Tìm lại con người thật của mình

Một khi đánh mất chính mình, thì cũng có nghĩa chúng ta đã không có sinh mệnh thật sự.
Một khi đánh mất chính mình, thì cũng có nghĩa chúng ta đã không có sinh mệnh thật sự.
0:00 / 0:00
0:00

NSGN - Có một người đi ra ngoài, người nhà hỏi anh ấy đi đâu. Anh ta trả lời rằng: “Đi tìm con người của chính mình”.

Câu chuyện này nghe ra có vẻ như chuyện cười, nhưng thực tế thì ngụ ý vô cùng sâu xa, làm cho người ta tỉnh ngộ. Rất nhiều người ngang ngạnh cố chấp, luôn tự cho mình là đúng, thực tế thì hoàn toàn không có chính kiến. Sống ở trong đời cứ theo kiểu nước chảy bèo trôi, gặp sao hay vậy, mù quáng học theo; theo đuổi thời trang, bắt chước trào lưu mới, tự cho rằng đây chính là sự tiến bộ, nhưng thực tế thì hoàn toàn không có chính kiến. Nói rằng người hiện đại đã đánh mất chính mình, hoàn toàn không phóng đại thổi phồng.

Nếu như một người không nhận thức rõ về chính mình, chưa có đủ sự tự tin với bản thân mình, lại còn ham muốn quá lớn, mù quáng nghe theo người khác, cho dù có ý thức rõ về bản thân mình, thì cái gọi là chính mình của anh ta, cũng chỉ là một khái niệm giả tạo. Cái tôi thật sự đã mất đi. Cái tôi tự cho đang tồn tại này, cũng là nô lệ của ham muốn, là con rối được người ta buộc dây dẫn dắt điều khiển.

Có người nói vận mệnh của con người là đã được định sẵn, lại có người cho rằng con người với ý chí và sức mạnh có thể thay đổi được vận mệnh của mình. Thời đại, môi trường, gia thế là mệnh bẩm sinh đã được định sẵn; nhưng thể chất năng lực, tính cách, trí tuệ và tinh thần hoàn toàn không bắt nguồn từ di truyền. Chí hướng, học tập, công việc và ý chí phấn đấu là vận; chữ “vận” (運) là từ bộ “quân” (軍) và bộ “sước” (辶), ý chí quyết định tất cả. Một đứa trẻ nhà nông ở thôn làng, trải qua nỗ lực phấn đấu bền bỉ, cuối cùng đã vượt qua những đứa trẻ được sinh ra trong gia đình giàu có ở thành phố về học vấn và sự nghiệp. Những ví dụ kiểu như vậy rất nhiều, đủ để chứng minh, vận cũng có thể thay đổi mệnh. Cho nên có người khẳng định: “Vận mệnh, nắm chắc trong lòng bàn tay của mình”.

Nhà triết học Hy Lạp cổ đại Heraclitus (khoảng 535-475 tr.TL) nói rằng: “Tính cách chính là vận mệnh”. Trong các tác phẩm bi kịch của Hy Lạp cổ đại, cũng như vở bi kịch về tình yêu nổi tiếng Romeo & Juliet của nhà văn và nhà viết kịch vương quốc Anh William Shakespeare (1564-1616), đã thuyết minh đầy đủ về học thuyết này. Một phần tính cách đến từ di truyền, và phần lớn còn lại đến từ tư tưởng quan niệm; tư tưởng như thế nào thì hành vi như thế ấy, hành vi như thế nào thì sẽ hình thành thói quen như thế ấy, thói quen như thế nào thì sẽ tạo nên tính cách như thế ấy, tính cách như thế nào thì sẽ mang lại vận mệnh như thế ấy. Công phu tu dưỡng đối với việc lập thân xử thế của các nhà Nho Trung Quốc đều bắt đầu thực hiện từ “chánh tâm, thành ý”, mục đích chính là phải bồi dưỡng quan niệm đúng đắn và tính cách lương thiện ngay từ suy nghĩ tư tưởng ban đầu, khởi đầu vận mệnh của chính mình bằng tính cách lương thiện.

Tìm lại bản thân không cần phải ra ngoài để tìm kiếm. Con người thật sự của mình ở ngay bên trong chính mình. Trước tiên, cần có khả năng quán chiếu, xét lại mình, hiểu biết về mình; tiếp đó phải có năng lực kiểm soát, điều chỉnh cảm xúc của mình. Những cảm xúc như hỷ (vui vẻ), nộ (phẫn nộ), ai (đau xót), lạc (sung sướng) không để tùy tiện bộc phát. Điều quan trọng nhất là cần phải có không gian tự do lựa chọn cho tiền đồ của mình, cần phải có quyền làm chủ hoàn toàn đối với những chọn lựa của mình, tất cả mọi thứ thuộc về mình thì do chính mình quyết định. Cái tôi này mới là chính mình thật sự.

Trong vũ trụ không có cái gì vốn đã tồn tại từ ban đầu, cũng không có sự vật nào là vĩnh hằng bất biến; nhân duyên đủ đầy thì sẽ hình thành, điều kiện khuyết thiếu thì sẽ biến mất. Bản thân mình cũng chỉ là khách qua đường trong trần gian, nhưng trong dòng lịch sử cuồn cuộn, thì những dấu chân mà ta để lại khi đi sẽ không hề mất đi, những ảnh hưởng về sự nỗ lực, cống hiến của chúng ta cho lợi ích cộng đồng sẽ còn mãi. Con người thật sự không phải chỉ là một thân xác có sinh có tử, mà là một tinh thần bất tử đang phấn đấu trên dòng lịch sử dài đằng đẵng.

Một khi đánh mất chính mình, thì cũng có nghĩa chúng ta đã không có sinh mệnh thật sự. Nếu bạn không muốn mục ruỗng như cỏ cây, không mong sống phí một đời một cách trống rỗng, thì bạn buộc phải chọn cách hành động, cố gắng tìm lại con người thật của chính mình.

Trương Bối Canh - Nhã Tuệ dịch

(Nguồn: Trương Bồi Canh (2003), Trí tuệ đích thược thi, NXB.Từ Tế Văn Hóa Chí Nghiệp)

Trương Bồi Canh (1925-2005) là nhà văn Đài Loan. Tốt nghiệp trường Chuyên khoa Tân văn Trung Quốc Thượng Hải. Từng là giáo viên trung học kiêm Chủ nhiệm huấn đạo, phóng viên mời riêng tờ Trung ương Nhật báo. Trưởng tòa Tạp chí Cao thanh Văn túy, Thư ký Đại học Trung Sơn, Trưởng tòa kiêm Tổng Biên tập Tạp chí Phổ Môn, Cố vấn Hội quỹ văn giáo tịnh giáo xã hội, người phát hành Tạp chí Hoa Hạ Thiếu Niên.

Tác phẩm gồm: Sự siêu việt của cân bằng, Thời đại quay về với Đức Phật, Vạn dặm theo dấu Đức Phật, Lấy núi làm thầy, Lấy nước làm gương, Chìa khóa trí tuệ, Điều phục và nhân sinh... Trong đó, tác phẩm Chìa khóa trí tuệ đã xuất bản hơn 10.000 bản trong và ngoài Đài Loan. Trong một xã hội vật chất hóa, thị trường hóa vô cùng nghiêm trọng như Đài Loan, với số lượng ấn phẩm lớn như vậy, thật đáng kinh ngạc.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày