Nghe pháp như thế nào cho có lợi lạc? [Kỳ 1] Nghe pháp - việc lành cần trang bị nền tảng, kỹ năng

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1244 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1244 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00

GNO - Vấn đề thuyết giảng và nghe pháp đã được Báo Giác Ngộ đề cập trong nhiều bài viết. Thỉnh thoảng, Tổ Tư vấn của báo cũng nhận được câu hỏi, thắc mắc về nội dung một bài giảng, một ý pháp mà họ nghe đâu đó trên mạng, từ những vị giảng sư và đã có giải đáp theo tinh thần lời Phật dạy qua kinh điển và truyền thống Phật giáo Việt Nam.

Gần đây, mạng xã hội rộ lên những đợt tranh luận về nội dung thuyết giảng, chia sẻ của một số chư tôn tịnh đức. Có những bài giảng cũ được cắt đăng trên nhiều nền tảng mạng xã hội, có những video lần đầu xuất hiện, tạo nên những làn sóng lo lắng, hoang mang của Phật tử. “Giờ muốn nghe pháp nhiều Phật tử không biết nên nghe ai. Không phải phản ứng nào của mạng xã hội cũng là cắt ghép, ác ý hoặc không có cơ sở”, Quang Thiện, một Phật tử ở TP.HCM bày tỏ.

Tìm minh sư, chánh tín trong nghe pháp

Nói với Báo Giác Ngộ, Phật tử Quang Thiện chia sẻ thêm: “Đức Phật và chư Tổ đều khuyến khích người học Phật cần phải nghe pháp, nhờ đó hiểu rõ hơn lời Phật dạy để tinh tấn trên đường tu, tu đúng. Tuy nhiên, khi nghe pháp cần có sự tò mò, suy ngẫm, đối chiếu để xem những lời giảng sư có phù hợp với mình và đúng theo lời Phật dạy trong kinh điển không”.

Theo anh Quang Thiện, có rất nhiều người nghe pháp rất hồn nhiên, cứ mặc định giảng sư thì nói gì cũng đúng, là chân lý. Do không có sự… hoài nghi nào với lời giảng của vị thầy trên pháp tòa nên tin theo một cách dễ dãi, sau khi nghe quá nhiều vị thì lại bị rối rắm, như bị rơi vào mớ bòng bong.

“Hồi mới học Phật tôi cũng thường nghe một vị thầy thuyết giảng. Với chất giọng trầm ấm, từ tốn, đôi khi pha chút hài hước nên tôi tìm băng cassette của thầy để nghe. Tuy nhiên, nghe một thời gian, tìm hiểu Phật pháp kỹ hơn, có sự thực tập nhiều hơn, tôi dần bớt nghe vị giảng sư ấy lại, vì thấy những kiến giải của thầy không hợp lý lắm”, M.Đăng, Phật tử ở Hà Nội chia sẻ.

Phật tử M.Đăng cho rằng, trong kinh Kalama, Đức Phật cũng không yêu cầu người nghe tin tuyệt đối những gì Ngài nói. Ngài cũng đề nghị hãy tìm hiểu kỹ, đến để mà thấy, chứng thực rồi hẵng tin và ứng dụng, chia sẻ với người khác.

“Có một sự nguy hiểm trong nghe pháp của Phật tử hiện nay đó là bài giảng tràn lan trên mạng. Có những vị giảng pháp ‘đu trend’ trên mạng xã hội giống như tấu hài, chủ yếu gây cười nhưng lại có đông người nghe, khiến nhiều người ngộ nhận đó là bài giảng hay, là lời vàng ý ngọc rồi chia sẻ, lan truyền mạnh mẽ. Không phải lúc nào đông người nghe hay đông đồ chúng cũng đúng”, bạn M.Đăng nói.

“Hãy tìm thầy có thực học, thực tu - là minh sư để nghe”, nhiều người thống nhất với quan điểm này trên một diễn đàn học Phật. Các hội nhóm những người yêu mến đạo Phật, tìm về chánh giác ngày càng nhiều giữa thời buổi nhiễu nhương, phiền não. Họ có điều kiện vật chất, có bằng cấp thế học và có độ chín trong tư duy nên khi tìm hiểu Phật pháp, mọi người đều có những bình luận sâu sắc về những gì mình nghe thấy thông qua cách giảng sư thể hiện. Do vậy, họ khuyến khích nhau cần có chánh tín trong khi nghe pháp, đừng thấy thầy nào nói gì cũng nghe và làm theo. “Tu Phật mà không có chánh tín, thiếu chánh kiến thì thành mê tín liền”, một diễn đàn về nghe Phật pháp nhắn nhủ.

Học Phật từ gốc

Có nhiều lý do khiến Phật tử bị loạn trong bài giảng. Thứ nhất, không phải vị trụ trì nào cũng học và tốt nghiệp các trường Phật học. Và có những vị có bằng cấp Phật học nhưng không có “khiếu” giảng nên không chia sẻ giáo lý được với Phật tử chùa mình.

Thứ hai, hiện nay, có nhiều vị giảng sư không qua trường lớp đào tạo chính quy. Một số vị mới xuất gia, có ngoại hình, có khiếu ăn nói (một trong số những điều kiện thu hút người nghe - NV) liền đăng tòa thuyết giảng. Thông qua một dịch vụ quay phim, ghi hình hoặc livestream lên mạng xã hội (có thể có cả quảng cáo các video giảng pháp của mình), một thời gian vị ấy trở thành “người nổi tiếng”, những KOL, người của công chúng. Một số nơi tổ chức khóa tu, vì để thu hút giới trẻ cũng nhanh chóng liên hệ, thỉnh mời vị giảng sư nổi tiếng trên mạng ấy về thuyết giảng. Duyên nọ kéo duyên kia, với “công nghệ lăng-xê” thời mạng xã hội, có nhà sư bỗng dưng nổi tiếng sau một đêm nhưng chất liệu Phật học lẫn tu tập chưa đủ để truyền trao giáo pháp.

Tin vào người nói và nội dung người ấy truyền đạt vì số đông thần tượng là nguyên nhân thứ ba dẫn tới việc “đau bụng”. Một thức ăn dù là đoàn thực hay pháp thực thì cũng cần đủ chất lượng, nếu không, càng ăn càng dễ sinh bệnh. “Phật pháp đâu phải đơn giản như vậy. Giảng sư xin đừng chỉ đu trend, gây cười, đừng lý giải nhân quả kiểu hồn nhiên”, không ít Phật tử trí thức có học, có tu Phật đã không ngần ngại nói thẳng.

Thêm nữa, việc thẩm định các nội dung thuyết giảng của các vị tu sĩ thuộc GHPGVN vẫn chưa được thực hiện nên đâu đó vẫn có những nội dung được đưa lên mạng, phát hành rộng rãi có “sạn”, tạo ra những hiểu lầm cho Phật tử, người sơ cơ học Phật. Đồng thời, tạo cơ hội cho ngoại đạo, người chưa thiện cảm với Phật giáo có dịp chỉ trích, tạo ra không ít khủng hoảng truyền thông.

“Học Phật cần học từ căn bản đến nâng cao. Rất cần những lớp học giáo lý tại chùa hoặc online trên các kênh chính thống của Phật giáo. Tuy nhiên, trước khi có những chương trình như vậy, mỗi Phật tử vừa nghe giảng, cần phải đọc kinh, hành thiền, đọc sách của các vị thầy lớn, có uy tín để tìm hiểu sâu hơn Phật pháp”, Quang Thiện bày tỏ.

Người giảng, người nghe lắng nghe nhau

Hòa thượng Thích Hải Ấn

Hòa thượng Thích Hải Ấn

“Trong quá trình thuyết giảng của một vị giảng sư, điều quan trọng và cần thiết nhất là phải đúng Chánh pháp của Đức Phật. Nếu có vị nào nói pháp mà đi quá xa, ra khỏi giáo pháp thì người nghe buổi thuyết giảng ấy nên phản ánh lại với tổ chức/ đơn vị mời vị ấy thuyết giảng. Qua đó, Ban Tổ chức có ý kiến, điều chỉnh lại những chỗ sai lạc - giúp các vị giảng sư thuyết giảng tốt hơn trong lần sau. Ban Hoằng pháp khi tập huấn hay đào tạo các vị giảng sư cũng đã có nói cho các giảng sư điều này.

Người Phật tử nghe pháp cũng cần phải hiểu rõ, người nghe pháp là một người đi xin giáo pháp của Phật, vì vậy cần phải tôn trọng Pháp tức tôn trọng người thầy thuyết giảng pháp. Nhờ đó, Phật tử hiểu rõ lời Phật dạy và nhớ lời Phật dạy một cách sâu sắc, để thực hiện trong cuộc sống hàng ngày của mình.

Khi Phật tử nghe pháp cần phải chú ý lắng nghe, nếu gặp điều nào chưa hiểu rõ thì cần phản ánh lại sau khi thầy thuyết giảng xong. Khi thấy có sự sai lầm khác biệt nào thì nên hỏi lại cho rõ ràng hơn để mình có thể thâm nhập được giáo lý của Phật. Vấn để ở đây là sự tôn trọng pháp chứ không phải là một sự đối chất với thầy giảng pháp, có như vậy thì sự hiểu đúng Chánh pháp của mình mới được thâm sâu hơn”.

Hòa thượng Thích Hải Ấn

(Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự, Viện trưởng Học viện Phật giáo VN tại Huế)

(Hữu Tình ghi)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Có 27 thanh niên từ 16 quốc gia tham gia chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu đã tạo nên một cộng đồng quốc tế đa dạng

Chương trình Bồ-tát trẻ tuổi

GNO - Mạng lưới Phật tử Nhập thế Quốc tế (INEB) vừa qua đã tổ chức Chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu hàng năm, một khóa học trải nghiệm kéo dài hai tuần dành cho các nhà lãnh đạo trẻ và các nhà hoạt động xã hội.

Thông tin hàng ngày