Tình thương ở Mái ấm Từ Ân

GN - Chúng tôi trở lại Mái ấm Từ Ân thăm các em nhỏ mồ côi và gặp lại những sư cô đang cưu mang các cháu. Hàng chục năm qua, trên đôi tay gầy guộc ấy đã nâng niu bao mái đầu, ủ ấm cho hàng trăm trẻ bơ vơ, côi cút. Để hôm nay, các cháu được học tập, trưởng thành và tạo dựng cuộc sống riêng từ những yêu thương được chắt chiu ở nơi này…

19 năm ẵm bồng

Mỗi lần chúng tôi đến đây là mỗi lần có những cảm xúc khác nhau. Trên từng gương mặt hân hoan và những đôi mắt tươi cười, mừng rỡ, cái dạ, câu thưa thật lễ phép của các cháu mồ côi tạo nên những khoảnh khắc ấn tượng khó phai. Chúng tôi cùng những đứa trẻ chia sẻ với nhau biết bao điều trong trẻo và cho nhau những niềm tin yêu.

IMG_1320.jpg

Sư cô TN.Minh Hải - làm "mẹ" trong 19 năm qua

Cảm nhận của SC.Thích nữ Minh Hải, trụ trì tịnh thất Từ Ân (ấp Mỹ Tân, xã Mỹ Xuân, huyện Tân Thành, Bà Rịa-Vũng Tàu), những ngày tháng tủi buồn vì thân phận của các cháu đã dần qua bởi các cháu có người đã trưởng thành, đã hiểu biết, cảm thông. Có người đã tìm hạnh phúc riêng, tạo dựng sự nghiệp.

Sư cô Minh Hải cho biết, đã 19 năm trôi qua từ những ngày đầu Sư cô đem tình thương rộng lớn đến nhiều cháu nghèo khó quanh vùng. Ở mái ấm đơn sơ này, Sư cô đã trải lòng đùm bọc những đứa trẻ cha mẹ có hoàn cảnh khó khăn, có khi tập trung chúng lại để dạy bảo cùng chia sẻ gánh nặng với cha mẹ vì hoàn cảnh của họ quá khó khăn. Rồi chẳng hiểu từ đâu, những đứa trẻ sơ sinh lạc loài như là định mệnh sắp đặt chúng có mặt ở gốc cây trước cổng chùa, trong sân chùa… làm một người chưa từng làm mẹ như Sư cô trở nên bối rối.

Nhưng, tình thương thì lớn hơn tất cả, Sư cô đã cưu mang chúng, ôm ấp, dỗ dành, dạy dỗ… như một người mẹ thật sự. 5 đứa, 10 đứa, 30 đứa, 60 đứa… con số cứ nhiều dần lên. Sư cô đã trở thành một người mẹ bận rộn cùng với Sư cô Minh Nhật và những “người mẹ tình nguyện” đã cùng nhau chăm sóc cho các cháu. Hàng ngày, ngoài kinh kệ những “người mẹ” lại tất bật với bao nhiêu công việc không tên, vất vả và mệt nhưng mỗi khi ngắm những nụ cười bé bỏng nở trên môi các bé, bao nhiêu vất vả đã bay đi hết.

Nói về những câu chuyện của các cháu, Sư cô Minh Hải thỉnh thoảng bị ngắt lời bởi những đứa trẻ chen ngang khiến ánh mắt Sư cô ngời lên nét tin yêu và lạc quan. Dù, cái khó ở đây vẫn luôn hiện diện. Hiện tại, tịnh thất Từ Ân có 80 trẻ mồ côi, không có cha, mẹ bị bỏ rơi hoặc được gởi vào chùa vô… thời hạn và có thêm 7 cụ già neo đơn không nơi nương tựa. Các cháu thì mỗi ngày một tăng nhưng cơ sở vật chất ở tịnh thất thì vẫn vậy. Gian nhà dành cho các cháu được thiết kế gần nhau, kê giường tầng , nhà lợp tôn nên khá nóng.

Dạo trước, thương các em quá, đoàn bác sĩ Thái Huy Phong cùng các tình nguyện viên trẻ tại TP.HCM cứ vài tuần lại đến thăm chia sẻ cùng Sư cô và các cháu trong thời gian dài. Đoàn đã sửa sang lại phòng ở, dọn vệ sinh, chăm sóc sức khỏe, cắt tóc cho từng cháu, tặng đồ chơi và cùng các cháu đùa vui với bao tiếng cười trong trẻo.

Khó khăn vẫn còn đó

Bây giờ là mùa hè, các cháu có thời gian vui chơi nhiều hơn, đa số là ở độ tuổi mẫu giáo, cấp I, đầu cấp II vì các cháu trai khoảng 12 tuổi thì được Sư cô gởi đến các chùa Tăng. Những lúc vui vầy, Sư cô thấy mình có thêm nghị lực để vượt qua những khó khăn trước mắt và vượt qua bệnh duyên đang mang. Điều Sư cô lo lắng cũng thật chính đáng khi mỗi tháng nếu “vô sự” Sư cô phải có khoảng tiền từ 50 cho đến 60 triệu đồng để lo sinh hoạt phí cho các cháu, từ thực phẩm, sữa, quần áo, học phí, thuốc thang… cho gần 90 con người. Nhưng con số cũng có thể lên đến hơn 100 triệu đồng mỗi tháng khi các cháu bị bệnh nhiều, mọi chi phí đội lên.

DSC_0240.JPG

Các cháu mồ côi ở Mái ấm Từ Ân - Ảnh: H.D

Sư cô Minh Hải tâm sự, điều Sư cô lo lắng nhất là đến mùa nhập học có đến 50 trẻ cùng đến trường một lúc, gánh nặng tiền học phí, sách vở… cũng quá lớn. Cũng may, năm nay nhà trường đã giảm học phí mỗi em 70.000 đồng nên cũng đỡ phần nào. Đáng thương nhất là 15 trẻ sơ sinh cần phải được ưu tiên chăm sóc chu đáo. Chính vì thế, chuyện Sư cô đi mua nhu yếu phẩm trả gối đầu hay mượn trước trả sau cũng thường xảy ra. Dù ở vùng nông thôn, chủ yếu người dân sống dựa vào nông nghiệp nhưng tịnh thất lại không có đất để canh tác nên cũng không có điều kiện làm kinh tế, các chi phí cho các cháu dựa nhiều vào sự phát tâm cúng dường của Phật tử.

Chừng ấy năm hành trì theo lời Phật dạy và sống một đời vì tình thương dành cho trẻ kém may mắn, Sư cô biết mình cần phải lạc quan và tin tưởng vào những điều tốt đẹp.Nhưng cũng có những lúc bệnh duyên, Sư cô thấy mình thật sự cần được giúp đỡ cả về tinh thần lẫn vật chất để có đủ điều kiện hơn chăm sóc cho các cháu. Hiện, Sư cô đang mang trong mình một khối u và căn bệnh tiểu đường phải điều trị cả Đông và Tây y.

Tuy vậy, khi nhắc đến hơn 300 đứa con đã từng ẵm bồng trên đôi tay trong 19 năm qua, Sư cô Minh Hải không khỏi xúc động. Có những em sống ở Mái ấm Từ Ân đã lớn khôn, em lớn nhất năm nay đã 23 tuổi và trở thành người xuất gia với pháp danh Nhuận Thiện. Cùng với Nhuận Thiện, Nhuận Tịnh đang vun bồi kiến thức ở giảng đường đại học. Một số em đã trưởng thành có công ăn, việc làm và lập gia đình.

Nhắc về các em, mắt Sư cô ánh lên niềm vui bởi các em thật sự làm chủ được cuộc đời mình và biết quay về mái nhà yêu thương này cùng giúp đỡ các em nhỏ. Chúng tôi tin rằng, các cháu ở đấy rồi sẽ được sẻ chia tình thương, hỗ trợ vật chất của tất cả mọi người.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Hòa thượng, A-xà-lê và đệ tử

Hòa thượng, A-xà-lê và đệ tử

GNO - Thầy và trò hay sư phụ và đệ tử là những người có nhân duyên quyến thuộc đạo pháp nhiều đời. Mỗi người đều có trách nhiệm và bổn phận khác nhau. Chu toàn phận sự của mình thì Phật pháp mới xương minh, tứ chúng thập phương an ổn.

Thông tin hàng ngày