Thượng tọa Thích Đức Thiện: “Cần hoàn thiện hệ thống pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo”

Thượng tọa Thích Đức Thiện phát biểu tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV vào sáng 28-10 - Ảnh: Quốc hội
Thượng tọa Thích Đức Thiện phát biểu tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV vào sáng 28-10 - Ảnh: Quốc hội
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Để phát huy tốt hơn nguồn lực tôn giáo vì sự phát triển bền vững của đất nước, cần xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về tôn giáo; quan tâm hơn nữa đến công tác đối ngoại về tín ngưỡng, tôn giáo.

Sáng 28-10, phát biểu tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội và ngân sách tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, Đại biểu Quốc hội, Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự GHPGVN nêu một số vấn đề mà cử tri đồng bào tôn giáo quan tâm.

Đó là xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về tôn giáo để phát huy các giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và nguồn lực của các tôn giáo cho sự nghiệp phát triển đất nước; sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai với kỳ vọng giải quyết triệt để những tồn tại, hạn chế, khai thông điểm nghẽn, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội.

“Đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan chức năng tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về tôn giáo, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến y tế, giáo dục, văn hóa, an sinh xã hội để các tôn giáo có thể tham gia, thực sự là một trong những nguồn lực góp phần xây dựng và phát triển đất nước bền vững.

Đề nghị ban soạn thảo Luật đất đai lần này có những quy định cụ thể về đất đai tôn giáo, nhằm đảm bảo nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo của đồng bào, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, có sự tiếp nối với hiện đại, đảm bảo phát huy nguồn lực tôn giáo trong xã hội”, Thượng tọa Thích Đức Thiện nói.

Tại phiên thảo luận, Thượng tọa Thích Đức Thiện cũng khái quát những thành công trong công tác đối ngoại, quan hệ quốc tế của GHPGVN nói riêng và các tôn giáo nói chung trong thời gian qua; khẳng định trong xu thế hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, phát huy nguồn lực tôn giáo còn được thể hiện trong nhiều hoạt động quốc tế đa dạng như mở rộng quan hệ với các tổ chức tôn giáo quốc tế, tham gia các hoạt động đối ngoại đa phương, các diễn đàn khu vực và quốc tế…

Theo Thượng tọa Thích Đức Thiện, đây chính là những phản bác mạnh mẽ nhất trước những báo cáo sai sự thật, bôi nhọ, xuyên tạc về nhân quyền, tự do tôn giáo ở Việt Nam của các thế lực thù địch.

“Quan hệ quốc tế của GHPGVN nói riêng, của các chức sắc tôn giáo nói chung đã góp phần giúp bạn bè quốc tế hiểu rõ hơn về đời sống văn hóa, tôn giáo của Việt Nam, về chính sách nhất quán tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng và Nhà nước. Do đó, đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan chức năng quan tâm hơn nữa đến công tác đối ngoại về tín ngưỡng, tôn giáo trong thời gian tới”, Thượng tọa Thích Đức Thiện nói.

Lịch sử đã chỉ ra rằng, tôn giáo ở Việt Nam luôn đoàn kết, hòa hợp trong lòng dân tộc. Mỗi tôn giáo dù có đức tin, hệ thống giáo lý, giáo luật khác nhau nhưng cùng có chung tinh thần dân tộc, làm nên sự phong phú, đặc sắc của văn hóa truyền thống dân tộc, không chỉ là một thành tố của văn hóa mà thực sự là một nguồn lực quan trọng góp phần phát triển đất nước.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Có 27 thanh niên từ 16 quốc gia tham gia chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu đã tạo nên một cộng đồng quốc tế đa dạng

Chương trình Bồ-tát trẻ tuổi

GNO - Mạng lưới Phật tử Nhập thế Quốc tế (INEB) vừa qua đã tổ chức Chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu hàng năm, một khóa học trải nghiệm kéo dài hai tuần dành cho các nhà lãnh đạo trẻ và các nhà hoạt động xã hội.

Thông tin hàng ngày