"Tổ chức Đại giới đàn Đạt Thanh nhằm tri ân tiền nhân, tuyển chọn người xuất gia"

Cung thỉnh di ảnh Đại lão Hòa thượng Thích Đạt Thanh từ chùa Long Quang (H.Hóc Môn, TP.HCM) về tôn trí tại giới trường chùa Tỉnh Hội (Biên Hòa, Đồng Nai)
Cung thỉnh di ảnh Đại lão Hòa thượng Thích Đạt Thanh từ chùa Long Quang (H.Hóc Môn, TP.HCM) về tôn trí tại giới trường chùa Tỉnh Hội (Biên Hòa, Đồng Nai)
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Đó là chia sẻ của Thượng tọa Thích Huệ Khai, Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Đồng Nai, Trưởng ban Tổ chức Đại giới đàn Đạt Thanh trong cuộc trò chuyện với Báo Giác Ngộ trước Tăng sự quan trọng này.

Nói về nhân duyên và ý nghĩa tôn hiệu Đại giới đàn, Thượng tọa cho biết:

- Đại giới đàn mang tôn hiệu Đạt Thanh do Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Đồng Nai tổ chức, nhằm nhớ đến công đức của một vị Tổ sư đã đóng góp to lớn trong công cuộc xây dựng đất nước, Dân tộc và Đạo pháp. Suốt cả cuộc đời Đại lão Hòa thượng Thích Đạt Thanh đã cống hiến sức mình phụng sự nhân sinh nhằm ích đời lợi đạo, là một tấm gương sáng ngời đạo hạnh, bậc kỳ túc Phật giáo thời hiện đại để hàng hậu thế noi theo tu hành.

Thượng tọa Thích Huệ Khai

Thượng tọa Thích Huệ Khai

Đại lão Hòa thượng Thích Đạt Thanh cũng là Ân sư của Trưởng lão Hòa thượng Thích Huệ Thành, pháp húy Hồng Tín, là một trong những vị tôn túc vận động thành lập GHPGVN tỉnh Đồng Nai năm 1982. Với ý nghĩa và nhân duyên đó, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh và Ban Kiến đàn nhất trí lấy tôn danh Đại lão Hòa thượng Thích Đạt Thanh đặt tôn hiệu cho Đại giới đàn nhằm bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với Tổ sư và các bậc kỳ túc tiền nhân.

* So với các Đại giới đàn trước đây thì Đại giới đàn năm nay có điểm gì khác biệt về nội dung và hình thức không, thưa Thượng tọa?

- Giới đàn đều có chung một mục đích ý nghĩa cao cả đó là nơi để tuyển chọn những người có đủ phẩm chất đạo đức để trở thành một vị Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Thức-xoa, Sa-di, Sa-di-ni theo giới luật Phật chế. Về ý nghĩa và hình thức tổ chức mỗi giới đàn sẽ không khác nhau quá nhiều, tùy vào thời gian, địa điểm, số lượng giới tử và điều kiện tổ chức.

Đối với công tác tổ chức Đại giới đàn, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Đồng Nai đều chú trọng đến chất lượng giới tử và trang nghiêm đàn giới. Nhìn lại, Đại giới đàn lần đầu tiên của Ban Trị sự tỉnh tổ chức vào năm 1982, số lượng giới tử tương đối ít nên điểm truyền giới cho Tăng Ni chỉ có một điểm duy nhất là tại tổ đình Long Thiền - trụ sở Ban Trị sự lúc bấy giờ. Còn giới đàn hiện nay có gần 2.000 giới tử thọ giới, số lượng quá đông nên Ban Kiến đàn phải tổ chức 2 điểm truyền giới cho Tăng và Ni. Điểm truyền giới Tỳ-kheo và Sa-di cho giới tử Tăng tại chùa Tỉnh Hội - trụ sở Ban Trị sự GHPGVN tỉnh; điểm truyền giới Tỳ-kheo-ni, Thức-xoa và Sa-di-ni tại chùa Phước Hội.

Tại các Đại giới đàn trước đây, di ảnh của vị tôn đức được đặt làm tôn hiệu Đại giới đàn sẽ được Ban Kiến đàn cung thỉnh từ nơi trú xứ của quý ngài về nơi điểm truyền giới. Đối với Đại giới đàn năm nay, môn hạ tổ đình Long Thiền - Bửu Phong đã cung rước di ảnh của Đại lão Hòa thượng Thích Đạt Thanh từ tổ đình Long Quang (Bà Điểm, Hóc Môn, TP.HCM) - trú xứ mà ngài đã khai kiến về an trí tại tổ đường tổ đình Long Thiền, trước đây là nơi đặt Văn phòng Ban Trị sự của Phật giáo tỉnh Đồng Nai. Sau đó, Ban Nghi lễ Đại giới đàn sẽ cung thỉnh di ảnh ngài từ Long Thiền về chùa Tỉnh Hội trước khi cử hành lễ khai mạc và truyền giới trọng thể của Đại giới đàn Đạt Thanh.

* Với số lượng giới tử đông, Thượng tọa có thể chia sẻ về việc tổ chức của Đại giới đàn nhằm bảo đảm sự trang nghiêm và thành tựu viên mãn?

- Công tác tổ chức Đại giới đàn năm nay được chư tôn đức Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Đồng Nai quán triệt rất kỹ. Tất cả Tăng Ni, Phật tử thành viên các tiểu ban đã nỗ lực cùng nhau làm những gì tốt nhất cho Đại giới đàn trong tinh thần đoàn kết, hòa hợp.

Ban Kiến đàn đã nhận được sự ủng hộ to lớn về tài lực và sức lực của Tăng Ni, Phật tử trong và ngoài tỉnh. Sự nhiệt thành hăng hái cống hiến phụng sự của chư tôn đức Ban Trần thiết, Ban Văn hóa, Ban Trị sự Phật giáo huyện Nhơn Trạch, Văn phòng Ban Trị sự, chư Tăng thiền viện Thường Chiếu…

Vì số lượng giới tử đông nên việc lưu trú được Ban Kiến đàn phân bố ra các cơ sở tự viện gần nhau. Giới tử Sa-di, Tỳ-kheo lưu trú tại chùa Tỉnh Hội, giới tử Sa-di-ni lưu trú tại chùa Đại Giác, giới tử Thức-xoa lưu trú tại Quan Âm tu viện, tịnh xá Ngọc Uyển và giới tử Tỳ-kheo-ni lưu trú tại chùa Phước Hội. Mọi công việc thiết trí, sắp xếp phòng nghỉ đã được khẩn trương hoàn thiện sẵn sàng đón giới tử.

* Vừa qua, vào ngày 2-4, tại Tuyển Phật trường chùa Tỉnh Hội đã tổ chức kỳ khảo thí cho các giới tử có tâm nguyện thọ giới. Với vai trò là Chánh Chủ khảo, Thượng tọa nhận định như thế nào về chất lượng và kết quả đạt được của kỳ thi?

- Trước khi tổ chức Đại giới đàn, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh đã tổ chức khảo thí các giới tử nhằm tuyển chọn những người có đức, có tài đứng vào hàng ngũ Tăng-già, tiếp nối mạng mạch Phật giáo, hoằng dương Chánh pháp; nhất là đối với Tăng Ni trẻ, rường cột của Phật giáo cần được quan tâm nuôi dưỡng. Nội dung khảo thí được Ban Kiến đàn và chư tôn đức trong Ban Giám khảo đặc biệt chú trọng. Ngoài kiến thức Phật pháp căn bản, các giới tử còn phải nắm rõ luật nghi bắt buộc của người xuất gia.

Ban Kiến đàn đã tổ chức khảo thí cho 2.037 giới tử đăng ký thọ giới, vào ngày 2-4-2024 (24-2-Giáp Thìn). Kỳ thi diễn ra rất nghiêm túc và chất lượng. Sau kỳ thi, Ban Kiến đàn đã tuyển chọn được 1.930 giới tử đủ điều kiện thọ giới. Sáng ngày 25-4-2024 (17-3-Giáp Thìn) các giới tử làm thủ tục nhập giới trường và tối cùng ngày thi trùng tuyên giới luật, từ đó chọn ra được những giới tử ưu tú, tiêu biểu của các đàn giới.

* Với gần 2.000 giới tử đăng ký thọ giới Đại giới đàn Đạt Thanh, Thượng tọa có lời nhắn nhủ gì đến các giới tử?

- Đại giới đàn Đạt Thanh năm 2024 tổ chức được thành tựu viên mãn là nhờ sự gia trì của Tam bảo và liệt vị Tổ sư, nhất là nhờ hồng phước của chư tôn đức chứng minh và toàn thể Tăng Ni, đồng bào Phật tử các giới ủng hộ. Tất cả tâm tư của Ban Kiến đàn đều mong muốn đem đến những gì tốt đẹp nhất cho các giới tử, chúng tôi mong rằng các giới tử thấy được điều này phải nên phát nguyện tinh tấn để không cô phụ chí nguyện xuất gia tu hành của mình.

Khi giới thể châu viên, trở về nơi bổn tự của mình, các giới tử cần phải nỗ lực nghiêm trì giới pháp mình đã lãnh thọ. Ý thức được rằng: “Giới luật là mạng sống của Phật pháp, giới luật còn thì Phật pháp còn”, chúng ta sẽ dõng mãnh, tinh tiến trên đường đạo.

Đặc biệt, đối với Tăng, Ni trẻ phải nên lưu tâm một điều: “Cái gì đáng nói thì nên nói, cái gì không đáng nói nên im lặng và cuộc sống hàng ngày của mình phải thực hành ‘khắc kỷ vị tha’ theo lời chư Tổ đã răn dạy”, tức là mỗi người phải luôn nghiêm túc với chính mình và khoan hồng, tha thứ cho người khác.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Đi chùa giúp tâm an tịnh - Ảnh minh họa

Một ngày mặc chiếc áo lam

GNO - Ông Hai lắng tai nghe tiếng ồn ào từ nhà ông Tư vọng sang. Nhà ông Tư từ hồi nào đến giờ có khi nào vợ chồng to tiếng đâu, hôm nay bỗng dưng có tiếng cãi vã lẫn tiếng bát đĩa vỡ nữa mới lạ chứ?

Thông tin hàng ngày