TP.HCM: Thảo luận về Giới luật tại khóa bồi dưỡng trụ trì

GNO - Chiều qua, 5-10, HT.Thích Minh Thông, Phó ban BTS kiêm Trưởng ban Tăng sự PG TP.HCM phụ trách môn Giới luật đã dành thời gian chia sẻ đến hơn 1.000 Tăng Ni học viên của khóa học.

>> TP.HCM: Khai mạc khóa bồi dưỡng trụ trì năm 2015

ANH Minh (7).JPG

HT.Thích Minh Thông giảng huấn tại Khóa bồi dưỡng trụ trì 2015

Hòa thượng đã nêu duyên khởi của việc chế giới, cũng như giải thích cặn kẽ những việc được làm và không được làm của hàng ngũ xuất gia đệ tử Đức Phật.

Đồng thời, Hòa thượng giảng sư cũng đã nêu lên tầm quan trọng, thiết thực của Giới luật đối với hàng ngũ Tăng, Ni. Giới luật là sự chế tài để ngăn ác pháp phát sinh, làm cho thiện pháp tăng trưởng, đây chính là chất liệu nuôi sống giới thân huệ mạng của người tu hành, Hòa thượng khẳng định.

Bên cạnh đó, Hòa thượng cũng đã giải đáp các câu hỏi, thắc mắc của học viên, giúp cho vấn đề sáng tỏ hơn. PV Giác Ngộ đã ghi nhận thảo luận của Hòa thượng giảng sư và Tăng Ni.

Hiện nay, một số vị trụ trì tại các tự viện cho Phật tử thọ Bồ-tát giới đắp y, việc này có phù hợp với giới luật hay không?

- HT.Thích Minh Thông: Theo Trung Hoa thì Bồ-tát giới tại gia được đắp y, nhưng là mạn y (y không có điều tướng), còn ở Việt Nam chúng ta thì việc này mới lạ, chưa phù hợp.

Trong Giới luật, Đức Phật cũng đã nói rõ những điều nào ta chưa chế mà địa phương cần thì các ông nên chế, những việc nào ta chế rồi mà địa phương đó không cần thì các ông phải bỏ đi. Vì thế, chúng tôi nghĩ việc đắp man y khi thọ Bồ-tát giới ở Việt Nam là không phù hợp.

ANH Minh (5).JPG

Chư Tăng tham gia khóa học

Trong các buổi lễ trai Tăng tại các tự viện có xảy ra những trường hợp như sau: Khách không mời mà đến, để nhận lợi dưỡng từ sự cúng dường và Tăng đắp y quỳ tác bạch, chư Ni ngồi trong trai đường. Xin Hòa thượng cho ý kiến về hai trường hợp này?

- Việc không mời mà đến trong các buổi lễ trai Tăng đang là vấn đề nhức nhối, nếu một vị Tỳ-kheo như pháp thì không bao giờ tham dự như vậy. Trong nhiều năm qua với tình trạng này, Giáo hội cũng đã có những chủ trương, như hạn chế việc khất thực ở các hệ phái như: Nam tông, Khất sĩ. Tỳ-kheo là một danh xưng cao quý với các ý nghĩa (bố ma, phá ác, ứng cúng), không đơn thuần chỉ là việc thọ giới để được đi trai Tăng và nhận cúng dường.

Còn vấn đề thứ hai, cũng là việc đã được đề cập trước đó. Theo ý kiến của tôi để tôn trọng Bát Kỉnh pháp thì khi Tỳ-kheo quỳ tác bạch thì Tỳ-kheo-ni đứng lên, đây cũng là hình ảnh đẹp thể hiện sự trọn vẹn tinh thần nghiêm trì giới luật của hàng Ni chúng.

Theo truyền thống Tỳ-kheo đệ tử Phật phải đủ ba y và bình bát nhưng thực tế, Phật giáo Bắc tông không khất thực, vậy có thể bỏ bình bát được không?

- Thực ra ba y, bát là pháp khí của người tu, là biểu trưng mang tính chất truyền thừa. Trong luật không có điều nào nói đến việc rời bát hết, nhưng theo tôi nghĩ đây là biểu tượng thiêng liêng mình không nên bỏ.

Ba tháng an cư một số chùa Bắc tông vẫn sử dụng bát trong giờ quá đường. Ba y, bát là biểu tượng thiêng liêng thể hiện đời sống phạm hạnh, thiểu dục tri túc của hàng đệ tử xuất gia, thiết nghĩ cho dù sử dụng hay không thì cũng không bỏ đi.

ANH Minh (1).JPG

Chư Ni tham gia khóa học

Tỳ-kheo lập cốc ở một mình, khi đi chỉ mang theo một y còn hai y gởi lại cho Phật có được không?

- Trường hợp này chỉ đối với Tăng thôi, còn Ni thì không được ở riêng và cũng không được tâm niệm an cư, tâm niệm tự tứ... vì Đức Phật không cho Tỳ-kheo-ni ở một mình, nếu ở một mình phạm Ba-dật-đề.

Tỳ-kheo có duyên sự lìa nhà chỉ đem một y còn lại hai y cũng có thể gởi cho 5 chúng, hay gởi cho Sa-di, cư sĩ, Phật đều được. Theo tôi thì nên mang đi, để lỡ có trường hợp gì xảy ra như nhà cháy thì không bị mất y.

Một số Tăng, Ni đã về đời nhiều năm, sau đó trở lại y chỉ một vị xuất gia nào đó tu tập, không thọ giới lại mà đắp y 25 điều như vậy thì ý Hòa thượng như thế nào?

- Theo luật Phật chế hàng Tỳ-kheo được ra vô 7 lần nhưng với điều kiện phải xả giới. Vì khi thọ giới, chúng ta nhận cái bình giới từ hàng thập sư giao cho, không giữ nữa chúng ta trả lại thì được quyền thọ giới trở lại 7 lần.

Còn nếu chúng ta đập bể cái bình giới rồi thì khi thọ lại sẽ không đắc giới. Khi thọ giới bao giờ vị Yết-ma cũng có hỏi về 13 già nạn trong đó có câu “ông có phạm biên tội không?". Biên tội (Ba-la-di) vì thế khi giới tử có phạm mà trả lời không thì cũng không đắc giới.

Tỳ-kheo có các trường hợp mất giới đó là: phạm Ba-la-di (Tỳ-kheo: 4); chuyển hình; xả giới, chết… Giới Tỳ-kheo (Thanh văn) chỉ một đời, còn Bồ-tát thì khi chết không mất. Vì thế, khi người nào đó hoàn tục muốn vào tu lại thì phải thọ giới. Nếu không thọ giới lại, dù đắp y 25 điều hay 5 điều thì chỉ là một trong năm loại Tỳ-kheo giả: danh tự Tỳ-kheo, tương tợ Tỳ-kheo, tự xưng Tỳ-kheo, cát triệt Tỳ-kheo, khất cầu Tỳ-kheo.

Qua một đêm có thể thọ tam đàn (Sa- di, Tỳ-kheo, Bồ-tát), nhưng nếu không thọ giới tự đắp y thì không hợp pháp. Giới của Bồ-tát có thể tự thệ thọ giới, còn giới Thanh văn tuyệt đối không được tự thọ mà phải có giới sư truyền thọ.

Người xuất gia ai cũng biết “Tăng ly chúng Tăng tàn” thực tế ngày nay, nhiều Tăng Ni dựng am, cốc khắp nơi khiến cho Giáo hội không thể quản lý được. Vì sao lại có hiện tượng này? Vai trò của bổn sư, trụ trì giải quyết như thế nào? Ban Tăng sự nghĩ thế nào, có giải pháp ra sao?

- Đây là vấn đề nhức nhối của Phật giáo, hiện nay ở các huyện ngoại thành như: Hóc Môn, Bình Chánh, Củ Chi am cốc rất nhiều. Có thể đây là một hệ lụy của việc xem thường Giới luật, những vị này thích ở tự do, không thích sự ràng buộc nào của tổ chức, đây cũng là một trong những nguyên nhân suy đồi của Phật giáo. Giáo hội cũng đang tìm cách để ngăn chặn tình trạng này.

Vì thế, việc an cư tập trung theo chủ trương của Giáo hội hiện nay là cần thiết, vì ở nơi đấy những người tu có thể học hỏi, để bổ sung những khiếm khuyết của mình. Những trường hợp ở riêng như vậy thì tinh thần giải thoát, tinh thần hòa hợp của Tăng-già bị phá vỡ. Nếu chúng ta có chùa riêng thì chúng ta sẽ có tâm tưởng tư hữu, thì sẽ không khác gì thế gian - điều này vô cùng nguy hại, làm cho bản thể thanh tịnh của Tăng đôi khi không còn nữa.

ANH Minh (6).JPG

Hơn 1.000 Tăng Ni tham gia khóa bồi dưỡng trụ trì do BTS GHPGVN TP.HCM tổ chức

Bạch Hòa thượng có chùa nửa tháng tụng giới Tỳ-kheo, nửa tháng tụng giới Bồ-tát như vậy có được không?

- Theo Bồ-tát giới mỗi nửa tháng không được không bố-tát thì không phải Tỳ-kheo Tăng, còn theo luật thì Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni không được nửa tháng không bố-tát. Vì thế, việc tụng giới Bồ-tát và Tỳ-kheo phải thực hiện song song chứ không thể chia. Phật cũng phương tiện, nếu thời gian hạn hẹp, có duyên sự nhiều có thể tụng lược như: 10 giới trọng của Bồ-tát, còn 48 giới kinh thì sẽ lược.

Tỳ-kheo thì 4 giới Ba-la-di, 2 pháp bất định, 13 giới Tăng-già-bà-thi-sa... còn những giới khác có thể lược. Mỗi lần tụng giới, Tỳ-kheo được một lần nhắc nhở về những Giới luật mình đã thọ, cũng như lời sách tấn để hành trì. Cho nên trong khi tụng giới thì Phật cấm không cho làm việc khác như ngồi thiền, niệm Phật mà phải lắng nghe.

Xin Hòa thượng cho biết vì sao người 60 tuổi không được thọ giới?

- Tại vì vai trò của vị Tỳ-kheo vô cùng lớn, thầy của trời người nên có nhiệm vụ và trọng trách rất nhiều. Theo bộ Đàm Vô Đức, Đức Phật không cho người quá 60 tuổi thọ giới vì với tuổi này sức lực kém.

Tuy nhiên, Đức Phật cũng có khai cho người 60 tuổi được thọ giới với điều kiện người đó đi, đứng và ngồi không nhờ người đỡ, có thể làm Phật sự được thì vẫn cho thọ, còn có trường hợp chưa tới 60 tuổi mà bệnh hoạn thì cũng không cho thọ giới.

Bạch Hòa thượng như thế nào thì được gọi là Tỳ-kheo thanh tịnh và Tỳ-kheo không thanh tịnh?

- Khi vị Tỳ-kheo bạch tứ yết-ma (một lần thưa, ba lần lấy biểu quyết), sau khi Tăng đã đồng ý thì bản thể Tỳ-kheo phát sanh, nhờ giới tướng làm hàng rào để bảo vệ giới thể đó - đây là Tỳ-kheo thanh tịnh.

Nếu một khi các giới tướng không tròn trịa, thì giới thể cũng bị ảnh hưởng. Nếu một Tỳ-kheo phạm một trong 4 Ba-la-di và Tỳ-kheo-ni phạm một trong 8 Ba-la-di thì đó được xem là Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni không thanh tịnh. Nếu phạm Tăng tàn trở về sau thì bản thể Tăng vẫn còn, Đức Phật cho ăn năn hối cải.

Nói với Báo Giác Ngộ về thông điệp của bài thuyết trình tại khóa bồi dưỡng trụ trì 2015, HT.Thích Minh Thông, Phó Trưởng BTS kiêm Trưởng ban Tăng sự GHPGVN TP.HCM:

“Vì thời gian khóa học quá ít, còn Giới luật thì rất nhiều nên trong khóa học, tôi sẽ tập trung triển khai các giới trọng trong giới bổn của Tỳ-kheo và Tỳ-kheo-ni. Bên cạnh đó, tôi cũng sẽ triển khai thêm các pháp về yết-ma của Tăng, những pháp về kiết giới, an cư, tự tứ, nhận đệ tử và trách nhiệm của người thầy… những điều được làm và không được làm của người xuất gia trong ngôi nhà của Chánh pháp trên nền tảng những lời Phật dạy ở các bộ luật.

Đức Phật từng dạy muốn biết Phật giáo thịnh hay suy không thể nhìn vào chùa to, Phật lớn mà phải xem đệ tử xuất gia có còn quý kính và giữ gìn Giới luật hay không.

Với khóa học này, cá nhân tôi mong muốn Giới luật được thực thi, những người xuất gia luôn sống thiểu dục tri túc, để từ đó làm chỗ quy kính và nương tựa cho người Phật tử tại gia”.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn chủ trì hội nghị sáng 20-4 tại thiền viện Quảng Đức

TƯGH thống nhất trong từng sự việc cụ thể sẽ mời các bên liên quan để trao đổi, giải quyết

GNO - Đó là giải pháp giải quyết những khó khăn của Phật giáo tỉnh thành được Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh, Chủ tịch Hội đồng Trị sự chấp thuận tại hội nghị báo cáo quý I - năm 2024 của Văn phòng II T.Ư, tại thiền viện Quảng Đức (Q.3, TP.HCM), vào sáng nay, 20-4.
Ảnh minh họa

Con bất hiếu cha mẹ phải làm sao?

GNO - Tôi năm nay 45 tuổi, chỉ có một đứa con gái đang học lớp 11. Từ lớp 8 cháu bắt đầu ương bướng và liên tục ngỗ nghịch với cha mẹ cho đến bây giờ. Vợ chồng tôi ngày đêm nuôi hy vọng cháu lớn lên sẽ biết phải quấy mà ngoan hiền hơn nhưng càng ngày cháu càng tệ.
Niệm Phật nhiệm mầu

Niệm Phật nhiệm mầu

GNO - Ba tôi đã mất gần giáp năm nhưng hình ảnh về ba vẫn in nguyên trong tôi như vừa khi nãy, mới đây thôi. Có thể ba tan hoại thân xác này, không còn của hiện tại đi, đứng, nằm, ngồi nhưng ba hiện hữu trong kỷ niệm và những lời chỉ dạy mang tính lâu xa, chắc thật.

Thông tin hàng ngày