Thượng tọa Thích Tiến Đạt nói về Trung tâm Tư liệu Phật giáo Việt Nam

Thượng tọa Thích Tiến Đạt, Giám đốc Trung tâm Tư liệu Phật giáo Việt Nam
Thượng tọa Thích Tiến Đạt, Giám đốc Trung tâm Tư liệu Phật giáo Việt Nam
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Vừa qua, Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội đã tổ chức lễ ra mắt Trung tâm Tư liệu Phật giáo Việt Nam thuộc Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam. Trung tâm này đặt tại chùa Đại Từ Ân, Đan Phượng, Hà Nội.

Việc tập hợp các nguồn tư liệu liên quan đến Phật giáo để xây dựng một trung tâm quy mô và hệ thống sẽ tạo nên sức mạnh tri thức tổng hợp về Phật giáo Việt Nam.

Thượng tọa Thích Tiến Đạt, Phó Viện trưởng Phân viện nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội, Giám đốc Trung tâm Tư liệu Phật giáo đã dành cho báo Giác Ngộ cuộc trò chuyện thú vị.

Nhân sự kiện này, Thượng tọa chia sẻ với Báo Giác Ngộ:

- Trong Luật Tứ phần, Đức Phật có dạy, đại ý rằng: Này A-nan! Giống như một đám hoa để trên bàn nếu không được xâu lại thì gió sẽ thổi bay tứ tán. Nếu đám hoa ấy được xâu chuỗi lại bằng một sợi dây thì dù cho gió có thổi phía này hay phía kia, dù có bị khô héo, nó vẫn giữ được nguyên hình của nó. Sau khi Đức Phật nhập Niết-bàn, các bậc trí giả Phật giáo đã tiến hành tập kết kinh điển lần thứ nhất để lưu giữ toàn bộ lời giáo huấn về Pháp và Luật của Đức Thế Tôn. Từ đó đến nay qua 2.600 năm, trên thế giới đã có hàng chục các cuộc kết tập kinh điển.

Ảnh tác giả

Sinh thời, Đức Đệ tam Pháp chủ - Hòa thượng Thích Phổ Tuệ từng dạy rằng: “Tôi nói ngay ở chốn Tổ Viên Minh, khi còn các Tổ, kinh sách có đến 10 phần cho đến hiện giờ chỉ còn được 2 phần. Một là do chiến tranh lũ lụt, mối mọt, thời tiết ẩm… sự thất lạc tản mác. Nếu không nhanh chóng bảo quản, giữ gìn sẽ có tội với tiền nhân, có lỗi với hậu thế”.

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

Phật giáo truyền vào nước ta đã trên 2 nghìn năm, qua hai “con đường”, một truyền trực tiếp từ Ấn Độ tới Việt Nam, hai là truyền từ Trung Quốc sang. Dân tộc chúng ta, lịch đại Tổ sư đã tiếp nhập hai dòng văn hóa này, bản địa hóa trở thành Phật giáo Việt Nam. Trải qua chặng đường dài hơn hai thiên niên kỷ đạo Phật đồng hành cùng dân tộc, mỗi một giai đoạn, mỗi triều đại đều đã để lại những dấu ấn riêng cho sự phát triển của Phật giáo, đã sản sinh ra rất nhiều tư liệu quý báu và để lại cho hậu thế. Đó không chỉ là kinh sách, mà còn là hệ thống kiến trúc, mỹ thuật biểu tượng, di văn, di vật, pháp khí… Đây là nguồn tài sản tri thức lớn của Việt Nam, chứa đựng nhiều lớp thông tin có giá trị to lớn về văn hóa, tôn giáo, xã hội, tín ngưỡng, văn hiến, lịch sử, kiến trúc…

Trải qua bao phen binh lửa, thiên tai, sự thay đổi của khí hậu, thời tiết, nhiều tư liệu đã bị hư hỏng, mất mát. Nhiều chùa cổ, kinh sách, khoa cúng các tổ, bia đá đã không còn. Vì vậy, “cấp cứu” những gì còn lại là vấn đề đặt ra cấp thiết. Sinh thời, Đức Đệ tam Pháp chủ - Hòa thượng Thích Phổ Tuệ từng dạy rằng: “Tôi nói ngay ở chốn Tổ Viên Minh, khi còn các Tổ, kinh sách có đến 10 phần cho đến hiện giờ chỉ còn được 2 phần. Một là do chiến tranh lũ lụt, mối mọt, thời tiết ẩm… sự thất lạc tản mác. Nếu không nhanh chóng bảo quản, giữ gìn sẽ có tội với tiền nhân, có lỗi với hậu thế”.

Chính vì nghe lời dạy của Đức Đệ tam Pháp chủ, với tâm nguyện ấp ủ từ nhiều năm, nay nhân duyên hội đủ và được chư tôn đức đồng lòng đồng chí và sự tán trợ của Hòa thượng Viện trưởng Phân viện Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội - Hòa thượng Thích Gia Quang, đã cho phép thành lập Trung tâm Tư liệu Phật giáo Việt Nam.

* Trong nhiều năm qua, nhiều cơ sở Phật giáo cũng đã tiến hành sưu tập tư liệu Phật giáo, thưa Thượng tọa?

- Trước đây tư liệu Phật giáo Việt Nam đã được một số tổ chức, cơ quan nghiên cứu và các cá nhân sưu tầm, xuất bản và số hóa như: Thư viện Huệ Quang, Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán, Trung tâm Pali học, Trung tâm Phật học Sanskrit, Trung tâm dịch thuật Hán Nôm Huệ Quang, Trung tâm Nghiên cứu Phật giáo Hán truyền, Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Thiền học Nam truyền, Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Thiền học Bắc truyền, Trung tâm Nghiên cứu Phật giáo Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu Văn học Phật giáo Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu Nữ giới Phật giáo, Trung tâm Nghiên cứu Tôn giáo, Viện Trần Nhân Tông… Những đơn vị này mặc dù đã quan tâm sưu tầm tư liệu, nhưng công tác sưu tầm mới chỉ dừng lại ở phạm vi số hóa kinh sách, in dập bia ký, số hóa hiện vật…

Tình hình sưu tầm, thu thập và khai thác các tư liệu Phật giáo Việt Nam đang bộc lộ một số bất cập như: Chưa khảo sát và sưu tầm được nhiều nguồn tư liệu nội sinh quý hiếm của Việt Nam, đặc biệt là tư liệu còn bảo quản tại các chùa và tịnh thất, tư gia, các cá nhân. Còn nhiều nguồn tư liệu nước ngoài về Phật giáo Việt Nam chưa được khảo sát và sưu tầm. Nhiều tư liệu quý như tượng cổ, pháp khí độc bản đang đứng trước nguy cơ hư hỏng hoặc biến mất vĩnh viễn. Hiện trạng phân tán và tính kết nối rất thấp của hệ thống lưu trữ tư liệu liên quan đến Phật giáo Việt Nam ở trong và ngoài nước.

Việc hình thành Trung tâm Tư liệu Phật giáo Việt Nam cơ bản sẽ khắc phục được những hạn chế nêu trên, đồng thời có những đóng góp đột phá về tập hợp các nguồn tư liệu quý hiếm về Phật giáo, phát triển hệ thống tư liệu số, kết nối các trung tâm tư liệu nghiên cứu Phật học, và tôn giáo ở trong nước và nước ngoài; phục vụ cho việc gìn giữ, nghiên cứu, phát huy giá trị của nguồn tư liệu này đối với sự phát triển của Phật giáo Việt Nam.

* Ngoài các phát biểu trong lễ ra mắt, Thượng tọa có thể cho biết ý nghĩa của việc ra đời Trung tâm Tư liệu Phật giáo Việt Nam?

- Thực tế tại Việt Nam hiện nay nếu có thể tập hợp được các nguồn tư liệu liên quan đến Phật giáo để xây dựng một trung tâm quy mô sẽ tạo nên sức mạnh tri thức tổng hợp về Phật giáo Việt Nam. Điều này không chỉ cần thiết cho cộng đồng học giả, các chùa ở trong nước sử dụng thuận tiện mà còn thu hút cộng đồng quốc tế đến khai thác, qua đó góp phần phát triển Phật giáo Việt Nam và ngành tôn giáo học, làm cho thế giới biết nhiều hơn đến Việt Nam. Trung tâm Tư liệu Phật giáo Việt Nam sẽ là nơi cung cấp các loại tư liệu phục vụ đào tạo, nghiên cứu liên ngành liên quan tới tôn giáo học và là nơi tổ chức nghiên cứu về bảo tồn tư liệu Phật giáo Việt Nam.

Trên phương diện khoa học và đào tạo, trung tâm tư liệu tổng hợp nghiên cứu Phật giáo Việt Nam sẽ góp phần tạo dựng hệ thống cơ sở dữ liệu cần thiết cho sự phát triển chung của nhiều ngành khoa học, mở mang tri thức học thuật; phục dựng lại một cách khách quan, chân thực vị thế, vai trò của Phật giáo Việt Nam, tính lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng, văn học và văn hóa Phật giáo Việt Nam.

Trên phương diện chính trị xã hội, một trung tâm dữ liệu tổng hợp sẽ đóng góp quan trọng vào công tác hoạch định chính sách và xây dựng chiến lược quốc gia về tôn giáo tín ngưỡng nói chung và Phật giáo nói riêng.

* Kết quả ban đầu của việc truy tập tư liệu Phật giáo của Trung tâm Tư liệu Phật giáo Việt Nam như thế nào, thưa Thượng tọa?

- Thời gian qua, quá trình tập hợp tư liệu ban đầu để thiết lập Trung tâm Tư liệu Phật giáo Việt Nam, đến nay đã có hơn 10.000 đầu dữ liệu đã được sưu tầm, quy tập và biên mục. Hiện đang có 50.000 dữ liệu đã được sưu tầm, nhưng chưa được biên mục, sẽ được tiếp tục biên mục trong thời gian tới.

Các loại hình tư liệu chính gồm: tư liệu chữ viết (trên các chất liệu giấy, gỗ, đá, kim loại…), tư liệu hiện vật như tượng, câu đối, hoành phi, bia đá, khánh, bệ tháp, tư liệu số hóa, tư liệu đa phương tiện (multimedia). Hàng chục ngàn đầu sách và tư liệu quý đã được tổng hợp và sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau, phần lớn là các tư liệu được viết bằng chữ Nôm hoặc Hán Nôm, đặc biệt có nhiều tư liệu đã thất truyền hoặc dừng xuất bản từ lâu.

Các tư liệu truy tập về Trung tâm Tư liệu Phật giáo Việt Nam phần lớn không phải là bản gốc, do các bản gốc là tài sản thuộc sở hữu của Nhà nước (tại các viện nghiên cứu và thư viện), của các tự viện, cơ sở Phật giáo và tư nhân trên khắp cả nước và ở nước ngoài. Hiện chỉ một phần nhỏ tư liệu truy tập về là bản gốc, đó là những tư liệu được ký gửi. Chúng tôi thực hiện các bản sao thành các file ảnh, sau đó biên mục để hệ thống hóa và xây dựng hệ thống quản lý dữ liệu bằng phần mềm theo đúng tiêu chuẩn. Đồng thời, hoàn thiện giải pháp bảo quản chống ẩm, chống nấm mốc, chống côn trùng, chống cháy tự động với giá rẻ để cung cấp cho các cơ sở, tự viện có những bản gốc tư liệu Phật giáo. Chúng tôi cũng đã tiến hành khảo sát xây dựng các bài giới thiệu về 1.500 ngôi chùa lên danh bạ. Trung tâm cũng đã xây dựng được quy trình sao chụp số hóa tư liệu và trùng ấn nhanh nhất, không ảnh hưởng đến tư liệu gốc.

* Thượng tọa cho biết kế hoạch quan trọng mà Trung tâm Tư liệu Phật giáo Việt Nam sẽ thực hiện tiếp tục trong thời gian tới?

- Trung tâm Tư liệu Phật giáo Việt Nam trước mắt có trên 120 thành viên, cộng tác viên tham gia thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn về công tác sưu tầm, tái tạo, khảo cổ, bảo quản - lưu trữ, nghiên cứu và khai thác dữ liệu, tư liệu Phật giáo, đặc biệt và trước hết là nguồn tư liệu về Phật giáo các tỉnh miền Bắc.

Trung tâm Tư liệu Phật giáo đề ra nhiều nhiệm vụ trong thời gian tới. Một là, xây dựng kho dữ liệu, nguồn tư liệu Phật giáo phục vụ việc cung ứng, khai thác, đối chiếu, tra cứu… phục vụ cho công tác nghiên cứu, học thuật, phát huy giá trị to lớn của tư liệu Phật giáo nước nhà để phục vụ cho hiện tại và mai sau. Đặc biệt, tập hợp kinh điển, tư liệu của Phật giáo Việt Nam, bao gồm cả chính tạng và tục tạng.

Sưu tầm, bảo quản các loại hình tư liệu về Phật giáo Việt Nam như: tài liệu số hóa, tài liệu dạng phẳng, tài liệu hình khối, tài liệu âm thanh, video… áp dụng kỹ thuật tiên tiến để bảo quản, tu bổ phục chế tư liệu liên quan.

Hai là, nghiên cứu tư liệu, nghiên cứu các hướng khai thác tư liệu Phật giáo Việt Nam; Tham mưu đề xuất thực hiện các đề tài, dự án liên quan đến khai thác, sử dụng tư liệu hiệu quả; Tổ chức và phối hợp tổ chức tọa đàm khoa học, các hội thảo, hội nghị liên quan; Công bố và xuất bản các nghiên cứu về tư liệu Phật giáo Việt Nam.

Ba là, nghiên cứu bảo quản tư liệu: Phát triển hệ thống tủ chống ẩm có thiết bị đo lường, chống côn trùng, chống cháy, chống ẩm.

Thứ tư, thành lập phòng ký gửi tư liệu tại trung tâm dành cho những nơi không có điều kiện bảo quản tập hợp về. Cùng với đó, hợp tác, chia sẻ, kết nối với các trung tâm lưu trữ, thư viện, viện nghiên cứu và các trường đại học, các chùa, tịnh thất, cơ sở thờ tự, di tích để sưu tầm, khai thác tư liệu Phật giáo Việt Nam.

Năm là, số hóa biên mục tư liệu Phật giáo, bao gồm đầy đủ kiến trúc, tượng, hoành phi, câu đối, sách - tư liệu giấy, văn bia, minh chuông… Sáu là, lan tỏa kiến thức về di sản, với việc lập danh bạ các chùa trên internet, với đầy đủ thuyết minh từ lịch sử, kiến trúc, hành trạng chư Tăng của các chùa đó. Bảy là, số hóa các ngôi chùa cổ.

Tám là, nghiên cứu và cung cấp phần mềm dịch tự động từ văn bản Hán - Nôm sang chữ Quốc ngữ với việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Chín là, khôi phục và bảo tồn giá trị mộc bản tại các chùa, khắc in lại mộc bản bằng công nghệ mới, cung cấp phương án bảo quản phù hợp. Ngoài ra, trung tâm còn hướng đến nhiều hoạt động khác.

Hiện nay, tư liệu Phật giáo không chỉ có ở các tự viện, các cơ sở, trung tâm của Phật giáo, mà còn có ở các viện nghiên cứu của nhà nước, như Viện Nghiên cứu Hán Nôm; Thư viện quốc gia, các bảo tàng và sở văn hóa của các tỉnh, thành phố và các trung tâm nghiên cứu khác. Chúng tôi mong muốn được trao đổi hợp tác về tư liệu Phật giáo với mọi cơ sở có lưu trữ tư liệu liên quan đến Phật giáo.

Trung tâm Tư liệu Phật giáo Việt Nam cần sự đồng lòng chung tay góp sức của các chùa trên cả nước, của các nhà khoa học, của các vị thiện tri thức. Chư tôn đức Tăng Ni có thể bỏ công sức cả đời để xây dựng một ngôi chùa, giáo hóa nhân dân trong một địa phương nào đó, nhưng nếu bỏ công sức sưu tập, bảo quản tư liệu Phật giáo sẽ đem lại lợi ích to lớn hơn, lâu dài hơn.

Xin cảm ơn Thượng tọa về những chia sẻ trên!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh minh họa

Làm sao đưa Phật pháp đến với tuổi trẻ?

GNO - Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng các chương trình chánh niệm tại trường học có thể giúp ích, đặc biệt là ở các cộng đồng nghèo, nơi học sinh phải đối mặt với mức độ căng thẳng cao hơn.
Lễ khởi công xây dựng nhà ở cho hộ nghèo tại H.Quan Hóa, sáng 21-11

Thanh Hóa: Ban Trị sự Phật giáo tỉnh khởi công xây dựng nhà ở cho hộ nghèo tại H.Quan Hóa

GNO - Thực hiện cuộc vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh theo Chỉ thị số 22-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, sáng 21-11, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Thanh Hóa đã làm Lễ khởi công, trao kinh phí xây dựng nhà ở cho hộ nghèo tại H.Quan Hóa.

Thông tin hàng ngày