GN - Tuần báo Giác Ngộ số 1037 đăng câu chuyện “Tôi đi học Phật” của một Phật tử, chị kể về hành trình chuyển hóa thân tâm kể từ khi tiếp xúc, tìm hiểu, thực hành giáo pháp. Sau đó kết luận mình đã hỷ lạc trong Chánh pháp, đã thay đổi những thói quen cũ, hình thành thói quen mới giúp bản thân cảm thấy nhẹ nhàng hơn.
Những thiếu niên phương Tây hướng Phật, thực tập thiền - kiến tạo bình an
Câu chuyện của bạn đọc ấy cũng gần giống những chuyện chuyển tâm khi thực hành các pháp của Phật được chia sẻ trên trang Sống đạo trước đây và Cuộc sống nhiệm mầu của tuần báo Giác Ngộ. Những câu chuyện sống động - người thật việc thật như vậy luôn có sức hút, lay động. Thước đo dễ thấy chính là lượt bạn đọc tương tác với lòng tùy hỷ, tán thán cao trên Giác Ngộ online cũng như Fanpage của Báo. Và những vị Phật tử với câu chuyện riêng của mình, cùng kết thúc có hậu sau khi học Phật trở thành một bài pháp thực tế, cổ vũ tinh thần học Phật của nhiều người khác. Khi đó, câu chuyện của các tác giả được chia sẻ trên báo giống như liều thuốc để cải thiện chứng giải đãi của bạn đồng tu, dắt người khác vào đạo: tìm hiểu, thực tập và có chuyển hóa như mình.
Trước đó, trong kết nối với các Phật tử ở Vũ Hán, Sư cô Thánh Tâm đã kể về những năng lượng vững chãi của người có học Phật trước đại dịch Covid-19. Tâm thế tiếp nhận những nỗi khổ niềm đau, những biểu hiện bất như ý của người có thực tập quán chiếu nhân-duyên-quả sẽ khác với người chưa hiểu rõ. Theo đó, người thấy rõ nhân-quả sẽ không còn đổ lỗi cho bất kỳ ai, ngược lại hiểu rằng đây là cộng nghiệp, chỉ có bình tâm đón nhận, nỗ lực vượt qua thì mới có thể qua được.
Thực sự, với người đã thấm nhuần lời Phật dạy thì sẽ biết làm tốt nhất trong khả năng của mình trước mọi tác động của thời cuộc, môi trường sống… lên cuộc sống của mình. Rồi sau đó, dẫu kết quả thế nào cũng đều không quá khổ, hoặc không bị khổ trước bất như ý, bệnh, chết...
Sự trị liệu, nâng đỡ của Phật pháp trên bước đường tu của người học Phật chính là ở chỗ có thể buông bỏ “cái tôi” và “cái của tôi” trong đời sống thường nhật. Và khi đối mặt với những nỗi khổ đau thì cũng ít hoặc không thọ khổ, nhẹ nhàng tiến bước, bình an nhìn đời.
Đức Phật vì thế được xưng tôn là bậc Đại Y vương - một thầy thuốc vĩ đại - đã bắt mạch, kê toa cho từng bệnh nhân, là những chúng sinh còn mê mờ trong luân hồi sinh tử. Ai có duyên gặp Phật, biết được thuốc, dùng đúng và đủ liều, phù hợp với biểu hiện bệnh của mình thì khỏe, nhẹ, an lành.
Rất nhiều người đã được chữa lành. Và rồi đã tiếp nối bước chân của Thế Tôn làm “sứ giả” của Ngài, trao truyền bài thuốc mình đã dùng cho người hữu duyên. Từ đó, Phật pháp đi vào cuộc đời một cách nhẹ nhàng, len lỏi vào mỗi chúng sinh một cách tùy duyên.
Những ngày thế giới phải đối mặt, trải qua những chướng nạn, những vấn đề cấp bách liên quan tới sự tồn vong, người ta càng có cơ hội ngẫm nghĩ về lời Phật dạy. Và phát hiện ra, mọi biểu hiện đều có nhân-duyên của nó. Vấn đề là con người có chậm lại, chọn sống với nhân mới, duyên mới thiện lành để cải tạo mảnh đất tâm đã cằn cỗi trước đó, kiến tạo cho tự thân một lộ trình tươi sáng hơn từ bây giờ, mai sau.
Thuốc trị khổ đau, đưa đến giải thoát đã được Đức Phật cẩn thận kê đơn. Chỉ cần mình chịu uống thì sẽ an lành!
Lưu Đình Long