GN - “Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ”(Trịnh Công Sơn)
Dù cho Thôi Hộ với cái cảm người xưa đâu tá, chỉ thấy hoa cười đùa trong gió đông về:
“Nhân diện bất tri hà xứ khứ,
Đào hoa y cựu tiếu đông phong”
(Đề đô thành nam Trang)
Với con người bình thường, với suy tưởng cùng hồ bao vui buồn trút lên thế sự thăng trầm, ngụp lặn sinh tử thì dưới cái nhìn của người xem thời gian bao giờ cũng xuân lại là chuyện khác.
Xuân đến thật nhẹ nhàng, ý tứ, như cô gái tuổi mười tám thầm thỉ bên đường kim mũi chỉ.
“Khả liên vô hạn thương xuân ý
Tận tại đình châm bất ngữ thì”
(Xuân nhật tức sự - Huyền Quang thiền sư)
(Thương xuân không nói hết,
Đọng lại trên đường thêu).
Xuân trong đạo Phật là xuân của tất cả mọi loài chúng sanh ở mười phương pháp giới. Chính các thiền sư đã coi xuân như một sinh vật tiềm ẩn trong vạn vật.
Thiền sư Chân Không đã có câu kệ mang ý của bài thơ Mãn Giác (Thiền uyển tập anh):
“Xuân lai, xuân khứ, nghi xuân tận,
Hoa lạc, hoa khai, chỉ thị xuân”.
(Xuân đến, xuân đi, ngờ xuân hết,
Hoa tàn, hoa nở, ấy vẫn xuân).
Đó là cảm quan thiền của thiền sư ở thế kỷ XI về mùa xuân. Thế nhân hay dao động buồn, vui trước dòng đời biến ảo vì chưa thấu rõ quy luật tồn vong vô thường của vạn vật. Dưới tuệ nhãn của thiền sư, thật tướng của mùa xuân hiển lộ rõ, dù hoa nở hay hoa tàn, xuân đến hay xuân đi đó vẫn là xuân. Trong quy luật sinh diệt này người ta còn nhận ra cái không sinh diệt đó là “Phật pháp bất ly thế gian”.
Không cảm khái như Nguyễn Du tự day dứt gởi lòng mình vào không gian phút giây thay màu đổi dạng, dù thấy cảnh xuân vốn là nhập đề của một trang thơ đời:
“Cỏ non xanh rợn chân trời
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa”.
thế nhưng:
Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ.
Ngỡ ngàng qua một đêm xuân, Mạnh Hạo Nhiên, nhà thơ Đường (T.Q), bật thốt:
“Dạ lai phong vũ thanh, Hoa lạc tri đa thiểu?”.
(Xuân hiểu)
(Gió mưa xào xạc trong đêm, Cánh hoa nào biết rụng thêm ít nhiều?).
Nguyễn Bỉnh Khiêm càng cảm khái hơn cho thân phận già yếu bệnh tật trong lúc đất trời đang trở mình giao mùa:
“Lão lai khước dữ bệnh tương kỳ”
(Già đến lại cùng với bệnh tật hò hẹn nhau).
Rồi có một buổi trời chiều thảng thốt, Bà Huyện Thanh Quan bỏ hết chuyện đã qua để quay nhìn về cố hương khi chỉ còn nhận ra trong mình rằng người và cảnh là một.
“Gác mái, ngư ông về viễn phố
Gõ sừng, mục tử lại cô thôn”.
(Chiều hôm nhớ nhà)
Xuân có tự bao giờ hỏi ai để biết? Xuân mang đến những gì, chỉ hỏi chính mình mới có thể hay! Trong cuộc đời có những điều khi hỏi hết mọi người mà cũng không cách nào để hiểu được, thì nên tự hỏi chính mình thì mọi việc sẽ được thông. Thiền Tăng cũng như vậy, ngồi đợi xuân là đang hỏi lại chính mình, từng phút giây chờ xuân đến là sự trải nghiệm của chính cuộc đời mình, để đến gần với xuân hơn. Chính vì trong ý đợi xuân nên vua Trần Nhân Tông đã hân hoan diễn bạch:
“Niên thiếu hà tằng liễu sắc không,
Nhất tâm xuân tại bách hoa trung”.
(Tuổi niên thiếu hai chữ sắc không chưa từng hiểu rõ,
Chỉ thấy xuân về tâm mình vui rộn cùng với trăm hoa).
Và xem xuân là tướng sinh ra đời người trong năm “Nhân chi sanh tướng, tuế nãi xuân thì” (Khóa hư lục, quyển thượng) vì hoàn cảnh người người đều có khác nhau nhưng ai cũng có một tuổi xuân tràn trề ước vọng, một sức khỏe mới mẻ vui tươi.
Xuân đến đâu có ý làm cho cỏ cây xanh tươi rồi khô héo, để cho con người khôn lớn rồi già nua? Tất cả chỉ là sự vần chuyển tự nhiên của trời đất, là định luật của bất biến “sanh-trụ-dị-diệt” mà thôi; hiểu được như vậy thì đón xuân mới đủ tình đủ vị, ngộ được lẽ thường tình của cuộc đời thì cùng xuân vui mãi vẫn vui. Như vậy chân như có gốc ở tâm “Tâm là Như Lai tạng”, các pháp có tính bắt nguồn từ tâm. Khứ lai tự tại, duyên hợp duyên tan, mặc cho đến đi, kệ cho tan hợp, xuân của thiền Tăng luôn còn mãi mãi, mặc cho khứ lai của cuộc đời nào ảnh hưởng gì đến xuân. Thiền sư và xuân chỉ là một tướng, xuân và thiền sư vẫn một sắc thôi, đúng như lời đợi xuân của Thiền sư Mãn Giác trên chiếc thuyền Thiền:
“Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận,
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai”.
Xuân vốn là như vậy, vui buồn lẫn lộn. Ý xuân có khác gì, được mất, có không. Cái không tưởng con người cứ bám víu đi tìm là vòng đời quá hạn hữu muốn là vô hạn. Con chim én biểu trưng thời xuân kia đâu biết mình quá đoản mệnh vì không có tầm nhìn vượt quá vòng đời chính mình, khi chúng ta là con người nên nghĩ khác. Cái nghĩ khác được ghi lại bằng lịch sử, bằng chứng cứ có từ quá khứ, tìm đến tương lai và hoàn thiện hiện tại. Con người cứ đi tìm trong một thế giới chất hỗn độn không gì bất biến hay tồn tại vĩnh viễn, ít khi nào bằng lòng với chính nó mà điểm dừng lại là khi nhìn vào chính mình.
Nhất thiết hữu vi pháp, Như mộng huyễn, bào ảnh, Như lộ diệc như điển, Ứng tác như thị quán.
(Hết thảy pháp hữu vi, Như mộng ảo bọt nước, Như điện chớp sương sa, Nên quán sát như vậy).
(Kinh Kim Cang)
Thế giới vật chất kia chỉ là nhận thức trong ta, nên thấu xét về chúng chỉ là hình tướng của thực tại, không có đến và đi mà cũng chẳng mất và còn. Và, vua Trần Nhân Tông đã thể hiện một cách cụ thể qua câu kệ với Pháp Loa:
“Nhất thiết pháp bất sinh, Nhất thiết pháp bất diệt, Nhược năng như thị giải, Chư Phật thường hiện tiền, Hà khứ lai chi hữu”.
(Hết thảy pháp không sinh, Hết thảy pháp không diệt, Nếu biết được như thế, Chư Phật thường hiện tiền, Vậy còn có gì là đi với đến).
Những nhận thức sai biệt “Tri kiến lập tri” khi chúng ta nhìn vào hiện tượng sự vật rồi lắp ghép vào đó tâm sự chính mình để cảm nhận sự vui buồn, có không, đến đi. Làm sao thoát khỏi những trói buộc của khái niệm để có một xuân trong thu tàn đông giá?
Cớ chi Đỗ Phủ phải buồn lay trong bài thơ Giang mai:
Mai hoa niên hậu đa
Tuyệt tri xuân ý hảo
Tối nại khách sầu hà.
(Sang năm hoa mai nở đầy cành, Ý xuân luôn trọn đẹp, Lòng khách cớ sao buồn?).
Thời gian in bóng với bao cảnh vật đi về, hỏi lòng có bao nhiêu nỗi buồn quắt quay bao nhiêu niềm vui đến ứa lệ? Xem như không. Đời người nơi cõi đời thường này vẫn thế, có gì đâu mà bàn chuyện được mất. Xuân ở quanh ta đầy tin tưởng ước vọng, mà dù chuyện ở cõi Ta-bà này “hoa nở, hoa tàn” vẫn cứ xem đó là xuân. Quên đi chuyện hỷ nộ ái ố để trong tâm tinh khôi một nụ cười. Nếu nhận đúng được vấn đề thì chúng ta chẳng có gì băn khoăn, thoát được khỏi định kiến phân biệt của thế giới vật chất kia, để thấy xuân kia vẫn an nhiên trú tại tâm hồn. Và thế là, xuân đã “bất lai diệc bất xuất”, không đến không đi…