GN - Sớm, Thuần thức dậy từ ba giờ để lo chuyển tiết lợn cho các hàng quán. Có tới mười lăm cửa hàng đặt trước cho anh. Công việc cứ thế làm. Anh đặt sẵn những chiếc sọt nhựa tại lò mổ. Người ta đâm lợn làm thịt, xong luộc tiết luôn thể và bàn giao cho Thuần. Công việc này nhẹ nhàng, không mang tội nhưng lại kiếm được tiền nuôi vợ con.
Thuần thấy cuộc sống thế này rất ổn, chỉ có thế rồi đến cuối đời, rồi ra nghĩa địa nhân dân nằm cho yên ả là tốt lắm rồi. Đấy là chuyện cách đây ba năm, Thuần với mấy đứa con ríu rít, người vợ ngoan hiền cùng mái nhà nhỏ ấm êm. Giờ thì Thuần xây nhà, ngôi nhà to thiệt to. Dù có mười người đứng chồng thang lên nhau thì cũng không cao bằng nhà Thuần. Sơ-vin trắng cùng chiếc xe Ab bóng loáng, hai vợ chồng Thuần lướt đi khiến cả thị trấn trầm trồ.
Nghề mổ lợn khiến Thuần phất lên nhanh chóng. Lớp dưới ngó lên nhưng lớp trên nhìn xuống, Thuần thấy chiếc ô-tô mới là phương tiện đi lại tối ưu nhất. Không phải sợ nắng, mưa cũng không ướt, nhiệt độ trong xe được điều chỉnh theo ý thích. Có nhà lầu ắt phải có xe hơi, phải tương xứng với nhau nó mới đẹp. Vợ Thuần luyến láy nhìn chồng, miệng cười tươi như hoa.
- Rồi cũng mua được xe, cứ coi như xe là mục đích cuối cùng của chúng ta.
Niềm tin của con người vào vật chất nó như chuyện đóng đinh. Cộp một cái là dính, dù sau đó đinh có rớt, dù sau đó chuyện đóng đinh không màng bàn đến là vĩnh cửu hay thức thời. Cứ thế, phải sống cho từng ngày, phải đạt được cái mà ước mong. Và mục đích cuối cùng đã tới. Bốn thành viên trong gia đình Thuần không phải làm việc ngày thứ Bảy và Chủ nhật. Hai ngày cuối tuần họ đi nghỉ. Lúc thì tận biển, khi lên rừng rồi họ đi đến những thành phố xa hơn. Chuyện nghe như cổ tích đúng không? Không phải thế, họ đánh đổi khá nhiều thứ, họ phải lao động cật lực mới có được chừng ấy gia sản. Đôi lúc họ đánh đổi cả những thứ mà mắt thường cũng không nhìn thấy được. Nhưng trước mắt, họ có thành quả lao động được gọi là chân chính. Bài báo ở trang nhất hôm rồi khẳng định “họ là tấm gương vượt khó”. Nhiều người trong thị trấn đua nhau mổ lợn, lợn chết nhiều, hàng hóa mang đi đâm rẻ.
Thịt lợn ế ẩm phải đi bán dạo từ huyện này sang huyện khác. Chẳng còn ai dùng tiết lợn. Món tiết được cho chảy nóng ra cả một cái hồ cạnh thị trấn. Ở đó ban đầu hoa súng, hoa sen nở lung linh về mùa hè giờ chết cả. Chỉ có loài cá đua nhau đến ở, nhiều nhất là cá trê, sau đó là cá quả. Ốc nhiều vô kể, chúng nằm san sát nhau. Chỉ cần lấy rổ rá xúc ngang một vớ là được ngay vài ký ốc. Người xúc ốc không phải mất nhiều công cũng kiếm được tiền nuôi sống gia đình. Thuần thấy chuyện lợn ế thì giảm ngay một nửa quân số giết mổ hàng ngày để có thời gian mở quán với món đặc sản ốc hút.
Con người Thuần nhanh nhạy, chịu khó làm ăn và anh lại kiếm thêm được nhiều tiền. Báo lại đăng về việc buôn bán của anh và nhiều cửa hàng ốc nở rộ. Ốc được xúc, cào xới. Và tất nhiên là chúng chết. So với lợn thì quân số ốc thiệt mạng trong việc kinh doanh của con người gấp một trăm lần. Thị hiếu đến chừng đó rồi đứt đoạn. Dạo này mọi người thích món gà chỉ và Thuần lại lao vào một cuộc tìm kiếm mới. Và anh lại thành công.
Thuần 65 tuổi. Mọi việc kinh doanh ông cụ Thuần đều để lại cho đứa con tên Đạo. Nó trật trầy làm sao đến cuối cùng đánh mất cả sản nghiệp mà bố gầy dựng. Chiều mùng 7 tháng 7, ông cụ Thuần ngồi lặng im chẳng nói chẳng rằng. Đến lúc bà cụ Thuần lay vào người thì ông đã chết. Bà cụ Thuần gào lên, chết chứ phải đi chùa đâu mà im lặng thế ông ơi? Nhưng mọi người lại bảo, chết lặng lẽ thế kể cũng hay. Vì tương truyền ba đời nhà ông cụ Thuần làm nghề mổ lợn đều có cái chết giãy giụa. Chết mà cứ kêu lên ồng ộc, the thé, kinh hãi như một con lợn đang bị chọc tiết. Ông cụ Thuần ra đi thanh thản thế là tốt rồi.
Người ta đồn đoán nhau rằng ông làm nghề giết mổ nhưng hay đi lễ chùa nên có tích đức. Thì cứ tin đại thế. Niềm tin đâu có mất tiền. Chỉ khi chôn ông cụ Thuần người ta thấy tiếc của. Chẳng là khi liệm ông người nhà không nỡ lấy lại cái dây chuyền vàng trong cổ. Nó gần cả cây vàng. Nhưng vợ con ông cụ Thuần được cái hiếu nghĩa nên cứ để của đi theo ông. Khi ông cụ Thuần được chôn tới ba ngày là con ông bắt đầu tiến hành xây lăng. Cái lăng nhỏ nhưng đẹp. Lăng mộ được xây tại trong vườn. Việc làm này tránh chuyện người ta đào mộ lấy đi sợi dây chuyền vàng. Việc trần thế lo cũng chẳng thừa là thế.
Đạo bắt đầu từ sự khởi nghiệp của cha với nghề bán tiết lợn. Mỗi ngày đi làm về trên chiếc xe rách bươm lại dính đầy tiết khiến người vợ chẳng ưa nhìn. Tối tối người vợ thường lánh Đạo ra nằm góc riêng. Việc này Đạo biết nhưng chẳng nói gì. Thấy chồng lầm lì ít nói người vợ mới mở lời, nhưng nó chẳng liên quan gì tới chuyện ngủ riêng.
- Đừng có đi trong cái vòng tròn luân hồi của nghề nghiệp như thế.
- Vậy cô bảo tôi phải làm gì?
- Chí ít đời cha anh xuất phát từ nghề tiết lợn thì anh cũng phải đốt đi một công đoạn chứ, anh phải mổ lợn biết chưa?
- Tôi thấy không ổn, tôi từng mơ thấy bố nói chuyện với tôi không phải bằng tiếng người.
- Thế bằng tiếng gì?
- Tiếng lợn! Tiếng lúc bị chọc tiết, đó là tiếng chết cô biết chưa?
Hai người họ im lặng, một lúc sau Đạo cất lời.
- Nhưng ai sẽ ra chợ bán.
- Tôi sẽ mang ra chợ bán, một vốn bốn lời rồi xây nhà, mua xe Ab và ô-tô. Và...
- Và chi nữa?
- Đời anh và tôi phải là máy bay cá nhân.
Nghe câu chuyện hoang tưởng của vợ, Đạo lặng im. Anh vẫn đi bán tiết lợn đến năm con mình bước vào cấp ba và nó đòi một chiếc xe đạp điện. Với đòi hỏi của con anh không thể khước từ. Cái thị trấn nhỏ bé ngày xưa giờ đã trở thành thị xã. Mọi người sống khác đến nỗi không nhận ra mình. Anh cũng so lại, nhà mình rách nát thế này... cái chép miệng cùng với hành động ngổn ngang. Anh bước đi thật chậm đến trại chăn nuôi gia súc. Anh đi mua lợn mà mặt mày như đi đưa đám. Thực sự anh chẳng muốn làm công việc này, cứ nghĩ lấy dao đâm vào cổ lợn rồi xoáy, rồi xoáy, rồi xoáy... tận con tim. Đâm vào đấy, thật mạnh và lắc con dao. Máu chảy như từng giọt sinh linh rời khỏi cơ thể nhuốm đỏ bàn tay người. Và con lợn trút hết máu, người tái nhợt nhưng miệng thì vẫn kêu. Anh nghĩ, đấy là tiếng chết chứ không phải tiếng sống, anh nghĩ đó là việc làm tự hủy diệt mình chứ không phải nuôi sống gia đình mình. Anh lại trở về nhà, trên tay cầm nắm tiền như lúc đi. Ánh mắt của người vợ đợi anh ở bậc thềm. Cô ta chẳng nói chi. Cũng thấy xót lòng vì người chồng hiền lành như thế. Người vợ đến khoắm tiền trên tay chồng, chị leo lên chiếc xe cho nổ máy bần bật rồi phóng đến trại chăn nuôi gia súc. Vốn tính hồ hởi nên vừa bước vào trại là chị đã cười nói rổn rảng.
- Chủ trại đâu, hôm nay tôi mua lợn mở nghề, chọn con tốt nhé.
Chủ trại đon đả chạy ra, miệng cười tươi rói khi bắt gặp một vị khách có vẻ xởi tính. Thường sáng như vậy là hàng bán chạy.
- Mở nghề chị chọn con này này.
- Quái, con lợn có cái chi trong cổ vậy.
- Lợn Hoàng gia. Từ nhỏ nó có cái viền lông vàng đó rồi.
- Không phải chứ? Y như vàng thật.
- Nhiều người đến đây cũng nói như chị. Thực tế lông nó đấy, cứ nắng lên là vòng cổ đó vàng ươm. Đấy là chưa tắm đấy, tắm xong nó đẹp hết hồn.
- Tôi chọn nó.
- Hơi đắt đấy.
- Đắt thì đắt.
Và người vợ mang con lợn về nhốt trong nhà. Sáng hôm sau chị dậy rất sớm cùng với đứa con gái trói chân chuẩn bị mổ lợn. Lúc sáng sớm trở về người chồng bị ốm cứ nằm vã mồ hôi và sốt run cầm cập. Anh nằm mơ màng nghe, tiếng ríu lên của cha anh, rồi tiếng của lợn thở đều đều, tiếng nó rống lên rồi ụp xuống. Con lợn bị trói chặt bốn chân, ở miệng được ngáng khúc gỗ to tướng nên nằm chờ chết. Anh hấp háy mắt, tiếng bước chân vội vã. Dường như đó là bố anh. Và đúng thế, ông cụ Thuần đang đứng trước mặt anh. Trông thần thái của ông cụ hết sức hốt hoảng. Ông nhìn đứa con trai rồi hai hàng nước mắt chảy xuống trên má.
- Bố, bố làm sao thế?
Sau tiếng gọi của anh, ông cụ Thuần vụt biến. Chỉ còn lại tiếng lợn kêu từng hồi. Tiếng nước sôi sùng sục từ dưới bếp dội lên, tiếng vợ con anh trò chuyện. Mắt anh lại ríu đi. Anh run cầm cập, giấc mơ kéo tới sống động chừng như không tưởng. Từng đàn ốc kéo nhau đến, chúng bò lên cơ thể anh. Chúng há từng chiếc miệng nhầy nhụa, lạnh cóng. “Phương ơi!”, anh gọi vợ mình. Từ dưới bếp tiếng lợn rống lên át đi tiếng anh. Anh lại sốt cao và rơi vào giấc mơ khác. Bố anh, ông đang nằm trong một vũng máu. Với tiếng chết vang lên khắp nhà. Sợi dây chuyền vàng của bố anh bị giựt đứt từng khúc một.
- Đừng, đừng! Hãy cứu bố, Đạo ơi!
- Bố! Bố!
Anh ngồi phắt người dậy và chạy ra phía bếp. Giữa nền nhà, con lợn nằm sóng soải, da tái nhợt khi đứa con gái anh lấy gáo tưới nước sôi lên khắp cơ thể. Từ vùng cổ, viền lông vàng ánh lên lấp lánh. Nhập nhoạng trong đó là sợi dây chuyền vàng của bố anh. Nhập nhoạng trong thớ thịt trắng hếu là những vòng đồi mồi từ người của bố anh. Anh đứng chết lặng, cái đầu liên tục lắc lư, điên đảo. Hàng nước mắt bổ đôi khuôn mặt anh. Từ nhỏ, anh chỉ khóc được có một mắt. Người ta nói rằng anh đã mất đi một nửa xúc cảm vì tiếng chết hàng đêm cất lên trong căn nhà của anh. Từ nhỏ anh đã nghe người ta nói đến nhiều điều về tiếng chết nên anh không giết bất cứ loài vật gì, từ nhỏ...
- Phương...
Anh gọi vợ, tiếng yếu ớt. Chừng như đó là tiếng gọi của một người già trong cơn nguy kịch.
- Anh ốm ra đây làm gì?
- Anh vừa nằm mơ, bố bị người ta vây giết.
- Trời ạ, bố mất từ xửa xưa.
- Có việc em và con không biết về bố. Ngày trước, bố làm nghề mổ lợn.
- Cái đó tôi biết mà. Anh không nối nghiệp bố được thì tôi làm. Đây này, trông đẹp không? Con lợn này là lợn Hoàng gia đấy, có viền lông vàng ở cổ.
- Ngày trước... trong cổ bố... cũng có... đeo sợi dây chuyền vàng. Và đến lúc bố chết vẫn được chôn theo. Người ta gọi đó là vòng Hoàng gia đấy.
Câu nói vừa dứt, tiếng dao chạm phải nền nhà. Âm thanh của nó khá chói tai. Ánh nắng bắt đầu nứt ra từ những khóm cây quanh nhà, nó chui tận vào đây. Mới sáng sớm mà nắng cứ bươn lên nhưng nhức.