Tinh hoa Chơn lý

GN - Trong thế gian, bằng không có sự vô thường, ẩn hiện, tương đối thì không bao giờ có cái thường và tuyệt đối. Nếu không có thường và tuyệt đối, thì chúng sanh chẳng bao giờ được hạnh phúc kết quả tốt đẹp tối cao. Vậy nên vô thường tương đối là tiến hóa, là không khổ, là có, là sống đời đời, là thiện, là huệ, là chơn.

Kẻ giác ngộ chơn như rồi, thì giải thoát ra khỏi tất cả sở chấp không còn giả vọng nên gọi là chơn như toàn giác trọn sáng trọn lành.

Chơn lý Có và Không

Lòng thương có hai cách: thương mà được yên vui cứu khổ cho nhau hay là thương mà rối khổ vì nhau, để giết hại lẫn nhau về sau; hay là cái thương tâng hót bên ngoài xác thịt giả dối và cái thương chắc thật vĩnh viễn trong tâm hồn. Đức Phật khi xưa có dạy rằng: Lòng thương phải có, mà dục vọng thì đừng. Ấy vậy cái thương đây quý báu tốt đẹp biết bao nhiêu.

Chơn lý Nam và Nữ

Thà chết trong sạch yên vui, hơn là sống nhơ bẩn rối khổ. Còn bằng chúng ta tham sống sợ chết, thì cũng nên lựa lấy món ăn nào ít tội ác một chút mà ăn, chẳng là bớt rối khổ được yên vui dễ chịu.

Chơn lý Ăn chay

Người ta thường tắm mưa, nước rớt trên đầu không sao, chớ đất rớt trên đầu thì ai cũng phải bị hại. Cũng giống như vậy, lời đạo đức từ trên dạy xuống thì ai cũng nên, lời ác trược đè dạy thì ai cũng phải khốn lụy.

Chơn lý Tánh thủy

Lời nói của người tu, ví như hoa sen, việc làm của người tu, ví như lá sen, ý niệm của người tu, ví như gương sen, cả thảy các pháp đều ở trên cao không trung, và không còn phải ô nhiễm nước bùn theo thế sự.

Chơn lý Trên mặt nước

Cúng tế để biết khiêm nhường kẻ chết, đặng không ngang bạo giết hại người sống, mang ơn mến đức mà thờ, nghe dạy là lạy, biết kỷ niệm lịch sử mà giữ mình, có như thế mới tập tánh nên người minh đức.

Chơn lý Chánh kiến

Hạnh phúc của ta ở nơi tâm ta; sự nghiệp của ta lớn nhỏ là tùy nơi tâm ta lớn nhỏ. Đạo quả trong ngoài, kết thành một lượt không mau chậm.

Chơn lý Đi tu

Mạng người quý báu. Chúng ta nên phải biết rằng, cái sống khó tìm, khi chết đi đâu còn sống lại; chớ của cải trước sau mau chậm, có ngày ta kiếm được. Vậy thì chúng ta muốn sống là phải làm cho mọi người được sống. Ta muốn ăn là phải làm cho mọi người có ăn.

Chơn lý Ăn và Sống

Đừng nghe ai xưng tặng mà gọi là vinh, đừng thấy ai dâng của mà cho là lợi, đừng thấy ai khóc lóc, trìu mến, níu kéo, mà động tình thương ở lại, vì đó là ma vương cám dỗ.

Chơn lý Đi học

Ông thầy giáo thì phải giữ gìn lời nói, làm cha mẹ là không đặng say sưa rượu thịt, như vậy là con dân, mọi người sẽ hết lòng, lòng người là mạnh hơn hết, được lòng người là được tất cả sự thành công.

Chơn lý Đời đạo đức

Cõi thiên đường là cõi lòng trong sạch cao thượng.

Cảnh thiên đường là cảnh trí rộng lớn mát mẻ.

Xứ thiên đường là sự thông minh xán lạn đẹp tươi.

Chơn lý Xứ thiên đường

Có không tham vọng, tâm ta mới no đủ; có không sân si, tinh thần mới sáng láng mát mẻ trong sạch; Thân khẩu ý không vọng động thì tâm hồn mới an trụ cứng cỏi.

Chơn lý Phật tánh

Thân trong sạch ấy là xứ Phật

Miệng trong sạch ấy là pháp Phật

Ý trong sạch ấy là con Phật

Tâm trong sạch tức là Đức Phật.

Chơn lý Tu và Nghiệp

Nếu tâm càng tự cao, giải đãi dễ duôi, là tức thì sa địa ngục trọn vẹn, vì địa vị càng cao là tánh mạng càng nguy hiểm, cũng như người trèo núi, càng lên cao là đáy hố sẽ càng xa sâu thêm mãi.

Chơn lý Thờ phượng

Mục đích của sống là biết, biết là học. Cái sống là xin. Tất cả chúng sanh là đang xin lẫn nhau; tiến ra từ trong cái ác, cái bất công, cái mê muội.

Chơn lý Đạo Phật Khất sĩ

Tổ sư Minh Đăng Quang

(Trích Ánh Minh Quang, NXB TP.Hồ Chí Minh, 2004)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày