[Trái tim bất tử] Kỳ cuối: Bí mật trái tim linh thiêng

0:00 / 0:00
0:00
Sau những ngày quàn tại chùa Xá Lợi, thi hài Bồ-tát Thích Quảng Đức được đưa ra An Dưỡng Địa, Phú Lâm hỏa thiêu. Việc hỏa thiêu lẽ ra đã sớm hơn một ngày, nhưng có tin cảnh sát của chính quyền Ngô Đình Diệm sẽ có hành động ngăn chặn nên phải tạm hoãn.

Sự kiện linh thiêng

Theo nhân chứng Tống Hồ Cầm lúc đó là phó ban quản trị chùa Xá Lợi, sự lựa chọn An Dưỡng Địa ở Phú Lâm để hỏa thiêu thi hài Bồ-tát Thích Quảng Đức là có tính toán cẩn thận. Lò hỏa thiêu nằm trên phần đất của chùa Ấn Quang được các Tăng Ni, Phật tử bảo vệ chặt chẽ trước sự trấn áp của chính quyền Ngô Đình Diệm.

Điều huyền diệu bất ngờ đã xảy ra khi thi hài Bồ-tát được hỏa thiêu hàng giờ đã cháy thành than tro nhưng vẫn còn lại quả tim đỏ hồng. Sự kiện linh thiêng kỳ lạ này được các nhà sư cấp báo về chùa Xá Lợi. Những Hòa thượng lãnh đạo Ủy ban Liên phái bảo vệ Phật giáo quyết định đưa trái tim của ngài vào thiêu thêm lần nữa. Nhưng thật kỳ lạ trái tim vẫn tiếp tục nguyên vẹn và trở thành một khối rắn chắc như đá.

Các Tăng Ni, Phật tử bàng hoàng xúc động. Người quỳ xuống tụng kinh. Người òa khóc. Họ đặt quả tim linh thiêng của Bồ-tát Thích Quảng Đức vào bình thủy tinh và cung thỉnh về chùa Xá Lợi.

Trái tim bất tử của Bồ-tát Thích Quảng Đức - Ảnh tư liệu

Trái tim bất tử của Bồ-tát Thích Quảng Đức - Ảnh tư liệu

Trong lúc đó ở bên ngoài có những tin đồn xuyên tạc xuất phát từ người của chính quyền Ngô Đình Diệm rằng “quả tim đã bị tráo, không thể có quả tim nào còn được sau hàng giờ cháy trong lò hỏa thiêu”. Nhiều nhân chứng, kể cả những người không phải là Phật tử và cảnh sát theo dõi cuộc tự thiêu đã bác bỏ sự bịa đặt này.

Chính ông Nguyễn Văn Thông được lực lượng mật vụ của chính quyền Ngô Đình Diệm cử bí mật theo dõi từ đầu đến cuối cuộc hỏa thiêu cũng khẳng định sự huyền diệu này. “Tôi đã tận mắt chứng kiến sự thật bắt đầu từ chùa Xá Lợi đến khi lấy quả tim ra. Khoảng 8 giờ sáng, thi hài ngài được đưa vào lò hỏa thiêu. Lửa bắt đầu bùng lên từ hai đầu quan tài và rừng rực cháy.

Đến 2 giờ chiều thì lửa tắt và người ta đã tìm thấy quả tim ngài vẫn nguyên vẹn trong đống tro tàn. Không thể có sự mở nắp lò thiêu, tráo đổi quả tim nào” - ông Thông xúc động kể chính mình là mật vụ cũng không kìm được nước mắt trước sự mầu nhiệm. Ông Tống Hồ Cầm cũng kể: “Rất nhiều người đã đứng gần lò thiêu tụng kinh tiễn đưa ngài lần cuối. Sự thật về trái tim xá lợi được hàng trăm cặp mắt chứng kiến, kể cả các nhà báo trong nước lẫn quốc tế”.

Trong một cuộc họp báo, có phóng viên quốc tế hỏi Hòa thượng Thích Đức Nghiệp về bí ẩn khó hiểu của trái tim không thể bị thiêu cháy này, hòa thượng trả lời: “Đó là do ngài Thích Quảng Đức phát đại thệ nguyện, nung nấu một ý chí phi thường vì đạo pháp và hòa bình cho dân tộc nên đã biến thành một năng lượng đặc biệt làm trái tim bất hoại”.

Còn ông Nguyễn Văn Thông sau này có hỏi Thượng tọa Thích Pháp Hoa ở chùa Ấn Quang và được trả lời: “Ngài có nguyện nếu việc tự thiêu của ngài thành chứng đạo thì sẽ để lại trái tim. Chúng tôi tin đó là điều mầu nhiệm của bậc chân tu hết lòng vì đạo pháp và chúng sinh”.

Bí mật bảo vật quốc gia

Trưởng lão Hòa thượng Thích Đức Nghiệp với ký ức về ngọn lửa Bồ-tát Thích Quảng Đức

Trưởng lão Hòa thượng Thích Đức Nghiệp với ký ức về ngọn lửa Bồ-tát Thích Quảng Đức

Theo Hòa thượng Thích Đức Nghiệp, trái tim Bồ-tát Thích Quảng Đức sau khi thỉnh về chùa Xá Lợi được cất trong tủ sắt của cụ Chánh Trí Mai Thọ Truyền. Đêm 20-8-1963, cảnh sát đã tràn vào đây bắt bớ các Hòa thượng và lục lọi cướp trái tim, nhưng không hiểu điều huyền bí nào đã che mắt họ không thể nhìn thấy trái tim linh thiêng.

Về sau, trái tim được đưa qua chùa Việt Nam Quốc Tự để Hòa thượng Thích Từ Nhơn bảo vệ. Lúc đó, trái tim đã được đặt trong một chiếc tháp đồng cao gần nửa mét mà nhìn từ ngoài vào không thể thấy bên trong. Nắp tháp được đóng kín và có chữ ký niêm phong của Đức Tăng thống Thích Tịnh Khiết.

Hòa thượng Thích Từ Nhơn kể rằng ông đang tu dưới Sa Đéc thì được Đức Tăng thống Thích Tịnh Khiết gọi lên Sài Gòn nhận nhiệm vụ đặc biệt của Phật giáo.

Nhận bảo vệ trái tim Bồ-tát, đầu tiên Hòa thượng Thích Từ Nhơn cất nguyên chiếc tháp chứa trái tim Bồ-tát trong tủ sắt lớn ở phòng trụ trì Việt Nam Quốc Tự. Lúc đó khuôn viên Việt Nam Quốc Tự rất rộng, cây cối um tùm. Phòng trụ trì chỉ là một gian nhà đơn sơ. Cảnh sát và mật vụ thường xuyên tràn vào trấn áp, quấy nhiễu Phật sự nơi này.

Hòa thượng Thích Từ Nhơn xin gửi vào Chi nhánh Ngân hàng Pháp ở Sài Gòn. Ngân hàng giao cho ông một két sắt dưới tầng hầm và trái tim được ông đặt vào tháp đồng rồi cất trong két đó. Ngân hàng chỉ có hai chìa khóa mở két. Ông giữ một chìa, chìa kia do trụ sở ngân hàng chính giữ ở Pháp. Chi nhánh Ngân hàng ở Sài Gòn cũng không có chìa để có thể tự mở được két này.

Trước năm 1975 ông thường vào thăm trái tim Bồ-tát. Nhân viên ngân hàng chỉ mở cửa tầng hầm rồi để tự ông vào mở két sắt. Không được hương khói dưới hầm ngân hàng, ông đành ứa nước mắt, vái lạy trái tim linh thiêng: “Hoàn cảnh đất nước loạn lạc chưa cho phép chúng con thỉnh trái tim từ bi của ngài về thờ phụng đàng hoàng”.

Sau năm 1975, Nhà nước gìn giữ trái tim Bồ-tát Thích Quảng Đức một thời gian. Đến năm 1991, trái tim được giao lại Ngân hàng Nhà nước ở TP.HCM gìn giữ trước sự chứng kiến của đại diện chính quyền, ngân hàng và Hòa thượng Thích Từ Nhơn, Thích Giác Toàn, Thích Thiện Hào. Không ai mở ra xem tình trạng trái tim, nhưng thấy chiếc tháp đồng chứa trái tim vẫn nguyên vẹn chữ ký niêm phong của Đức Tăng thống Thích Tịnh Khiết. Và theo Hòa thượng Thích Từ Nhơn, từ đó đến nay không ai mở ra xem nữa.

Tâm sự về trái tim linh thiêng này, Hòa thượng Thích Từ Nhơn xúc động nói: “Hy vọng khi hoàn thành tượng đài Bồ-tát Thích Quảng Đức tại ngay nơi ngài đã tự thiêu ở TP.HCM, trái tim ngài sẽ được đưa về gìn giữ ở chính nơi này để Phật tử, dân chúng được chiêm ngưỡng, thờ phụng!”. Đó là trái tim thiêng liêng mà vị Bồ-tát đã để lại cho hậu thế như lời nhắn nhủ rằng dù thế cuộc có thăng trầm thì đạo pháp vẫn trường tồn và sự công bằng, hòa bình cuối cùng vẫn sẽ đến với nhân dân.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh minh họa

Phát triển bền vững là hành trình của lòng từ bi và sự tỉnh thức

GNO - Trong bối cảnh toàn cầu ngày càng phải đối mặt với những thách thức về biến đổi khí hậu và các cuộc khủng hoảng về nhiều mặt như hiện nay, Thiền sư Pomnyun Sunim, một nhà sư Phật giáo nổi tiếng của Hàn Quốc, đã tham gia hội thảo kéo dài 3 ngày tại Bhutan từ ngày 7 đến ngày 9-9-2024.

Thông tin hàng ngày