Tìm giải pháp cho việc truyền bá chánh pháp ở vùng đồng bào dân tộc

Chiều ngày 1-8, tại Hội trường A của chùa Khải Đoan, gần 400 đại biểu đã tham gia buổi làm việc đầu tiên của cuộc Hội thảo Hướng dẫn Phật tử các tỉnh, thành Tây nguyên và miền Trung. Các đại biểu đã lắng nghe 6 tham luận và đưa ra nhiều ý kiến góp ý cũng như chia sẻ kinh nghiệm với Ban hướng dẫn Phật tử T.Ư về công tác hoằng pháp ở vùng đồng bào dân tộc…

 Những Khó khăn

Sáu tham luận được đọc lần lượt là của các cá nhân và phái đoàn gồm HT.Thích Thiện Trí, TT.Thích Thanh Điện, BTS PG TP.Kon Tum (tỉnh Kon Tum), Ban Hướng dẫn Phật tử tỉnh Gia Lai, TT.Thích Phước Minh và ĐĐ.Thích Giác Sĩ. Mỗi tham luận được thể hiện những bài học giá trị được chính tác giả rút ra từ quá trình thực tế của mình. Trong đó, các đại biểu tập trung khai thác yếu tố khó khăn chung việc hoằng pháp ở vùng đồng bào dân tộc.

hoithao.gif

Chư tôn đức chứng minh và chủ tọa đoàn

Trong tham luận của Ban Hướng dẫn Phật tử tỉnh Gia Lai nêu rõ: “ Đến với bà con dân tộc thật không dễ dàng bởi nhiều ngăn cách về ngôn ngữ, phong tục, tập quán, trình độ văn hóa, cũng như nếp sống sinh hoạt…”. TT.Thích Phước Minh với bài tham luận chủ đề “Truyền bá Phật pháp ở vùng đồng bào dân tộc cần nhưng khó” cũng nêu lên tính chất khó khăn chính  là ngôn ngữ,bất đồng về văn hóa... Ngoài ra TT.Phước Minh còn trình bày thêm một vài khó khăn khác như thiếu sự hỗ trợ đắc lực từ phía chính quyền, thiếu tài chính và nguồn nhân lực.

 BTS PG TP.Kon Tum có mối trăn trở về lối sống của đồng bào dân tộc còn hạn hẹp, việc ăn chay đối với họ còn xa lạ, thói quen săn bắn thú rừng của đồng bào vẫn còn… Chính vì vậy câu hỏi được đặt ra trước hội thảo trong tham luận của tỉnh này là làm cách nào để hướng dẫn cho họ trở thành Phật tử thực thụ!

hoithao-1.gif

TT.Thích Thanh Điện nêu lên một khó khăn mang tính chủ quan cho rằng vẫn còn hiện tượng ngại khó, ngại khổ, chưa ý thức hết ý nghĩa, tầm quan trọng trong việc đưa ánh sáng đạo Phật đến với đồng bào anh em của chính các vị Tôn túc. Tín ngưỡng đa thần, dễ bị lung lay tư tưởng do đời sống kinh tế khó khăn, nên việc làm chưa đến nơi đến chốn của công tác đem giáo pháp đến với đồng bào cũng được nêu lên để chủ tọa đoàn suy nghĩ…

Những kiến nghị và trao đổi

Từ những khó khăn ấy các tham luận cũng nêu lên những kiến nghị gửi đến Chủ tọa đoàn, đó chính là “thuốc” để trị liệu những chướng ngại đã nêu. Phổ cập tiếng các dân tộc cho những giảng sư có tâm nguyện muốn hoằng pháp cho đồng bào là ý kiến chung của các tham luận. Việc mở những khóa dạy “ngoại ngữ tiếng dân tộc” tại các trường Phật học, đặc biệt tại các Học viện Phật giáo hoặc các lớp riêng. Tạo điều kiện thuận lợi bằng nhiều phương cách để  đồng bào dân tộc bằng có nguồn nhân lực, hướng dẫn những người dân bản xứ về Phật pháp để họ trở thành “giảng sư” cho chính buôn làng của mình là ý kiến được nhiều đại biểu đồng tình. Ngoài ra việc mở các Niệm Phật đường ở tại địa phương của đồng bào để họ có một nơi sinh hoạt tâm linh cũng là kiến nghị được nhiều tham luận đưa ra.

hoithao-2.gif

TT.Thích Thanh Điện thể hiện rõ tâm huyết của mình qua bài tham luận khi TT  trình bày khá nhiều kiến nghị. Trong đó đáng chú ý là việc hàng năm các Học viện PG nên có cơ chế cử các phái đoàn đến các vùng đồng bào dân tộc, vùng xa để giúp đỡ họ, kết hợp với thuyết pháp cho họ nghe. Liên quan đến vấn đề này, cư sĩ Huỳnh Ngọc Long đến từ Đà Nẵng cho rằng: “Nguồn nhân lực là Tăng Ni trẻ có trình độ hiện có rất nhiều, đó là những Tăng Ni sinh ở ba học viện trong cả nước. Thiết nghĩ các Học viện PG nên có quy chế bắt buộc dành cho Tăng Ni sinh là đi thực tế tại vùng đồng bào dân tộc trước khi làm luận văn tốt nghiệp. Đây được xem như kỳ thực tập hoằng pháp được tính như cách tính tín chỉ thực tập của đại học ngoài đời”. Ý kiến này được TT.Thích Đạt Đạo, phó Ban tổ chức khen là một kiến nghị hayvà Ban HDPT TƯ sẽ có kiến nghị với Hội Đồng điều hành các Học Viện !

Ngoài ra, ĐĐ.Thích Chánh Huệ, Phó ban Hướng dẫn Phật tử tỉnh Đồng Nai bộc bạch về hiện trạng công tác hướng dẫn Phật tử ở chính địa phương của mình: “Nơi tôi trú xứ có nhiều đồng bào Châu-ro sinh sống. Từ trước đến nay bản thân tôi đã tổ chức và khuyến hóa cho khoảng 1.000 đồng bào dân tộc quy y. Từ đó, chúng tôi cũng rút ra được kinh nghiệm là đối với đồng bào dân tộc ta nên có những thời pháp thoại ngắn, đơn giản để dẫn dắt họ dần vào đạo. Đồng thời, không nên quá khắc khe yêu cầu họ phải học thuộc kinh, tụng và sám như Phật tử người Kinh mà hãy bắt đầu bằng việc hướng dẫn họ niệm 6 chữ Nam mô A Di Đà Phật, như thế là đã tốt lắm rồi”.

Đồng tình với chia sẻ của thầy Thích Chánh Huệ, HT.Thích Thiện Duyên, trưởng Ban tổ chức Hội thảo rút lại ba ý. Thứ nhất không nên cứng nhắc trong việc nói về giới luật với đồng bào dân tộc, có thể cho họ thọ nhất phần, nhị phần của giới để họ tập tu bởi có rất nhiều thứ thuộc về hoàn cảnh sống họ chưa thể thay đổi ngay. Thứ hai dạy họ những điều đơn giản nhất và phải tùy thực tế mà phương tiện đưa ra những lời khuyên cho thích ứng. Thứ ba hãy dạy họ niềm tin bởi đó là kim chỉ nam để khi vào đạo họ không lung lay trước một “cám dỗ” từ những giáo lý hoặc lời khuyến dụ nào khác!

Có thể nói buổi Hội thảo đầu tiên nhưng tất cả đại biểu đến từ các tỉnh thành đều có những trăn trở cho việc truyền đạo và làm sao giữ được những đồng bào đã quy y theo Đạo Phật là một điều mà Hội thảo muốn tìm ra giải pháp,một câu hỏi còn đang chờ phía trước chưa có lời giãi đáp ( ?)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày