Bây giờ có mấy người còn nhớ đến những phiên chợ quê nghèo của những ngày xa nữa, khi cuộc sống đã đầy đủ tiện nghi, chỉ cần vèo một cái vào siêu thị là đã có tất cả mọi thứ cần dùng. Và thế chợ quê chỉ còn lại trong ký ức, trong câu chuyện bà vẫn thường hay kể…
Ảnh: Internet
Với mỗi con người đất Việt, chắc hẳn ai cũng đã từng một lần nghe nhắc, hay có được khoảnh khắc một lần dạo với chợ quê. Những phiên chợ bao năm tháng đã đi vào thơ ca, nhạc họa, và in đậm trong tâm trí những người có tuổi bởi những hình ảnh hết sức mộc mạc, giản dị trong khung cảnh êm đềm của mỗi buổi sáng đẫm sương trên lối cỏ mềm. Chợ quê bao năm, bao đời vẫn ẩn giấu, vẫn lưu giữ những nét văn hóa rất riêng chắc chỉ có của người Việt, gói ghém trong đó bao nhiêu tình cảm, là tiếng của người làng, là những khoai sắn quê mùa thân thuộc, là những câu chào tiếng hỏi đậm đà tình làng nghĩa xóm… gần gũi lắm hình ảnh những bà cụ ngồi quết trầu nơi cây đa đầu chợ, những ông lão miết mực tầu trên tấm giấy hồng điều, lũ trẻ con lăng xăng chạy chơi và trầm trồ với đôi bàn tay khéo léo của ông lão nặn tò he bằng bột nếp, những chị những mẹ quần là áo lượt bên thúng kim chỉ, bên mớ rau con cá chân chỉ ruộng đồng, những anh nông dân tay nâng tay thử chiếc lưỡi cày, chiếc cuốc ánh lên nước thép trong nắng sớm, người hát xẩm bên chiếc nón rách cò cưa chiếc đàn nhị nỉ non giữa chốn đông người, người bán người mua trao đổi với nhau những sản vật quê nhà…
Tôi nhớ chợ phiên quê tôi thường họp vào những ngày mồng một, ngày rằm hàng tháng. Chợ thường tọa lạc trên một khoảnh đất rộng đầu làng để người dân của các làng khác đến mua bán được thuận tiện hơn. Chợ thường chỉ họp từ sáng sớm tinh sương đến lúc mặt trời đứng bóng thì vãn. Tất nhiên vẫn còn một vài người ngồi nán để bán cho những người vì bận việc đồng áng, hay vì lý do nào đó đến muộn vẫn còn chút gì đó để mua, người bán thường bán rẻ hơn lúc trước, người mua cũng chẳng câu nệ vì mớ rau con cá không còn tươi, ai cũng vui vì may ra còn vớt vát được cái gì đó. Và những lúc như thế sẽ luôn có những lời hỏi thăm, những lời động viên nhau rất thân tình của mọi người. Thân thương quá đỗi…
Dẫu chỉ là chuyện mưu sinh qua ngày, nhưng không vì thế mà tình làng nghĩa xóm đơn điệu. Người ta đến để gặp nhau, để tếu táo với nhau những câu chuyện nghe được ở đâu đó, hay để cùng sẻ chia với nhau những khó khăn vất vả trong công việc ruộng đồng với con trâu và chiếc cày. Chính vì thế mà các cụ đã nói trong nhà chưa tỏ ngoài ngõ đã tường cũng có nghĩa là vì như thế. Chuyện cũng chỉ quanh quẩn ở con trâu, mảnh ruộng, công việc đồng áng hay đôi lúc có chuyện con cái nhà này, nhà nọ…thế thôi.
Lâu rồi không còn được đi chợ quê, không hẳn vì bận bịu với cơm áo mưu sinh, mà một phần cũng vì chợ quê bây giờ không còn được cái mộc mạc ngày xưa nữa. Vẫn là chợ đấy, nhưng người ta quay khu lại, phân chia nhau rồi đâm cãi cọ, tranh giành nhau một chỗ ngồi, chửi bới nhau vì bị mất khách, rồi nạn móc túi, trộm cướp xảy ra như cơm bữa khiến người đi chợ chẳng dám đi lâu, chẳng dám đứng hỏi han nhau quên cả giờ về. Chợ ngày xưa lâu lâu mới họp một lần, người ta đến không hẳn chỉ vì mua thức này thức nọ, mà cốt để gặp, để nói với nhau dăm ba câu chuyện, để được thấy chốn đông người. Chợ bây giờ họp mọi lúc mọi nơi không quy củ nên không mấy ai còn muốn đi chơi chợ như ngày xưa nữa. Nhiều chợ quê đang dần bị những phố hàng, những siêu thị hiện đại lấn át. Và thay thế luôn ở đó là tình làng nghĩa xóm, là những sự quan tâm mộc mạc quê mùa mà đậm đà tình nghĩa…
Bây giờ, chắc chẳng còn cảnh cậu bé nào đó đứng trước ngõ chờ bà, chờ mẹ đi chợ về dúi cho nón bỏng ngô, khúc mía hay cái bánh đa như những ngày xưa nữa. Tư nhiên thấy tiếc một cái gì đó rất gần gũi thân thuộc đang bị phai nhạt dần đi…