GNO - Chiều Hạ, ngày 11 tháng 7, gần 17 giờ, tôi đi tắm ở Bến Me về, lên cầu Dã Viên thì không biết gì nữa. Mở mắt ra thấy mình đang nằm ở cấp cứu Bệnh viện Trung ương Huế.
Có hai anh công an giao thông, một anh là đại úy Nguyễn Văn Hùng và một anh là thiếu úy Lê Văn Thành. Anh Hùng lấy điện thoại của tôi điện về báo tin cho người nhà. Sau này, tôi mới biết có một thanh niên đi dự tiệc cưới tông sau đuôi xe tôi, ngay cột điện 16 trên cầu Dã Viên, trên đỉnh cầu. Tôi nghĩ là nơi trời nước giao nhau, nơi dễ về cõi lành. Và, tôi bay đi gần một tiếng đồng hồ mới tỉnh lại trong tình trạng gãy xương hàm trên, gãy xương gò má cung tiếp bên phải, gãy xương cổ tay di lệch, tổn thương nông tác động nhiều vùng thân thể.
Một ca phẫu thuật - Ảnh minh họa
Tôi biết chính hai anh công an giao thông đưa chúng tôi đi cấp cứu, người đầu tiên trong những người cứu sống tôi. Xung quanh tôi là những người công an quen biết, nhạc sĩ Văn Đen, nhà văn Lê Vũ Trường Giang và anh em trong Hội Liên hiệp tỉnh đến thăm làm tôi không kìm nổi nghẹn ngào. Hôm sau, ông Đặng Thanh Liễu nguyên là công an Duy Xuyên và người đại diện công ty Mai Linh - Hội An (Quảng Nam) vượt đèo ra thăm. Nhờ vậy trong buổi trưa hạ nóng, mặc dù toàn cơ thể đau đớn nhưng tôi cũng cảm thấy nhẹ nhàng, ấm áp tình thân, tôi rất biết ơn mọi người.
11 giờ đêm cùng ngày, từ phòng cấp cứu, tôi được chuyển đến khoa Răng - Hàm - Mặt. Vợ tôi nói nhỏ: “không chuyển lên lầu 6 là sống”. Tôi lại nghĩ nếu tôi bay luôn từ cầu Dã Viên là tôi đến cõi lành vì tôi bay êm đềm không quằn quại, sau này tôi ra đi được nhẹ nhàng thế không? Nếu không tu tốt tôi sẽ vật vã đau đớn trước khi lên đường và chắc chắn không về được cõi lành.
Tôi được gặp chị Phạm Thị Thu Sương, trực cấp cứu tiếp tục chăm sóc tôi và bố trí giường bệnh. Ở đây, được các y bác sĩ chăm sóc rất tận tình chu đáo, nhất là bác sĩ Nguyễn Hồng Lợi - trưởng khoa, bác sĩ Châu, bác sĩ Tuyền - trực khoa, các điều dưỡng như Triệu Thị Hồng Vinh, Nguyễn Thị Thanh Lan... Mùa cưới, lại là hè nóng, có ngày Huế nóng lịch sử 47 độ C, người ta uống bia, giải khát nhiều nên khoa Răng - Hàm - Mặt, có hôm lên đến trên 70 bệnh nhân.
Tôi nằm phòng 5, đa số bệnh nhân nhậu say xe tông, tông xe, tự té, tông chó chạy trên đường. Chị Hồng Vinh thay băng từng người một, hết buổi sáng, chiều còn làm nhiều việc khác. Khi thay băng một người, điều dưỡng phải rửa tay bằng cồn 7 lần, một người một bao tay, một bộ kéo, 2 chậu inox nhỏ đựng thuốc tím và cồn, còn chích một người 1 kim tiêm, một ống chích, tôi tiêm bốn ống mỗi ngày vậy là dùng bốn kim tiêm, hai ống tiêm. Mười bốn ngày nằm bệnh, tôi được dự một 2 buổi họp hội đồng người bệnh và nhận thấy các bác sĩ rất tốt, các cô điều dưỡng làm việc rất chuyên cần, tôi và bệnh nhân đều khen.
Tôi là người sợ đau. Trước khi lên bàn mổ đã niệm chú rất nhiều. Dù tôi xin không mổ, có tật cũng được, bác sĩ tư vấn sau này nhai sẽ đau, tay lắc quay cũng sẽ đau, sau hai lần kéo nắn bó bột, chụp phim lại tay vẫn bị gãy di lệch, tôi đồng ý mổ xương gò má kết hợp mổ tay một lần. Tôi lại chuyên trì niệm chú, tôi vào mổ lúc 8 giờ 30, đến 13 giờ 30 mới tỉnh dậy, ở mặt không hề đau, ở cổ tay đau nhiều, đau đến 2 giờ sáng hôm sau thì cơn đau biến mất.
Tôi buột miệng khen bàn tay tài hoa của tiến sĩ trưởng khoa Nguyễn Hồng Lợi và bác sĩ mổ cổ tay. Ở phòng mổ hôm ấy, những người vào mổ sau tôi đều ra, riêng tôi còn nằm lại đến chiều. Con cháu tôi hơn 10 người về hết, bác sĩ phòng mổ cho phép vợ tôi vào phòng xem tôi, khi tôi chưa tỉnh, tôi là người già nhất nên yếu. Con gái đầu tôi xem xong liền chạy xe vào Hội An.
Mấy tuần sau, tôi tạm lành, vợ tôi nói: “Khi anh chưa tỉnh, cánh tay giơ lên, miệng há, nhìn thấy anh như con ếch bị lột da”. Tôi nói: “Chắc đau trong tiềm thức”. Hồi thanh niên tôi dự tiệc, có ăn vài đùi ếch chiên bơ, còn gà tôi cắt cổ gà cả đời tôi tính đến tuổi 67 chỉ hơn 10 con là cùng. Tôi ăn chay kiếp hiện tại cũng được 16 năm. Đây là nghiệp kiếp trước. Rồi đến lúc rút ống máu thừa ở tay ra, tôi như con chim bị ná bắn, ai đụng tới chỗ đau là sợ.
Bác sĩ Tuyền ở Khoa gọi tôi đến rút ống máu. Bác sĩ mở băng ra. Tôi thấy cổ tay sưng, bất động, nước nhờn còn rỉ ra. Tôi nhắm mắt niệm chú liên tục, mở mắt ra thấy bác sĩ Tuyền đã rút ống máu ra hồi nào không biết. Tôi không đau nhưng khóc vì mừng. Bác sĩ điều dưỡng Nguyễn Công Trị là người am hiểu Phật pháp sâu, bạn với Nhụy Nguyên. Tôi nói tôi không về quả đất nữa. Anh nói: “cõi này có cả Bồ-tát”. Tôi trả lời: “làm sao tôi thành Bồ-tát được”.
Ngày thứ hai sau mổ. Anh làm thuốc ở mặt tôi, anh khen: “công lực anh thâm hậu, lành liền”. “Dạ cám ơn, là do bác sĩ mổ tốt. Tôi lại ăn cháo muối nên mau lành”. Ý kiến ăn sau mổ, các chị bên vợ, nhiều người bác sĩ về hưu, bác sĩ Nguyễn Bảo Thoa và chị Nguyễn Kim Dung đề nghị tôi không đòi bồi thường và ăn mặn bồi dưỡng cho mau lại sức. Tôi vâng lời bại nại, không đòi bồi thường. Nhưng tôi có chết, tôi cũng ăn chay, đó là hạnh nguyện của tôi.
Xuất viện tôi về tịnh cốc, nhập thất thiền và niệm chú cho lần mổ sau được vô úy -không lo sợ. Đúng hai tuần sau mổ, tôi về Bệnh viện Đường sắt tại Huế cắt chỉ. Câu nói của con trai anh Thu đã chuyển sang phòng bệnh khác đến trả tôi cuốn sách Phổ Hiền Bồ-tát: “Ba con cắt chỉ đau khóc luôn”. Lại làm tôi lo sợ! Đó là lo huyễn, khi vào phòng mổ nhỏ để cắt chỉ, bác sĩ Thắng xem phim, khen: “tốt”. Nhưng ở cổ tay vẫn còn sưng, tuy bớt sưng một chút, cử động vẫn khó. Cô trưởng khoa điều dưỡng Lưu Thị Thủy, cầm hai tay một paine, một kéo, tôi sợ đau lại niệm chú, thì cô cắt xong 9 mũi, đến mũi cuối cùng sâu ở cổ tay, cô nói: “mũi này hơi khó”. Tôi tiếp niệm chú. Nghe đau như kiến cắn, cô đã lấy sợi chỉ cuối cùng ra. Thở phào nhẹ nhõm.
Tôi ngồi chờ bác sĩ Hoàng Sa ở nội 3 khám và cấp thuốc huyết áp. Trong sổ khám bệnh cá nhân, bác sĩ điều dưỡng Thủy không tính tiền cắt chỉ. Bác sĩ Hoàng Sa chỉ tính tiền 30 viên thuốc huyết áp uống 1 tháng nhưng bảo hiểm chi trả.
Ý kiến của anh thương binh Nguyễn Thu - bạn cùng phòng 5 khoa Răng - Hàm - Mặt, ở thôn Phương Ngạn, xã Triệu Long, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị đã nhận xét: “Khi nhập viện trung ương Huế bốn tuần, từ trưởng khoa đến các y bác sĩ và cả nhân viên đều làm tốt hơn trách nhiệm của mình, giống như một người mẹ hiền, lương y từ mẫu”.
*
Ở Bệnh viện Trung ương Huế, thường có bà con tự nguyện phát cơm chay, cho bệnh nhân, cho người nghèo, điểm phát cơm thường xuyên nhất là ngôi chùa nằm sát thành bệnh viện góc ngã tư Ngô Quyền và thi thoảng người ta đến phát ở ngoài đường, phát hết thì về, người khác phát. Theo anh bảo vệ nói: “nói chung họ phát cơm chay khoảng 80%”.
Ở Bệnh viện Huế nhất là khoa tôi nằm vệ sinh tốt, sạch sẽ. Công ty Hà Phạm lo công việc dọn vệ sinh, chăm sóc cây cỏ toàn bệnh viện. Họ quét phòng, lau nhà dọn nhà vệ sinh mỗi ngày 2 lần, chùi quạt, chùi cửa sổ… tuần 1 lần.
Nếu tôi không bị tai nạn, sáng chiều tu tập ở trong nhà, thì làm sao gặp nhiều người tốt như thế. Hóa ra chung quanh ta nhiều người tốt lắm, có cơ hội là bà con mình hành thiện giúp đời. Riêng tôi luôn tin tưởng nhờ tôi chuyên trì chú, ăn chay tịnh dưỡng nên bớt đau mau lành, gặp nhiều người tốt đó là điều linh ứng tất nhiên.