Tịnh Đức - nơi cưu mang tuổi già bất hạnh

GN - Cách đây 20 năm về trước, vào một buổi chiều mưa gió trước cổng chùa Từ Đàm-Huế, có một bà cụ ngồi ăn xin lạnh co ro trong chiếc áo mưa không lành lặn.Thương tình, Sư bà TN.Diệu Thành đem về chùa nuôi… Nhà dưỡng lão (NDL)Tịnh Đức ra đời từ đó.

Chúng tôi đến thăm NDL Tịnh Đức (tổ 3, khu vực I, phường Thủy Xuân, thành phố Huế) vào một ngày trung tuần tháng 6 âm lịch, khi quý Sư cô đang vào hạ và các mệ (cụ bà) cũng đang tập trung ở điện Phật để làm lễ.

Tiếp chúng tôi là NS.Thích nữ Liên Tu - người được NT.Thích nữ Diệu Thành giao trông coi, quản lý NDL, Ni sư cho biết: Năm 1996, khi Sư bà đem mệ đầu tiên vô ở trong chùa, tôi bắt đầu nhen nhóm ý tưởng muốn thành lập một NDL tại đây để cưu mang những người già neo đơn, những số phận hẩm hiu trong cuộc sống. Chỉ vài tháng sau duyên lành đã đến, có một Phật tử trong làng phát tâm bán lô đất 4.200m2 để tôi xây NDL với giá rất “hữu nghị”.

ANH XHTT (2).jpg

NS.Thích nữ Liên Tu hướng dẫn các mệ tu tập tại điện Phật dành riêng cho các mệ - Ảnh: Võ Văn Dần

Trải qua 20 năm hình thành và phát triển, NDL Tịnh Đức thật sự là tổ ấm, nơi cưu mang những mảnh đời bất hạnh. Nhớ lại ngày đầu thành lập, NDL gặp không ít khó khăn về cơ sở vật chất như phòng ở, đồ dùng sinh hoạt, thức ăn không đủ cho các mệ, chùa phải thực hiện chính sách “thắt lưng buộc bụng”, tiêu chuẩn của mỗi người trong một ngày chỉ 2 gói mì tôm và chỉ ăn 2 bữa/ngày. Hiện nay, NDL Tịnh Đức có 28 mệ đang sinh sống, tuổi từ 60 đến 97.

Quê các mệ ở Quảng Trị, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam… Tuy mỗi người mỗi hoàn cảnh, mỗi số phận nhưng các mệ đến đây chung sống rất đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau, mệ nào còn sức khỏe thì đỡ đần cho những mệ ốm yếu, bệnh tật. Đặc biệt, dưới sự hướng dẫn của các Sư cô trong chùa, nhiều mệ đã phát tâm tu tập, hành trì niệm Phật đều đặn suốt đêm ngày.

Chúng tôi thực sự xúc động khi được nghe kể về cuộc đời của các mệ, có những con người, những số phận thật éo le, nghiệt ngã mà nếu như không có vòng tay nhân ái, nâng đỡ của các Sư cô ở đây thì chắc chắn nhiều mệ sẽ không biết… trôi dạt về đâu?

Mệ Nguyễn Thị Nuôi, quê ở TP.Biên Hòa (Đồng Nai) đi theo bộ đội chuyên chở vũ khí, lương thực ở trong rừng núi bị thất lạc ra Huế không người thân thích. Mệ Hồ Thị Mới, 58 tuổi, quê ở xã Quảng Vinh (huyện Quảng Điền, TTHuế), bị mù cả 2 mắt, chồng bỏ phải về ở với mẹ, mẹ chết thì ở với chị được vài năm thì bị mấy cháu hắt hủi nên phải cậy nhờ NDL.

Ở đây có hai mệ bị bại liệt (Nguyễn Thị Muốn, 67 tuổi và Lê Thị Dứa, 88 tuổi), mọi sinh hoạt cá nhân đều diễn ra trên chiếc giường, quý Sư cô và các mệ khác khỏe hơn phải luân phiên túc trực, chăm sóc, nuôi nấng.

Cách đây hai tháng, mệ Nguyễn Thị Tuất, 80 tuổi bị bệnh tâm thần bỏ chùa đi lang thang nhiều ngày liền, các Sư cô phải thay phiên nay nhau đi tìm và gặp mệ ở An Hòa (TP.Huế) rồi đưa trở lại chùa…

Để có nguồn kinh phí ổn định nuôi sống các mệ, nhà chùa tổ chức sản xuất nước rửa chén, làm bánh in (bánh cộ) và được nhiều bà con Phật tử đến mua để chia sẻ một phần khó khăn của nhà chùa.

ANH XHTT (3).jpg

Các mệ đến đây mỗi người mỗi cảnh ngộ rất đáng thương - Ảnh: Võ Văn Dần

NS.Thích nữ Liên Tu tâm sự: “Các mệ ở đây cùng đồng cam cộng khổ, những lúc nhà chùa gặp khó khăn về tài chính thì phải chịu ăn cực, có khi Phật tử và các nhà hảo tâm cúng dường thì được ăn sướng”. Tôi dí dỏm, ăn sướng là ăn những món gì hả Ni sư? Ni sư cười: “Như ăn các loại nấm, chè hạt sen… nhưng lâu lâu mới có một chén”.

Mỗi phòng ở 4 mệ, được trang trí sạch sẽ, gọn gàng, có quạt máy. Ngoài ra, NDL còn có 1 điện Phật thoáng đãng dành riêng cho các mệ tu tập, niệm Phật cầu an lành và 1 phòng để tổ chức đám tang tại chùa cho những mệ qua đời không người thân thích.

Từ ngày thành lập đến nay, NDL Tịnh Đức đã có 32 mệ mất, số đông trong đó là không có bà con, họ hàng đến nhận, và nhà chùa phải lo tang lễ cho các mệ. Bình quân chi phí khoảng 20 triệu/đám.

Nhà chùa còn mua riêng một nghĩa trang cách NDL tầm 9km để làm nơi yên nghỉ cho các mệ (hiện nay đã sử dụng hết gần 2/3 số đất này). 32 ngôi mộ đều có 32 tòa sen, biểu tượng của nhà Phật bởi các mệ giờ đây là những người con Phật thuần thành!

Nói về những khó khăn, vướng mắc đang gặp phải, Ni trưởng trụ trì TN.Diệu Thành chia sẻ: “Đa phần các mệ khi đến đây đều không có giấy tờ tùy thân hợp lệ, nhiều mệ mất trí không nhớ nổi mình mấy tuổi nữa là… nên nhà chùa cũng rất lúng túng trong việc trình xin chính quyền địa phương thực hiện các chế độ chính sách đối với người cao tuổi như các mệ. Tuy nhiên, chúng tôi cũng đang nhờ Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế can thiệp”.

Tạm biệt NDL Tịnh Đức, chia tay các mệ, trên hành trình trở lại thành phố, trong tôi vẫn còn vang vọng những lời đọc giòn giã của các mệ tại phòng điện Phật: “A Di Đà Phật. A Di Đà Phật. A Di Đà Phật”.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày