Từng rớt nước mắt trước cảnh tượng những học sinh nghèo không có tiền phải bỏ học, biết bao người dân không đủ ăn đủ mặc, cuộc sống lam lũ, khổ cực..., sau chuyến đi cứu trợ, phát quà nơi vùng sâu vùng xa ở miền Trung năm 1998, Thượng tọa Thích Duy Trấn, trụ trì chùa Liên Hoa- một ngôi chùa nằm trong con hẻm nhỏ trên đường Thái Phiên, thuộc phường 8, quận 11, TP. Hồ Chí Minh đã trăn trở phải làm một việc gì đó để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn.
Cũng có nhiều người phản đối!
Thượng tọa Thích Duy Trấn nhớ lại 12 năm trước, vào thời điểm mà ông quyết định sẽ làm một "cuộc cách mạng nhỏ" để thay đổi nhận thức và hành động của các Phật tử, nhân dân khi đến lễ chùa. Đó là vào khoảng giữa năm 1998, chùa Liên Hoa ra thông báo: Các Phật tử khi vào chùa cúng vong linh, xin miễn đốt giấy tiền vàng mã để lấy số tiền chuẩn bị đốt chuyển thành tiền thật, cứu giúp bà con nghèo, học sinh vùng sâu vùng xa. Lò hoá vàng tại chùa được dỡ bỏ. Chùa cũng nhắc nhở các Phật tử không dùng vàng mã để rắc rải trên đường.
"Không phải không có nhiều người phản đối trước quyết định đó. Nhiều người thắc mắc tại sao chùa Liên Hoa cấm đốt trong khi ở các ngôi chùa khác việc đốt vàng mã là chuyện bình thường..."- Thượng tọa Thích Duy Trấn kể. Ông nói, ông không tránh khỏi cảm giác buồn khi ấy bởi nhiều người, nhiều Phật tử đã chưa hiểu hết ý nghĩa của việc ông làm.
Kiên trì giải thích, rằng trong Phật giáo không có quyển kinh sách nào ghi lại việc Phật dạy cúng vong linh hoặc khấn vái người quá cố thì phải đốt vàng mã. Tại Việt Nam cũng chưa thấy có sách nào nói đến nguồn gốc ra đời của tục đốt vàng mã, tiền âm phủ...
Ngày này qua ngày khác, Thượng tọa Thích Duy Trấn quyết theo đuổi đến cùng việc làm mà ông cho rằng sẽ mang đến nhiều ý nghĩa cho cuộc đời. "Đừng dùng tiền thật để mua tiền giả!"- chỉ đơn giản vậy thôi, nhưng cái triết lý và tình người mà ông dùng để vận động nhân dân và các Tăng Ni, Phật tử quả thật đã mưa dầm thấm lâu.
Thượng tọa Thích Duy Trấn. Nguồn: Giác Ngộ
Cùng với việc vận động, những chuyến đi làm từ thiện mà Thượng tọa Thích Duy Trấn tổ chức đã khiến các Phật tử nhận ra ý nghĩa và giá trị từ việc làm của nhà chùa. Không mua quá nhiều vàng mã, nhang đèn để đốt, họ đã sử dụng số tiền đó đóng góp vào quỹ từ thiện của chùa. Từ năm khởi đầu 1998, chùa Liên Hoa chỉ thu được gần 10 triệu đồng, qua nhiều năm sau số tiền cứ tăng dần theo thời gian và sự đồng thuận của lòng người.
Nếu có một lời khuyên dành cho các Tăng Ni, Phật tử và đông đảo nhân dân, tôi chỉ muốn nói rằng: Mỗi người hãy cân nhắc kỹ trước mỗi việc mình làm. Chúng ta mua và đốt vàng mã, đồ mã quá nhiều để làm gì? Phải chăng để mong vong hồn người quá cố sớm siêu thoát? Nếu vì điều đó thì hãy dành thời gian tụng kinh niệm Phật và dành tiền bạc đó để làm từ thiện, có ý nghĩa cho cộng đồng. Hãy tin tôi, đã là Thượng tọa thì không bao giờ hướng dẫn Phật tử đi sai đường cả... (Thượng tọa Thích Duy Trấn) |
Đã qua 12 năm, từ số tiền tiết kiệm "không đốt vàng mã", chùa Liên Hoa đã quyên góp được trên 6 tỉ đồng để làm từ thiện, giúp đỡ nhiều bà con có hoàn cảnh khó khăn, xây những ngôi nhà tình nghĩa, khoan giếng, làm nhà ở cho người nghèo, cấp học bổng cho học sinh nghèo hiếu học ở các vùng sâu, vùng xa...
Hàng ngàn phần quà thấm đẫm nghĩa tình từ ngôi chùa nhỏ đã đến với biết bao con người bất hạnh, những số phận khó khăn luôn cần sự che chở, bao dung, giúp đỡ và sẻ chia từ cộng đồng.
"Khi các Phật tử đã giác ngộ, việc vận động trở nên dễ dàng, thuận lợi hơn. Sau một vài năm đầu còn có những ý kiến phản đối, đến nay ai đặt chân đến ngôi chùa này cũng đã tự giác thực hiện.
Hiện tại, nhà chùa đã không còn phải sử dụng đến biển hiệu "không đốt vàng mã" vì các Phật tử về với chùa Liên Hoa đều chấp hành tốt việc này..." - Thượng tọa Thích Duy Trấn cho hay. Ngoài chùa Liên Hoa, với tư cách là Phó ban Hoằng pháp Trung ương Giáo hội Phật giáo VN, nhiều năm qua, Thượng tọa Thích Duy Trấn cũng đã đến nhiều vùng đất, nhiều ngôi chùa để giảng đạo, thuyết pháp cho các Phật tử và trong những bài giảng của mình, ông luôn nhấn mạnh sự không cần thiết và vô nghĩa của việc sử dụng, đốt vàng mã, đồ mã tại các đền, chùa, nơi thờ tự...
Tới nhiều ngôi chùa ở Hà Nội, sao vàng mã vẫn đốt "quá trời"?
Trong câu chuyện với chúng tôi, Thượng tọa Thích Duy Trấn tâm sự, trong chuyến ra Hà Nội đầu năm nay, ông đã có dịp tới một số ngôi chùa nổi tiếng, tận mắt chứng kiến cảnh tượng người dân sử dụng và đốt quá nhiều vàng mã, đồ mã với những mâm lễ chất cao ngồn ngộn, Thượng tọa không khỏi băn khoăn. Ông nói: "Sao người ta đốt quá trời vàng mã mà không bị nhắc nhở?".
"Hãy đặt một phép tính, nếu mỗi người chỉ đốt khoảng 20 ngàn đồng tiền vàng mã mỗi lần, với lượng đốt liên tục như tại nhiều ngôi chùa, đền, các điểm thờ tự... trong mùa lễ hội đầu xuân thì thử hỏi, số tiền thật bỏ ra mua tiền giả để đốt sẽ là bao nhiêu? Nếu số tiền đó được dùng để làm từ thiện thì sẽ có được biết bao nhiêu việc làm ý nghĩa!"- Thượng tọa nói.
Mỗi năm hai chuyến đi làm từ thiện đến các vùng sâu, vùng xa vào tháng 7 và dịp cuối năm, chưa kể những chuyến đi cứu trợ đột xuất đến với các địa chỉ khó khăn cần giúp đỡ, với số tiền tiết kiệm từ việc không đốt vàng mã, Thượng tọa Thích Duy Trấn và các Tăng Ni, Phật tử chùa Liên Hoa đã tìm đến nhiều mảnh đời bất hạnh để sẻ chia, cứu trợ.
Cứ nhìn thấy những đứa nhỏ có nguy cơ phải bỏ học lại có sách, có bút để được vui vẻ cắp sách đến trường, những mảnh đời bất hạnh đã có mái nhà để che nắng che mưa..., Thượng tọa và các Phật tử lại thấy trong lòng thật ấm áp và cảm nhận hết được ý nghĩa của việc làm này.
12 năm, kể từ bước đi đầu tiên còn nhiều gian khó, đến nay ngôi chùa nhỏ vẫn giữ nếp đến những ngày lễ tết, chùa lại kêu gọi không đốt vàng mã để dành tiền làm từ thiện. Năm vừa qua, khi Chính phủ ban hành nghị định về cấm đốt đồ mã nơi công cộng, Thượng tọa Thích Duy Trấn càng vững niềm tin hơn với quyết định và việc làm mà ông đã lựa chọn.
Chùa Liên Hoa
Mong muốn nhân rộng việc không sử dụng vàng mã, đồ mã tại các đền, chùa, miếu, phủ và các điểm thờ tự... ở khắp mọi miền đất nước, những địa chỉ vẫn thu hút đông đảo nhân dân và du khách thập phương tới chiêm ngưỡng, lễ bái, Thượng tọa Thích Duy Trấn cho hay, khi còn có sức khoẻ, ông vẫn sẵn sàng đi tới mọi nơi để vận động, tuyên truyền người dân.
Thượng tọa cũng mong muốn với những việc mình đã làm, những kết quả đạt được của ngôi chùa nơi ông trụ trì, sẽ có nhiều hơn những Phật tử trên khắp mọi miền đất nước, nhất là tại các vùng đất sâu xa, hẻo lánh hết lòng ủng hộ cách làm của ông. "Để không còn nhìn thấy quá nhiều những cảnh tượng đau lòng, những mảnh đời cơ nhỡ, bất hạnh khiến bất kỳ ai chứng kiến cũng không khỏi rơi nước mắt..."- Thượng tọa Thích Duy Trấn xúc động nói.
Với những việc làm tích cực, những nỗ lực quên mình, năm 2006 Thượng tọa Thích Duy Trấn đã được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Năm nay, nhân dịp tổng kết 10 năm thực hiện phong trào TDĐKXDĐSVH trong cả nước, Thượng tọa cũng vinh dự được đón nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL.