thể tích trữ lương thực phòng khi đói. Ruộng đất luôn gắn chặt với cuộc sống con người. Xưa nay, người phương Đông luôn coi ruộng đất là yếu tố căn bản của sự sinh tồn, là báu vật để đời, bởi vậy mà cha mẹ luôn mong muốn để lại vài phần ruộng đất cho con cháu.
Tăng là đoàn thể đẹp, không nên quy chụp một cá nhân với toàn thể Tăng đoàn - Ảnh minh hoạ của Quảng Đạo/BGN

Không nên thối thất niềm tin chỉ vì “con sâu làm rầu nồi canh”!

GNO - So với những thành tựu to lớn của Phật giáo Việt Nam cũng như hàng ngàn những bậc thầy đạo hạnh đang làm lợi đạo ích đời, thì những “điều xấu về tu sĩ” kia chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh”. Không thể vì người ngoài mà khiến cho mình thối thất, bỏ chùa, không hướng đến đời sống đạo đức...

Thông tin hàng ngày