GNO - Hôm nay, 27-6 (14-5-Mậu Tuất), HĐTS và BTS GHPGVN tỉnh Bắc Ninh đã tổ chức buổi tọa đàm khoa học “Thiền sư Vạn Hạnh với thời kỳ đầu kỷ nguyên độc lập, tự chủ” tại chùa Phật Tích (huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh).
Chư tôn đức và các học giả chủ tọa đoàn
HT.Thích Gia Quang phát biểu khai mạc
Phát biểu khai mạc buổi tọa đàm, HT.Thích Gia Quang nhấn mạnh, một đời tu thân, đắc đạo, Thiền sư Vạn Hạnh thực sự là “kiến trúc sư” cho Lý Công Uẩn trong cả cuộc sống và sự nghiệp vinh quang.
Vì vậy, theo Hòa thượng, ở tọa đàm lần này, các nhà nghiên cứu, học giả sẽ ôn lại đạo hạnh thanh tịnh và thệ nguyện sâu rộng của Thiền sư Vạn Hạnh - dấn thân trọn vẹn với lý tưởng nhập thế, đem đạo vào đời, với tinh thần tùy duyên bất biến, trụ vào nơi vô trụ.
HT.Thích Thiện Nhơn trình bày tham luận
HT.Thích Thanh Nhiễu
HT.Thích Bảo Nghiêm
Và ông Bùi Hữu Dược trình bày tham luận liên quan
Quang cảnh tọa đàm
Qua đó, khái quát, với tinh thần nhập thế tích cực, vô trụ giải thoát của các vị Thiền sư, Quốc sư và Tăng Ni, Phật tử Việt Nam qua gần 2.000 năm lịch sử truyền thừa và phát triển liên tục trong suốt thời kỳ dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Nhất là tinh thần đoàn kết hòa hợp dân tộc, gắn bó giữa đạo và đời, là chất liệu keo sơn không bao giờ cách ly.
Đôi nét về Thiền sư Vạn Hạnh Vạn Hạnh (chữ Hán: 萬行) (938 – 1018) là một tu sĩ Phật giáo Đại Cồ Việt, người châu Cổ Pháp (Bắc Ninh). Ngài là một trong những trí thức Phật giáo làm cố vấn vua Lê Đại Hành, đồng thời là người thầy của Lý Công Uẩn, đã hướng dẫn cho vị này một thời gian dài trước và sau khi triều Lý thành lập. Thiền sư Vạn Hạnh được xem là người có tài tiên đoán, đã vận dụng khả năng này để đưa Lý Công Uẩn lên ngôi, mở ra triều Lý, triều đại lâu dài đầu tiên trong sử nước Việt. Thiền sư họ Nguyễn, quê châu Cổ Pháp (古法, nay thuộc thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh), từ thuở nhỏ đã thông minh, học thông Nho, Lão, Phật và nghiên cứu hàng trăm bộ luận Phật giáo. Năm 21 tuổi, ngài xuất gia, tu học với bạn là Thiền sư Ðịnh Tuệ dưới sự chỉ dẫn của Thiền sư Thiền Ông tại chùa Lục Tổ. Sau khi ngài Thiền Ông mất, Thiền sư Vạn Hạnh bắt đầu chuyên thực tập Tổng Trì Tam Ma Ðịa, nên sau này hễ ngài nói lời gì đều được thiên hạ cho là phù sấm. Vua Lê Ðại Hành rất tôn kính ngài. Năm 980, hoàng đế Đại Tống sai tướng Hầu Nhân Bảo mang quân sang đóng ở núi Cương Giáp Lãng định xâm chiếm nước Đại Cồ Việt, Lê Đại Hành thỉnh ngài vào hỏi nếu đánh thì thắng hay bại. Ngài đáp, trong vòng từ ba đến bảy ngày quân Tống sẽ rút lui. Lời này sau ứng nghiệm. Khi Lê Đại Hành muốn xuất quân đánh Chiêm Thành để cứu sứ giả bị vua Chiêm bắt giữ nhưng còn do dự, thì ngài Vạn Hạnh nói đây là cơ hội đừng để mất. Sau đó lời này nghiệm, và Lê Đại Hành đánh tan quân Chiêm. Theo sách Thiền uyển tập anh, thời bấy giờ có người tên Đỗ Ngân muốn ám hại thiền sư; việc chưa xảy ra thì thiền sư đã biết trước, gửi cho Đỗ Ngân bài thơ: "Cây đất sinh nhau bạc với vàng, Cớ sao thù địch mãi cưu mang. Bấy giờ năm miệng hồn thu dứt, Thật đến về sau chẳng hận lòng" Đỗ Ngân bèn từ bỏ dã tâm. Trong cuộc vận động Thân vệ Lý Công Uẩn (Lý Thái Tổ) lên ngôi, ngài đã tác động dư luận quần chúng bằng sấm truyền rất hữu hiệu. Sách Thiền uyển tập anh nói những loại sấm truyền và tiên tri ngài dùng có rất nhiều thứ không kể hết được. Ngày vua Lý Thái Tổ lên ngôi, thiền sư ở trong chùa Lục Tổ nhưng đã biết trước, nói với người bác và chú của Thái Tổ rằng: "Thiên tử đã băng, Lý thân vệ hiện đang ở nhà, tay chân họ Lý túc trực trong thành lên tới số ngàn. Trong trưa này, Thân vệ ắt được lên ngôi". Bác và chú vua Thái Tổ thấy lo bèn sai người đi dò tin tức, mới thấy lời thiền sư nói đúng. Ngày Rằm tháng 5 năm Thuận Thiên thứ 9 (tức 30-6-1018), khi công hạnh đã viên mãn, Thiền sư gọi đồ chúng lại dặn dò, đọc bài kệ rồi thị tịch. Vua Lý Thái Tổ và tất cả triều thần nhà Lý đến làm lễ trà-tỳ, thỉnh xá-lợi của ngài về thờ tại chùa Tiêu Sơn (Bắc Ninh). (theo Wikipedia) |
Hoàng Tuấn - Phúc Thông