Ước mong một Tăng xá như thế này có quá khó? - Ảnh: Trí Năng
Nói như bạn đọc nguyenvua@... thì: “Giáo dục Phật giáo toàn diện phải là dạy-học-tu đều tốt cả. Mà tu thì mọi lúc mọi nơi chứ không phải chỉ có vài thời khóa. Ở bất kỳ đâu cũng tu cả, ngay cả khi mình thiếu điều kiện, phải sống trong môi trường “khắc nghiệt”. Tự thắp đuốc lên mà đi, quý vị có thể “thắp đuốc” tuệ của mình, nương vào giới mà gìn giữ thân-huệ mạng chứ đừng để mình sa ngã vì hoàn cảnh”.
Cũng về vấn đề này, bạn đọc Nguyên Minh nhắc: “Giải pháp không nên là sự loay hoay đắp vá”. Gửi gắm ấy có lẽ chư tôn đức lãnh đạo Giáo hội và Học viện nên ghi nhận để có những quyết sách rõ ràng về chỗ trọ học, đặc biệt là trong quá trình tuyển khóa mới vào tháng 7 tới đây.
HT.Thích Đạt Đạo cũng có một chia sẻ sau loạt bài này, tòa soạn có trích đăng trên Giác Ngộ số 593 ra ngày 11-6, bạn đọc có thể tìm đọc để hiểu hơn về vấn đề này, vốn là một “bài toán” khó.
Hình ảnh trong một lễ tang ở vùng xa - Ảnh: V.Quang
Nhiều bạn đọc cũng tiếp tục góp ý với hiện trạng mê tín, hủ tục ở vùng xa khi đọc được bài viết về tổ chức tang ma của tác giả Viên Quang. Trong đó, bạn đọc kienphatphap@... chia sẻ: “Đây là hình ảnh thường gặp ở những gia đình người Hoa khi có tang chế (có khi 12 giờ trưa tôi thấy những người ăn mặc như hình ảnh trên dẫn tang chủ “đi vớt vong” vòng vòng ở ngoài đường). Theo tôi nghĩ có thể đó là “tập tục” của người Hoa? Để thay đổi điều này e rằng phải nhờ đến Ban văn hóa của Hội đồng nhân dân các cấp, vì vấn đề này chắc “ngoài tầm với” của Giáo hội!”.