Tính nhất quán xuyên suốt từ kinh Nguyên thủy đến kinh Đại thừa

NSGN - Có thể khẳng định rằng Phật giáo mang tính nhất quán mà ngày nay các nhà trí thức đều công nhận rằng điều đó là đương nhiên và tất yếu, vì nếu Phật giáo cố chấp một pháp môn, hay một định kiến đều đưa Phật giáo đến tan rã.

Phat1.jpg

Tu hành các pháp môn không giống nhau, nhưng thành Phật là một - Ảnh minh họa

Đó chính là kinh nghiệm hơn 2.000 năm truyền đạo của Phật giáo trên thế giới, cũng như kinh nghiệm của riêng tôi hơn 40 năm hoằng pháp và 26 năm làm Trưởng ban Hoằng pháp.  

Từ Phật giáo Nguyên thủy sang Phật giáo Đại thừa, ta coi là một, không phải khác. Và ngược lại, nhìn từ Đại thừa về Nguyên thủy cũng mang tính nhất quán. Nếu chúng ta chấp pháp môn nào, thường cho rằng chỉ có pháp môn đó là pháp Phật và chống lại các pháp môn khác, điều đó sẽ làm Phật giáo suy yếu. Lịch sử đã cho thấy bài học đắt giá này.

Khi Phật tại thế, Ngài có mười đại đệ tử lãnh đạo theo hướng khác nhau, nghĩa là giáo lý Phật là một, nhưng mỗi người hiểu giáo lý và ứng dụng khác nhau, tất nhiên mang lại kết quả khác nhau. Vì vậy, các Thánh La-hán chứng quả không đồng nhau, nên thuyết pháp, giáo hóa cũng không giống nhau. Tuy nhiên, còn Đức Phật hiện hữu, nên họ lấy Đức Phật làm trung tâm điểm, các La-hán thuyết pháp đều hướng về Đức Phật mà giảng dạy, bấy giờ Phật giáo dễ dàng mang tính thống nhất.

Nhưng Đức Phật dạy rằng sau khi Ngài vào Niết-bàn, Tăng Ni phải tập hợp để thường xuyên kiểm tra việc làm và suy nghĩ của mình đúng hay sai; nếu được đại chúng chấp nhận hoàn toàn là đúng. Không được đại chúng chấp nhận là sai, phải sửa đổi. Vì lấy ý kiến chung của đại chúng mà thi hành, nên có sự thống nhất trọn vẹn. Vì vậy, nếu ba lần Yết-ma phải có sự đồng ý hoàn toàn của tất cả mọi người. Giả sử có 99 người đồng ý, chỉ một người không đồng ý, cũng phải trao đổi sao cho người đó đồng ý. Điều này thể hiện tinh thần thống nhất gọi là Phật thừa.

Còn ý kiến riêng là Thanh văn thừa, Bồ-tát thừa. Nhất là Bồ-tát có đến 84.000 pháp môn, tức mỗi Bồ-tát có tâm nguyện và việc làm riêng, tạo thành kết quả khác nhau, nhưng cũng phải đưa đến thành Phật, không thành cái gì khác, thành cái khác là rơi vào  tà đạo.

Thiết nghĩ ở thế kỷ XXI, chúng ta có cái nhìn tổng quát và thoáng hơn, khẳng định Phật giáo là đạo của trí tuệ và Đức Phật đạt được đỉnh cao của trí tuệ mới thành tựu quả vị Phật, hay giác ngộ viên mãn.

Nói về trí tuệ, nói rộng là trí tuệ từ con người nguyên thủy cho đến trí tuệ của con người thời Phật tại thế và tiến lên đỉnh cao là trí tuệ của con người thời công nghệ 4.0. Thời nguyên thủy, người ta thấy như thế và thời Phật hiện hữu, người ta thấy khác, cho đến tương lai chắc chắn thấy khác hơn nữa.

Nhìn xa hơn, mỗi thời kỳ, mỗi quốc gia có tiến bộ, nên người ta có thể thấy khác, hiểu khác và áp dụng cách sống khác. Từ đó, pháp Phật được áp dụng tùy theo thời kỳ mà có khác. Thứ hai là tùy hoàn cảnh của từng người có hiểu biết khác, nên việc áp dụng pháp tu cũng khác. Thứ ba là không gian khác, nên cái nhìn của con người cũng khác và áp dụng vào cuộc sống cũng khác. Đó là lập trường căn bản của Phật dạy nói lên sự thay đổi thiết yếu của việc ứng dụng pháp Phật trong cuộc sống con người.

Sau Phật Niết-bàn, trong Phật giáo có thành phần tiến bộ hoạt động theo hướng phát triển, vì phát triển là xu thế tất yếu của thời đại. Từ đó mới có Phật giáo phát triển khác với Phật giáo Nguyên thủy. Thí dụ loài người sơ khai chưa tìm được lửa, nên họ ăn sống, nhưng khi con người văn minh, tiến bộ, tìm được lửa, người ta đã biết nấu chín thức ăn và biết tìm hạt giống trồng tỉa v.v…

Phật giáo phát triển cũng vậy, sau Phật nhập diệt 500 năm, từ Phật giáo Nguyên thủy tiến sang Phật giáo Đại thừa cũng căn cứ trên lời Phật dạy mà phát triển, không phải giữ nguyên. Tuy nhiên, phát triển, nhưng không được khác với giáo lý căn bản. Vì vậy, Phật giáo phát triển, đổi mới để thích nghi, nhưng không ngoài nghĩa giải thoát của Đức Phật. Nếu phát triển làm lệch hướng giải thoát là rơi vào tà đạo. Tăng Ni phải thấy rõ ý này.

Từ Phật giáo Nguyên thủy nhìn lên Phật giáo Đại thừa, rõ ràng là có hướng phát triển mà căn bản là Tứ Thánh đế. Căn cứ vào pháp tu Tứ Thánh đế giúp chúng ta từng bước được giải thoát. Nói cụ thể, điều chứng được thứ nhất là không lệ thuộc xã hội, không lệ thuộc thiên nhiên. Tu sĩ, hay cư sĩ đều phải bớt lệ thuộc hai thứ này, vì lệ thuộc nhiều thì phát sinh phiền não, nghiệp chướng, trần lao, không được giải thoát.

Và áp dụng Thiền Tứ niệm xứ, chứng quả Dự lưu đầu tiên thì có cái nhìn sáng suốt, thấy việc nên làm, việc không nên làm. Tiến lên cao, đắc La-hán, đạt được Bát Chánh đạo thể hiện đời sống mẫu mực của người tu, là pháp căn bản của Phật giáo Nguyên thủy; nhưng Đức Phật không dừng lại ở điểm này. Thật vậy, sau khi giáo hóa năm anh em Kiều Trần Như và 50 thanh niên dòng Da Xá đắc quả A-la-hán, Đức Phật bảo mỗi người đi một hướng để truyền đạo, nghĩa là phát tâm Bồ-đề, hành Bồ-tát đạo.

Chưa đắc La-hán mà truyền đạo thì dễ lệch hướng. Đắc La-hán mới tin mình được, vì đã có cái nhìn sáng suốt, mới không mắc sai lầm, biết rõ yêu ma mới có thể vào đời độ sanh. Phật khuyên mỗi người đi một hướng là phát tâm Đại thừa độ sanh, không phải đắc La-hán rồi vô Niết-bàn.

Mỗi người đi một hướng để hành đạo Bồ-tát, nhưng trăm sông đều đổ về biển cả. Tu hành các pháp môn không giống nhau, nhưng thành Phật là một. Đó là kiến giải của Đại thừa, phá trần sa hoặc, nhìn thẳng vào nghiệp của chúng sanh và thấy nhân duyên độ được chúng sanh, chắc chắn giúp họ an vui, giải thoát.

Đắc La-hán, phải nghĩ đến độ người khác, là hướng đi lên từ Nguyên thủy sang Đại thừa. Đắc La-hán thấy chính xác, thấy người đáng độ, việc đáng nói, nhưng cũng phải thấy thêm điều đúng đắn này có nên nói hay không. Chưa nên nói, vì chưa phải lúc. Nói sớm không được, nói muộn cũng không được, phải nói đúng lúc và nói với ai. Đức Phật biết rõ nhân duyên của Ngài với người cần được Ngài độ, Ngài mới xuất hiện để giảng dạy. Phật chỉ độ được người có duyên, không phải gặp ai Ngài cũng nói. Phật cho biết Đức Di Lặc đủ điều kiện thành Phật, nhưng Ngài chưa ra đời, vì chưa phải lúc, là chưa có đúng đối tượng để Ngài giáo hóa.

Chúng ta là đệ tử Phật cũng lấy trí tuệ làm gốc, tất yếu phải có cái nhìn theo Phật, là nhìn từ Nguyên thủy phát triển lên Đại thừa. Khi Phật giáo Đại thừa phát triển mạnh ở Trung Hoa, tông Thiên Thai và tông Hoa Nghiêm ra đời. Bấy giờ, chư Tăng lấy hai bộ kinh Đại thừa quan trọng là Pháp hoaHoa nghiêm làm định hướng tu hành.

Tông Thiên Thai khởi đầu từ ngài Huệ Văn tiếp nhận Trung quán luận của Bồ-tát Long Thọ và ngài thực tập có kết quả, đưa ra kiến giải rằng Thanh văn thấy pháp khác, Bồ-tát thấy pháp khác và Phật thấy pháp khác, tức thấy không đồng nhau, gọi là Tam thừa.

Thật vậy, Thanh văn đã đoạn kiến hoặc, tư hoặc, đắc La-hán, nên thấy pháp khác với chúng sanh còn kẹt kiến hoặc, tư hoặc. Thương thì thấy tốt, không thương thì thấy xấu, gọi là tư hoặc, tức thấy theo tình cảm. Thấy theo sách vở, học vấn là kiến hoặc thì người học pháp này biết pháp này, không chấp nhận cái biết của người khác, nên luôn đối phó, cạnh tranh, không giải thoát và ở trong sinh tử luân hồi.

Trên bước đường tu, khi trì giới thanh tịnh, tâm tốt, Long thiên Bát bộ thường đến hộ trì, giúp chúng ta biết được một số việc. Và được như vậy, chúng ta nỗ lực tu sẽ được cái biết bằng trực giác. Đó là khi thực tập thiền quán, tự nhiên tâm thanh tịnh khiến chúng ta biết đúng việc sẽ xảy ra.

Kinh Pháp hoa là kinh cao nhất trong hệ Đại thừa và kinh A-hàm tiêu biểu cho hệ Nguyên thủy, hay kinh Nikaya theo hệ thống Pali. Người Đại thừa đối chiếu kinh Đại thừa với Nguyên thủy qua bốn bộ A-hàm. Và từ A-hàm, chúng ta tiến lên một bước, qua kinh Hoa nghiêm, Bát-nhã, Pháp hoa. Và từ đỉnh cao Pháp hoa, nhìn xuống các kinh. Đó là con đường hai chiều xuyên suốt từ gốc lên cao và từ cao đi ngược xuống cội nguồn. Nghĩa là từ Nguyên thủy phát triển lên Đại thừa và từ kinh Đại thừa, chúng ta nhìn ngược lại kinh Nguyên thủy cũng nhận ra có sự thống nhất xuyên suốt.

Từ Đại thừa quay ngược lại Nguyên thủy là chúng ta hành Bồ-tát đạo, học kinh Đại thừa, giảng kinh Đại thừa, sống theo tinh thần Đại thừa, nhưng phải luôn luôn đối chiếu với Nguyên thủy, tức không bỏ tạng kinh A-hàm, hay Nikaya. Chúng ta lấy kinh Nguyên thủy làm gốc, lấy kinh Đại thừa làm phương tiện giáo hóa. Vì chỉ giữ tạng kinh Nikaya thì rơi vô cục bộ, hay chỉ giữ kinh Đại thừa, không đối chiếu với Nikaya dễ bị sai lầm.

Đứng lập trường Pháp hoa nhìn Nguyên thủy bằng cách nào. Kinh Pháp hoa nói rằng trước khi Phật nói kinh này, Phật nói kinh Vô lượng nghĩa. Theo tôi, kinh Vô lượng nghĩa là kinh Nguyên thủy, nghĩa là từ kinh Nguyên thủy, hành giả tìm thấy được nghĩa lý sâu hơn và triển khai những yếu nghĩa này, tập hợp thành kinh Vô lượng nghĩa.

Trước nhất, chúng ta học kinh văn tự và nếu chấp vào chữ nghĩa là phải như thế, thiết nghĩ không thể đúng được. Đương nhiên lấy kinh văn tự làm nền tảng là phần căn bản. Nhưng qua phần hai sâu hơn là nghĩa lý sâu xa ẩn chứa bên trong cũng rất quan trọng theo tinh thần Đại thừa. Kinh văn tự ai cũng đọc được, nhưng hiểu nghĩa lý sâu thì mỗi người hiểu khác nhau.

Vì vậy, kinh là một, nhưng vì trình độ khác phải hiểu khác, nên gọi là Vô lượng nghĩa, tức có nhiều nghĩa khác nhau, nhưng trở về Nguyên thủy, dù nhiều nghĩa, cũng không nằm ngoài ba nghĩa chính là đạo đức, trí tuệ và làm lợi ích cho cuộc đời. Kinh Nguyên thủy cũng như các bộ kinh Đại thừa đều dạy chúng ta thực hiện ba điều chính yếu này.

Thật vậy, Phật giáo chỉ nhằm xây dựng mẫu người đạo đức trên nhân gian. Con người không đạo đức thì không dùng được. Kinh Nguyên thủy đào tạo người tốt trong xã hội là Hiền nhân và Thánh nhân. Phật dạy các Tỳ-kheo tuyệt đối không chống trái việc người khác khi tiếp xúc. Chúng ta không tranh cãi hơn thua, không trái với suy nghĩ và đời sống của người khác là đạo đức của Phật giáo.

Làm người tốt, làm Sa-môn tốt, làm Thánh Tăng trên cuộc đời là nền tảng đạo đức của kinh Pháp hoa. Không có đạo đức, đừng nói cái khác cho phí công. Đạo đức là giới, nhưng không nói như vậy, vì sợ người ta rơi vô chấp giới.

Nghĩa thứ hai của Vô lượng nghĩa là trí tuệ. Trí tuệ là định và tuệ, vì định mới sanh tuệ. Và có tuệ để chúng ta thấy nhân duyên sanh các pháp. Các pháp vốn không thật, vì do nhân duyên mà sanh và theo nhân duyên mà diệt. Cho nên nhân duyên sanh, ta nói nó sanh. Nhân duyên diệt, ta nói nó diệt. Nói ngược lại là sai lầm lớn.

Nếu biết Phật giáo diệt mà cố làm cho nó sanh là mất mạng. Cho nên tôi thấy một số thầy ẩn tu chờ Phật Di Lặc ra đời, vì xuất hiện sẽ thọ nạn. Nhưng nhân duyên sanh mà không làm đạo, chúng ta đánh mất cơ hội. Thực tế cho thấy sau ngày giải phóng đất nước, tất cả sinh hoạt bị hạn chế, nếu ra thuyết pháp e rằng khó sống. Nhưng ngày nay, Nhà nước công nhận tôn giáo, nhất là Phật giáo, mà chúng ta không làm là bỏ mất cơ hội tốt.

Đức Phật khẳng định thấy pháp sanh diệt là người đã chứng Vô sanh, nên tùy theo sanh diệt mà xuất hiện trên cuộc đời để giáo hóa độ sanh, không phải lúc nào ta cũng làm được.

Việc thứ ba trong kinh Vô lượng nghĩa là làm lợi ích cho chúng sanh. Kinh Nguyên thủy cũng vậy, Phật dạy mỗi người đắc Thánh quả phải đem hiểu biết, tu chứng dạy người, đừng bỏn xẻn, ích kỷ. Vì có người học được, nhưng không muốn làm. Tôi giảng dạy Tăng Ni là tôi đã trả ơn Phật, ơn thầy Tổ. Không làm như vậy, tôi thiếu nợ đàn na thí chủ, thiếu nợ Phật, nợ thầy Tổ. Làm là báo ơn, nói rõ là làm lợi ích cuộc đời. Kinh Nguyên thủy cũng ghi rõ ý này.

Vì vậy, đọc kinh Vô lượng nghĩa, lấy ba ý chính là đạo đức, trí tuệ và làm lợi ích cho đời, ghi nhớ ba ý này đem vô tâm mình. Từ ba ý này sanh ra muôn ngàn ý khác để ứng dụng, kinh Đại thừa thường nói là lấy bất biến ứng vạn biến. Thiên biến vạn hóa cũng từ cốt lõi ba điều này. Đó là ý nghĩa từ kinh Pháp hoa nhìn ngược về kinh Nguyên thủy có một sự xuyên suốt.

Giáo pháp Phật từ kinh Nguyên thủy phát triển nghĩa lý sâu xa thành kinh Đại thừa và được truyền sang Tây Tạng, Ngài Liên Hoa Sanh dựng thành một câu là Om Mani Padme Hum, tức hoa sen chứa một viên ngọc. Nói cách khác, giáo lý Phật, hay một đời giáo hóa độ sanh của Đức Phật trong 45 năm, hay 49 năm thể hiện trong kinh Nikaya và kinh Pháp hoa, nói lên đạo hạnh thánh thiện và trí tuệ siêu tuyệt của Đức Phật, kết tinh thành một viên ngọc sáng trong hoa sen.

Phật giáo Đại thừa nhìn về Phật giáo Nguyên thủy, lấy kinh Pháp hoa làm chuẩn, vì kinh Pháp hoa thể hiện được tính cách cao nhất trong tinh thần nhất quán. Trong khi các kinh khác chuyên Đại thừa, hay thuần Đại thừa thì dễ rơi vô cực đoan.

Sau 49 năm Phật thuyết pháp xong, Ngài Niết-bàn, không nói nữa. Người người mới ôn lại lời Phật dạy, hình thành các kinh điển Nguyên thủy, Đại thừa, Kim Cang thừa. Mỗi người suy nghĩ một cách và diễn tả khác nhau, để tìm an lạc cho mình và mang an lạc cho người.

Kinh Nguyên thủy nói rằng những gì Phật cần nói, Ngài đã nói, cho nên kinh Nguyên thủy chỉ suy nghĩ và căn cứ vào những gì Phật đã nói.

Trong khi kinh Đại thừa diễn tả là nương ánh quang Phật, tức nương trí tuệ Phật, nghĩa là kinh Đại thừa suy nghiệm về tu chứng của Phật, về những gì Phật chưa nói, để có được cái thấy chính xác rằng chúng sanh nghĩ gì, cần gì, có khả năng gì mà theo đó đáp ứng, thể hiện yếu nghĩa tùy duyên. Điều này xác minh rằng hành giả Đại thừa đã triển khai từ kinh Nguyên thủy những yếu nghĩa cốt lõi mà Phật muốn nói qua cánh cửa Vô lượng nghĩa đi vào bộ kinh cao tột là kinh Pháp hoa.

Tóm lại, tiến tu theo lộ trình Phật dạy đúng như pháp, mở ra cho chúng ta tầm nhìn xuyên suốt từ Phật giáo Nguyên thủy sang Phật giáo Đại thừa và từ Đại thừa nhìn ngược lại Nguyên thủy cũng nhận thấy có sự thống nhất hoàn hảo. Đó chính là nền tảng kiên cố, bất hoại giúp cho mạng mạch Phật giáo trường tồn trải qua hơn 25 thế kỷ, mãi là ngọn đuốc soi đường cho nhân loại xây dựng cuộc sống an lạc, hiểu biết, phát triển, thương yêu, hòa hợp, hòa bình.

HT.Thích Trí Quảng

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày