"Tôi gọi đây là mùa lúa Tết"

GNO - Nắng gió thênh thang. Vạt đồng đông xuân đang vô vụ vàng hực. Xong mùa lúa quê tôi bao giờ cũng đến Tết. Tôi gọi đây là mùa lúa Tết.

Rồi đây cái máy gặt đập liên hợp sẽ thay thế người thợ gặt. Điều đó làm tôi mừng nhưng cũng làm tôi tiếc (con người nhiều khi kì cục vậy đó). Có người sẽ hỏi mắc mớ gì tiếc? Ừ có mắc mớ gì tôi đâu. Mà sau này, những lúc tôi đi ngang qua đồng, tôi chắc rằng mình cũng sẽ nhớ.

Nhớ những dáng người oằn lưng nắm từng tay lúa xếp lại rồi bó thành bó chắc nụi. Thợ gánh thì thủng thẳng móc từng bó lúa lên đòn sóc. Nhịp nhàng gánh về để ở góc sân. Tôi sẽ nhớ da diết cho coi bởi trong đám người thợ gặt ấy có mẹ tôi. Có những khi trời khuya có trăng sáng mẹ tôi lục đục thức dậy. Giật mình dụi mắt hỏi:

- Mẹ đi đâu sớm vậy mẹ?

-  Mẹ đi gặt.

luatet.jpg


Ảnh minh họa

 Khi sáng bửng mắt là mẹ tôi đã sắp xong công gặt. Những lúc như vậy mẹ dậy lúc ba giờ rưỡi sẵn bắc cho ba tôi ấm nước. Mẹ bận bộ đồ tay dài phèn đóng ở vạt áo và hai tay áo vàng khè dày cộp, rồi đội cái nón rách bươm, giắt theo cây nhang để bồ mắc đỡ cắn rồi tất tả đi. Mẹ tôi đi gặt từ thời mười hai mười ba tuổi. Tuổi thơ mẹ nhọc nhằn nên chẳng được học hành gì. Ấy vậy mà sao mẹ lại có nhiều thứ để dạy tôi đến vậy. Sau này nhà khá lên, nhưng đến mùa mẹ tôi vẫn đi gặt. Có bữa thiếu người, mẹ gặt luôn cả một công đất. Về nhà than mỏi lưng kêu tôi xức dầu rồi đấm lưng đùng đụt. Ba tôi xót, cằn nhằn. Mẹ cười xoà: Làm ăn chung người ta lâu năm, những lúc thắt ngặc mình bỏ người ta sao đành.

Ngày trước, những lúc rảnh, tôi và chị hai hay theo mẹ chạy lăng quăng đi mót lúa. Mỗi bông lúa mót được, tôi và chị hai sẽ nhanh tay tỉa lớp áo rơm bên ngoài chỉ còn cái ống lúa trắng phếu. Mấy bó lúa mót được cột rất  đẹp. Những hột lúa no nưởng nằm lên nhau nhung nhút phía đuôi là những ống lúa đã được lưỡi hái của mẹ tôi tỉa bằng. Về mẹ tôi sẽ phơi và giê thêm với lúa bui bui. Vậy đó mà chúng sẽ là đồ Tết của chị em tụi tôi.

Giờ mẹ tôi đã có tuổi không đi gặt nữa nhưng những khi thấy ngoài đồng lúa bắt đầu đỏ đuôi là lòng mẹ nôn nao. Khi trên đồng mấy hột lúa vàng hực nằm liếm lên bờ thì mẹ tôi khấp khởi nhắc ba đi mướn công gặt. Những lúc phơi lúa, suốt lúa, giê lúa mẹ tưng tiu từng hột lúa bằng cả tầm lòng. Những bài dạy như vậy mẹ tôi không dạy bằng lời.

Bao nhiêu thứ sắm sanh Tết nhất đều trông vào mùa lúa Tết này. Có mấy năm giá lúa thấp đũng. Lúa trong bồ còn còn loi ngoi thì nợ ngoài đường đã tứ giăng. Nợ phân, nợ thuốc, nợ công nhổ, nợ cày bừa… Bán chừng giạ lúa, đi chợ về mà thấy giỏ đồ nhẹ te. Đồ đạc ngoài chợ thì cái gì cũng lên mà giá lúa lại xuống. Trong khi gia đình tôi chỉ biết trông cậy vào hột lúa một nắng hai sương giãi dầu. Đêm mẹ nằm chiêm bao trong vía thấy chợ xã bán đại hạ giá, ba chân bốn cẳng chạy mua, mà cứ chạy là té, đứng lên chạy lại té, khi đến chợ thì chợ đã tan. Thức dậy tiếc ngẩn tiếc ngơ mà đầu gối thì tê cứng.

Vậy chứ bán lúa xong xuôi, có tiền trong tay là mẹ tôi lại tất tả dắt tôi và Hai đi chợ để sắm sửa đồ Tết. Tôi thường phụ mẹ xách giỏ đồ nặng ịch. Hai thì phụ mẹ cầm bó bông vạn thọ to tướng để cúng ông bà. Tôi khấp khởi nôn nao được ướm vào mình ba bộ đồ mới mà mẹ mua để mặc trong ba ngày Tết. Hai tôi thì cứ lén nhìn ba bộ đầm đẹp lấp ló trong giỏ đồ mà tủm tỉm cười thầm. Tết này mặc sức mà chị em tôi sẽ đi khoe với mấy đứa bạn cùng xóm. Có khi bất thình lình tôi hỏi ngô ngê:

- Đồ mới của con với của Hai có rồi còn của mẹ?

- Đồ năm nay xấu hoắc hà mẹ hỏng thèm mua.

Mà ngộ lắm năm nào mẹ cũng nói y chang câu đó.

Rằm tháng chạp, ba mẹ lặt lá mai, tôi và chị Hai cũng sớ rớ tước lá mấy nhánh mai ở dưới thấp. Mẹ lặt lá kĩ lắm. Ba cười: mẹ mày sợ cây đau. Biết ba và tụi tôi thích ăn củ cải trắng phơi khô queo rồi ngâm nước mắm, món Tết đặc trưng của gia đình tôi. Mẹ đã cất công lựa kĩ từng củ rồi chẻ nhỏ phơi khô. Mỗi lần nhìn mẹ đội nón lá đem củ cải ra phơi là trong lòng tôi lại nôn nao Tết.

Lớn lên một chút tôi giành lặt lá mai với ba mẹ, còn Hai thì sẽ đi mua củ cải trắng về ngâm nước mắm. Giành vậy chứ tụi tôi thừa biết mẹ sẽ đi trông chừng để nhắc tôi đừng lặt lá mạnh tay, nhắc Hai lựa củ cải cho thật kĩ lưỡng. Tụi tôi thường chọc mẹ : "Biết rồi khổ lắm nói mãi". Và chắc chắn sẽ bị mẹ cóc đầu cho vài cóc. Hai chị em tôi bụm miệng cười chạy ra sân.

Ngày trước gần giáp Tết, mẹ tôi làm việc không nghỉ tay. Bây giờ, mẹ đỡ cực hơn vì có Hai giỏi giang tháo vát. Tôi đi học xa về cũng giúp mẹ được ít nhiều. Nhưng bao giờ mẹ cũng đóng vai trò là họa sĩ chính vẻ nên không khí Tết của gia đình. Mẹ chỉ cho Hai gói bánh tét. Năm đầu tiên Hai tập gói, tôi cười như nắc nẻ trước sản phẩm đầu tay của chị. Mẹ cười khỏ đầu tôi cái cóc. Hai thì liếc xéo: Giỏi thì vô đây làm thử. Tức khí tôi nhào vô làm liền: Dễ ợt. Nhìn sản phẩm đầu tay của tôi, mẹ khen: Lương chê lịch he con. Tôi lén leo xuống chạy mất dép.

Năm nay, gần Tết ba tôi than: mẹ mày cứ đè ba xuống nhổ tóc ngứa chắc đầu ba trọc lóc luôn. Bất giác nhìn lên tóc ba mẹ, tôi thảng thốt buồn. Năm nay nhà lại thiếu một người, Hai đi lấy chồng xa.

Gió Tết về từng lọn xôn xao ngoài ngõ.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh minh họa

Không giữ giới có năm điều suy hao

GNO - Sống ở đời ai cũng mong muốn gia đạo bình an, sự nghiệp ổn định và phát triển. Tuy vậy, không nhiều người biết rằng nền tảng của những mong ước thiện lành đó chính là phước đức.
Thờ vong ở trong chùa

Thờ vong ở trong chùa

GNO - Cha tôi vừa qua đời cách nay hơn 5 tháng. Khi cha mất, có người xem giờ cho biết cha tôi đi vào giờ xấu, nên phải gửi vong lên chùa. Sau khi chôn cất xong tôi đã gửi vong cha lên chùa. Tôi có nghe một số người nói trong 49 ngày cha tôi cũng không nhận được lộc. Hiện tôi rất đau khổ và hoang mang...
Ảnh Minh Họa .nguồn Làng Cười

Ngày lành tháng tốt

GNO - Hiện lòng tôi rất hoang mang, lo lắng và không biết giải quyết làm sao? Xin quý Báo cho biết về ngày tốt, xấu có thực không? Nếu không tại sao trong chùa các thầy lại coi ngày? Lòng hơi lo sợ vì nếu không nghe lời thầy thì sau này biết đâu gặp nhiều điều không vui hay trắc trở do cưới không đúng ngày tháng tốt.

Thông tin hàng ngày