Trâu trong nét cọ Thành Chương

Bước vào mùa xuân Kỷ Sửu này, họa sĩ Thành Chương đã đi trọn một vòng hoa giáp. 60 năm trong cõi đời, nếm trải biết bao nhiêu nỗi nhân tình, thành công cũng nhiều và thị phi cũng lắm.

Những xô dạt của cuộc sống đã khiến 5 năm trước, ông nặng lòng tâm sự: "Đến tuổi này, nhìn thấy cái gì cũng không thấy chướng mắt, nghe thấy cái gì cũng không thấy chối tai".

ThanhChuong33.jpg
Họa sĩ Thành Chương

Và vì thế, tôi tin rằng, lật mở trang báo Xuân này, thấy cái tít bài này, đọc những dòng chữ này, họa sĩ Thành Chương cũng chỉ mỉm cười. Ông nhìn mà vờ như không thấy. Ông chăm chú đọc chữ, mà những chú mục đồng với đàn trâu đa sắc vẫn ám ảnh quanh ông.

Mỗi khi nhắc tới Thành Chương, người ta nhớ ngay ra khuôn mặt ông qua những bức tranh do chính ông tự họa. Hàng ngàn bức tranh chân dung ông đã ra đời, không bức nào giống bức nào. Ông vẽ ông ở mọi tâm trạng, mọi góc độ song người xem nhìn kỹ cũng nhận ra chính mình trong đó. Có thể vì thế, tranh ông được nhiều người biết, nhiều người nhớ. Chỉ hơi buồn, bỏ tiền ra mua tranh ông đa phần lại là… người nước ngoài.

Mỗi khi nhắc tới Thành Chương, người ta còn nhớ ngay ra ông là chủ của Việt phủ Thành Chương nổi tiếng. Cái tên ấy, lúc đầu cụ Kim Lân đặt là Biệt phủ Thành Chương vì cụ thấy cái gì ở đó cũng đặc biệt. Người ta đã ví Thành Chương là người "ăn chơi" nhất Bắc Hà cũng bởi cái Phủ này. Ông không nghiện bia bọt, rượu chè, thuốc lá. Ông nghiện mỗi chuyện… chơi.

Người ta chơi ôtô, chơi máy bay như công tử Bạc Liêu thuở nào, ông chơi đồ cổ, chơi kính, chơi đồng hồ, và sau cùng - có lẽ vậy - là cuộc chơi với Việt Phủ. Người ta chơi bời hết vài trăm triệu, ông chơi một tý… mất hàng chục tỷ đồng.

thanhchuong-tranh24.jpg
"Đêm xanh"

Nhưng mỗi khi ai đó nhắc tới Thành Chương, tôi lại nhớ tới buổi chiều đầu tiên ngồi với ông trong căn nhà ở cái hẻm nhỏ giữa ngõ Quỳnh chật hẹp của Hà Nội. Đó cũng lại là một chiều mùa đông giá rét. Vượt qua tiết trời ấy, vượt qua cả cánh cửa sắt lạnh buốt, là bước vào một "không gian văn hóa" ấm áp và độc đáo của Thành Chương.

Hôm đó, ông đã cho tôi xem những bức tranh của ông mới vẽ. Đó là những bức tranh trâu và đám trẻ mục đồng khổ lớn. Xem hết những bức tranh mới, ông lôi một tập ảnh chụp những bức tranh trâu đã vẽ. Đủ các kích cỡ. Nhưng tôi mãi không quên về những sắc màu trong những bức tranh ấy. Giữa những gam màu rực rỡ đối chọi, nét vẽ của ông cũng mê đắm và dứt khoát.

Những con trâu vươn đôi sừng hiên ngang trong "Nhảy múa cùng trâu" vẽ năm 1998. Rồi ba đứa trẻ mục đồng ngồi quanh chú trâu non trong một "Đêm xanh" có ông trăng tròn vành vạnh. Đây nữa, chú trâu trong "Giấc mơ buổi chiều" (1996) như còn ngái ngủ, không rõ đã mơ thấy gì, một đồng cỏ xanh, một thảm lúa vàng, hay những chú nghé non thơ dại? Rồi "Buổi sớm ở làng quê", "Kỷ niệm tuổi thơ", "Con trâu của tôi", "Chào năm trâu", "Những đứa trẻ chăn trâu"… vẫn khiến tôi nuôi dưỡng ước mong một ngày mình đủ tiền mua một bức tranh của Thành Chương về treo trong phòng làm việc.

thanhchuong-tranh22.jpg
"Nhảy múa cùng trâu"
thanhchuong-tranh21.jpg
"Nhảy múa cùng trâu"

Có lẽ, đến tận lúc này, tôi vẫn chưa bắt gặp thêm một họa sĩ Việt Nam nào vẽ ra những bức tranh trâu vừa ám ảnh, vừa gợi hồn làng quê Việt đến vậy. Đó là sự liên tưởng đến cánh đồng miền Bắc mùa heo heo gió bấc với những thửa ruộng chờ mưa xuân phủ xuống, những câu chuyện đồng quê của một thời mà những người may mắn lớn lên từ làng ai cũng có. Bởi thế, tranh trâu của Thành Chương, dù ông có học phong cách hội họa của phương Tây đi chăng nữa, vẫn vô cùng gần gũi với người Việt.

Khi xem tranh trâu của Thành Chương, tôi luôn nghĩ rằng, nếu không sống ở nông thôn, chưa từng đi chăn trâu đốt lửa, không hiểu sự tri kỷ của trâu - người, hay chỉ thiếu đi một chút đồng cảm tinh tế, thì ông đã không chọn con trâu với đám trẻ mục đồng làm thành đề tài dấn thân và đeo đuổi.

Tôi tin, Thành Chương vẽ những bức tranh ấy trước hết là để cho chính mình. Nó là câu chuyện của tuổi thơ ở vùng Nhã Nam - Yên Thế nơi cậu bé Nguyễn Thành Chương sinh ra, ở đất Phù Lưu, Bắc Ninh thấm đẫm văn hóa Kinh Bắc quê hương, mà Thành Chương đã kể lại qua những bức tranh đầy màu sắc. Một tuổi thơ rực rỡ sắc màu nhưng cũng thoáng nét u buồn tâm trạng…

Phủ Thành Chương ở dốc Dây Diều một chiều cuối năm Mậu Tý, thêm một lần, tôi đã đến. Thành Chương cùng vợ dẫn những người khách trong đoàn truyền hình đi giới thiệu về nhà hát thuần Việt với đá ong, cửa bức bàn bằng gỗ mít chạm khắc tinh xảo đang sắp hoàn thành.

Chếch phía bên góc kia, nghệ sĩ Chu Lượng và nhà thơ Lương Tử Đức đang say sưa lên phương án để một ngày trong năm mới này, Việt phủ Thành Chương sẽ có thêm tiết mục rối nước phục vụ du khách theo đoàn.

thanhchuong-tranh23.jpg
"Chào năm trâu"
thanhchuong-tranh2.jpg
"Bên cánh đồng xanh"

Tôi đã đi qua những nếp nhà thoang thoảng mùi trầm hương, đi qua những cầu đá bắc qua ao xôn xao bầy cá nhỏ. Tôi đã được chiêm ngưỡng những bức sơn mài khổ lớn Thành Chương mới vẽ. Tôi cố gắng tìm những bức tranh mục đồng, nhưng không thấy ông treo.

Ngồi dưới vòm đa êm đềm trồng từ hồi mở Phủ tới nay, kế bên là chú trâu bằng đá cõng trên lưng mục đồng đang thổi sáo, tôi nghĩ, đây là không gian tuyệt vời nhất để họa sĩ Thành Chương trưng bày những bức tranh "Ngủ bên trâu", "Bài ca mục đồng", "Tuổi thơ của tôi", "Đôi bạn", "Ở nơi xa thành phố"… và cả nhiều bức tranh ông mới vẽ trong thời gian gần đây mà chưa kịp đặt tên.

Không gian này là không gian của ông, do ông khát khao kiến tạo, và vì thế, nó là địa chỉ chính xác nhất để qua tranh ông, công chúng vẳng nghe thấy những tiếng mõ trâu từ một cánh đồng, một vùng quê nào đó, hay có thể lắm, từ trong ký ức hiện về.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày