Thương nhau là đủ

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1213 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1213 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Sư thầy kể rằng đã nhặt được Linh và Hùng vào hai buổi sáng khác nhau nhưng lạ thay trời đều mưa tầm tã. Khi gà dân vừa gáy sáng, chó cắn ầm ĩ cả đoạn đường dài, sư thầy nghe tiếng trẻ con khóc liền trở mình thức giấc đi ra cổng chùa thì nhìn thấy chiếc làn nhựa đã ướt sũng vì mưa.

Linh và Hùng bị người thân mang bỏ trước cổng chùa, cả cơ thể tím tái vì mưa lạnh, bên trong hai chiếc làn nhựa là ít tã lót và tờ giấy ghi nguệch ngoạc họ tên. Cứ thế hai người lớn lên trong chùa Bồ Đề, cùng được sư thầy dạy chữ, học cách làm người. Đã có lúc Hùng nói với Linh:

- Lớn lên Hùng sẽ đi tìm cha mẹ.

Linh không nói gì, chỉ im lặng nhìn theo bầy chim di trú vừa bay ngang qua bầu trời. Tự nhiên Linh nghĩ rằng lớn lên mình sẽ làm những cánh chim di trú, bay về khắp muôn nơi. Bởi vì những đứa trẻ mồ côi không có gia đình thì lấy đâu ra chốn dừng chân. Chỉ nghĩ đến đấy thôi mà nước mắt Linh đã lặng lẽ lăn trên gò má. Trên bầu trời, đàn chim vẫn bay thành hình chữ V nhịp nhàng và nỗ lực. Hùng bảo cứ vào mùa đông nhìn lên bầu trời cao, chúng ta có thể nhìn thấy những đàn chim bay về phương Nam tránh rét. Linh hỏi:

- Tại sao chúng lại bay thành hình chữ V mà không phải bất cứ một hình thù nào khác?

Hùng nằm xuống thảm cỏ, ngước lên bầu trời thẳm xanh, nhìn theo đàn chim bay giờ chỉ còn là chấm nhỏ trên nên trời và bảo:

- Đơn giản vì khi bay thành hình chữ V thì chúng dễ hỗ trợ nhau, bởi lực vỗ cánh của mỗi con chim sẽ tạo ra một lực đẩy cho con chim bay trước nó. Mỗi khi con chim đầu đàn cảm thấy đuối sức nó sẽ bay lùi về phía hai bên. Và một con chim khác sẽ tự động bay lên thay thế vị trí dẫn đầu. Trong suốt chuyến bay đàn chim kêu to để động viên con chim đầu đàn luôn giữ tốc độ bay của nó. Và khi một con chim vì quá mệt hay bị thương mà rơi xuống thì vài con chim khác sẽ cùng rơi khỏi đàn và bay xuống đất để bảo vệ bạn mình. Khi nào con chim kia khỏe lại thì chúng sẽ cùng tiếp tục lên đường. Chúng không khi nào bỏ rơi nhau.

- Loài chim mà sống thật tình nghĩa. Thế có khi nào chim bố mẹ bỏ con không?

- Như con người đấy à? Chắc là không đâu. Lũ chim con chỉ bị mồ côi khi chim bố mẹ đi kiếm ăn gặp thợ săn, hay qua một đêm bão giông cây cối đổ khắp trời.

- Bố mẹ chúng mình... liệu có còn sống không?

- Lớn lên Hùng sẽ đi tìm bố mẹ. Tìm cả cho Linh nữa.

Rồi hai đứa thở dài, nghe từng tiếng lá rơi trong sân chùa mà lòng buồn rượi. Dù không nói ra nhưng đứa nào cũng biết đứa kia đang nhớ nhung một hình ảnh xa vời, một ký ức không có thật và những hy vọng quá đỗi mong manh...

Hàng ngày nhà chùa vẫn có khách đến viếng thăm. Họ là những nhà hảo tâm đến cho mì tôm, tiền bạc hay quần áo ấm. Đôi khi những vị khách chỉ tạt qua, thưởng ngoạn cảnh chùa để lòng tĩnh tâm, thanh thản rồi lại lặng lẽ ra đi. Bao giờ khi thấy khách ghé thăm, sư thầy và những đứa trẻ nơi đây đều nhen lên một niềm hy vọng rằng biết đâu trong số họ sẽ có người đến đây để tìm lại giọt máu của mình sau những phút giây tuổi trẻ đầy nông nổi. Nhưng rồi vẫn chẳng có đứa trẻ nào được bố mẹ đón đi. Khách đến đây thăm nhìn chúng thở dài, thương xót rồi lại khuất bóng trên những con đường. Đôi lúc Linh hỏi Hùng:

- Chúng ta có phải là là trẻ mồ côi không cậu?

Hùng không trả lời, hai đứa lại nằm ngửa cổ, gối đầu lên tay giữa thảm cỏ vườn chùa. Thi thoảng Hùng cũng hát, những bài hát rất buồn mà chẳng biết Hùng học lỏm được ở đâu. Cho đến một hôm Hùng bảo cần phải học một nghề gì đó giắt lưng thì lớn lên mới mong chu du thiên hạ tìm người thân được. Linh hỏi:

- Biết học nghề gì bây giờ?

Hùng đủng đỉnh bảo:

- Con trai thì học mộc, con gái học may. Có hai nghề này trong tay chắc không lo đói.

Thế là hai đứa xin sư thầy cho đi học, vừa học việc vừa làm nên không mất tiền, lại được nhà chủ thương tình nuôi cơm ăn hai bữa. Linh học may ở xa thường ở lại cả tuần. Cứ đến Chủ nhật Hùng lại mượn đâu được cái xe đạp lên đón Linh về chùa rồi đến tối lại chở đi. Vào thời gian này, hai đứa không còn thời gian nhìn lên bầu trời chờ đàn chim di trú đi qua nữa. Cũng chẳng còn rỗi rãi gì để tính những chuyện xa xôi nhưng cả hai đều biết mình cần cố gắng.

*

Đến năm hai người đều tròn mười tám tuổi thì cũng là lúc học được nghề giắt lưng làm vốn. Một hôm hai đứa về lạy tạ sư thầy xin được ra ngoài đời lập nghiệp. Của hồi môn của sư thầy cho hai đứa là ít tiền vốn giắt lưng và chiếc làn nhựa đựng vài chiếc tã lót ố vàng. Khi Linh áp vào ngực vẫn còn thấy cái cảm giác lạnh thấu xương trong lời kể của sư thầy về một đêm mưa tầm tã.

- Linh muốn đi đến nơi đâu?

- Tùy Hùng.

Hùng thở dài, lần đầu tiên khi nói về hành trình tự do cậu lại lưỡng lự nhiều như thế. Cũng giống như những con chim non, khi được chăm sóc trong một chiếc lồng thì cứ khát khao bầu trời tự do bay nhảy ngoài kia. Đến khi được tung lên bầu trời thì những cái vỗ cánh ban đầu bao giờ cũng vừa sung sướng vừa hụt hẫng. Chúng luống cuống không biết rồi sẽ phải bay về đâu trong bầu trời bao la, thăm thẳm. Như đọc được những suy nghĩ ấy của Hùng, Linh vỗ về bằng niềm hy vọng mờ hồ, rất đỗi mong manh:

- Đi đến một nơi nào đó có một người đủ tình yêu để giữ Linh ở lại, kể cả Hùng cũng nên vậy. Lúc ấy mình sẽ dừng chân, như những bầy chim di trú tìm thấy mảnh đất trú đông.

Điểm dừng chân đầu tiên của cuộc hành trình là một vùng nông thôn ở miền núi phía Bắc. Tại đây, Hùng xin vào làm cho một xưởng mộc chuyên đóng giường tủ. Linh thì vào làm cho xưởng may tư nhân với mức lương đủ để tạm hài lòng. Vào những ngày ít việc, hai đứa chở nhau đi lang thang. Hai đứa đứng lơ ngơ ở cổng chợ phiên, người qua lại mang trăm vẻ ưu tư trên mặt, léo xéo chuyện, hể hả cười. Chợ tan hai đứa lại đi, hết ra bến đò ngóng bên lở bên bồi lại ra ga ngồi hàng giờ chờ tàu về. Đàn dơi nhập nhoạng đi kiếm ăn, tiếng ếch nhái kêu gọi bạn ầm đồng…

*

Hai người đã đi qua không biết bao nhiêu vùng đất, những xưởng mộc, xưởng may. Cũng không nhớ đã qua bao nhiêu cái chợ phiên, bến đò và sân ga vắng khách. Vẫn chiếc xe đạp lủng liểng làn nhựa đựng tã lót trẻ con và những buổi chiều buồn tênh vô vọng, mải miết như loài chim di trú.

Đã tám năm trôi qua, Hùng thành người đàn ông vạm vỡ, mắt sâu đêm, nỗi buồn ngút ngất. Còn Linh, khi mang mảnh gương bé xíu ra soi, bỗng giật mình khi nhận ra thời gian đã lướt qua khuôn mặt quá nhanh. Trong đêm khuya, tiếng trẻ con khóc thét lên, tiếng bà mẹ nào giật mình tỉnh giấc nựng nịu con nghe vừa cay đắng vừa ngọt ngào đến lạ. Linh tưởng như muốn chạm vào tiếng khóc trẻ thơ, cũng muốn được ôm đứa trẻ vào lòng, muốn được hát ru. Muốn...

Một buổi chiều, lúc ngồi sau xe Hùng, Linh chợt ngửi thấy mùi mồ hôi nồng nồng phả ra từ cái áo lót trắng đã bắt đầu thủng lỗ chỗ vì vác gỗ trong xưởng mộc. Linh nhận ra mình đã dựa vào tấm lưng ấy suốt tám năm rong ruổi hết mảnh đất này đến vùng miền khác. Đã ngủ gục trên vai Hùng trong buổi chiều tàn bên những sân ga không còn nhớ nổi tên. Đã ngồi sau xe Hùng những lúc buồn phiền để được chở đi khắp nơi. Để chỉ im lặng bên nhau như hai chiếc bóng. Nếu một ngày nào đó một chiếc bóng không còn tồn tại nữa thì liệu Linh có còn đủ sức để rong ruổi nỗi buồn đây đó nữa hay không?

Thi thoảng Linh vẫn bắt gặp những đàn chim di trú bay thành hình chữ V trên bầu trời đầy nhịp nhàng và nỗ lực. Đã có lần Hùng bảo đàn chim bay như thế để hỗ trợ cho nhau, bởi lực vỗ cánh của mỗi con chim sẽ tạo ra một lực đẩy cho con chim bay phía trước. Hai người cũng vậy, suốt bao nhiêu năm vẫn mải miết đi bên nhau như thế để tìm một hạt mầm hy vọng. Đến bây giờ thì Linh nhận ra rằng cái mảnh đất bình yên bấy lâu cô kiếm tìm chính là bờ vai của Hùng. Bờ vai vẫn đượm mùi mồ hôi nồng nồng nhưng lại luôn là chỗ dựa vững chãi nhất cho Linh. Vậy tại sao lại cứ rong ruổi như loài chim di trú, tại sao lại cứ phải kiếm tìm hy vọng dù biết là ảo ảnh. Bất chợt Linh nhìn Hùng thủ thỉ:

- Linh đã tìm thấy người đủ tình yêu giữ chân mình rồi!

- Ai vậy?

Không trả lời, Linh nhẹ nhàng dựa vào bờ vai Hùng và thầm nhủ rằng mảnh đất trước mắt sẽ là mảnh đất cuối cùng trong hành trình di trú.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Sư bà Diệu Không

Giáo sư Cao Huy Thuần viết về Sư bà Diệu Không

GNO - Mỗi lần nghĩ đến Sư bà Diệu Không, tôi lại liên tưởng đến bà Gotami, di mẫu của Đức Phật, vừa là mẹ nuôi vừa là Ni thánh. Tôi biết, nếu Sư bà đang ở đâu đó mà nghe tôi nói thế này, Sư bà sẽ quở tôi là phạm thượng. Nhưng tôi đành chịu tội bất kính vì nhiều lý do.
Có 27 thanh niên từ 16 quốc gia tham gia chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu đã tạo nên một cộng đồng quốc tế đa dạng

Chương trình Bồ-tát trẻ tuổi

GNO - Mạng lưới Phật tử Nhập thế Quốc tế (INEB) vừa qua đã tổ chức Chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu hàng năm, một khóa học trải nghiệm kéo dài hai tuần dành cho các nhà lãnh đạo trẻ và các nhà hoạt động xã hội.

Thông tin hàng ngày