Trái bần chua…

GN - Chiều, đứa cháu ở quê mang lên mấy trái bần đủng đỉnh với những chùm hoa trắng muốt. Tôi chợt giật mình: “Bông bần”. Đứa cháu bỗng cười: “Ai gọi là bông bần nữa cậu ơi! Gọi thế tội nó, tên nó đẹp thấy mồ. Cô giáo con bảo nó là hoa Thủy Liễu”. Tôi khẽ gật đầu: “Ờ thì... hoa Thủy Liễu”.

trai ban.jpg


Hoa và trái bần non - Ảnh: Internet

Hôm nay nếu đứa cháu không nói cho tôi biết về cái tên của cây bần thì tôi vẫn mãi đinh ninh về nó như người ta vẫn gán ghép cho nó cái tên bần dành riêng cho những người nghèo khó như gia đình tôi ngày ấy. Chắc có lẽ, cây bần sống được trong những hoàn cảnh sống khắc nghiệt, kham khổ dưới bùn sâu nên nó thường được ví với những người nông dân nghèo khó hay cũng tại cái vị chát chúa của bần không mấy dễ ăn trong mắt của những người giàu có nên nghiễm nhiên bần trở nên… bần đến thế.

Ngày còn bé, lũ trẻ xóm tôi chẳng hiểu tại sao lại luôn bị mấy đứa trẻ xóm trên gọi là “bần”. Mãi đến khi tôi nhận được một cái tát tai khi dám giành trái ổi chín ở đầu làng với đứa xóm trên. Tôi vẫn nhớ ba nó quát tôi thật lớn: “Đồ cái thứ bần hàn mà cũng dám giành với con tao”. Từ đó tôi nhận thức được vì sao chúng gọi mình là…bần. Nhưng tôi không trách bần, mà cứ mỗi sáng, lũ trẻ chúng tôi lại chực chờ những trái bần chín rơi xuống dưới mé mương.

Chúng tôi tranh nhau những trái bần to, bóng loáng. Rồi lại đưa lên mũi xuýt xoa, thèm muốn chảy nước miếng. Nhưng thường thì chúng tôi chẳng bao giờ vội ăn, chúng tôi để dành mang đi học, bỏ vào hộc bàn đến giờ chơi lại mang ra ngấu nghiến chọc tức mấy đứa xóm trên trong những tiếng cười nắc nẻ. Không biết tụi xóm trên tức bao nhiêu, chứ lũ chúng tôi bụng đứa nào đứa nấy cứ đói cồn cào.

Buổi trưa, chúng tôi thường ra nhánh sông nơi những cây bần xù xì vươn mình bám đất. Chúng ngồi hái những bông bần chơi trò cô dâu chú rể hay lại nhóm chợ lên rôm rả cả một triền sông. Chiều về, tôi thường theo má đi hái những trái bần đem về nấu canh chua hay chấm với mớ mắm kho nội vừa ủ. Tuổi thơ của tôi cứ quanh quẩn bên những cây bần trước ngõ, với lũ trẻ nghèo nhưng luôn biết san sẻ cho nhau từng củ khoai, củ sắn, với những chiều ngồi nghe ba kể thời chiến tranh bom đạn, và với cả trái bần chua giành nhau mỗi sớm.

Thế rồi một ngày, tôi lớn dần lên theo năm tháng. Tôi lại ghét bần, ghét cái cảnh bị người khác gọi mình là bần. Nghe sao chua chát quá! Tôi rời quê, rời nhánh sông ngày nào, rời lũ bạn nghèo nơi xóm nhỏ xa xôi. Tôi bước những bước khập khiễng nơi miền đất hứa xa lạ với hành trang là cái vị chua thuở nào. Tôi lao vào công việc chỉ để mong sao những đứa con tôi sau này không bị ảm ảnh bởi cái tiếng... bần. Những lần về quê cũng thưa thớt dần, cứ thế, bà con trong xóm có người còn người mất, lũ bạn ngày nào cũng có kẻ tha phương, lưu lạc...

Và trước những dòng chảy của thời gian, tôi cũng chẳng còn nhớ đến cây bần già trước ngõ nữa, nếu hôm nay không nhìn thấy những trái bần chua nơi miền quê ngày nào. Mùa này ở quê chắc cây bần đã kết trái. Liệu rằng có ai nhặt những trái bần rơi mỗi sớm. Liệu rằng còn ai ngồi tựa vào thân bần dệt những ước mơ thời son trẻ. Tôi cắn trái bần mà đứa cháu vừa đưa. Sao chợt thấy có cái gì đó đăng đắng ở cổ. Nước mắt bỗng rơi hòa vào vị đắng. Tôi đưa mắt nhìn về phía xa xa cố tìm một cây bần ngày ấy. Đứa cháu vội lay lay: “Ủa, bộ cậu khóc hả?”. Tôi vội cười: “Đâu có. Tại trái bần chua...”

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Hòa thượng, A-xà-lê và đệ tử

Hòa thượng, A-xà-lê và đệ tử

GNO - Thầy và trò hay sư phụ và đệ tử là những người có nhân duyên quyến thuộc đạo pháp nhiều đời. Mỗi người đều có trách nhiệm và bổn phận khác nhau. Chu toàn phận sự của mình thì Phật pháp mới xương minh, tứ chúng thập phương an ổn.
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1246 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn

Con đường đến Sơ quả

GNO - Sơ quả hay Tu-đà-hoàn là quả vị Thánh đầu tiên mà người Phật tử có thể chứng đạt ngay hiện đời. Trong rất nhiều kinh, Đức Phật dạy muốn thành tựu Sơ quả thì trước tiên cần thành tựu giới, kế đến chứng đắc định (bốn bậc thiền), sau đó phát huy tuệ đoạn trừ ba kiết sử đầu tiên: Thân kiến, giới cấm thủ và nghi.
Tín ngưỡng của người Việt thời Hùng Vương

Tín ngưỡng của người Việt thời Hùng Vương

GNO - Khi một thành viên của gia đình và cộng đồng vĩnh viễn ra đi, người ta cần đưa tiễn họ với một số vật dụng thân thiết, để họ có cơ hội dùng tới. Tục tin quỷ của người Việt như thế đã tồn tại lâu đời, trước khi Phật giáo truyền vào và Tự Thiếu Tôn ghi lại.

Thông tin hàng ngày