Tìm về với yêu thương

0:00 / 0:00
0:00
GNO - Bà Nhị loạng choạng suýt ngã nhào giữa sân khi hàng xóm báo tin Tự, con trai bà đã bị công an bắt vì tội đánh bạc. Cũng may lúc ấy, thằng cu Sáng, cháu nội của bà, con trai của Tự, từ đâu chạy tới, đưa hai tay đỡ lấy bà. Bà Nhị từ từ ngồi xuống bậc thềm.

Từ hai con mắt bơ phờ khô khốc, dần rỉ ra hai giọt nước. Trên khuôn mặt hao gầy, đôi gò má cao, từng nếp da nhăn nhúm trông đến tội nghiệp. Thấy bà nội khóc, Sáng kéo vạt áo của mình lên lau nước mắt cho bà. Bà Nhị ôm cháu vào lòng, cổ họng nghẹn đắng không nói nên lời.

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1210 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1210 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn

Thấm thoát đã 3 năm trôi qua kể từ khi Tự ngồi tù vì trò chơi đỏ đen. Mái tóc bà Nhị theo đó cũng đã điểm thêm nhiều sợi bạc và cũng rụng rơi nhiều dần. Khuôn mặt gầy xọp càng khiến đôi gò má bà nhô cao thêm. Tấm lưng vốn cong như con thuyền, nay chẳng khác nào dấu chấm hỏi chơ vơ giữa bão giông cuộc đời. Đôi tay thêm chai sạn, đôi chân thêm nứt nẻ. Bà Nhị vẫn lặng lẽ chắt chiu từng chút yêu thương, thay con chăm sóc đứa cháu nội bé bỏng.

Thanh xuân của bà Nhị không đẹp như bao bạn bè cùng trang lứa. Trong khi bạn bè của bà lũ lượt theo chồng thì bà vẫn chăn đơn gối chiếc. Cũng chỉ vì “gò má cao” mà nhà nhà, người người đều từ chối nhận bà về làm dâu con. May mắn hạnh phúc cuối cùng cũng mỉm cười với bà, cho bà gặp người đàn ông của đời mình khi tuổi đã cận kề hàng băm. Ông Hoạt ngày ấy cũng ngang tuổi với bà. Gặp bà Nhị, ông Hoạt thực lòng yêu thương bà. Bởi vì tình yêu chân thành, nên ông đã cãi lời cha mẹ, tự ý đi đăng ký kết hôn với bà rồi hai vợ chồng khăn gói xa quê biền biệt.

Sau 10 năm xa quê, một ngày, người làng thấy bà Nhị dắt theo đứa trẻ khoảng 9 tuổi về lại làng, trông giống ông Hoạt như hai giọt nước. Còn ông Hoạt thì chẳng thấy đâu. Chỉ thấy trên tay bà Nhị ôm khư khư chiếc hộp được bao bọc kín mít. Hỏi ra mới biết, ông Hoạt bị ngã giàn giáo và chết khi đang làm phụ hồ tại một công trình xây dựng. Chiếc hộp bà Nhị ôm chính là tro cốt của chồng.

Bao năm trôi qua, bà Nhị vẫn luôn day dứt, ân hận và tự giày vò bản thân vì cho rằng chính mình đã gây nên cái chết của chồng. Bà tự nhủ, giá như ngày trước, ông Hoạt không thương bà, không cưới bà, có lẽ ông sẽ không chết, và có lẽ bà sẽ không phải mang cái danh “sát chồng” mãi đến tận bây giờ. Từ khi chồng mất, bà Nhị chẳng bao giờ nghĩ tới chuyện sẽ đi bước nữa. Bà ở vậy, thay chồng nuôi con, dẫu thiên hạ vẫn không ít lời gièm pha, dè bỉu, bà vẫn âm thầm chịu đựng.

Nhớ lời trăn trối của chồng trước khi nhắm mắt, rằng sinh ra ở đâu thì muốn được về nằm ở chốn ấy. Rồi thì khi còn sống, ông Hoạt cũng từng nhiều lần nói với bà, lỡ sau này, ông có đi trước bà thì mẹ con bà hãy trở về quê mà sống. Vì không đâu cho bằng quê mình. Bà Nhị thu xếp mọi việc rồi hai mẹ con đưa ông về quê.

Cha mẹ của ông Hoạt đã mất từ lâu. Họ hàng biết tin, đến mắng nhiếc, xỉa xói bà, họ đem hũ tro cốt của ông Hoạt về chôn cất, nhang khói. Họ nhận Tự là máu mủ ruột rà nhưng kiên quyết không nhận bà làm dâu con. Bà Nhị lẳng lặng chỉ biết chấp nhận. Chỉ cần Tự được công nhận là bà mãn nguyện rồi. Còn bà, bà đâu có được cưới xin, cũng đâu có được nhà chồng công nhận. Bà không lấy đó làm buồn. Thay vì thế, bà lấy niềm vui của con làm niềm vui của chính mình, nhận thiệt thòi về mình để vun vén, chăm lo cho con.

Sau khi học xong lớp 12, Tự không học lên mà xin làm ở xưởng đá mỹ nghệ cuối làng. Tự bảo với bà Nhị, muốn ở gần bà để chăm sóc, bù đắp, báo hiếu cho bà. Bà Nhị nghe con trai nói mà thấy mát lòng mát dạ.

Thời gian đầu, Tự chăm chỉ làm việc. Tiền lương hàng tháng nhận được, Tự đều đem về gửi mẹ để trang trải cuộc sống. Mấy năm sau, Tự lấy vợ. Vợ Tự cũng làm chung xưởng đá với anh. Cô là người tốt tính nên bà Nhị rất ưng bụng. Hai người quen và yêu nhau khoảng hai năm thì nên vợ nên chồng. Khi con dâu sinh thằng cu Sáng, bà Nhị thấy con trai mình càng tu chí làm ăn, biết lo lắng cho gia đình thì càng an tâm. Thế nhưng, đường đời vốn có nhiều lối rẽ mà không phải lối rẽ nào cũng cũng tốt đẹp như ta mong ước.

Bị đám bạn xấu lôi kéo, Tự nhẹ dạ nên chẳng mấy chốc mà sa vào cờ bạc. Tự bỏ việc ở xưởng đá, tối ngày chỉ tụ tập ăn không ngồi rồi, cá cược đỏ đen. Bà Nhị khuyên nhủ thì Tự làm lơ. Vợ Tự ngăn cản thì Tự chửi bới, còn thượng cẳng chân hạ cẳng tay với cô khiến cô nhiều lần muốn ôm con bỏ trốn. Bà Nhị thương con dâu, giận con trai nên đêm nào, bà cũng cầm đèn pin đi khắp làng tìm con về.

Thế nhưng cờ bạc một khi đã ngấm sâu vào máu thì con người ta khó mà từ bỏ. Bao nhiêu vốn liếng, tiền bạc tiết kiệm trong nhà cứ lũ lượt đội nón theo Tự ra đi. Hết tiền đánh bạc, uống rượu, Tự bắt vợ đưa cả số tiền dành dụm để nuôi con cho hắn. Vợ kiên quyết không đưa, Tự chửi rủa, đập phá đồ đạc, đấm đá vợ rồi hùng hổ bỏ đi vay mượn kẻ này người kia để thỏa sức đam mê. Cứ thế… Tự trượt dài vào vũng bùn đen do chính mình tạo ra. Cứ thế, ngày nào cũng hai, ba nhóm người tìm đến nhà đòi bà Nhị trả nợ.

Bất lực vì không cảm hóa được con trai, bà Nhị đành ngậm ngùi chấp nhận cho con dâu đi xuất khẩu lao động. Bà Nhị phần vì không muốn con dâu phải chịu thêm cảnh bị thằng con trai của bà đánh đập, hành hạ, phần hoàn cảnh gia đình khó khăn, không biết xoay xở thế nào để có tiền trả số nợ lên đến hàng trăm triệu cho con trai.

Chị con dâu bảo, sang đó làm việc, hàng tháng, cô sẽ gửi tiền về cho mẹ chồng để bà chăm sóc thằng cu Sáng, đồng thời trả nợ dần cho chồng. Nói rồi, nước mắt ròng ròng, chị hôn lấy hôn để lên trán lên má con trai đang ngủ để tạm biệt thằng bé. Chị nắm tay mẹ chồng gửi gắm mọi việc nhà cho bà, sau đó vụt chạy giữa đêm tối. Bà Nhị đứng vịn cửa, bần thần nhìn theo bóng dáng con dâu, vừa áy náy, xót xa vừa dằn vặt, cắn rứt lương tâm.

Từ ngày vợ vắng nhà, Tự càng sa lầy hơn vào tệ nạn. Thằng cu Sáng còn bé tí, mỗi lần thấy bố nó ngật ngưỡng về nhà say khướt, miệng lầm bầm chửi rủa, kiểu gì nó cũng sợ dựng tóc gáy, ba chân bốn cẳng đi tìm bà nội để được bảo vệ. Lớn lên một chút, nó nói với bà nội rằng:

- Cháu không ghét bố. Cháu chỉ ghét rượu bia và cờ bạc thôi. Vì rượu bia và cờ bạc mà bố thành ra như thế. Cháu mong bố thay đổi. Cháu nhớ mẹ và mong mẹ nhanh trở về nhà. Bà Nhị xót thương cho đứa cháu nội còn nhỏ tuổi mà đã phải chịu tổn thương chỉ vì có một người bố tệ bạc. Bà ôm cháu nội vào lòng vỗ về, an ủi. Càng thương cháu, bà càng giận con trai. Bà thấy mình có lỗi với ông Hoạt vì đã không dạy dỗ được con nên người. Bà cảm thấy mình bất lực trước tình cảnh hiện tại.

Ngày Tự bị bắt vào tù, bà Nhị vô cùng khổ tâm. Nhưng ngẫm lại, bà nghĩ, thà cứ để Tự vào tù, trả giá cho điều sai trái đã làm, biết đâu rồi sau, con sẽ hoàn lương, sẽ thay đổi.

Suốt mấy năm Tự ở tù, bà Nhị và thằng cu Sáng vẫn đều đặn đến thăm anh. Bà kể cho Tự nghe, chị con dâu mỗi khi điện về nhà cũng đều hỏi thăm sức khỏe của anh. Số tiền Tự nợ người ta, suốt mấy năm qua, con dâu cũng đã tích góp và trả cho họ gần hết. Sáng thì mong bố nhanh về, vì bạn học lúc nào cũng trêu chọc thằng bé có bố đi tù. Tự nhìn con trai rồi nhìn mẹ già tội nghiệp, lòng không khỏi ngậm ngùi ăn năn.

Nghe con trai bảo bà nội dạo này hay mệt mỏi, Tự mới nhìn kỹ mẹ mình. Bên ngoài, bà luôn mỉm cười và động viên Tự nhưng thẳm sâu trong đôi mắt bà, Tự cảm nhận rõ nỗi buồn phảng phất. Khi ngồi trong bốn bức tường của nhà tù, anh mới nhận ra tình yêu thương vô bờ mẹ dành cho anh, sự quan tâm, hy sinh của vợ đối với anh và biết con trai cần anh đến nhường nào. Vậy mà chính anh lại nỡ nhẫn tâm phá nát điều thiêng liêng ấy chỉ vì ma men, cờ bạc. Tự chất vấn chính mình, anh tự nhủ sẽ quyết tâm hoàn lương, quyết tâm làm lại cuộc đời.

Mỗi lần không có bạn chơi cùng, Sáng lại tìm bà nội, năn nỉ bà kể về mẹ cho nó nghe. Hàng ngày, thấy bạn bè có mẹ đến trường đón về, lại được mẹ mua cho que kem, quả ổi, cái bánh, Sáng ước gì mình cũng có mẹ ở bên. Bà nội từng nói với Sáng, mẹ Sáng đi làm tận tít bên nước ngoài, tháng nào cũng gửi tiền về để bà nội lo cho Sáng. Bà còn khuyên Sáng phải ngoan ngoãn, rồi mẹ sẽ nhanh về.

Những đêm hè, hai bà cháu thường trải chiếu giữa sân, bà rủ rỉ với Sáng đủ chuyện. Bà kể về tình yêu của bố mẹ Sáng ngày trước, kể về giây phút hạnh phúc khi cả nhà sắp sửa đón Sáng chào đời. Bà nhắc lại những kỷ niệm vui hồi bố Sáng chưa nghiện rượu, đánh bạc, hồi mẹ Sáng còn ở nhà… Bà an ủi Sáng, rồi một ngày nào đó gia đình Sáng sẽ được đoàn viên. Sáng sẽ được mẹ mua kem, được mẹ dẫn đi học, sẽ được bố dạy cho tát cá, tập bơi, thả diều. Sáng cười hiền lành, khẽ gật đầu rồi tựa vào lòng bà. Chính những điều kỳ diệu bà kể đã giúp Sáng từ từ đi vào giấc ngủ ngon.

Rồi chị con dâu của bà Nhị cũng trở về sau hơn ba năm đi xuất khẩu lao động. Thằng cu Sáng sung sướng vì được gặp lại mẹ. Nó bám lấy mẹ như sam. Nó nắm chặt tay mẹ, năn nỉ:

- Mẹ đừng đi xa nữa, mẹ nhé!

Thương con dâu vất vả nhiều năm nơi xứ người, giờ chứng kiến cảnh hai mẹ con hạnh phúc vui vẻ bên nhau, bà Nhị không kìm nén được xúc động, vội quay đi, nâng vạt áo lên lau nước mắt.

Còn mấy tháng nữa mới tròn 5 năm ở tù nhưng Tự được đặc xá trước thời hạn vì đã cải tạo tốt. Tự về nhưng anh không báo cho mẹ và vợ con biết. Đứng ngoài ngõ trông vào, Tự thấy vợ đang lúi húi giặt giũ ngoài bờ giếng, thấy con trai cùng mẹ già đang ngồi nhặt rau bên thềm, tự nhiên khóe mắt Tự cay xè. Giọt nước mắt ăn năn muộn màng cứ thế lăn dài trên má Tự. Sau phút ngập ngừng, Tự lấy hết can đảm bước vào cổng ngõ quen thuộc.

Nhìn thấy con trai, bà Nhị bước thấp bước cao chạy đến ôm chầm lấy con. Sáng thấy người đứng trước mặt mình là bố thì liền chạy ào tới lao vào vòng tay của bố khóc nức nở.

Vợ gặp lại Tự, cứ thế lặng im không nói, chỉ nhìn Tự bằng cái nhìn bao dung, độ lượng, thứ tha. Ba thế hệ trong gia đình nhỏ bé cứ thế đứng ôm nhau rưng rưng nước mắt.

Bữa cơm gia đình mừng đón con trai trở về, bà Nhị thấy lòng khấp khởi. Nhìn ngắm từng khuôn mặt yêu thương, trái tim bà Nhị sau những tháng ngày ủ ê giờ đã rộn ràng trở lại. Đúng như người ta vẫn bảo, ở đâu có yêu thương, ở đó có gia đình hạnh phúc. Niềm hạnh phúc của bà Nhị chỉ cần bình dị thế thôi.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày