Tinh thần trung đạo của Đức Phật

GN - Hơn hai mươi lăm thế kỷ trước, Đức Thích Ca thành đạo dưới cội bồ-đề tại Ấn Độ - là một sự kiện rất quan trọng đối với đạo Phật nói riêng và tôn giáo thế giới nói chung, về phương diện lịch sử.

duc phat thuyet phap.jpg

Đức Phật luôn giảng dạy giáo pháp với tinh thần trung đạo

Sự kiện thành đạo của Ngài là kết quả của quá trình dấn thân thực nghiệm, tự thân chứng ngộ pháp sâu kín, siêu lý luận, vi diệu, chỉ người có trí mới hiểu thấu, do đi ngược lại với tập quán ham thích ái dục của con người.

Sau khi thành đạo, có lúc Đức Phật đã từng do dự rằng giáo pháp mà Ngài chứng ngộ không dễ gì được số đông chấp nhận. Nhưng với tuệ giác và lòng từ bi, Ngài đã quyết định “Mở cánh cửa bất tử” cho những ai dấn thân nguyện sống theo nếp sống tỉnh thức.

“… Như trong hồ sen xanh, hồ sen hồng, hay hồ sen trắng, sanh ra dưới nước, lớn lên dưới nước, không vươn lên khỏi mặt nước, được nuôi dưỡng dưới nước. Có một số hoa sen xanh, sen hồng hay sen trắng sanh ra dưới nước, lớn lên dưới nước, vươn lên khỏi mặt nước, không bị nước thấm ướt. Cũng vậy, này các Tỳ-kheo, với Phật nhãn, Ta thấy có hạng chúng sanh ít nhiễm bụi đời, nhiều nhiễm bụi đời, có hạng lợi căn, độn căn, có hạng thiện tánh, ác tánh, có hạng dễ dạy, khó dạy, và một số ít thấy sự nguy hiểm phải tái sanh ở thế giới khác và sự nguy hiểm làm những hành động lỗi lầm”. (Trung bộ I, 271)

Chính với quán chiếu đó đã khiến Ngài quyết định chuyển Pháp luân - khơi nguồn cho đạo Phật nhân gian mà hôm nay đã được truyền bá khắp nơi, trở thành một trong những tôn giáo - nếp sống tâm linh được hàng triệu người thực hành trong đời sống hàng ngày, ở nhiều quốc gia và vùng văn hóa khác nhau.

Nếp sống đó, nếp sống tỉnh thức - như chính tôn hiệu Phật (Buddha) - Bậc Tỉnh thức, cũng còn gọi là nếp sống trung đạo - con đường tránh xa các cực đoan, không bị chi phối bởi lòng tham lam tiền tài, danh vọng, quyền lực, sự hưởng thụ vật chất; sự sân hận và si mê; luôn tích cực hành động phụng sự mà không bị bám víu hay bị thúc đẩy bởi khao khát sở hữu và sự vĩnh cửu.

Thông điệp và lối sống mà Đức Phật đã dạy có sức lôi cuốn thế giới hiện tại, khi mọi tiện nghi vật chất được phát triển liên tục nhưng vẫn không đem lại hạnh phúc thực sự cho con người, vì càng cuốn theo làn sóng hưởng thụ, lòng tham lam càng bị kích thích và không bao giờ thỏa mãn - do cuộc đời, cả vật chất lẫn tinh thần - đều bị chi phối bởi quy luật vô thường, đầy biến động.

Những sự việc xáo trộn “vật đổi sao dời” diễn ra trên thế giới cũng như trong nước gần đây càng khiến cho chúng ta nhận thấy điều đó một cách rõ ràng. Một người mới mấy tháng trước ở vị trí quyền cao chức trọng, hôm nay là một phạm nhân - bị giam cầm và luận tội trước công luận; một thương hiệu nổi tiếng bỗng phút chốc tiêu tan tất cả, cũng vì chủ nhân không kiểm soát được lòng tham…

Đối với người tu hành, không thể quên câu chuyện của Quốc sư Ngộ Đạt, trong một phút giây đánh mất chánh niệm, đồng hóa đạo nghiệp với giá trị vật chất, sự trọng vọng của tín đồ, nên đã chuốc lấy khổ não.

Kỷ niệm sự kiện Đức Thích Ca thành đạo không chỉ là dịp bày tỏ tình cảm tôn giáo đối với Bậc Giáo chủ đạo Phật, mà thiết thực hơn cả, là cơ hội để chúng ta cùng suy ngẫm về giáo pháp mà Đức Phật đã dạy, về nếp sống tỉnh thức và con đường trung đạo. Đó là nếp sống, con đường đưa tới sự hạnh phúc thực sự trong cuộc đời này, dẫu ở trong hoàn cảnh và vai trò xã hội nào.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày