GN - “Mặc dù nghèo khó nhưng tôi cũng có một tuổi thơ đầy ắp những kỷ niệm, đã từng có những cảm xúc nôn nao của buổi tựu trường.
Các cháu con nhà nghèo trong xóm tôi nheo nhóc, quần áo xốc xếch nhưng cũng hớn hở đến trường. Càng cảm nhận nỗi niềm ấy, tôi càng quyết tâm gói ghém tiền nong, chi tiêu dè sẻn để mua sách giáo khoa giúp đỡ mấy đứa nhỏ học trò nghèo”, người đàn ông ân nhân của “tụi nhỏ” nói với phóng viên…
“Ông ngoại” của học trò nghèo
Ông bảo, mỗi mùa tựu trường cận kề, nhìn các cháu ve vuốt, nâng niu từng trang sách mới, lòng ông lại dâng tràn thương cảm và đong đầy niềm vui về một ngày mai tươi sáng của các cháu nghèo quanh xóm, quanh làng. Ông tên Huỳnh Văn Giống, là một Phật tử với pháp danh Thiện Chơn, sinh năm 1948, hiện cư ngụ tại xã Phú Thuận B, huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp).
Ông Tám là ân nhân của trẻ em nghèo mỗi mùa tựu trường
Trong mắt mọi người xung quanh và các cháu học trò nghèo, ông là người hết sức gần gũi, như là người anh, người chú, người ông trong gia đình. Bởi, ông không phải là mạnh thường quân giàu có, mà là một người nghèo “chính hiệu”. Ông bảo, mình phải biết “vun vén”, “chịu cực một chút” để dành chút đỉnh tiền, mua sách, tập trao tặng cho các cháu học sinh vùng sâu, vùng xa này, để các cháu có cái tập mới, cuốn sách mới trong ngày tựu trường.
Bởi thế, bà con ở tuyến dân cư vượt lũ Long Phú Thuận này thường gọi ông thân tình là ông Tám Giống hoặc ông Tám, ngắn gọn mà bình dị; còn mấy đứa nhỏ học sinh gặp ông là chào “ông ngoại” thấy thương lắm. Mỗi năm, cứ gần đến ngày tựu trường là “phụ huynh” kéo đến nhà ông Tám hoặc tìm đến chỗ ông làm để xin tập, sách cho con, cháu. Mỗi khi như thế, ông ghi tên, lớp và địa chỉ của các cháu để tổng hợp lại, xem bao nhiêu học trò cần mà lo liệu “túi tiền” của mình.
Ông Tám bắt đầu dành dụm mua sách giáo khoa, tập vở cho học trò nghèo từ năm 2012. Khi ấy, công việc mưu sinh của ông Tám là chạy xe lôi đạp và khiêng, vác đồ mướn cho khách tại các bến bãi. Nhưng, tranh thủ trong lúc không chở khách, ông Tám đến phụ tiếp bếp ăn miễn phí dành cho người lao động nghèo ở chợ huyện, đến chiều tối mới về nhà.
Ông đã dành một phần thu nhập từ công việc vất vả để lo cho đứa cháu ngoại học cấp 3, còn lại ông để dành đến đầu năm học mua sách cho các cháu học sinh nghèo. Mỗi năm, ông mua được 150 bộ sách giáo khoa từ cấp 1 đến cấp 3, dù đó là con số rất khiêm tốn nhưng rất có ý nghĩa với ông và những cháu học trò nghèo.
Từ năm 2017, do sức khỏe suy giảm, ông Tám nhận giữ kho, quản lý chi xuất nguyên vật liệu cho một chủ thầu xây dựng, lương mỗi tháng chỉ 2,8 triệu đồng. Nhưng gần 3 tháng nay, do tuổi già mắt kém nên ông thất nghiệp, phải sống nhờ tiền trợ cấp 500.000 đồng/tháng từ vợ chồng con gái út đi vác lúa mướn xa nhà.
Con gái thứ hai chồng chết đã lên thành phố làm thuê nuôi con học đại học. Không thu nhập ổn định nên hai năm nay, ông Tám bỏ ống dành dụm hầu hết số tiền con cho để đến gần ngày tựu trường của học sinh, ông lại trút ống.
Tuy không nhiều như trước, nhưng năm nay ông cũng mua được 40 bộ sách tặng cho các cháu học sinh. Con gái ông lo ngại cha bỏ hết tiền sinh hoạt vào ống, làm sao đủ chi tiêu, ăn uống. Thế nhưng, ông Tám nói: “Tôi trường chay, mỗi ngày chỉ cần vài ngàn đồng tàu hủ, rau thì ra sau nhà hái là có bữa ăn rồi. Thỉnh thoảng, lối xóm cho ít tương chao. Ăn đạm bạc cũng no lòng, qua bữa, vậy mà thấy vui lắm”.
Anh kỹ sư Bùi Trúc Phương, người chung nhóm thiện nguyện với ông Tám cho biết: “Ông ấy nghèo tiền bạc nhưng giàu lòng nhân ái vì cảm thông cho người đồng cảnh ngộ. Hồi nhỏ nhà ổng nghèo xơ xác”.
Ông Tám cũng chân tình bộc bạch: “Hồi đó, nhà tôi đông anh em, cha mẹ lam lũ quanh năm làm thuê cuốc mướn. Tôi học đệ lục (lớp 6 bây giờ) mà chỉ có 1 cái quần kaki xanh, hai áo sơ-mi trắng sờn vai mặc thay đổi. Những ngày mưa dầm giặt phơi không kịp khô, má tôi phải thức đêm hong gió và quạt tay trông cho quần mau khô kịp sáng mai tôi đi học. Nhà cách trường 4 - 5 cây số. Má tôi may chiếc túi nhái để đựng bắp rang, có khi vài củ khoai lang, bữa nào “xịn” lắm là được gói xôi cho tôi mang theo ăn sáng”, ông Tám xúc động hồi tưởng lại thời đi học. Bởi vậy, khi thấy các cháu học sinh nghèo, mỗi khi gần đến ngày tựu trường mà nheo nhóc, không có sách, tập mới là lòng ông áy náy, “thấy thương chúng nó quá”.
Sự đồng cảm và chia sẻ…
Đa số học trò nghèo tìm đến với ông Tám đều có hoàn cảnh tương tự, cha mẹ làm thuê nơi xa, để lại con cho ông bà trông nom giúp. Bà Nguyễn Thị Lan, 60 tuổi, ở xã Phú Thuận B cho biết, bà nuôi hai cháu ngoại, cháu lớn học lớp 2 Trường Tiểu học Phú Thuận B, cháu nhỏ mới 2 tuổi. Cha chúng bỏ đi, mẹ chúng đi bán xăng mướn ở thành phố. Một mình bà ở nhà nuôi cháu và người chồng bị tai biến nằm một chỗ.
Còn em Đỗ Thị Hương Lan, học lớp 10 Trường THPT Hồng Ngự 2 có mẹ bệnh suy tim không làm gì được. Anh trai của em phải nghỉ học từ năm lớp 7 để đi mua phế liệu với cha và hiện nay đi phụ hồ ở thành phố gởi tiền về trị bệnh cho mẹ và cho em ăn học. Em nói, nhờ ông Tám giúp cho bộ sách vào năm học mới nên cha đỡ tốn một phần tiền chi phí học hành cho em.
Bà Nguyễn Thị Thắng, 62 tuổi tâm sự: “Ở tuyến dân cư này, nhà tôi không đất canh tác, không vốn làm ăn, suốt ngày mò cua bắt ốc ngoài đồng để kiếm chút đỉnh về nuôi cháu nội Nguyễn Nhật Nam, học sinh lớp 2. Cha mẹ cháu đi lựa đồ nhôm nhựa cho vựa phế liệu ở TP.HCM, gởi chút tiền về để tôi chắt chiu nuôi cháu, tiền trường thì tôi năn nỉ xin đóng nhiều lần. Tôi mới mua được chục quyển tập, còn sách cho cháu thì đã có anh Tám làm phước mua cho”.
Người viết theo chân ông Tám đi mua tập, sách cho học trò. Gặp ông Tám tại tiệm sách Hai Đắc, ở chợ huyện Hồng Ngự, chú Hà, chủ tiệm hỏi thăm thân tình: “Năm nay ông Tám có tặng sách giáo khoa cho học trò thì cho tôi gởi 2 bộ lớp 10 nha. Ông không tiền, nghèo vậy mà cần kiệm giúp cho học trò, người như ông thật quý quá”.
Thấy ông mua nhiều sách làm từ thiện, cô Nguyệt, chủ tiệm tạp hóa liền gởi ông 45 cặp da mới để về tặng cho học trò nghèo; ông Ba Thanh, chủ tiệm bán gạo gởi đến ông Tám 500 ngàn đồng bảo để ông mua tập cho học sinh. Một vài người nghe nói việc làm của ông Tám cũng gởi mỗi người vài bộ sách nên tổng cộng đầu năm học này, ông Tám gom lại cũng được gần 90 bộ sách giáo khoa.
Vốn sẵn thiện tâm, sự chân chất của một Phật tử thuần thành, một người lao động nghèo, ông Tám Giống nói: “Của ít lòng nhiều, tôi dành dụm chẳng được bao nhiêu mà ở tuyến dân cư vượt lũ thì đa số là hộ nghèo, hộ cận nghèo. Tôi chỉ ước mong có thêm người đồng hành cùng mình, để “tiếp sức” cho mấy cháu nghèo ở đây, mùa tựu trường đến thì cháu nào cũng có tập, sách giáo khoa vào năm học mới”.