Tin vui đối với ngành giáo dục mầm non Phật giáo

GN - Trước đây, vào tháng 10-2012, Giác Ngộ đã thực hiện chuyên đề về Giáo dục mầm non Phật giáo với sự phản hồi tích cực và đồng tình của chư tôn đức Tăng Ni, Phật tử, độc giả. Mới đây, Học viện Phật giáo Việt Nam (PGVN) tại TP.HCM kết hợp Trường Đại học Sư phạm TP.Hồ Chí Minh tuyển sinh Lớp đào tạo Sư phạm Mầm non học tại Học viện.

Đây có thể nói là tin vui đối với rất nhiều tôn túc, chư Ni, nữ Phật tử tại các tỉnh, thành quan tâm đến giáo dục mầm non Phật giáo. Điều này cũng có nghĩa, sau khi tốt nghiệp, đội ngũ này sẽ lấp chỗ trống cho ngành giáo dục mầm non PG, có cơ sở để mở thêm trường mới và duy trì sự ổn định ở các trường đang hoạt động…

Trăn trở về hệ thống giáo dục mầm non Phật giáo

Nhiều trăn trở về hệ thống giáo dục mầm non PG hiện nay nhất chính là NT.Thích nữ Tịnh Nguyện, Phó ban Thường trực Phân ban Ni giới T.Ư. Từ hàng chục năm qua, ước mơ về hệ thống giáo dục mầm non PG như hệ thống mẫu giáo, tiểu học, trung học Bồ Đề trước năm 1975 luôn được Ni trưởng ấp ủ, thế nhưng vì nhiều nguyên nhân, các trường mẫu giáo do PG quản lý đang hoạt động tại các tỉnh, thành chỉ  mang tính chất lẻ tẻ.

AD (2).jpg

Sư cô đứng lớp ở Trường mầm non Dân lập Họa Mi I - Ảnh: B.Toàn

NT.Thích nữ Tịnh Nguyện cho biết: “Giáo dục mầm non PG rất phù hợp với tính dịu dàng, chịu thương, chịu khó và năng lực của chư Ni, nữ Phật tử, chúng tôi muốn các trường mầm non PG được xây dựng tại các tỉnh thành để gánh trách nhiệm với xã hội, tuy nhiên hệ thống này phải theo chuẩn mực giáo dục, đào tạo của Nhà nước. Phật giáo không có tính chất vụ lợi, do đó các trường mầm non PG sẽ chăm lo được cho các cháu nhỏ, truyền đạt tâm thiện, lễ độ, hiếu đạo, tình thương yêu và sự tôn trọng…- những giá trị sống căn bản phù hợp mà không cần áp đặt tôn giáo. Chúng ta chỉ cần như thế”.

Vì thế, là người luôn thao thức về hệ thống giáo dục mầm non PG, NT.Thích nữ Tịnh Nguyện cho biết, Học viện PGVN tại TP.HCM tổ chức đào tạo ngành sư phạm mầm non cho chư Ni là giúp cho nguồn lực về giáo dục mầm non PG phát triển sau này. Thực tế, các trường mầm non đang hiện diện rất thiếu các sư cô làm công tác quản lý, đứng lớp. Hiện nay, PG chưa thực hiện được hệ thống mầm non PG nhưng một vài trường trong một tỉnh, thành sẽ không quá khó. Do đó, các sư cô nên yên tâm rằng mình học ngành này để có thể thực hiện một bài pháp bằng tình yêu thương với trẻ nhỏ, sự cống hiến cho Phật giáo.

Cũng để đáp ứng được nhu cầu dạy ở các trường mầm non PG, vào năm 1992, Ban TTXH T.Ư đã kết hợp với Trường Cao đẳng Sài Gòn đào tạo chuyên ngành mầm non cho hơn 100 chư Ni và Phật tử tại các tỉnh thành về học tại thiền viện Quảng Đức, Q.3, TP.HCM. Các sư cô đã được trực tiếp tham gia công tác giáo dục mầm non PG ở các tỉnh thành.

NT.Thích nữ Huệ Từ cho biết, với những trăn trở đó, ngành giáo dục mầm non PG là chương trình hoạt động Phật sự chính thức của Phân ban Ni giới T.Ư. Mỗi lần hội họp, Phật sự tại tỉnh, thành, Ban Thường trực Phân ban Ni giới T.Ư cũng thuyết trình trước đại chúng nhằm khuyến khích Ni trẻ quan tâm đến ngành giáo dục mầm non, đồng thời cũng kêu gọi thầy tổ quan tâm vấn đề này để đầu tư trường/ lớp, hỗ trợ chư Ni, Phật tử học chuyên ngành về sư phạm mầm non.

Từ thực tế làm công tác giáo dục mầm non PG tại cơ sở, NT.Thích nữ Huệ Từ cho rằng muốn ổn định trường thì giáo viên phải có chuyên môn và ổn định. Hiện nay, Trường Mầm non dân lập Họa Mi I (chùa Giác Tâm, Q.Phú Nhuận) có các sư cô được tốt nghiệp chuyên ngành giáo dục mầm non vừa tham gia công tác quản lý vừa trực tiếp đứng lớp, nhờ các sư cô mà trường khá ổn định. Tuy nhiên, cũng phải hợp đồng thêm với cô giáo bên ngoài mới đáp ứng nhu cầu.

Mạnh dạn dấn thân

Các sư cô khi đến với chuyên ngành sư phạm mầm non ngoài đam mê với nghề, yêu trẻ còn phải có nhiều năng khiếu về múa, hát, hoạt náo… Đó là điều bắt buộc khi dấn thân vào chuyên ngành này. Nhiều sư cô có thâm niên trong nghề với vai trò bảo mẫu, giáo viên đứng lớp, quản lý, chủ trường… cho rằng đã bước chân vào lĩnh vực giáo dục mầm non PG này thì phải chịu cực.

Bên cạnh đó cũng có rất nhiều niềm vui với những trải nghiệm thực tế với trẻ con, với sự hồn nhiên, thơ ngây, sự tương tác giữa cô và trò, phụ huynh, nhà trường được thắt chặt trong nhiều mối quan tâm thu được kết quả tức thì… điều này tạo nên chất liệu sinh động trong đời sống tu tập. Thực tế, trường/ lớp của Phật giáo quản lý luôn được phụ huynh ủng hộ, nhu cầu được học tại các trường này luôn quá tải. Mô hình giáo dục mầm non PG còn rất ít, chưa đáp ứng được nhu cầu của xã hội.

AD (3).jpg

Hình ảnh này ngày càng nhiều ở các lớp mầm non do Phật giáo thành lập

Hiện nay, đang tồn tại hai hình thái giáo dục mầm non PG, đó là loại hình mầm non tư thục có thu phí và mầm non tư thục hoàn toàn miễn phí do các tự viện làm chủ, quản lý. Qua khảo sát, tại các trường mầm non này, giáo viên là các sư cô tốt nghiệp chuyên ngành sư phạm mầm non trực tiếp đứng lớp chỉ đếm trên đầu ngón tay, để duy trì sự ổn định, chủ trường phải hợp đồng với cô giáo bên ngoài đứng lớp.

NT.Thích nữ Tịnh Nghiêm, Trưởng ban TTXH GHPGVN tỉnh Tiền Giang cho biết, Trường Mầm non bán trú miễn phí Tịnh Nghiêm hiện nay đang giáo dưỡng cho 220 cháu con nhà nghèo, người lao động tại địa phương với 20 cô giáo, nhân viên. Tuy nhiên, ngoài Ni trưởng với cương vị là chủ trường thì chỉ có 3 Sư cô làm công tác quản lý chuyên môn, trực tiếp đứng lớp đều do các cô giáo bên ngoài đảm nhiệm. Thực tế, tại các trường do PG quản lý, các sư cô có trình độ chuyên môn thường làm công tác quản lý, ít trực tiếp đứng lớp.

Qua khảo sát thực tế, hiện nay, một số ít các tỉnh, thành hiện đang duy trì hai hình thức giáo dục mầm non tư thục, nhiều nhất là tại Thừa Thiên Huế. Trong một lần trả lời Giác Ngộ trước đây, NT.Thích nữ Như Minh, Trưởng ban TTXH GHPGVN Thừa Thiên Huế cho biết, tại Thừa Thiên Huế, chư tôn đức lãnh đạo Giáo hội rất đồng thuận về xây dựng hệ thống giáo dục mầm non PG nhưng vì những khó khăn về nội tại cũng như ngoại tại nên không phát triển mạnh như mong muốn. Hiện nay, hệ thống trường mẫu giáo tại huyện Phú Lộc, Phú Vang, Hương Thủy, TP.Huế do chư Ni điều hành có 175 lớp với 5.282 cháu.

Ở Huế, tu sĩ chưa được phép đứng lớp dạy (khác với bên các soeur, họ có hình thức như người đời), do đó các sư cô chỉ làm công tác quản lý chuyên môn, chủ trường. Ngoài Thừa Thiên Huế, một số tỉnh thành như: Lâm Đồng, Ninh Thuận, Tiền Giang, Đồng Nai, TP.HCM đang duy trì trường, lớp mầm non PG dưới hình thức tư thục.

AD (1).jpg

Sư cô tham gia đứng lớp là hình ảnh thân thiện trong lớp mầm non do Phật giáo quản lý

Với sự mở cửa cho ngành giáo dục, xã hội hóa giáo dục như hiện nay, hệ thống giáo dục mầm non PG để giáo dưỡng trẻ mầm non là nằm trong tầm tay của Phật giáo do đó chư Ni, nữ Phật tử phần nào yên tâm dấn thân học tập và hướng đến tương lai. Tuy nhiên, theo NT.Thích nữ Tịnh Nghiêm, muốn hệ thống giáo dục mầm non PG phát triển đều khắp tại các tỉnh, thành cần sự đồng thuận cao, sự quyết tâm của chư tôn đức Giáo hội, các BTS GHPGVN tỉnh, thành, Tăng Ni, Phật tử các tự viện.

Và, trước mắt đó là ủng hộ thật sự của thầy tổ của các sư cô - cô giáo mầm non tương lai để sau khi tốt nghiệp, đội ngũ này có một ngôi trường được đầu tư nghiêm túc và có chỗ để đứng vững với nghề mà mình đã chọn.

Theo NT.Thích nữ Tịnh Nguyện thông tin Học viện PGVN tại TP.HCM kết hợp với Trường Đại học Sư phạm TP.HCM đào tạo lớp Sư phạm mầm non dành cho chư Ni và nữ Phật tử là cơ hội để chư Ni, nữ Phật tử dấn thân học tập, vun bồi kiến thức sư phạm mầm non để chuẩn bị điều kiện để trực tiếp tham gia công tác giáo dục của PG sau này.

Đây cũng là cơ hội cho các BTS GHPGVN tỉnh, thành, các tự viện quan tâm đến giáo dục mầm non PG chuẩn bị nhân sự, tạo nền móng ban đầu trong hệ thống giáo dục mầm non do BTS, các tự viện làm chủ, quản lý.

Vừa qua, từ yêu cầu thực tế, với sự đề nghị Phân ban Ni giới T.Ư, Học viện PGVN tại TP.HCM đã kết hợp với Trường Đại học Sư phạm TP.Hồ Chí Minh tuyển sinh lớp đào tạo Sư phạm Mầm non học tại Học viện (Nguyễn Kiệm, Q.Phú Nhuận), hệ vừa học vừa làm, niên khóa 2014 - 2018 dành cho đối tượng chư Ni và nữ Phật tử (xem thông tin trên www.giacngo.vn). Đây là lớp độc lập tại Học viện PGVN tại TP.HCM, để bảo đảm cho sinh viên sau khi ra trường có thể đứng lớp nên Học viện phải kết hợp với Trường Đại học Sư phạm TP.HCM để đủ tính pháp lý. Sau này, Hội đồng Điều hành Học viện có thể cân nhắc nên đưa chính thức chuyên ngành này vào Học viện hay không. Hiện nay, công tác tuyển sinh mới ở giai đoạn đầu nên chưa có con số cụ thể, tuy nhiên đây là nét mới trong đào tạo của Học viện để chư Ni, nữ Phật tử có cơ hội học tập ngành mà mình yêu thích, quan tâm - ĐĐ.Thích Giác Hoàng, Chánh Văn phòng Học viện PGVN tại TP.HCM cho biết.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Chư Tăng thực hiện nghi thức Bố-tát tại chánh điện chùa Long Bửu (Q.4, TP.HCM) - Ảnh: Bảo Nguyên

Ban Trị sự GHPGVN Q.4 Bố-tát, họp triển khai Phật sự

GNO - Ngày 15-3-Giáp Thìn, chư tôn đức Ban Trị sự GHPGVN Q.4 đã trở về chùa Long Bửu - Văn phòng Ban Trị sự để cử hành lễ Bố-tát định kỳ, đồng thời tổ chức phiên họp nhằm triển khai công tác tổ chức Đại lễ Phật đản và An cư kiết hạ Phật lịch 2568.
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1247 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn

Cày cấy mảnh ruộng tâm hồn

GNO - Nhà có ruộng vườn đất đai màu mỡ thì có thể tích trữ lương thực phòng khi đói. Ruộng đất luôn gắn chặt với cuộc sống con người. Xưa nay, người phương Đông luôn coi ruộng đất là yếu tố căn bản của sự sinh tồn, là báu vật để đời, bởi vậy mà cha mẹ luôn mong muốn để lại vài phần ruộng đất cho con cháu.
Tăng là đoàn thể đẹp, không nên quy chụp một cá nhân với toàn thể Tăng đoàn - Ảnh minh hoạ của Quảng Đạo/BGN

Không nên thối thất niềm tin chỉ vì “con sâu làm rầu nồi canh”!

GNO - So với những thành tựu to lớn của Phật giáo Việt Nam cũng như hàng ngàn những bậc thầy đạo hạnh đang làm lợi đạo ích đời, thì những “điều xấu về tu sĩ” kia chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh”. Không thể vì người ngoài mà khiến cho mình thối thất, bỏ chùa, không hướng đến đời sống đạo đức...

Thông tin hàng ngày