Tọa đàm: Nhiều Tăng Ni trăn trở khi ứng dụng công nghệ trong hoạt động hoằng pháp

Tọa đàm "Hoằng pháp thời đại kỹ thuật số thuận lợi và thách thức"
Tọa đàm "Hoằng pháp thời đại kỹ thuật số thuận lợi và thách thức"
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Chư Tăng Ni các tỉnh thành miền Đông, Tây Nam Bộ trong khóa tập huấn nghiệp vụ hoằng pháp do Ban Hoằng pháp T.Ư tổ chức vào tối 6-4, tại tu viện Khánh An (Q.12, TP.HCM) chia sẻ nhiều trăn trở khi ứng dụng công nghệ hoằng pháp trong thời đại kỹ thuật số.
Chư tôn đức tham dự

Chư tôn đức tham dự

Hòa thượng Thích Minh Thiện, Phó ban Hoằng pháp T.Ư chủ tọa buổi tọa đàm “Hoằng pháp thời đại kỹ thuật số thuận lợi và thách thức” phát biểu khai mạc cho biết buổi tọa đàm là để lắng nghe những kinh nghiệm, vấn đề khi chư tôn đức trong ngành hoằng pháp gặp phải ở địa phương.

"Dựa trên 9 nguyên tắc về hoằng pháp để cùng nhau tìm ra giải pháp để củng cố niềm tin cho thập phương đàn tín, những người có thiện cảm với Phật giáo, những người mới bắt đầu tìm hiểu học Phật”, Hòa thượng chủ tọa nhấn mạnh.

Hòa thượng Thích Minh Thiện chủ tọa
Hòa thượng Thích Minh Thiện chủ tọa

Chư tôn đức chia sẻ những thành tựu về công tác hoằng pháp tại địa phương, với các mô hình kết hợp với các ban chuyên môn tổ chức thành công khóa tu cho người lớn tuổi, khóa tu cho người trẻ, lớp giáo lý, kết hợp tổ chức mô hình từ thiện. Qua quá trình hoạt động cũng có những trăn trở như: Ban Hoằng pháp tỉnh Tiền Giang, Sóc Trăng, Vĩnh Long các đạo tràng Phật tử đa số lớn tuổi và số lượng ngày càng giảm do "về với Phật", các bạn trẻ đa số đi làm xa... nên dẫn tới hạn chế số lượng tu học tại các đạo tràng.

“Sau đại dịch số lượng người tham gia các đạo tràng giảm, Phật tử giảm. Chư tôn đức giảng sư cũng gặp rất nhiều thách thức khi ứng dụng thời đại công nghệ số. Các giảng sư Ban Hoằng pháp trăn trở nhiều khi muốn ứng dụng công nghệ khi thấy mặc lợi ích nhưng kèm mặt tác hại quá lớn nên hầu như chỉ tổ chức các hoạt động truyền thống, chỉ hỗ trợ những công việc cần thiết cho các bạn trẻ không mạnh dạn ứng dụng công nghệ vào thuyết giảng của mình”, Đại đức Thích Như Quang, Chánh Thư ký Ban Hoằng pháp tỉnh Trà Vinh chia sẻ tại tọa đàm.

Đại diện cho đoàn Ban Hoằng pháp tỉnh Trà Vinh, Đại đức Thích Như Quang chia sẻ
Đại diện cho đoàn Ban Hoằng pháp tỉnh Trà Vinh, Đại đức Thích Như Quang chia sẻ

Tại tỉnh Hậu Giang, Thượng tọa Thích Đạo Như, Trưởng ban Hoằng pháp tỉnh bày tỏ thế hệ trẻ có hiểu biết về công nghệ, khi đăng thông tin khóa tu trên mạng thì nhiều người trẻ biết đến và đến khóa tu rất đông. Còn với người lớn tuổi ít biết về công nghệ nên khi thông tin đăng trên mạng thì cũng ít biết nên số lượng tham gia tu học hạn chế hơn.

Thượng tọa Trưởng ban Hoằng pháp tỉnh Hậu Giang cho biết, dù thuyết pháp nhiều nhưng bản thân không tự tin khi livestream những buổi thuyết giảng. “Vì tôi thấy chương trình mạng phức tạp, Thượng tọa này, Hòa thượng kia thuyết pháp cùng một nội dung, nhưng các trang đưa ra so sánh thì thấy có sự khác nhau giữa hai vị”.

Đại diện tỉnh Đồng Tháp, Thượng tọa Thích Thiện Thật chia sẻ trăn trở thời đại công nghệ có rất nhiều thuận lợi và cũng rất nhiều khó khăn. Phật giáo đang bị "bão tố" trên mạng, rất nhiều điều nhắm vào hình ảnh Tăng Ni, đặc biệt Ban Hoằng pháp. Do đó, vấn đề đưa tin, hình ảnh lên mạng nên hạn chế, vì có nhiều đối tượng lợi dụng sử dụng hình ảnh này để chỉ trích làm giảm đi uy tín tu sĩ và giảm đi niềm tin của Phật tử.

Thượng tọa Thích Thiện Quý đại diện Ban Hoằng pháp GHPGVN TP.HCM chia sẻ tại buổi tọa đàm
Thượng tọa Thích Thiện Quý đại diện Ban Hoằng pháp GHPGVN TP.HCM chia sẻ tại buổi tọa đàm

Công nghệ rất quan trọng, ngày nay nhờ công nghệ, ở bất cứ nơi nào có kết nối mạng là có thể kết nối toàn cầu, có thể hoằng pháp trên không gian mạng. Do đó, theo Thượng tọa Thích Thiện Quý, Phó Thường trực Ban Hoằng pháp Phật giáo TP.HCM chia sẻ: “Một vị hoằng pháp, là một vị đại diện cho Đức Như Lai để trao truyền chánh pháp, không chỉ cần nền tảng sở học mà cả nền tảng tu tập của chính mình để truyền tải đến thính chúng, từ đó ứng dụng công nghệ hoằng pháp sẽ có lợi ích, thành tựu. Đồng thời, mỗi người phải có trách nhiệm với những phát ngôn và kỷ cương với chính mình khi đăng tải những gì lên mạng”.

Qua các chia sẻ từ Tăng Ni, Hòa thượng Thích Minh Thiện đúc kết nhấn mạnh không nhất thiết cái gì cũng phải đăng online, có những bài thuyết pháp nên quay lại làm tư liệu, sau đó biên tập kỹ rồi mới đăng lên mạng sẽ tốt hơn. Sử dụng công nghệ giúp hoằng pháp được thuận lợi, tuy nhiên có những thách thức ở bản thân người sử dụng công nghệ là phải có trách nhiệm với những nội dung mình thuyết giảng, cần chuẩn hóa, cần phải có tu học và hành trì, "phải tri hành hợp nhất".

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Có 27 thanh niên từ 16 quốc gia tham gia chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu đã tạo nên một cộng đồng quốc tế đa dạng

Chương trình Bồ-tát trẻ tuổi

GNO - Mạng lưới Phật tử Nhập thế Quốc tế (INEB) vừa qua đã tổ chức Chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu hàng năm, một khóa học trải nghiệm kéo dài hai tuần dành cho các nhà lãnh đạo trẻ và các nhà hoạt động xã hội.

Thông tin hàng ngày