GNO - Sáng nay, 24-3 (16-2 AL), tại chùa Trấn Quốc (đường Ngô Gia Tự, Q.10, TP.HCM) đã diễn ra lễ húy nhật lần thứ 7 của cố HT.Thích Giác Hải, nguyên Thành viên HĐCM GHPGVN, Trưởng môn phái tổ đình Vĩnh Nghiêm, trụ trì chùa Giác Tâm (Q.5), chùa Giác Hải (Q.Bình Tân) và chùa Trấn Quốc.
Tượng HT.Thích Giác Hải tại tổ đường chùa Trấn Quốc
Buổi lễ có sự chứng minh của HT.Thích Đức Nghiệp, Phó Pháp chủ HĐCM GHPGVN; HT.Thích Thiện Tánh, Phó Chủ tịch HĐTS, Phó ban Thường trực BTS GHPGVN TP.HCM; HT.Thích Tịnh Hạnh, HT.Thích Như Tín, đồng Phó BTS PG TP, cùng chư tôn đức các tự viện, và môn đồ pháp quyến.
Trong buổi sáng, chư Tăng Ni đã tụng kinh cầu nguyện tại chánh điện; sau đó, chư vị kinh sư và môn đồ pháp quyến cung tiến Giác linh cố Hòa thượng tại Tổ đường theo nghi thức thiền môn miền Bắc.
Được biết, cố HT.Thích Giác Hải, tự Thanh Thuần, đạo hiệu Tâm Quán, thế danh Phạm Văn Kiểm, sinh năm Đinh Mão (1927) tại làng Nguyên Hanh, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Đông (nay là quận Thường Tín, ngoại thành Hà Nội). Thân phụ là cụ ông Phạm Văn Hách, thân mẫu là cụ bà Nguyễn Thị Ruyền.
Hòa thượng sinh ra trong gia đình nhiều đời tín Phật. Hòa thượng quy y với Sư cụ Thích Thanh Giá tại chùa Phú Đôi, thôn Phú Đôi, Hà Đông lúc 9 tuổi. Sau đó, Hòa thượng được giới thiệu đến chùa Trấn Quốc, xuất gia cầu pháp với nghiệp sư là Sư tổ Thích Tâm Lợi (Sư tổ đời thứ 11). Vì còn là Khu ô nên Tổ Thích Tâm Lợi đã cho y chỉ vào HT.Thích Thanh Tỉnh (Sư tổ đời thứ 12) để nhận ân giáo dưỡng và tu học.
Năm 16 tuổi, Hòa thượng thụ Sa-di giới. Năm 20 tuổi Hòa thượng thụ Tỳ-kheo giới, từ đó được gần gũi, theo học với các bậc thạc đức tùng lâm thời bấy giờ, cũng như với các bậc cao tăng dòng Tào Động tổ đình Trấn Quốc.
Năm 1951, Hòa thượng nhận mệnh chư Tổ, chọn phươngNam làm nơi phát triển tư tưởng của tổ đình Trấn Quốc. Vào đến Sài Gòn, Hòa thượng liền nhập trường Phật học đường Nam Việt chùa Ấn Quang. Sau đó, cùng với HT.Thích Đức Hải kiến tạo ngôi Tam bảo chùa Giác Tâm. Năm 1957, Hòa thượng sáng lập chùa Giác Hải và nghĩa trang Giác Tâm
Năm 1965, Hòa thượng thành lập Ban Tương tế Phật tử chi Vĩnh Nghiêm - Trấn Quốc, đồng thời đảm nhiệm chức vụ Trưởng ban Nghi lễ tổ đình Vĩnh Nghiêm. Những năm sau đó, Hòa thượng làm Chứng minh Đạo sư Môn phái tổ đình Vĩnh Nghiêm.
Năm 2000, Hòa thượng được chư tôn đức Tăng Ni trong Môn phái tổ đình Vĩnh Nghiêm suy cử đảm nhiệm chức vụ Trưởng môn phái tổ đình Vĩnh Nghiêm. Năm 2002, tại Đại hội Phật giáo nhiệm kỳ V, Hòa thượng được suy tôn làm Thành viên HĐCM GHPGVN.
Chư tôn đức tưởng niệm cố Hòa thượng
Với tư tưởng Đạo pháp và Dân tộc, Hòa thượng đã quyết tâm xây dựng chùa Giác Hải tại Bình Hưng Hòa thành ngôi Việt Nam Quốc Tổ tự, nhằm xiển dương giáo lý nhà Phật và nêu bật tinh thần của chư vị anh hùng có công khai mở non sông đất nước.
Hòa thượng được tặng thưởng Huân chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Huy chương vì sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân và nhiều bằng khen, bằng tuyên dương công đức trong các lĩnh vực từ thiện xã hội.
Hòa thượng là người cương trực, thẳng thắn và công tâm trong mọi việc của Môn phái Tổ đình Vĩnh Nghiêm. Và trong độ chúng, Hòa thượng là người nhiều lòng từ bi thương xót, bất cứ ai còn chí xuất gia, mong muốn tu học thì Hòa thượng cũng đều bao dung che chở.
Hòa thượng còn được tứ chúng biết đến với tư cách của một người hiếu tử. Khi Tổ vào Nam, mặc dù có nhiều đệ tử, nhưng Hòa thượng vẫn đích thân hàng ngày hầu hạ Tổ từ những việc nhỏ nhất và khi Tổ viên tịch, Hòa thượng là người đứng ra lo chu toàn tốt đẹp mọi sự lễ nghi.
Hòa thượng luôn nỗ lực đi theo con đường của chư Bồ-tát là lấy lợi sinh làm bản hoài. Tinh thần ấy Hòa thượng đã giữ vững cho đến ngày lâm trọng bệnh và viên tịch vào lúc 17 giờ 30 phút ngày 17-2-Kỷ Sửu (13-3-2009). Hòa thượng trụ thế: 83 năm với 62 mùa an cư kiết hạ.
Chùa Trấn Quốc hiện do ĐĐ.Thích Giác Định, một trong những pháp tử của cố Hòa thượng đương nhiệm kế tục trụ trì.
ĐĐ.Thích Giác Đạo thay mặt môn đồ pháp quyến tác bạch cúng dường trai Tăng
Lễ cúng dường trai Tăng
Trước đó, chư tôn đức môn đồ pháp quyến và Phật tử có thời kinh ngắn
Như Danh