Tiểu sử Trưởng lão Hòa thượng Thích Đồng Tâm, Thành viên Hội đồng Chứng minh GHPGVN

0:00 / 0:00
0:00
GNO - Hòa thượng Thích Đồng Tâm, tự Thông Chí, hiệu Viên Thông thuộc dòng Thiền Lâm Tế Chúc Thánh đời thứ 43, thế danh Khưu Giáng Huệ còn gọi là Khưu Chúng, sinh năm Ất Hợi (1935).
Chân dung Trưởng lão Hòa thượng Thích Đồng Tâm (1935 - 2022)

Chân dung Trưởng lão Hòa thượng Thích Đồng Tâm (1935 - 2022)

Trưởng lão Hòa thượng Thích Đồng Tâm, Thành viên Hội đồng Chứng minh GHPGVN, Nguyên Trưởng Ban Trị sự GHPGVN nhiệm kỳ II, III, IV; Nguyên Hiệu trưởng Trường Trung cấp Phật học Ninh Thuận khoá I, II, III; Nguyên Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Ninh Thuận (1996-2006), Nguyên thành viên UBMTTQVN tỉnh Ninh Thuận (1996- 2012), viện chủ chùa Linh Sơn - Tháp Chàm.

Thân thế

Hòa thượng Thích Đồng Tâm, tự Thông Chí, hiệu Viên Thông thuộc dòng Thiền Lâm Tế Chúc Thánh đời thứ 43, thế danh Khưu Giáng Huệ còn gọi là Khưu Chúng, sinh năm Ất Hợi (1935), thân phụ là ông Hồ Quang Cự, thân mẫu là bà Cao Thị Nhung - pháp danh Diệu Trang. Thuở ấu thơ, Hoà thượng được ông Khưu Ngọc Lan tự Phước Định và bà Nguyễn Thị Hoà, pháp danh Trừng Hoà tự Diệu Thuận vốn và 2 vị cư sĩ thâm tín Phật pháp đang tịnh tu trên núi Phụng Hoàng, thôn Đô Vinh, tỉnh Ninh Thuận nay là chùa Linh Sơn, phường Đô Vinh, TP.Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận nuôi dưỡng và gọi là ông và bà.

Xuất gia học đạo

Vốn có sẵn hạt giống bồ-đề, túc duyên Phật pháp, năm ngài lên 6 tuổi, một hôm trên đường làm Phật sự Hòa thượng Thích Xuân Quang, trú trì chùa Liên Trì Quảng Nam đã dừng chân tại núi Bửu Sơn, thế độ cho ngài, ban pháp danh Đồng Tâm và đặt hiệu chùa Linh Sơn. Vì hoàn cảnh đất nước lúc bấy giờ, ngài được bổn sư giao lại cho ông Khưu Ngọc Lan và bà Nguyễn Thị Hoà nuôi dạy.

Năm 1949, cụ ông qua đời, ngài được cụ bà dẫn lên tổ đình Thiền Lâm đảnh lễ cầu học với Hòa thượng -thượng Huyền hạ Tân. Được Hoà thượng tận tình truyền dạy kinh - luật - luận… và Hoà thượng Đỗng Minh làm thủ toạ lúc bấy giờ.

Năm 1950, Hòa thượng đảnh lễ cầu học với Trưởng lão Hòa thượng Tăng cang Thích Trí Thắng, trú trì tổ đình Thiên Hưng. Năm 1951, ngài đảnh lễ cầu học ứng phú đạo tràng Khoa Du Già với Hòa thượng Cảnh Châu, trú trì chùa Phước Lâm, ấp Vạn Phước và được Hòa thượng ban cho pháp tự Thiện Lạc.

Năm 1956, ý chí cầu học mãnh liệt, ngài đảnh lễ và bày tỏ với Hòa thượng thượng Trí hạ Thắng được Hoà thượng chấp thuận và giới thiệu vào chùa Ấn Quang lưu trú. Tại đây, ngài được Hoà thượng Thích Thiện Hoa giới thiệu học tại Phật học đường Phước Hòa, tỉnh Trà Vinh và năm 1957, ngài thọ Sa-di giới tại đây.

Năm 1959, hoàn tất chương trình tại Phật học đường Phước Hòa, ngài trở lại Ấn Quang học tiếp chương trình tại Phật học đường Nam Việt, và tiếp tục chương trình thế học còn dang dỡ.

Năm 1962, hoàn tất chương trình tại Phật học đường Nam Việt, ngài được cử làm thị giả cho Hòa thượng Thích Thiện Hoa, Phó Giám đốc Phật học đường Nam Việt lúc bấy giờ. Nhờ hầu cận bậc minh sư nên Hòa thượng được thấm nhuần Phật học.

Năm 1964, ngài được Hoà thượng Thiện Hoa cho thọ giới Tỳ-kheo tại Việt Nam Quốc Tự, do Trưởng lão Hòa thượng Thích Thanh Thạnh làm Đường đầu, Hoà thượng Thích Đôn Hậu làm Yết-ma, Hòa thượng Thích Mật Hiển làm Giáo thọ lúc bấy giờ.

Năm 1966, ngài trúng tuyển vào đại học Vạn hạnh.

Thời kỳ hành đạo

Hạt giống ngày nào được ươm mầm tại Phật học đường Phước Hòa, trưởng dưỡng tại Phật học đường Nam Việt, tưới tẩm tại Đại học Vạn Hạnh giờ đã đơm hoa kết trái. Năm 1970, tốt nghiệp Đại học Vạn Hạnh, ngài tham gia giảng dạy tại trường Bồ Đề - quận 4. Năm 1971, ngài được cử làm Trưởng phòng Hoằng pháp Giáo hội PGVN Thống Nhất.

Năm 1975, đất nước giải phóng, giang sơn quy về một mối, ngài được Hòa thượng Thiện Hòa cử làm trú trì Đại Tòng Lâm, Bà Rịa - Vũng Tàu. Đến năm 1976, ngài trở về lại Ấn Quang và năm 1977, ngài quay về Phan Rang kế thừa ngôi chùa Linh Sơn khi cụ bà đã qua đời. Thời gian này, ngài chuyên tâm trau dồi Phật học và nghiên cứu nghi lễ thiền môn sống đời nông Tăng thanh đạm.

Năm 1991, ngài được cử làm Chánh đại diện thị xã Phan Rang thay thế cho Hòa thượng Viên Dung.

Năm 1992, khi Ban Trị sự Phật giáo Ninh Thuận được thành lập, ngài được cử làm Phó Trưởng ban Thường trực, Trưởng ban Giáo dục Tăng Ni kiêm Hiệu trưởng Trường Trung cấp Phật học Ninh Thuận. Khi Hòa thượng Minh Tâm, Trưởng ban Trị sự lúc bấy giờ viên tịch, ngài được cử Quyền Trưởng ban để điều hành Phật sự tại tỉnh nhà.

Năm 1994, ngài được cử làm Trưởng ban Trị sự Phật giáo Ninh Thuận nhiệm kỳ II, III,IV.

Ngoài cương vị Hiệu trưởng Trường Trung cấp Phật học Ninh Thuận khóa I,II,III, ngài còn phụ trách môn Luật học, đào tạo nhiều thế hệ Tăng - Ni tài đức cho Giáo hội. Với hoài bão tiếp dẫn hậu lai, báo Phật ân đức, đến năm 2005 khi không còn làm hiệu trưởng, tuổi ngoài 70, nhưng ngài vẫn đảm nhiệm bộ môn Luật học theo sự cung thỉnh của Hòa thượng Thích Thiện Pháp là Hiệu trưởng Trường Trung cấp Phật học Ninh Thuận lúc bấy giờ.

Giới hạnh bay xa, đạo phong lan tỏa, ngài được cung thỉnh chứng dự vào hội đồng thập sư tại nhiều giới đàn tổ chức ở Bình Thuận, Lâm Đồng, Bà Rịa - Vũng Tàu và Ninh Thuận.

Năm 2012, Hòa thượng được cung thỉnh vào Hội đồng Chứng minh Trung ương GHPGVN, chứng minh tối cao GHPGVN tỉnh Ninh Thuận.

Năm 2016, nhận thấy thân tứ đại bì quyện theo năm tháng thời gian, Trưởng lão Hòa thượng cho mời Thượng tọa Thích Hạnh Thể, Trưởng ban Trị sự Phật giáo tỉnh Ninh Thuận cùng chư tôn đức trong Ban Pháp chế phó chúc kế vị trụ trì chùa Linh Sơn cho đệ tử và chuyên tâm niệm Phật cho đến cuối đời.

Viên tịch

Hơn tám mươi năm hoằng pháp lợi sinh, tựa như một cỗ xe đến thời kỳ hư hoại, vào một sớm tinh sương đầu mùa hạ, cánh sứ rơi trắng đầy sân cổ sát, bốn phương đất trời bỗng trầm mặc như nhiên, vũ trụ thiên không tịch chiếu ánh chơn thường, tứ chúng môn đồ sầu thương ngấn lệ, cúi đầu đảnh lễ tiễn đưa bậc Đại Đạo Sư yểm quy chơn giới. Hội nhập pháp tánh, thuận thế vô thường, Trưởng lão Hòa thượng đã an nhiên viên tịch vào lúc 2 giờ ngày 7 tháng 5 năm Nhâm Dần (nhằm ngày 5-6-2022) tại chùa Linh Sơn, phường Đô Vinh, TP.Phan rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận.

Sinh thời, Trưởng lão Hòa thượng tính tình hòa nhã hoan hỷ bao dung đặc biệt là hạnh khiêm cung. Tuy sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh lịch sử đất nước vô cùng khắc nghiệt, nhưng Trưởng lão Hòa thượng không chùn bước trên con đường học vấn để làm tư lương cho công cuộc phụng sự sau này. Hơn nửa thế kỷ phụng sự cho đạo pháp, Trưởng lão Hòa thượng là nhân tố chính trong sự hình thành và phát triển Phật giáo tỉnh nhà và là nền tảng cho những người lãnh đạo sau này có cơ sở để tiếp tục hoằng dương chánh pháp, truyền đăng tục diệm. Trải qua 87 mùa sen nở 67 Hạ lạp, Trưởng lão Hòa thượng đã để lại cho đời một bài học quý giá từ thân giáo, khẩu giáo của ngài mà bất cư ai có nhân duyên diện kiến ngài trong đời mỗi khi nhớ về ngài lấy đó làm bài học trong cuộc sống.

Trưởng lão Hòa thượng theo định luật vô thường đã xã bỏ báo thân nơi cõi Ta-bà, nhưng pháp thân của Trưởng lão Hòa thượng mãi còn ở thế gian này, trong đệ tử xuất gia và tại gia của Hòa thượng và luôn tiếp nối hạnh nguyện lợi tha, hoằng dương đạo pháp lợi lạc chúng sanh.

Nam Mô Lâm Tế Chánh Tông, Tứ Thập Tam Thế, húy thượng ĐỒNG hạ TÂM, tự THÔNG CHÍ, hiệu VIÊN THÔNG Hoà thượng chứng giám.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh minh họa

Làm sao đưa Phật pháp đến với tuổi trẻ?

GNO - Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng các chương trình chánh niệm tại trường học có thể giúp ích, đặc biệt là ở các cộng đồng nghèo, nơi học sinh phải đối mặt với mức độ căng thẳng cao hơn.
Lễ khởi công xây dựng nhà ở cho hộ nghèo tại H.Quan Hóa, sáng 21-11

Thanh Hóa: Ban Trị sự Phật giáo tỉnh khởi công xây dựng nhà ở cho hộ nghèo tại H.Quan Hóa

GNO - Thực hiện cuộc vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh theo Chỉ thị số 22-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, sáng 21-11, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Thanh Hóa đã làm Lễ khởi công, trao kinh phí xây dựng nhà ở cho hộ nghèo tại H.Quan Hóa.
Sư bà Diệu Không

Giáo sư Cao Huy Thuần viết về Sư bà Diệu Không

GNO - Mỗi lần nghĩ đến Sư bà Diệu Không, tôi lại liên tưởng đến bà Gotami, di mẫu của Đức Phật, vừa là mẹ nuôi vừa là Ni thánh. Tôi biết, nếu Sư bà đang ở đâu đó mà nghe tôi nói thế này, Sư bà sẽ quở tôi là phạm thượng. Nhưng tôi đành chịu tội bất kính vì nhiều lý do.
Có 27 thanh niên từ 16 quốc gia tham gia chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu đã tạo nên một cộng đồng quốc tế đa dạng

Chương trình "Bồ-tát trẻ tuổi"

GNO - Mạng lưới Phật tử Nhập thế Quốc tế (INEB) vừa qua đã tổ chức Chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu hàng năm, một khóa học trải nghiệm kéo dài hai tuần dành cho các nhà lãnh đạo trẻ và các nhà hoạt động xã hội.

Thông tin hàng ngày