Thực tập ở báo Giác Ngộ - những ngày khó quên!

0:00 / 0:00
0:00

GNO - Đầu năm 2016, tôi bắt đầu đăng ký để nhận giấy giới thiệu của nhà trường đi thực tập ở các cơ quan báo. Bạn tôi thời đó ai cũng bàn nhau nên thực tập ở báo ABC, XYZ nổi tiếng này nọ, để sau kì thực tập dễ xin được việc làm, dễ có được mối quen biết...

Lúc đó, tôi chỉ nghĩ rằng, có việc làm hay không là ở bản thân mình chứ không phải thực tập ở cơ quan nào mới giúp mình được ở lại, nên tôi không chạy theo số đông để lựa chọn. Tôi quyết định chọn nơi phù hợp với bản thân mình, mình phải thích, phải mến mới làm được. Trong tinh thần đó, tôi cũng chọn được vài nơi để tham khảo. Thiệt tình là lúc đó tôi chưa hề có trong đầu ý niệm về báo Giác Ngộ để điền vào phiếu đăng ký cho trường.

anh HNho.jpg


Hồng Nho - sinh viên từng thực tập tại báo Giác Ngộ năm 2016

Rồi cũng do cơ duyên, tôi đến nhà cậu tôi chơi, ông là một người hâm mộ báo Giác Ngộ. Cầm tờ báo, tôi còn nhớ đã đọc được một câu trong bài báo mà đến tận bây giờ tôi vẫn nhớ: “Đừng tội nghiệp ai cả. Đó là cái tội do nghiệp họ gây ra mà người đó phải trả”. Tôi như bừng tỉnh, hay quá, đúng quá, và lại thật quá! Ngay lúc đó tôi biết đây sẽ là nơi mình chọn để gắn kết trong hơn một tháng thực tập của mình...

 Ngày tôi nhận được giấy giới thiệu qua cơ quan báo, tim tôi run, hồi hộp lắm. Một cô sinh viên chân ướt chân ráo đặt chân vào toà soạn lớn sao mà hổng sợ cho được. Trong đầu chữ nghĩa chạy lung tung, chữ này đánh chữ kia, suy nghĩ mình sẽ gặp người hướng dẫn mình ra sao, mình sẽ nói và hỏi những gì, quá nhiều thứ để lo... Và nỗi lo mất ngay khi tôi gặp những chú bảo vệ nở nụ cười thân thiện, nhiệt tình mời tôi ngồi ghế chờ chú liên hệ với người sẽ hướng dẫn cho tôi.

Lúc đó người hướng dẫn thực tập cho tôi là anh Lưu Đình Long. Anh nhiệt tình chia sẻ, khơi gợi tận tình những đề tài mà tôi và các bạn muốn viết. Anh thân thiện như anh em trong nhà. Trò chuyện với anh, những sinh viên thực tập chúng tôi, ai cũng thấy vui và yên tâm, vì anh luôn quan tâm và diễn đạt hết mọi thứ cho mọi người hiểu. Đặc biệt, thích nhất là sau mỗi lần lên toàn soạn được anh và các chị ở toà soạn tặng báo mang về xem.

Chúng tôi vừa may mắn và vừa thấy hơi tiếc vì trong thời điểm thực tập ở toà soạn rơi vào dịp lễ lớn là mùa Phật đản nên mấy anh chị phóng viên đều bận chạy bài vở, không có nhiều thời gian được gặp gỡ mọi người. Tuy nhiên, nhờ vào những ngày lễ chúng tôi có nhiều đề tài để viết, nhiều tin bài được hoàn thành.

Tôi vẫn nhớ có lần tôi đi tác nghiệp một mình, gặp tình huống dở khóc dở cười. Đó là lần lấy tin từ thiện, tôi báo với chú trong đoàn rằng tin đã được đăng, trong khi đang vui mừng háo hức, tôi bị chú la vì trong tin không nhắc nhiều đến chú. Tôi hoang mang quá, chẳng biết mình làm sai điều gì. Tôi khóc nhiều, tâm lý của một cô sinh viên mới đi thực tập lúc đó bị khớp và chỉ muốn mình sớm kết thúc kỳ thực tập vì nghĩ có thể mình không phù hợp...

Thường, chúng tôi sẽ họp với anh Long vào buổi trưa để thống kê ngày hôm đó làm được gì, bàn đề tài mới... Tôi kể cho anh nghe lại chuyện đó, anh đồng cảm và chia sẻ với tôi rất nhiều về công việc, ứng xử giữa người với người. Chỉ cần nói chuyện với anh, những khúc mắc, những vấn đề được giải quyết. Có thể nói, đến ngày hôm nay, tôi may mắn gặp được anh, như người anh lớn trong gia đình, người thầy đầu tiên của tôi trong nghề báo.

Nhắc đến kỷ niệm thì không bao giờ tôi quên được bài báo đầu tiên tôi viết về một nhóm từ thiện. Bài viết được lên hẳn hai trang báo giấy, tôi tự hào vô cùng. Ngày báo ra, tôi chỉ muốn hét to lên, cha mẹ ơi tên con được nằm trên báo rồi, hạnh phúc quá không diễn tả nổi.

Và ấn tượng nhất mà tôi nhớ mãi dù nó rất nhỏ, là mỗi lần gửi mail cho tòa soạn đều cảm thấy lòng an vui bởi dòng chữ “Thở và mỉm cười đi!” - nhẹ nhàng nhưng không bao giờ tôi quên được! Nó dễ thương và dịu dàng như chính những con người nơi đây.

Rồi kì thực tập cũng qua. Bây giờ, tuy tôi không lựa chọn theo con đường làm báo chuyên nghiệp, nhưng sẽ mãi mãi không bao giờ quên được nơi đây, một nơi nhiều yêu thương, nhiều niềm vui. Một nơi quá nhiều anh chị em thiện lành để tôi thấy rằng cuộc sống này dễ thương lắm! Nếu có ai hỏi tôi, ở đâu có nhiều nụ cười và tình thương thì thật không ngoa khi nói rằng ở báo Giác Ngộ bạn sẽ tìm thấy được điều đó.


Hồng Nho (TP.HCM)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh minh họa

Làm sao đưa Phật pháp đến với tuổi trẻ?

GNO - Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng các chương trình chánh niệm tại trường học có thể giúp ích, đặc biệt là ở các cộng đồng nghèo, nơi học sinh phải đối mặt với mức độ căng thẳng cao hơn.
Lễ khởi công xây dựng nhà ở cho hộ nghèo tại H.Quan Hóa, sáng 21-11

Thanh Hóa: Ban Trị sự Phật giáo tỉnh khởi công xây dựng nhà ở cho hộ nghèo tại H.Quan Hóa

GNO - Thực hiện cuộc vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh theo Chỉ thị số 22-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, sáng 21-11, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Thanh Hóa đã làm Lễ khởi công, trao kinh phí xây dựng nhà ở cho hộ nghèo tại H.Quan Hóa.
Sư bà Diệu Không

Giáo sư Cao Huy Thuần viết về Sư bà Diệu Không

GNO - Mỗi lần nghĩ đến Sư bà Diệu Không, tôi lại liên tưởng đến bà Gotami, di mẫu của Đức Phật, vừa là mẹ nuôi vừa là Ni thánh. Tôi biết, nếu Sư bà đang ở đâu đó mà nghe tôi nói thế này, Sư bà sẽ quở tôi là phạm thượng. Nhưng tôi đành chịu tội bất kính vì nhiều lý do.
Có 27 thanh niên từ 16 quốc gia tham gia chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu đã tạo nên một cộng đồng quốc tế đa dạng

Chương trình "Bồ-tát trẻ tuổi"

GNO - Mạng lưới Phật tử Nhập thế Quốc tế (INEB) vừa qua đã tổ chức Chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu hàng năm, một khóa học trải nghiệm kéo dài hai tuần dành cho các nhà lãnh đạo trẻ và các nhà hoạt động xã hội.

Thông tin hàng ngày