Từ đó, một số cửa hàng chuyên cung cấp tranh, tượng Phật ra đời, và những mẫu tranh, tượng này không phải để thờ mà chỉ dùng trong trang trí nội thất.
Từ các cửa hàng trang trí nội thất...
Hiện nay có hệ thống các phòng phát hành kinh sách Phật giáo trên cả nước, trong đó có sản phẩm văn hóa tín ngưỡng là các loại tranh và tượng Phật. Những sản phẩm này thường có kích thước nhỏ, hầu hết đều phục vụ cho nhu cầu thờ phụng.
Những năm gần đây, các mặt hàng tranh tượng Phật được nhập từ nước ngoài vào rất đa dạng, kể cả những pho tượng được phục chế mẫu cổ quý hiếm. Nổi bật trên thị trường hiện nay có thể kể đến các loại tranh, tượng có xuất xứ từ Trung Quốc, Thái Lan, Đài Loan và Miến Điện…Các mặt hàng này không những cung cấp vào mục đích thờ phụng mà còn lấn sang lĩnh vực trang trí nội thất. Từ đó, các cửa hàng chuyên cung cấp các sản phẩm trang trí mỹ thuật Phật giáo ra đời. Tại TP.Hồ Chí Minh sơ bộ phải có đến hơn 20 cửa tiệm bán sản phẩm trang trí mỹ thuật Phật giáo như vậy. Nếu muốn tìm những pho tượng Phật, Bồ tát từ mẫu mã "made in Việt Nam" cho đến mẫu mã Trung Quốc, Thái Lan, Tây Tạng… chỉ cần dạo quanh phố Lê Lợi, Lê Công Kiều (Q.1), Nguyễn Chí Thanh (Q.10)… ta dễ dàng có được pho tượng ưng ý trong hơn 20 cửa hiệu bán tranh, tượng trang trí mỹ thuật Phật giáo (có cả tượng cổ và tượng phục chế - giả cổ) trên các con phố này. Điều đáng chú ý là những mẫu tranh, tượng nơi đây được chế tác theo loại hình trang trí mỹ thuật chứ không nhằm vào thể loại tượng thờ.
Ông Nguyễn Anh Kiệt, một nhà sưu tập tượng gốm Biên Hòa cho biết: "Theo những hiện vật ngày nay cho thấy, nhu cầu trang trí mỹ thuật Phật giáo được phổ biến rộng từ nhiều năm trước đây. Cụ thể vào những năm đầu của thế kỷ XX, tranh, tượng Phật được xuất hiện trong những công trình kiến trúc hiện đại với chức năng trang trí nội thất. Nhất là những nơi thuộc lãnh sự quán và các ngôi nhà của quan chức có vị trí trong xã hội thời bấy giờ. Tại không gian nội thất của Lãnh sự quán Pháp, Nhật Bản, Thái Lan… vẫn còn giữ những bức tượng trang trí mỹ thuật Phật giáo thuộc dòng gốm mỹ nghệ Biên Hòa". Nói như vậy, vào những năm đầu của thế kỷ trước, Trường Mỹ nghệ Biên Hòa sản xuất những pho tượng Phật, Bồ tát mang tính mỹ thuật cao cũng chỉ nhằm vào thị trường trang trí nội thất. Ngày xưa là thế, ngày nay những pho tượng này được các nhà sưu tập quan tâm cũng chỉ làm phong phú thêm nhu cầu trang trí.
Chúng tôi ghé vào một cửa tiệm trang trí mỹ thuật nằm trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (Q.1), chủ nhân cửa tiệm này là ông Doãn Quốc Vinh. Bước vào cửa hiệu, chúng tôi thật sự choáng ngợp về các mẫu dùng cho trang trí nội thất rất đa dạng và phong phú. Hầu hết là các sản phẩm thuộc trang trí mỹ thuật Phật giáo. Từ những pho tượng được chế tác trong nhiều tư thế khác nhau, cho đến những bức ảnh được bố cục theo mỹ thuật đương đại… trông rất đẹp mắt. "Cửa tiệm chúng tôi chuyên nghiên cứu và cho ra đời những sản phẩm mới lạ về mỹ thuật Phật giáo nhằm đáp ứng nhu cầu trang trí nội thất. Rất nhiều công ty trang trí nội thất đến đây để đặt hàng và mua sản phẩm trang trí mỹ thuật Phật giáo của chúng tôi. Nói như vậy, có nghĩa là mỹ thuật Phật giáo đang trở thành sản phẩm ưa chuộng trong thiết kế, trang trí nội thất." - ông Vinh cho biết.
...đến các gallery vẽ chân dung Đức Phật
Ở thành phố Hồ Chí Minh, mỗi con đường đều có một nét đặc trưng tạo nên cái hồn cho từng góc phố. "Phố tranh Phật" - tiếng gọi quen thuộc của người dân thành phố và giới chơi tranh trong và ngoài nước khi nhắc đến một phố gallery mà nơi ấy hầu hết các phòng tranh đều có vẽ, chép chân dung Đức Phật. Chỉ một đoạn đường dài khoảng 4km (từ đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Nguyễn Văn Trỗi - Hoàng Văn Thụ) có đến 50 phòng tranh lớn nhỏ. Tranh trưng bày ở các gallery rất phong phú và đa dạng. Tranh sáng tác có, tranh ký gởi cũng nhiều và hầu hết là tranh chép. Phong phú nhất là vẽ về chân dung Đức Phật Thích Ca, Bồ tát Quán Thế Âm, đồ hình Mạn-đà-la…
Một góc phố đồ cổ Lê Công Kiều
Bằng những mô-típ có sẵn, các họa sĩ "khám phá" chân dung Đức Phật theo từng thể loại khác nhau nhưng phần nhiều là tranh vẽ, chép bằng chất liệu sơn dầu trên vải bố, với nét cọ tinh tế, màu sắc đa dạng. Khá nhiều bức tranh cho dù là chép lại từ những bức họa nổi tiếng, song người nghệ sĩ với thái độ làm việc hết sức thận trọng mới mong đạt được "cái thần" cho từng họa phẩm. Họa sĩ Đinh Bá Ngạn, chủ gallery L.N nằm trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Q.3 cho biết: "Để thực hiện một bức chân dung Đức Phật, tôi phải cân nhắc từng nét vẽ, tuy thấy đơn giản về tạo hình nhưng lại rất khó diễn đạt bởi đây không phải là bức họa về phong cảnh hay tĩnh vật thông thường mà là chân dung của một vị Phật, tượng trưng cho Từ bi và Trí tuệ. Để diễn đạt được cái thần cho từng bức họa, bản thân tôi cũng phải nghiên cứu tìm hiểu lịch sử về cuộc đời Ngài…".
Chúng tôi đến phòng trưng bày của gallery Zen, trên đường Nguyễn Huệ (Q.1), một họa sĩ nữ còn rất trẻ đang nắn nót từng nét cọ cho bức họa chân dung Đức Phật đang còn dở dang mà chị đã "nuôi" ý tưởng sáng tác từ vài tháng trước. "Dựa trên cái nhìn về hội họa nói riêng, chân dung Đức Phật tạo nên cảm tác rất mạnh mẽ cho người nghệ sĩ, không nhất thiết phải vẽ hết bức chân dung, chỉ cần mô tả đôi mắt hay nụ cười hiền của Ngài cũng đủ làm cho ta niềm say mê sáng tạo. Là người nghệ sĩ, ai cũng thích đi tìm cảm giác sáng tạo nghệ thuật cho riêng mình, tôi không vẽ theo kiểu tranh chép lại hay theo một khuôn mẫu nào khác, tôi vẽ theo sự cảm nhận của bản thân; một trạng thái rất "Zen", và nơi ấy tôi tìm thấy ông "Phật" của chính mình, tôi xây dựng căn nhà Phật giáo trong từng bức họa mà mình đang thai nghén!…" - họa sĩ Hồng Nga chia sẻ.
Nhu cầu thưởng ngoạn trang trí mỹ thuật đề tài Phật giáo
Những năm gần đây, thị trường tranh mỹ thuật Việt Nam đang đối mặt với thực trạng "tranh thật, tranh giả". Không ai đủ "can đảm" bỏ ra vài trăm thậm chí vài ngàn Mỹ kim để rước cái "của nợ" về nhà. Trong khi đó tranh vẽ theo thị trường được các gallery khai thác triệt để. Gần đây nhất, tranh vẽ về chân dung Đức Phật (kể cả tranh chép và tranh sáng tác) được các giới chơi tranh "săn đón". Họa sĩ Phú Văn - chủ một gallery trên đường Đồng Khởi (Q.1), cho biết không chỉ có người trong nước muốn mua tranh chép về chân dung Đức Phật mà ngay cả người nước ngoài cũng thường đến gallery của anh để sưu tập. Họ đặt hàng vẽ theo yêu cầu hay theo một khuôn mẫu nào đó mà họ thích.
Chúng tôi đến một ngôi làng ven sông Sài Gòn thuộc Q.2, TP.Hồ Chí Minh (người dân nơi đây gọi là Làng Mỹ thuật). Điều thú vị là chủ sở hữu của những ngôi nhà nơi đây đều là các họa sĩ, điêu khắc gia. Từ khuôn viên cho đến bên trong nội thất đều có những không gian trang trí tranh, tượng Phật Thích Ca, Bồ tát Quán Thế Âm và Tổ Bồ Đề Đạt Ma. Bước vào căn nhà của họa sĩ Hoài Hương, ấn tượng đầu tiên là bức tượng Bồ tát Quán Âm cao 2m có dáng ngồi rất tự tại (gọi là Quán Âm tự tại) được tôn trí trang nghiêm, trên có mái che với bốn trụ bằng gỗ đỡ mái. Pho tượng này được chế tác theo dòng gốm Biên Hòa xưa. Vị chủ nhân căn nhà cho biết: "Hiện nay, xu thế trang trí mỹ thuật Phật giáo trong khuôn viên nhà hay nội thất, nhất là trong các resort, khu nghỉ dưỡng… được chú trọng, xem như một kiểu art-deco hết sức hiện đại". Họa sĩ Hoài Hương là người làm nhiều công trình thiết kế trang trí nội thất cho các resort nổi tiếng ở Việt Nam, do đó ông thường sử dụng những pho tượng mỹ thuật Phật giáo để làm trang trí trong kiến trúc nội thất.
Có câu nói: "Thưởng thức nghệ thuật là trạng thái đồng sáng tạo với tác giả nhưng hình tượng lại tiến hóa theo tâm thức của mỗi cá nhân". Trang trí mỹ thuật trong không gian nội, ngoại thất là một cách thưởng lãm giá trị nghệ thuật cũng là cách thể hiện phong cách sống của mỗi cá nhân. Thế nhưng, thưởng lãm trang trí mỹ thuật Phật giáo không chỉ đơn thuần là cái đẹp hay nghệ thuật trang trí mà nó còn bao hàm cả nội tâm và ngoại cảnh. Sử dụng các sản phẩm mỹ thuật Phật giáo để trang trí đòi hỏi sự đặt để phải theo một quy ước nhất định. Không thể bài trí một cách tùy tiện. Song, hiện nay thực trạng trang trí mỹ thuật Phật giáo đang rơi vào tình trạng "đèn nhà ai nấy tỏ". Từ nhà cung cấp sản phẩm trang trí, các nhà tư vấn thiết kế cho đến người thưởng lãm (tiêu dùng) hầu hết chưa nhận thức rõ được loại hình trang trí đặc biệt này. Họ chỉ dừng lại ở cái "nhu cầu làm đẹp", chưa hiểu rõ về nội dung của cái đẹp mà mình thưởng lãm! Đây quả thật là một vấn đề đáng lưu ý đối với những nhà làm công tác văn hóa Phật giáo cũng như các nhà chuyên môn…
Kỳ II: Ý kiến về sử dụng các tác phẩm mỹ thuật Phật giáo, đặc biệt là tranh ảnh, tượng Đức Phật trong trang trí nội thất.